Hôm nay đã là 23 tháng Chạp, ngày đưa Ông Táo về trời. Nhã vẫn giữ tục lệ tiễn đưa Táo Quân như Mẹ vẫn làm.
Thời tiết Huế mùa này thường có những cơn mưa dai dẳng năm, bẩy ngày liên tục. Mưa rơi đều, bụi mưa như làn sương mỏng nhẹ nhàng. Mưa Huế không ồn ào, không nổi bong bóng như mưa Sài Gòn. Những làn mưa mỏng nhưng để lại cái rét thấm vào da thịt từ từ buốt giá. Những ngày giá lạnh Nhã thường ôm cái lồng ấp trong đựng mấy cục than hồng để sưởi ấm. Có lần Nhã đề nghị làm một cái cho anh, anh cười và nói, “Anh là lính được ở nhà với em như thế này đã hơn nhiều người rồi.” Mấy đứa con chạy đùa rỡn với nhau chỉ cần được cho mặc đủ ấm.
Căn nhà vắng lặng sau bữa ăn sáng của cả gia đình. Anh T. chồng nàng đã đi làm. Các con đã đến trường. Cái Lộc đã đi chợ mua những thứ cần thiết để chiều hôm nay bày cúng ông Táo. Nhã trở vào buồng trong, xách chiếc dỏ đựng mấy cuộn len đang đan dở, trở ra ngồi vào chiếc ghế bành. Chiếc ghế Nhã thường ngồi để đan và nhìn ra ngoài cửa kính, có một khu vườn nhỏ trồng nhiều loại hoa khác nhau, điểm thêm vài loại rau thơm như húng, tía tô v…v. Những ngày nắng ấm Nhã ra chăm sóc nhìn những cọng hành xanh nhỏ nhắn xuyên qua mớ rơm để lú lên khỏi củ, mong manh xinh đẹp biết bao. Rồi những hoa cải vàng nổi bật trên luống rau diếp xanh non. Nhã vừa nhặt cỏ vừa ngắm nhìn không biết chán. Hơn một tuần nay cơn mưa không dứt, Nhã chỉ loanh quanh ở trong nhà, đan cho xong chiếc áo len, chiếc áo Nhã dành cho đứa con út mới học lớp một.
Ngoài trời âm u, từng cụm mây xám xịt lững lờ trôi. Nhã chợt thở dài, cơn buồn từ đâu kéo đến, ký ức hiện về cả một khoảng thời gian sống cùng Mẹ và các em. Ngày hai mươi tám tháng Chạp là ngày Mẹ ra đi, nay đã bốn năm. Chợt tiếng An, người quản gia, “Thưa bà có ba cái Lộc lên thăm xin gặp bà.” Nhã quay qua bảo An, “Chú nói bác ta lên phòng ăn.“
Độ vài phút sau, một người đàn ông khoảng trên năm mươi, dáng thấp, gầy, gương mặt sạm nắng, vẻ hiền lành, mặc áo dài đen còn nếp gấp mới nguyên (chắc mới lấy ở trong dương ra). Chiếc quần trắng ống rộng đã ngả mầu, đi chân không. Bác thấy Nhã vội khoanh hai tay, đầu cúi xuống, miệng nói, “Bẩm bà! Cháu mới lên.” Nhã hơi ngượng khi bác xưng hô như vậy. Nhã mỉm cười và hỏi thăm vài điều về gia đình bác. Giọng bác nặng đặc thù miền quê xứ Huế. Bác lại nói nhỏ, phải nghe quen mới hiểu. Nhã hỏi bác, “Chắc nhớ cái Lộc nên lên thăm nó hả?” Lộc là con gái bác. Nhà nghèo lại đông con, vì vậy cho bác cho nó đến ở thuê. Nhã thuê cái Lộc chỉ để trông đứa con út của Nhã mới năm tuổi. Tiền công cả năm thì Nhã đã đưa luôn cho bác từ đầu năm. Ai cũng bảo cái Lộc số bọc điều, vì khi ở với Nhã, Nhã đã xem nó như con, cho đi học chữ, may sắm áo quần, ăn cùng mâm. Nhã cho bác ít tiền và bảo An dọn cơm cho bác ăn. Rồi Nhã nói chú tài xế chở bác và cái Lộc ra phố, chợ chơi cho biết. Chú quản gia đem lên phòng ăn mấy thứ quà mà bác mới đem sáng nay nói là để biếu bà nhưng bác ấy sợ không dám thưa vì quà nhà quê. Nhã nghe vậy thật cảm động và thương những người nghèo khó, vì có khi họ phải nhịn ăn để đem biếu cho những người giầu có (thật không công bằng). Quà là một bao nếp độ vài ký, một gói măng khô và một hũ dưa món.
Nhìn thấy hũ dưa món một xúc cảm nao nao dâng trào. Một hình ảnh chợt hiện ra như mới gần đây. Nhã như nghe thấy tiếng của Mẹ, “Dậy đi con ơi! Đi thôi, về nhà còn nhiều việc.”
Khoảng qua rằm tháng Chạp là Mẹ Nhã đã mua củ cải, củ cà rốt, củ kiệu, cắt nhỏ tỉa hoa cho đẹp, sấy khô. Sấy cũng công phu lắm, đốt than rồi để miếng nhôm lên lò, trải mọi thứ thành từng lớp mỏng. Phải canh chừng trở qua lại mới không bị cháy. Mẹ Nhã tự làm, không giao cho ai. Bà mua nước mắm ngon nhất để làm, thứ nước mắm nhà không được dùng hàng ngày. Bà tự tay chăm sóc từng chút một. Có lần Nhã hỏi bà, “Sao Mẹ phải làm cẩn thận, công phu quá vậy? Biếu họ chắc gì họ đã thích.” – Bà đều nói, “Mình nghèo, không có gì biếu, mẹ làm với tất cả chân tình. Vì không những ông là xếp lớn và cũng nhờ ông cho mẹ việc làm.”
Nghe Mẹ nói vậy Nhã biết mẹ mình là người tình cảm. Tính mẹ rộng rãi, hay thương người, chia sẻ. Mặc dù nhà nghèo, thật nghèo, đôi lúc hàng xóm thiếu tí mỡ, tí nước mắm mẹ đều chia sẻ. Bố chết sớm, một mình Mẹ phải bương chải để lo cho các con đi học. Từ ngày Mẹ được ông T. cho vào làm nhân viên một công sở khá lớn của chính phủ cuộc sống gia đình tương đối ổn định. Tiền lương tuy không nhiều nhưng cũng đủ chi dùng hàng tháng, còn có nhà cho ở và Mẹ đỡ vất vả hơn.
Khi tất cả các thứ đã xong, Mẹ xếp vào hai lọ bằng thủy tinh. Nước mắm mầu hổ phách, củ cải mầu trắng đục, nằm xen kẽ cà rốt mầu vàng cam, củ kiệu trắng tinh khiết, từng quả ớt nhỏ đỏ tươi nằm rải rác chung quanh lọ nhìn đẹp mắt biết bao. Và bao công trình của Mẹ thế mà phải đem đi biếu!
Tiếng Mẹ một lần nữa thúc giục, “Đi đi con à!” Nói rồi bà đưa cho Nhã mấy chục bảo Nhã, “Con gọi xích lô mà đi, vì hai lọ xách hơi nặng.” Tuy nghe Mẹ nói vậy Nhã chỉ dạ, nhưng Nhã nghĩ đi xe buýt còn lại tiền mình ăn quà thì thích hơn. Hai lọ dưa món tuy hơi nặng nhưng trạm xe cũng không xa mấy. Khoảng nửa giờ sau đi bộ một khoảng khá xa, Nhã đã đứng trước cổng nhà. Một căn nhà khá to bao bọc toàn bằng gạch. Hai cánh cổng làm bằng sắt cũng to và cao, không nhìn thấy bên trong.
Nhã với tay bấm chuông. Đứng đợi khoảng mươi phút sau mới nghe thấy tiếng chân người đi ra. Cổng mở, một bác nhìn lớn tuổi, hơi gầy, tóc lốm đốm bạc lên tiếng hỏi, “Cô cần gì?” Nhã vội cho bác biết tên Mẹ và lý do Nhã đến đây. Nhã chỉ muốn để lại hai lọ mắm rồi ra về ngay, nhưng nhớ lời Mẹ dặn phải xin gặp được bà (vợ ông Tổng Giám Đốc), đưa tận tay mấy lọ dưa đó cho bà. Theo sau ông lão đi qua một con đường nhỏ lót gạch mầu đỏ, hai bên nhiều loại hoa, kiểng khác nhau: cúc đại đóa vàng ươm, thược dược tím xẫm…được trồng trong những chậu to bằng sứ kẻ hoa văn thật đẹp. Nhã nghĩ chắc những chậu hoa đó phải đắt tiền lắm. Mải ngắm hoa nên không theo kịp ông lão, có tiếng chó sủa đâu đây, Nhã vội bước mau và lên tiếng, “Ông ơi đợi cháu với!” Nhã rất sợ chó, nhất là những con chó bẹc-giê to tướng mà các nhà giầu nuôi để giữ nhà. Vừa theo kịp, nhưng ông lão đã vào bên trong. Ông lão bảo Nhã đứng chờ ở đấy để ông vào thưa với bà. Nhã hồi hộp hơi sợ, đứng nép vào một bên. Phòng khách khá rộng, đồ đạc chiếm gần hết gian phòng. Chính giữa là bộ sa lông bằng gụ khảm xà cừ, nệm bằng gấm đỏ, cạnh góc tường có hai lọ độc-bình to chạm trổ nhiều mầu sắc. Bên phải có một bộ tràng kỷ dài. Bộ tràng kỷ được chạm trổ hình hoa giây leo, con sóc, hoa tầm xuân v…v Tuy chỉ mới nhìn vào những nét chạm nhưng Nhã đã nhận ra ngay những hình thù đó. Vì khi còn bé khoảng mười tuổi, Nhã sống với bà Nội, gia đình còn khá giả, bà Nội thường giao việc cho Nhã mỗi tuần lễ phải lau chùi những hình chạm trổ chung quanh một cái sập to, công việc mà Nhã ghét nhất. Đang mải nhìn đồ vật chung quanh, bà T. từ buồng bên bước ra lên tiếng, “Cháu mới đến hả?” Tuy Nhã phải chờ cũng khá lâu nhưng Nhã vấn trả lời bà, “Dạ, thưa cháu mới đến.” Giọng bà làm cho Nhã bớt sợ. Bà bảo Nhã ngồi xuống rồi hỏi thăm mẹ và nói vài lời khen món dưa mắm lần trước mẹ làm ngon và bà rất thích. Nhã chào bà rồi đứng vội ra về. Trên đường trở về nhà Nhã cảm thấy khoảng cách giữa bà và Mẹ không đến nỗi quá khác biệt, mặc dù hai gia cảnh về vật chất quá cách xa.
Có tiếng lao xao vọng lên từ nhà bếp. Xe đưa hai bố con cái Lộc đã về. Chú An đang đưa bác lên chào xin phép về kẻo tối. Nhã trở vào buồng lấy ra một sấp tiền khoảng nửa năm lương của Lộc đưa thêm cho bác và nói với bác, “Biếu bác tiền này để mua vải may áo quần cho đám em của cái Lộc, còn tiền lương năm nay thì cái Lộc đã đem về cho bác rồi.” Bác đưa hai tay đỡ mắt hơi rớm lệ, miệng nói lí nhí, “Con xin đội ơn bà.” Cử chỉ và lời nói của bác đã làm cho Nhã thật xúc động, hai mắt cay cay. Nhã vội bảo bác, “Thôi bác về ngay đi.” rồi quay qua bảo chú tài xế chở bác ra bến xe.
Bữa cơm tối hôm đó Nhã lấy ra một đĩa dưa món để ăn. Nhưng tự nhiên lòng nao nao nhớ đến Mẹ. Cổ họng hơi nghèn nghẹn, Nhã nuốt vội miếng cơm đang ăn dở rồi buông đũa trở vào phòng. Một tối khó ngủ!
Virginia, Xuân 2017
Tường Nhung