Sơ lược Nam-Bắc Triều Tiên
Năm 1944 Cộng Sản Nga nhân cơ hội đánh Đức quốc xã chiếm luôn nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi, Đông Đức… và dựng lên các nước chư hầu CS tại đây.
Năm 1945 quân Nhật đầu hàng đồng minh, Triều Tiên thuộc địa của Nhật bị chia đôi, phía trên vĩ tuyến 38 thuộc ảnh hưởng Nga, phần dưới ảnh hưởng Mỹ. Tháng 10 năm 1949 Mao Trạch Đông thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sau khi chiếm gần hết Hoa Lục. Từ 1944 người Mỹ nhường cho Staline chiếm Đông Âu để nhờ Nga phụ giúp đánh quân Nhật tại mặt trận Á châu khi cuộc chiến Âu châu chấm dứt. Năm 1949 TT Truman để mất Trung Hoa vào vào CS khiến cán cân lực lượng giữa Thế giới tự do và khối CS lệch hẳn đi.
Trước năm 1945 trên thế giới chỉ có một mình nước Nga theo CS nhưng sau đó như ta đã thấy Nga chiếm và dựng lên nhiều nước CS tại Đông Âu và từ 1949, 1950 nước Trung Hoa khổng lồ cũng gia nhập hàng ngũ Đệ Tam Quốc tế. Khi nhường cho Nga chiếm Đông Âu 1944 và để mất Trung hoa năm năm sau đó, người Mỹ ngây thơ lạc quan tin tưởng Thế chiến đã hoàn toàn kết thúc. Tháng 8-1949 nước Nga thử quả bom nguyên tử đầu tiên thành công nhờ đánh cắp tài liệu Mỹ, cùng với sự thắng lớn tại Trung Hoa nay Nga không còn e sợ và công khai đối đầu với Mỹ.
Tháng 6-1950, nửa năm sau cuộc nội chiến Trung Hoa, Nga, Trung Cộng yểm trợ cho Bắc Hàn mở cuộc xâm lăng Nam Hàn gây lên cuộc chiến tàn khốc kéo dài ba năm tới tháng 7-1953 mới chấm dứt. Cuộc chiến Triều Tiên thể hiện sự thách thức của Cộng Sản Nga-Tầu đối với Mỹ, nó thể hiện sự hành trướng của Chủ nghĩa CS tại Á Châu, Hoa Kỳ bắt đầu sợ hãi mối hiểm họa diễn ra trong những ngày tháng tới
“Qua kinh nghiệm đau thương Trung Hoa và nhất là Triều Tiên, người Mỹ mới nhận ra mối nguy Cộng Sản bành trướng tại Đông Nam Á, nhưng họ biết trễ mất 5 năm”
(Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 27)
Cuộc chiến 1950-1953 đã gây cho hai miền nhiều thiệt hại nặng nề: Nam Hàn có 776 ngàn lính chết và mất tích, bị thương, gần 1 triệu thường dân chết bị thương trong khi Bắc Hàn ước lượng có một triệu 300 ngàn lính chết và bị thương, mất tích (Korean War, Wikipedia), có khoảng 1 triệu 550 ngàn thường dân chết và bị thương. Phía Mỹ có 36,516 người tử trận (United States military casualties of war, Wikipedia)
Nay dân số Nam Hàn là 51 triệu đứng thứ 27 trên thế giới, dân số Bắc Hàn 25 triệu đứng thứ 52 trên thế giới (List of countries by population, Wikipedia)
Về Tổng sản lượng kinh tế Nam Hàn nay đứng thứ 11 trên thế giới với 1, 538 tỷ Mỹ kim (một ngàn 538 tỷ), Bắc Hàn chỉ có 17 tỷ 400 triệu đứng thứ 113 trong số 211 nước trên thế giới (List of countries by GDP Wikipedia).
Lợi tức đầu người trung bình tại Nam Hàn là 29,891 Mỹ kim đứng thứ 27 trên thế giới, lợi tức đầu người Bắc Hàn 665 Mỹ kim thứ 176, còn thua xa CS Việt Nam (2,304 Mỹ kim).
Về phương diện quân sự Quốc phòng trang Hỏa lực toàn cầu (Globalfirepower.com), một tài liệu công phu uy tín cho biết Nam Hàn đứng thứ 7 trên thế giới (sau Mỹ, Nga, Trung Cộng, Pháp, Anh và trên Nhật, Thổ nhĩ kỳ, Đức..), Ngân sách Quốc phòng của Nam Hàn là 40 tỷ. Bắc Hàn đứng thứ 18 trên thế giới với Ngân sách quân sự là 7 tỷ rưỡi.
Như trên Nam Hàn hơn Bắc Hàn về mọi phương diện: Dân Nam Hàn đông gấp hai Bắc Hàn (51/25), Tổng sản lượng kinh tế gấp 90 lần Bắc Hàn (1,538/17), Lợi tức đầu người gấp 45 lần Bắc Hàn (29,891/665), Ngân sách quốc phòng gấp 5 lần rưỡi Bắc Hàn (40/7.5)… Vì thua Nam Hàn mọi mặt nên họ nghĩ ra cách để tồn tại bằng chế tạo bom Nguyên tử làm bửu bối
Vũ khí hủy diệt hàng loạt
Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, các nước khác hoặc đánh cắp tài liệu như Nga, Trung Cộng hoặc mua bí mật… Mỹ cũng là nước duy nhất đã xử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh (1945). Về số lượng, Mỹ là nước có nhiều đầu đạn nguyên tử nhất.
Từ 1940 tới 1996 (56 năm) Mỹ đã chi 8,890 tỷ đô la (theo giá tiền ngày nay) trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Ước lượng từ 1945 Mỹ đã chế tạo hơn 70,000 đầu đạn nguyên tử, nhiều hơn tổng số đầu đạn nguyên tử của các nước trên thế giới cộng lại. Sô Viết đã chế khoảng 55,000 đầu đạn NT từ 1949, Pháp chế 1,100 đầu đạn NT từ 1960, Anh chế 835 đầu đạn NT từ 1952, Trung Cộng chế 500 đầu đạn từ 1964, các nước khác có tổng cộng khoảng 500 đầu đạn. Từ 1962 Mỹ thử bom nguyên tử dưới đất (thôi thử trên mặt đất). Kho vũ khí NT của Mỹ nhiều nhất là 31,355 đầu đạn vào năm 1967, nay chỉ còn 4,018. (Wikipedia. Nuclear weapons and the United States ).
Trên thế giới nay các nước có bom hạt nhân gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Cộng, Ấn Độ, Hồi Quốc (Pakistan), Bắc Hàn, Nam Phi, ba nước thuộc địa cũ của Nga Kazakhstan, Belarus, Ukraina. Nay Nam Phi đã phá hủy bom nguyên tử đầu thập niên 90, ba nước thuộc địa cũ đã trao trả lại cho Nga.
Từ 1963 Bắc Hàn nhờ Nga Xô giúp chế tạo vũ khí nguyên tử nhưng bị từ chối, họ chỉ giúp phát triển nguyên tử phụng sự hòa bình, sau này Trung Cộng cũng từ chối giúp, dù Mỹ, Nga, Trung Cộng đều không muốn phổ biến thứ giết người hàng loạt cho các nước nhỏ.
Thập niên 90, Bộ thông tin Bắc Hàn tuyên bố Mỹ đã đe dọa Bắc Hàn bằng vũ khí nguyên tử, họ muốn xóa bỏ Bắc Hàn, năm 1994 (thời TT Clinton) Bắc Hàn thỏa thuận với Mỹ hủy bỏ chương trình chế tạo bom nguyên tử để bình thường hóa quan hệ và được trợ giúp về năng lượng. Năm 2002 Bắc Hàn cho Mỹ biết họ chưa có bom nguyên tử nhưng có quyền làm bom nguyên tử, họ đuổi tranh tra thuộc sở Nguyên tử năng quốc tế. Năm 2003 Bắc Hàn rút ra khỏi Thỏa ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử là lá bài của họ để Mỹ không can thiệp vào Triều Tiên và Nam Hàn không được đe dọa họ.
Chương trình chế tạo bom nguyên tử của Bắc Hàn bắt đầu từ thập niên 80. Ngày 9-10-2006 Bắc Hàn tuyên bố thử thành công bom nguyên tử ngầm dưới đất nhỏ hơn một kiloton (1 kiloton bằng 1,000 tấn TNT). Ngày 6-1-2007 họ tuyên bố có bom nguyên tử.
Ngày 17-3-2007 Bắc Hàn tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy chế tạo bom nguyên tử, sau đó Bắc Hàn ký một thỏa thuận với Nam Hàn, Mỹ, Nhật, Trung Cộng, Nga để đổi lấy viện trợ về nhiên liệu, Hiệp ước này bị hủy bỏ khi Bắc Hàn phóng vệ tinh năm 2009. Ngày 25-5-2009, Bắc Hàn thử bom nguyên tử lần thứ hai được ước lượng từ 2 tới 7 kilotons tại một tỉnh đông bắc của Triều tiên, cuộc thử nghiệm đã đưa tới động đất.
Tháng 2-2012, Bắc Hàn lại tuyên bố chấm dứt thử bom hạt nhân và thương thuyết với Mỹ cho phép cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới điều tra, Mỹ tuyên bố Bắc Hàn có thiện chí và chở viện trợ nhân đạo tới giúp Bắc Hàn. Sau đó tháng 4-2012, Bắc Hàn lại phóng hỏa tiễn tầm xa và Mỹ không cấp cho họ thực phẩm nữa.
Ngày 11-2-2013, Bắc Hàn bá cáo thí nghiệm bom hạt nhân lần thứ ba thành công và một đầu đạn nguyên tử mạnh hơn trước, Nam Hàn ước lượng nó vào khoảng từ 6 tới 9 kilotons, một trung tâm nghiên cứu Đức nói nó khoảng 40 kilotons nhưng tới thàng 1- 2016 người Đức duyệt lại và nói nó chỉ vào khoảng 14 kilotons.
Ngày 6-1-2016 Bắc Hàn thử nghiệm bom nguyên tử lần thứ tư, họ nói là đã thử nghiệm thành công bom khinh khí H nhưng chuyên viên Nam Hàn không tin là họ có bom H. Các nước trên thề giới và cả NATO, Trung Cộng đã lên án Bắc Hàn đe dọa an ninh thế giới và vi phạm Quyết định của Liên Hiệp Quốc. Ngày 7-2-2016 Hắc Hàn phóng vệ tinh. Ngày 9-9-2016 họ thử nghiệm bom nguyên tử lần thứ năm và cho biết có thể để trên hỏa tiễn bắn đi xa.
Ngày 18-2-2017 Trung Cộng tuyên bố ngưng nhập cảng than của Bắc Hàn để chống chương trình làm hỏa tiễn gắn đầu đạn nguyên tử của họ, ngày 6-3-2017 Bắc Hàn phóng bốn hỏa tiễn về phía biển Nhật Bản đã bị Nam Hàn và Liên Hiệp Quốc lên án. Ngày 15-4-2017, Bắc Hàn tổ chức duyệt binh nhân ngày sinh 105 của chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội Kim Jong Un, họ thử hỏa tiễn lần thứ sáu nhưng thất bại. Ngày 16-4-2017 Bắc Hàn cho thử một hỏa tiễn nhưng nó nổ tung ngay sau khi phóng, gần cuối tháng Trung Cộng cho biết nếu Bắc Hàn còn thử nghiệm nữa sẽ bị họ trừng phạt kinh tế. Ngày 28-4-2017 Bắc Hàn lại phóng hỏa tiễn nhưng bị nổ ngay
Ngày 4-7-2017 họ phóng một hỏa tiễn lên cao kéo dài 39 phút (930 km), Mỹ tiên đoán Bắc Hàn sẽ có hỏa tiễn liên lục địa vào năm 2018. Ngày 28-7-2017 họ phóng một hoản tiễn cao 3,700 km chạy được 1,000 km, có thể bắn tới Mỹ.
Ngày 3-9-2017, họ tuyên bố thử nghiệm bom khinh khí (H), ước lượng 250 kilotons, người Mỹ ước lượng Bắc Hàn có khoảng 60 đầu đạn nguyên tử loại nhỏ.
Cuối tháng 11-2017, họ phóng một hỏa tiễn tầm cao 4,500 km, bay xa khoảng 1,000 km, rơi xuống biển Nhật Bản, kéo dài 53 phút, các chuyên viên cho là có thể bắn tới Mỹ.
Chi phí chế tạo bom nguyên tử
Bắc Hàn coi vũ khí nguyên tử là lá bài để không bị Mỹ , Nam Hàn tấn công và giữ thế mạnh trong các cuộc đàm phán. Như đã nói cả Nga và Trung Cộng đã không giúp họ chế tạo bom nguyên tử vì không muốn các nước nhỏ có vũ khí nguy hiểm này, họ sợ Mỹ đưa chiến tranh vào bán đảo Triều tiên. Bắc Hàn chỉ là một nước nhỏ nghèo đói vào bậc nhất trên thế giới với Tổng sản lượng kinh tế chỉ có 17 tỷ 400 triệu Mỹ kim (Ước lượng của LHQ), nhưng đã xử dụng tới 43% TSL cho Quốc phòng (7 tỷ rưỡi). Họ bóc lột nhân dân xương tủy để bảo vệ chế độ trường tồn.
Bắc Hàn đã kiếm ngoại tệ cho chương trình vũ khí hạt nhân bằng: Buôn bán vũ khí trái phép, buôn lậu ngà voi, sừng tê giác, thuốc tây, mở nhà hàng, quán ăn tại một số nước. Trước đây họ bán hỏa tiễn tầm ngắn cho một số nước Trung Đông nhưng gần đây các nước này không muốn mua vũ khí Bắc Hàn vì nó chỉ là nhái lại theo công nghệ Nga đã lạc hậu lỗi thời.
Họ xuất khẩu lao động, tiền lương của 50 ngàn công nhân làm việc cho 123 hãng Nam Hàn tại khu công nghiệp Kaesong (phía trên vĩ tuyến 38) mang lại cho Bắc Hàn 516 triệu đô la từ 2004. Bắc Hàn lấy tiền đô la của 50 ngàn công nhân đổi ra tiền Hàn phát lại cho họ. Giữa thập niên 2000, họ gửi công nhân ra nước ngoài (trên 40 nước) để lấy ngoại tệ.
Kết luận
So sánh về sức mạnh quân sự tôi xin dựa trên Ngân sách Quốc phòng, năm 2017 NSQP của Mỹ 610 tỷ, năm 2018 sẽ tăng lên 700 tỷ, NSQP của Mỹ hiện
-Bằng NSQP của 9 nước top ten hàng đầu thế giới về quân sự cộng lại
-Hơn gấp 2 lần NSQP của khối NATO (28 nước không kể Mỹ, 304 tỷ)
-NSQP Mỹ gấp gần 100 lần NSQP Bắc Hàn (700/7 tỷ rưỡi), vì vậy về sức mạnh quân sự Mỹ như hùm beo, Bắc Hàn chỉ là chuột nhắt. Dù là trong chiến tranh cổ điển cũng như nguyên tử Mỹ thừa sức nghiền nát Bắc Hàn.
Ngày 5-8-2017 Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc chấp thuận quyết định mới trừng phạt kinh tế Bắc Hàn để buộc họ trở lại bàn hội nghị về chương trình hỏa tiễn và nguyên tử của họ. Liên Hiệp Quốc cấm xuất cảng quặng mỏ và hải sản trị giá hơn $1 tỉ, khoảng 1/3 tổng số trị giá xuất cảng của Bắc Hàn năm ngoái. Cấm các nước không cho tăng số nhân công từ Bắc Hàn vào làm việc. Cấm liên doanh đầu tư mới với Bắc Hàn.
Quyết định này làm Kim jong-Un căm giận cho là Mỹ dựng lên, ông ta hăm dọa bắn hỏa tiễn vào đảo Guam giữa tháng 8 để trả đũa.
Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn leo thang, tháng 8 và cuối tháng 10-2017, Mỹ đã đưa ba hàng không mẫu hạm cùng nhiều chiến hạm khác tới vịnh Bắc Hàn. Các vị đô đốc đã sẵn sàng tác chiến chỉ chờ lệnh của Tổng thống nhưng Bắc Hàn nhượng bộ dần. Kim Jong Un cử vận động viên và phái đoàn cao cấp Bắc Hàn tham dự Thế vận hội mùa đông tại Hán Thành ngày 9-2-2018.
Bắc Hàn chịu xuống thang, ngày 27-4-2018 cuộc họp Thượng đỉnh giữa TT Nam Hàn Moon Jae In và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un mang nhiều hy vọng hòa bình tràn trề cho bán đảo Triều Tiên cũng như Đông Nam Á. Đây là cuộc họp Thượng đỉnh lần thứ ba sau những lần họp 2000 và 2007. Người dân Nam Hàn phấn khởi mong mỏi hòa bình nhưng chẳng tha thiết gì chuyện thống nhất để phải nuôi báo cô một đất nước đói khát lạc hậu.
Bắc Hàn cũng chịu nhượng bộ sẵn sàng họp với TT Trump dự trù ngày 12-6 sau đó lại đổi ý yêu sách phía Mỹ và có nhiều lời vô phép với phó TT Mike Pence khiến TT Trump hủy bỏ Thượng đỉnh. Nay Bắc Hàn vẫn muốn họp vì đang bị điêu đứng bởi trừng phạt của Liên Hiệp Quốc
Hiển nhiên Cộng sản chỉ chịu thương thuyết, nhượng bộ khi chúng yếu, sở dĩ Bắc Hàn bất ngờ xuống nước phần vì bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt, các nước trên thế giới kể cả Nga, Trung Cộng đều lên án chính sách hiếu chiến của Kim Jong Un. Ngoài ra Bắc Hàn phải đương đầu với một chính phủ Mỹ cứng rắn sẵn sàng với kế hoạch quân sự nếu thất bại về ngoại giao.
Họ chế tạo bom nguyên tử mục đích để bảo vệ chế độ cho dù là chế độ bất nhân, tàn bạo, thối tha, lạc hậu… để chúng tiếp tục ăn trên ngồi chốc cùm kẹp nhân dân. Những tháng cuối năm 2017 vừa qua Kim Jong Un đã thách thức Mỹ rất trẻ con và nguy hiểm, Un hoan hỉ tuyên bố có thể bắn hỏa tiễn tới Mỹ. Thái độ gây hấn của Un rất nguy hiểm cho chính Bắc hàn vì người Mỹ trong quá khứ đã trả thù đối phương vô cùng tàn bạo.
Trong một cuốn phim Mỹ về trận Trân Châu cảng, người thuyết trình viên cho biết hải quân Nhật oanh tạc căn cứ này cuối năm 1941 giết hại ba ngàn lính Mỹ, tới 1945 chúng ta mới trả thù được bằng cuộc ném bom nguyên tử xuống đất Nhật. Họ công khai nhìn nhận ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki là để trả thù. Ngoài ra những trận oanh tạc long trời lở đất bằng pháo đài bay những năm 1944, 1945 đã khiến sáu chục thành thành phố lớn của Nhật thành những đống gạch vụn, người ta ước lượng từ 241 ngàn tới 900 ngàn người thường dân bị thiệt mạng.
Bắc Hàn trông cái gương nước Nhật để đừng gây chiến với Mỹ, họ chỉ cần phóng một quả hỏa tiễn vào địa phận Mỹ cũng đủ khiên miền Bắc vĩ tuyến thứ 38 Triều Tiên nát như tương như cám.
Trung Cộng đã xác định họ sẽ đứng trung lập nếu có chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Hàn, tuy nhiên họ không đồng ý Mỹ thay đổi chế độ tại đây. Bắc Hàn quá lo xa, Tây phương, Mỹ lật đổ chế độ độc tài Iraq, Lybia vì vấn đề dầu hỏa, họ chẳng thừa xương máu để đánh chiếm một đất nước chết đói, chó ăn đá gà ăn muối như miền Bắc Triều Tiên.
Tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, TT Trump tuyên bố có thể xóa bỏ Bắc Hàn để tự vệ nếu cần. Cố vấn an ninh McMaster nói về kế hoạch tấn công phòng ngừa Bắc Hàn nếu họ đe dọa Mỹ bằng vũ khí nguyên tử. Lập trường của chính phủ Trump rất cứng rắn và rõ rệt: Bắc Hàn phải giải giới hoàn toàn vũ khí nguyên tử để đổi lại được Mỹ giúp phát triển kinh tế thịnh vượng, cái gậy to nhưng củ cà rốt cũng thật béo bở. Gần đây trong bức thư gửi cho họ Kim để hủy bỏ cuộc họp Thượng đỉnh, TT Trump nói:
“Tiềm lực của Mỹ thực sự lớn và mạnh tới mức tôi cầu Thượng đế rằng chúng sẽ không bao giờ được sử dụng”.
Ngày 24-5 khi TT Trump tuyên bố hủy cuộc họp Thượng đỉnh tại Singapore, một tờ báo đánh giá TTTrump nói: Cuối cùng ông ta cũng đi vào vết xe ngoại giao khó khăn, nó đã khiến các Tổng thống trước bối rối từ 25 năm qua là không thể làm cho cái chế độ ương ngạnh này hủy bỏ chương trinh hạt nhân mà nó coi như con đường duy nhất để sống còn.
(But Trump ultimately ran into the same diplomatic quandary that has flummoxed U.S. presidents for the past 25 years: the inability to persuade a stubborn regime to give up a nuclear program that it regards as key to its survival.)
Tôi nghĩ TT Trump không nhu nhược, vì biết là ông dám làm thật nên Kim đã thôi không đùa dỡn với tử thần. Trong trường hợp tự vệ người Mỹ không cần phải xử dụng vũ khí nguyên tử, hỏa lực ồ ạt của hạm đội cũng thừa sức đè bẹp Bắc Hàn chỉ trong mấy ngày, giết gà chẳng cần tới dao mổ trâu. Chính phủ Trump yêu chuộng hòa bình, con đường ngoại giao là chính, tuy nhiên ông Trump cũng nói không loại trừ giải pháp quân sự.
Nay khó có thể tiên oán diễn biến đàm phán Hoa Kỳ-Bắc Hàn mang lại hòa bình thành công hay thất bại nhưng quyết định của chính phủ Trump không thể lay chuyển được. Có thể họ bị ám ảnh bởi những sai lầm trong quá khứ và không muốn đi vào vết xe đổ của lịch sử thập niên 40: Năm 1944 Mỹ đã nhường Đông Âu cho Nga, năm năm sau, 1949 họ làm mất Trung Hoa vào tay Cộng sản để rồi phải gánh chịu hậu quả di hại muôn đời. Và bây giờ họ muốn giải quyết đứt điểm tận gốc hiểm họa Triều tiên một lần cho xong.
Trọng Đạt
—————————————-
Tham khảo
Tổng hợp:
North Korea and weapons of mass destruction, Wikipedia
Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều tiên và vũ khí hủy diệt hàng loạt, Bách khoa toàn thư
List of countries by GDP (nominal), Wikipedia
List of countries by GDP (nominal) per capita, Wikipedia
Globalfirepower.com
Triều Tiên tồn tại thế nào trước cuộc tấn công của Mỹ, Zing.VN
List of countries by population (United Nations), Wikipedia
Henri Navarre, Agonie de l’Indochine