Vài điều luận về quyết tâm của ông Trọng

0
TBT Nguyễn Phú Trọng

Nhiều người nói ông Trọng, Tổng bí thư đảng cầm quyền hiện nay, là người có nhiều bệnh. Lại cũng nhiều người tỏ ra thông cảm, ông Trọng, đã 74 tuổi, đã thuộc diện «xưa nay hiếm», nên bệnh là đương nhiên, «chả có gì khó hiểu» và cũng chẳng nên trách cứ ông ta làm gì».

Không, tôi không trách gì, và nhiều người Việt Nam chắc cũng không nỡ trách oán gì ông. Những điều ông đang làm, từ một góc nhìn nào đó, còn có thể nói là ông đang làm một cách tich cực và đang có hiệu quả. Ít nhất thì từ trước tới giờ, chưa có một nhân vật nào trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản làm được như vậy. Người ta đồng hành, ủng hộ ông, dù chưa hẳn do ngưỡng mộ ông mà chỉ đơn thuần là căm thù cái lũ ăn ắp đốn mạt. Chỉ vì người tự hỏi, cái lũ đốn mạt ấy ở đâu mà ra. Bọn ấy nếu biến đi, thì bọn sắp đến là bọn nào?

Người ta, trong đó có tôi, chỉ tiếc là cái công việc ông đang làm không phải được thúc đẩy bởi một động cơ chính đáng, một động cơ thực chất, tức là ông thực tâm muốn chống tham nhũng vì dân, vì nước.

Ông gọi công cuộc chống tham nhũng của ông là việc diệt chuột, nhưng «đánh chuột thế nào để không vỡ bình», nghĩa là ông không diệt chuột vì tài sản quốc gia, vì lợi ích người lao động, vì dân vì nước, mà là giữ cho cái «bình» của ông không vỡ. «Bình» của ông sẽ vỡ, nếu nó chứa quá nhiều chuột và nếu không phải ông là người diệt chuột, thì dân cũng sẽ nổi lên diệtchuột, và cái bình của ông sẽ bể vỡ theo. Nói cho rõ ra, là ông diệt chuột tham nhũng là để bảo vệ đảng của ông, bảo vệ cái chế độ mà đảng của ông cầm quyền mà ông đang là người trên cùng. Thế có nghĩa là ông diệt tham nhũng là vì ông.

Và nó chỉ cần không vỡ trong thời gian ông tại vị.

Bởi vì, không ai tin được rằng, một người «lú» khôn ngoan như ông lại không hiểu rằng, tham nhũng không thể bị tiêu diệt bằng ý chí chủ quan và chỉ bằng giáo dục đạo đức.

Tham nhũng là sản phẩm của cặp bài «Quyền lực cộng với Tài sản vô chủ». Ông nói «phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật», trong khi «đất đai là sở hữu toàn dân», rừng, biển, tài nguyên khoáng sản là tài sản do «nhà nước quản lý», tiền vốn, trang thiết bị của các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, các tổng công ty quốc doanh là tài sản do chính phủ làm «đại diện chủ quản chủ sở hữu». Thực chất, tất cả đều là tài sản vô chủ.

Cái «pháp luật» của ông, suy cho cùng, cũng chỉ là ý chí của đảng. Chính ông là người gọi hiến pháp «là thể chế hoá cương lĩnh đảng», nó không đại diện ý chí của dân, nên làm gì có tư cách pháp luật. Thực chất nó không là pháp luật, vì nó có nghĩa vụ tuân thủ nghị quyết đảng, phục tùng sự chỉ đạo thống nhất của đảng. Đảng là Bộ chính trị, là ý chí của người đứng đầu đảng. vào lúc này là ông.

Vì vậy, khi ông nói nhốt quyền lực vào cái «lồng» này, thì chỉ là việc quanh quẩn. Cái lồng ấy do đảng tạo ra, là công cụ trong tay đảng, thì chỉ cần là «đảng», cụ thể là ở mỗi cấp của tháp quyền lực, chỉ cần là người hay nhóm người trên đỉnh tháp, tức là: hoặc là Tổng bí thư, hay Bộ chính trị, hay Ban bí thư ở Trung ương, hoặc là bí thư tỉnh uỷ, huyện uỷ hay thường vụ cấp uỷ nếu là địa phương, đủ để tự do «mở» hay vô hiệu hoá cái lồng «pháp luật riêng» đó.

Nếu đất là tài sản thuộc sở hữu cá nhân như mọi loại tài sản tư hữu khác, thì dù có nghĩa vụ chấp hành quy hoạch, mọi sự chuyển đổi chủ sở hữu phải là chuyện thuận mua vừa bán, không thể bắt người ta bán theo giá mình muốn. Khi đó, mọi cưỡng chế đều vi phạm pháp luật. Khi một đứa bé đi tù ba năm chỉ vì ăn cắp một chiếc bánh mì, thì chuyện ăn cắp đất của quan lại chính quyền phải xử chung thân.

Trong ba nguyên tắc chống tham nhũng gồm: không muốn, không cần, và không thể thì nguyên tắc không thể có ý nghĩa quyết định. Tham nhũng là việc biến tài sản không của mình thành của mình, thực chất là ăn cắp. Nếu người ăn cắp không thể không bị bắt, thì sẽ ít người dám ăn cắp. Nếu tài sản ăn cắp dứt khoát bị thu hồi và chịu phạt gấp hàng trăm lần thì sẽ bớtngười ăn cắp. Cuối cùng và quyết định nhất là không có cái gì để ăn cắp và có thể ăn cắp được.

Ông Trọng chỉ làm một việc bằng việc giáo dục lý tưởng chủ nghĩa Mác và học tập thứ đạo đức do đảng gán ghép cho ông Hồ Chí Minh để cho hệ thống quan lại của ông «không muốn» tham nhũng. Ông không biết làm gì và cũng không thể làm gì để hệ thống quan lại đó «không cần» tham nhũng. Còn nội dung thứ ba, nội dung cần làm nhất, thì ông hoàn toàn không làm gì.

Ông thừa hiểu, tiêu diệt tham nhũng là tiêu diệt cặp phạm trù Quyền lực và Tài sản công. Quyền lực chỉ có thể kiểm soát được bằng pháp luật thật, pháp luật của dân do dân và vì dân, loại Pháp luật độc lập với quyền lực nhà nước. Tài sản côngcộng sẽ biến mất khi trong xã hội không tồn tại loại tài sản vô chủ, nghĩa là phải sở hữu hoá mọi thứ tài sản, bất cứ loại tài sản nào đều phải có chủ sở hữu cụ thể, có tên tuổi, có pháp nhân, có quyền mua bán chuyển nhượng và đương nhiên có thể đứngtrước Toà.

Ông kiên quyết không tư hữu hoá ruộng đất, kiên quyết không trả đất về cho dân. Ông cổ suý cho kinh tế quốc doanh, tăng vốn, tăng tài sản, tăng thiết bị để càng ngày càng trở thành lực lượng quyết định, «giữ vai trò chủ đạo» trong nền kinh tế.

Không thể hiểu được ông chống tham nhũng, khi ông chống lại quyền lực độc lập của Tư pháp, và cổ suý việc tăng tài sản vô chủ làm mồi nhử cho bọn ăn cắp.

Nếu tin vào cái bằng Tiến sĩ triết học của ông, tin vào sự khôn ngoan đã đưa ông lên vị trí đứng đầu một đảng cầm quyền, thì phải hiểu rằng ông đã cố tình sử dụng công cụ chống Tham nhũng cho mục đích của cá nhân ông hay nhiều lắm là của đảng của ông. Chắc chắn nó không vì lợi ích dân tộc.

Tôi và rất nhiều bạn bè của tôi, người thân của tôi ủng hộ ông, có một chút cảm ơn ông, nhưng thú thật, không tin vào thực tâm của ông.

Ước gì ông bước tiếp bước nữa, đi đến tận cùng của công cuộc chống tham nhũng này, cái công cuộc mà có người nói là ông «thế thiên hành đạo», đó là việc ông cho quyền Độc lập của Pháp Luật. Bỏ cái «tách biệt chức năng nhưng thống nhất chính trị» đi. Pháp Luật mà các ông phân công nhau quản lý, thì sao còn là Pháp luật nữa!

18/05/2018

Bùi Quang Vơm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên