Vào lúc 10 giờ sáng 26 tháng 2 năm 2014, nhà báo Lưu Tiến Đồ (Kevin Lau, 劉進圖) như thường lệ lái xe ghé quán quen trên đường Thái Khang (太康街) ở khu Tây Loan Hà (西灣河) dùng Quảng Đông điểm tâm thức.
Vừa lúc họ Lưu bước xuống xe, một kẻ lạ mặt đường đột xuất hiện dùng dao xắt thịt thoi mấy nhát vào người ông rồi nhảy lên xe mô tô do đồng bọn cầm lái tẩu thoát khỏi hiện trường. Trúng ba nhát vào cổ, lưng và chân, Lưu vừa lết vào xe vừa gọi điện cho cảnh sát.
Cảnh sát và các nhà quan sát độc lập sau đó đều chung nhận định: đây là đòn tấn công cảnh cáo chứ không nhằm giết người vì kẻ thủ ác dù đủ thời gian để giết Lưu nhưng dường như vẫn cố tình né các tử huyệt.
Họ Lưu là Tổng biên tập tờ Minh Báo (明報) từ năm 2012 cho đến trước lúc bị chém một tháng, khi ông được thay thế bởi Chong Tien Siong (Chung Thiên Tường, 鍾天祥), một người Malaysia có lập trường thân Bắc Kinh.
MINH BÁO TRỞ CỜ
Minh Báo do nhà văn Kim Dung và bằng hữu Thẩm Bửu Tân (沈寶新) thành lập năm 1959, là một thế lực lớn trong báo giới Hoa ngữ Hong Kong. Tờ báo này có lập trường tự do, nổi tiếng trong mảng báo chí điều tra.
Minh Báo một thời dưới nhãn quan Bắc Kinh là tờ báo chống Cộng.
Thế rồi, kể từ sau khi bị tỉ phú Malaysia Tiong Hiew King thâu tóm, nó ngả dần về Bắc Kinh. Tiong Hiew King sinh ra tại Malaysia và có tên tiếng Hoa là 张晓卿 (Trương Hiểu Khanh), chủ một tập đoàn gỗ lớn, hay là “lâm tặc” theo cách gọi của giới bảo vệ môi trường, có cơ sở làm ăn tại nhiều nước.
Rồi đây, khi thâu tóm Minh Báo, ta sẽ thấy Tiong Hiew King xây dựng nên tập đoàn báo chí tiếng Hoa Ming Pao Holdings Ltd ở Hong Kong, sau đó đổi thành Media Chinese International (Thế Giới Hoa Văn Môi Thể, 世界華文媒體) trở thành một đế chế trong làng báo chí Hoa ngữ bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Một báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ Truyền thông (CIMA, Mỹ) vào năm 2013 viết: “Trước và sau cuộc chuyển giao Hong Kong vào năm 1997, một số tờ báo có ảnh hưởng do các gia đình điều hành đã bị thâu tóm bởi các trùm tài phiệt có lợi ích kinh tế tại Trung Quốc hoặc có quan hệ mật thiết với đại lục, chẳng hạn Minh Báo, Tinh Đảo Nhật Báo (星島日報) và Thành Báo (成報)” và điều này cho thấy “làng báo ngày càng chịu sức ép phải giảm bớt sự chỉ trích nhằm vào chính quyền trung ương”.
Dù thế, với nền tảng là một luật sư và là một người có tiết tháo trí thức, tổng biên tập Lưu Tiến Đồ đã cố gắng để níu giữ vị thế độc lập của Minh Báo với các loạt bài điều tra gai góc, chẳng hạn điều tra cái chết của Lý Vượng Dương (李旺阳), một nhà bất đồng chính kiến ở Thiệu Dương, Hồ Nam từng ngồi tù 20 năm vì ủng hộ cuộc đấu tranh của sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989; viết bài phản đối chương trình Phổ cập giáo dục đạo đức (德育及國民敎育), chương trình vốn châm ngòi cho các hoạt động phản đối của Học dân tư triều, Học liên…
Minh Báo dưới thời Lưu Tiến Đồ cũng viết về các vụ bê bối chính trị của quan chức Trung Quốc, thậm chí còn động chạm tới cả thân bằng quyến thuộc của Tập Cận Bình và Ôn Gia Bảo.
Có lẽ vì thế mà Minh Báo đã thay họ Lưu bằng Chong Tien Siong vào tháng 1 năm 2014. Vụ thay người thoạt tiên làm dấy lên nhiều bất bình, phản đối trong làng báo Hong Kong, nhưng rốt cuộc thì nó vẫn diễn ra.
Một khi nằm dưới sự điều hành của Chong Tien Siong, ta sẽ thấy Minh Báo kiểm duyệt các thông tin có thể làm Bắc Kinh phiền lòng. Vào năm 2015, Chong đã yêu cầu thay một bài viết về cuộc thảm sát Thiên An Môn bằng bài về tập đoàn Alibaba “như một hình mẫu cho các bạn trẻ muốn trở thành doanh nhân thành đạt”.
Năm 2016, thư ký tòa soạn Khương Quốc Nguyên (姜國元) ăn gan hùm cho đăng vụ hồ sơ Panama, một vụ việc có thể phơi bày chuyện làm ăn mờ ám của nhiều đại gia Hong Kong lẫn người có thế lực lớn tại đại lục. Trước đó vài tuần, Khương còn cho đăng bài điểm phim Thập niên (十年), một bộ phim bị Bắc Kinh cấm (Bàn thêm: Phim này là một chùm năm phim ngắn, cực hay, mình xem trên Netflix mà nổi da gà. Bà con nên xem lắm lắm!).
Tổng Chong bèn lập tức sa thải họ Khương.
Đến năm 2019, khi biểu tình phản đối dự luật dẫn độ nổ ra, Minh Báo biên một bài xã luận gọi các cuộc biểu tình là “bạo động” (暴動).
Minh Báo trở nên là một tấm gương quy thuận triều đình, điều này không chỉ khiến những người làm báo công chính Hong Kong giận dữ mà nó còn tạo ra nội chiến ngay trong lòng tờ báo.
Nhiều tiếng nói bất bình đã vang lên bên trong tòa soạn Minh Báo.
Trong bối cảnh Minh Báo ngày càng đổ đốn ra dưới bàn tay lông lá của Cộng sản Trung Quốc, một trí thức điềm đạm nhưng quyết liệt như Lưu Tiến Đồ càng được đồng nghiệp và công chúng yêu tự do Hong Kong quý trọng. Cho nên, vụ ông bị kẻ giấu mặt ám toán ngay lập tức làm dấy lên cơn giận dữ trong lòng đặc khu.
AI RA LỆNH ĐÂM LƯU TIẾN ĐỒ?
Cuộc điều tra về vụ tấn công sau đó đã dẫn tới việc bắt giữ 11 thành viên Thủy Phòng bang (水房幫), hai trong số đó bị kết án 19 năm tù. Trước tòa, có bị cáo khai mình được thuê để thực hiện vụ đột kích.
Tuy nhiên, rốt cuộc người ta cũng không tìm ra được chân dung và động cơ của trùm cuối và cũng không trả lời được câu hỏi liệu rằng họ Lưu bị đâm là do công việc làm báo của ông ta hay không.
“Chúng ta không bao giờ biết được mệnh lệnh từ đâu đến. Trong trường hợp của Kevin Lau, có thể là do việc anh ta đã phanh phui các hoạt động ngầm của tội phạm địa phương. Có thể đây là chuyện quá nhỏ, không đáng để Bắc Kinh phải ra lệnh”, giáo sư Keith Richburg nói trong lần gọi Google Meet với mình.
Keith từng có hơn 20 năm làm cho Washington Post, trong đó có nhiều năm thường trú tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong nên rất am tường tình hình. Giờ đây, trong cương vị là Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Báo chí thuộc Đại học Hong Kong, ông có dịp nhìn bức tranh theo một góc nhìn khác.
Mình bèn nhắc tới một số vụ tấn công khác, chẳng hạn vụ tư dinh của tỉ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh, 黎智英) bị xe ủi hoặc tờ báo Apple Daily của ông bị cướp đốt.
“Câu chuyện với Jimmy Lai thì lại khác. Trong vụ nhà riêng của tỉ phú Jimmy Lai bị xe húc, có lẽ đó là do những người thân Bắc Kinh ở Hong Kong thực hiện. Chúng ta không thể nói rõ có phải Bắc Kinh ra lệnh hay không, nhưng tình hình là rất đáng lo. Bạo lực nhằm vào nhà báo là một vấn đề rất lớn của Hong Kong”, Keith Richburg nói.
Tóm lại chân tướng vụ Lưu Tiến Đồ bị tập kích vẫn mờ mờ ảo ảo như số phận của báo chí sau ngày Hong Kong được chuyển giao cho Trung Quốc.
(Còn tiếp)
Đỗ Hùng (facebook)
Ảnh:
1. Vụ Lưu Tiến Đồ bị thôi chức gây ra nhiều bất bình trong làng báo và cả trong nội bộ Minh Báo; 2. Họ Lưu bị đâm suýt vong mạng; 3. Sát thủ Diệp Kiếm Hoa (葉劍華) là một trong hai người bị kết án 19 năm tù; 4. Họ Lưu rũ bùn đứng dậy sáng lòa sau mấy tháng nằm viện.
Nguồn:
– Mình phỏng vấn riêng một số nhân vật trong làng báo và làng hoạt động Hong Kong
– Báo cáo One Country, One Censor: How China undermines media freedom in Hong Kong and Taiwan (Một quốc gia, một bộ máy kiểm duyệt: Cách mà Trung Quốc hủy hoại tự do báo chí ở Hong Kong và Đài Loan) của CPJ
– Hong Kong Free Press: https://bit.ly/3dPORvK
– Báo Apple: https://bit.ly/2VDm6vU
– https://bit.ly/2YRMsMT
– https://bit.ly/38igsEH
và một số nguồn khác