Việt báo: Giải Tinh Thần Thiên An Môn Trao Tặng Cho Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

0
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng thay mặt Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam nhận giải.

LOS ANGELES (PTH/VB) – Tổ chức Visual Artists Guild (VAG) hôm Thứ Bảy 27/5/2017 đã trao tặng cho Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam giải thưởng Spirit of Tiananmen Award (Giải Tinh Thần Thiên An Môn) vì các hoạt động hỗ trợ nhân quyền của MLNQVN hai thập niên vừa qua. Buổi Lễ Tưởng Niệm Năm Thứ 28 Trận Thảm Sát Thiên An Môn của VAG cũng trao tặng các Giải thưởng Tự Do Phát Biểu (Champion for Freedom of Speech Award) cho: — Lam Wing-Kee, người sáng lập tổ chức Causeway Bay Books tại Hồng Kông, cũng là người từng bị công an TQ bắt cóc và vu khống về tội nhập lậu sách cấm từ Hồng Kông vào Hoa Lục, điều mà ông bác bỏ. — 4 luật sư nhân quyền vắng mặt, trong đó thay mặt nhận giùm là 3 người vợ của 3 trong nhóm 4 luật sư bị nhà nước CS Trung Quốc giam cầm.

Thay mặt nhận Giải cho Mạng Lưới Nhân Quyền VN là Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, hiện là người điều hợp hoạt động của MLNQVN. Thay mặt 4 luật sư nhân quyền đang bị giam trong nhà tù TQ là quý bà: Jin Bianling (vợ của LS Jiang Tianyong), Wang Yanfang (vợ của LS Tang Jingling); Chen Guiqiu (vợ của LS Xie Yang). Luật sư nhân quyền trong danh sách nhận giải nhưng không có thân nhân là: LS Li Heping. Buổi lễ khởi đầu bằng lời phát biểu của bà Ann Lau, và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trận thảm sát 28 năm trước ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, khi hàng trăm ngành sinh viên Trung Quốc biểu tình đòi dân chủ và bị quân đội đưa xe tăng vào đàn áp. Câu chuyện gây nhiều quan tâm nhất là trường hợp bà Chen Guiqiu: bà kể rằng bà dẫn 2 cô con gái trốn được từ TQ sang Thái Lan, nhưng cảnh sát Thái Lan bắt giam và chuẩn bị bàn giao cho an ninh TQ để làm thủ tục trục xuất cả 3 mẹ con từ Bangkok về Trung Quốc.

Một viên chức di trú Thái Lan chỉ cho bà Chen xem màn hình cho thấy cổng trại giam, nơi đó có hơn một tá an ninh TQ đang chờ cai tù Thái Lan bàn giao bà cho họ. Bà Chen kể, như thế là vài phút nữa, bà và 2 con gái sẽ bị bàn giao về TQ, nơi chồng bà, luật sư nhân quyền Xie Yang, đang bị giam về tội “kích động lật đổ nhà nước” và chắc chắn là nơi đó ba mẹ con sẽ bị trừng phạt. Và cũng rất may mắn, khi thủ tục bàn giao ba mẹ con cho an ninh TQ chưa xong, các viên chức Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan đã vào được trại tạm giam và dẫn bà Chen và 2 cô con gái ra bằng cửa sau. Câu chuyện xảy ra y hệt truyện gián điệp: an ninh TQ khi thấy xe vọt từ cửa sau nhà giam tù nhân di trú mới phóng xe rượt theo, và rồi an ninh của 3 chính phủ kình nhau ở phi trường Bangkok: an ninh TQ, viên chức ngoại giao Thái Lan, viên chức Mỹ gây nhau dữ dội về chuyện ai có quyền bắt giữ (hay bảo vệ cho) bà Chen và 2 con gái. Lúc đó là tháng 3/2017. Thế là Mỹ cứu kịp bà Chen và 2 con gái sang Mỹ để ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về tình hình nhân quyền ở TQ. Trong đêm trao giải nhân quyền hôm Thứ Bảy 27/5/2017, bà Chen nói rằng bà cảm ơn Tổng Thống Trump và chính phủ Mỹ đã cứu bà khỏi bị chính phủ Thái Lan bàn giao cho Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là trường hợp đặc biệt và hy hữu, vì nhân viên sứ quán Mỹ tìm cách vào nhà tù Thái Lan để cứu ba mẹ con bà Chen ra cũng vì con gái út 4 tuổi của bà là công dân Mỹ. Bà Chen sinh cô bé út trên đất Mỹ hồi 4 năm trước, vào lúc Xie đang làm công việc nghiên cứu ở Mỹ. Hễ sinh ở đất Mỹ, là tự động có quốc tịch Mỹ. Rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền TQ trốn được sang Thái Lan, nhưng khi bị bắt đều bị Thái Lan trục xuất về TQ.
 

Câu chuyện căng thẳng khác là do ông Lam Wing-kee kể, rằng một cộng sự tên là Lee Po trong tiệm sách và nhà xuất bản bị công an TQ bắt cóc từ Hồng Kông để đưa vào Hoa Lục. Lam Wing-kee kể rằng khi ông Lam vào thăm một người bạn ở Shenzhen hồi tháng 10 năm ngoái, cũng bị công an bắt cóc, vu tội là nhập lậu nhiều ngàn sách cấm từ Hong Kong vào Hoa Lục. Lam bác bỏ mọi cáo buộc, và nói rằng công an TQ vi phạm luật “một quốc gia, hai chế độ” đối với cư dân Hong Kong. Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng khi nhận giải cho Mạng Lưới Nhân Quyền VN đã mời ba cựu tù nhân chính trị cùng lên để trình bày về những đàn áp của CSVN đối với các quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, vân vân. Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng trong bài phát biểu đã nói bằng tiếng Anh, sau lời chào và chúc mừng là (tóm lược ý): “Đây là vinh dự lớn để có mặt nơi đây để tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trận thảm sát Thiên An Môn, và để thay mặt Mạng Lưới Nhân Quyền VN nhận giải Tiananmen Spirit Award (TSA). Nhận giải thưởng uy tín này nên là một lý do để vui mừng lớn, không chỉ với thành viên Mạng Lưới Nhân Quyền VN nhưng cũng cho những người đã hỗ trợ chúng tôi, cũng như những người đã được chúng tôi hỗ trợ trong 20 năm qua. Chúng tôi trân trọng cảm ơn Hội đồng Điều hành tổ chức Visual Artists Guild đã chọn tổ chức chúng tôi cho giải TSA năm nay. Đây là một khích lệ lớn cho chúng tôi để tiếp tục cuộc chiến vì nhân quyền và tự do cho dân tộc Việt Nam. Tôi cũng gửi lời chúng mừng những người được giải thưởng năm nay: ông Lam Wing Kee, và các luật sư nhân quyền Xie Yang, Li Heping, Wang Quanzhang và Jiang Tianyong, với các vị hiền thê của họ đại diện đêm nay. Chúng tôi rất khâm phục lòng can đảm và kiên trì của quý vị trong việc bênh vực và bảo vệ nhân quyền cho dân Trung quốc, và chúng tôi rất hãnh diện chia sẻ vinh dự này với quý vị. Thực sự, tôi nghĩ rằng vinh dự MLNQVN nhận được hôm nay phải thuộc về các nhà hoạt động nhân quyền trong VN, bởi vì chính họ đã trực diện độc tải cộng sản, bất kể nguy hiểm và khó khăn. Đó là lý do vì sao tôi muốn giới thiệu với quý vị một vài trong những người can đảm đó, những người đã trải qua kinh nghiệm nhà tù CSVN.”

Nhà biên khảo Phạm Trần Anh bị CSVN bắt ngày 3 tháng 7 năm 1977 và bị tuyên án tù chung thân vì tội danh “Hoạt động lật đổ chính quyền”. Hơn 20 năm sau, nhờ sự can thiệp liên tục của Hội Ân Xá Quốc Tế, Phạm Trần Anh được trả tự do ngày 3 tháng 8 năm 1997. 

Ông Vũ Hoàng Hải trong tổ chức Bạch Đằng Giang mà CS Việt Nam coi là ‘phản động’, bị bắt cùng nhiều chiến hữu từ tháng 9/2006, ra tòa tháng 4/2008. Bị hai năm tù giam và hai năm quản chế vì tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam.’ Vũ Hoàng Hải sau khi rời nhà tù, bị đánh rạn xương cổ, được đưa đi Mỹ diện tị nạn đặc biệt, với giấy hộ chiếu đặc biệt do Đại Sứ Mỹ Michael Michalak trao cho.

Ông Huỳnh Nguyên Đạo, tức nguyên ủy viên trung ương đảng DCND, bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt ngày 15 tháng 8 năm 2006, tuyên án hai năm rưởi tù và 2 năm quản chế, vu cáo tội “88”, tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN. Nhập cảnh Hoa Kỳ thuộc diện tỵ nạn chính trị.

Quý ông Phạm Trần Anh, Huỳnh Nguyên Đạo, Vũ Hoàng Hải đã tuần tự có những phát biểu ngắn về bản thân, nêu lên hoàn cảnh bị áp bức tương tự của VN và TQ, và kêu gọi các nhà hoạt động nhân quyền VN và TQ hãy hỗ trợ nhau.

Bên phải là 3 thiếu nữ gốc Việt cùng giới trẻ biểu tình hỗ trợ Hồng Kông 2014.

Cũng rất đặc biệt, ban tổ chức lễ tưởng niệm Thiên An Môn đã mời 3 nhà hoạt động nhân quyền trẻ Hoa Kỳ gốc Việt: 3 thiếu nữ này trong năm 2014 đã cùng giới trẻ Quận Cam tổ chức biểu tình hỗ trợ cuộc chiến đòi dân chủ của Cách Mạng Chiếc Dù Vàng (the Umbrella Revolution), khi giới trẻ Hồng Kông chiếm đường phố, cắm lều nhiều ngày đêm làm tê liệt những đường phố chính.

Nhóm ba phụ nữ hoạt động trẻ gốc Việt này là: Thu Hà Nguyễn (nghị viên Garden Grove), Thanh Nguyễn (Gia Đình Phật Tử Thiền Quang) và Hoa Võ (Thanh Niên Cao Đài).

Ba thiếu nữ gốc Việt đã bước lên, và cô Thu Hà Nguyễn (nghị viên Garden Grove) thay mặt ba cô đã trình bày rằng ước mơ dân chủ tự do của dân TQ và VN y hệt nhau, và cuộc chiến đấu của ước mơ dân chủ này cần được hỗ trợ.

Được biết, khi buổi lễ gần xong, nhà hoạt động Tiêu Sơn đã gửi nhiều tấm ảnh lên Facebook. Và nhà hoạt động Tâm An Nguyễn đã chiếu trực tiếp truyền hình livestream lên Facebook. Giới truyền thông tham dự còn có Nguyễn Kinh Doanh, Huỳnh Lương Thiện, Uyên Vũ, Phan Tấn Hải.

Cũng cần nhắc rằng, nhiều ấn bản tiếng Anh về Báo Cáo Nhân Quyền Việt Nam 2016-2017 cũng được MLNQVN phát ra trong buổi lễ.

(Phan Tấn Hải/Việt Báo)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên