Bữa nhậu trong đám cưới con ông bạn ở Mannheim hơi bị buồn tẻ, có lẽ cũng tại bởi, giai Nam lấy gái Bắc. Sự thông gia một cách miễn cưỡng, bắt buộc ấy của ông lính Việt Nam Cộng Hòa, với ông bộ đội do sự vô tư, lựa chọn yêu đương, (không ai có thể ngăn cản) của đôi con trẻ, cùng sinh trưởng ở mảnh trời Âu này. Tôi ngồi giữa cái lằn ngăn cách vô hình đó. Đang gật gù, nhấc lên, đặt xuống để lấy đà, tạo khí thế cho hai họ, chợt có bàn tay cứng ngắc ở sau gáy, cùng tiếng cười khùng khục: Thằng cu Đỗ Trường! Bao năm mày biệt tích, sao bây giờ lại dám ngật ngưỡng, hò hét ở đây?
Không quay lại, nhưng tôi biết ngay đó là Hùng tà lọt, dù trên hai chục năm không gặp lại gã. Hùng tà lọt người Bà Rịa, nguyên là người lính địa phương quân, cùng trung đội với Sơn Phối, bố của chú rể. Sau 30 tháng 4-1975, hai gã dắt tay nhau vào trại tập trung cải cạo, rồi vượt biên, cùng định cư ở Maiz. Nghe nói, ngày còn chiến tranh, khói lửa Hùng cũng là tiểu đội trưởng, thượng sĩ hay trung sĩ nhất gì đó, nhưng không hiểu sao cái Spitzname tà lọt vận vào gã từ khi nào. Trước đây, có một lần tôi hỏi về cái biệt danh này, gã cười khì khì không nói. Tôi quen với Hùng tà lọt, và Sơn Phối vào khoảng cuối năm 1989, đầu 1990, khi chuyển từ West Berlin về trại tị nạn Ingelheim. Buổi tối vừa chân ướt chân ráo tới trại, tôi đang loăng quăng ngoài hành lang ngó tìm nhà vệ sinh. Đột nhiên, cánh cửa phòng trước mặt bật ra. Tuy giật mình, song do phản xạ tôi co người, ôm mặt. Rất may, cánh cửa chỉ đập đúng khuỷu tay và hai đầu gối. Đau điếng cả người, tôi vịn vào tay nắm cửa đứng dậy. Nhìn vào phòng, thấy có một gã răng vổ, thấp đậm, mặt xanh như đít nhái đang lập bập xin xỏ gì đó với hai người đàn ông đứng quay lưng ra cửa. Có lẽ, thấy có người đến, hai gã đàn ông quay ra, nhìn tôi với nét mặt lạnh tanh, rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau, vẫn hai gã đàn ông ấy chở gạo, mì tôm, thực phẩm châu Á vào cho những người mới đến như chúng tôi. Nhìn thái độ, mặt mũi tươi rói của hai gã khác hẳn với khuôn mặt thần chết tối qua, làm tôi thấy lạ. Và cứ cách tuần, lại thấy xe của hai gã đầy ăm ắp thực phẩm vào phân phát cho từng người. Tất nhiên, gã răng vổ cũng được nhận đầy đủ, như không có chuyện gì xảy ra vậy. Mấy tuần sau, đang hì hục ngồi viết, thấy hai gã đi với Dương Tấn Thành, biên tập Nguyệt san Hướng Việt, từ Wiesbaden vào tìm tôi. Anh Thành đến cảm ơn tôi đã cộng tác, và tặng Nguyệt san số Tết. Bởi, trong đó có mấy truyện ngắn của tôi. Lúc chuyện trò, tôi mới biết tên và Spitzname của hai gã là Hùng tà lọt, và Sơn (Phối). Phải nói, hai gã này rất khoái đọc sách báo, và hay chuyện. Kể từ đó, cuối tuần phân phát xong thực phẩm, hai gã thường kéo tôi về nhà, hoặc ra quán bia ngồi khật khừ cho đến khuya. Khi tôi về định cư ở Wallhalben cạnh Pirmasens, nơi gã vổ chuyển đến, Hùng tà lọt ghé tai dặn: Mày phải đề phòng, tránh xa thằng vổ (Phạm Văn Bén). Thằng này, cùng dòng họ, cùng làng ở Bà Rịa với tao, song lá mặt lá trái, lưu manh lắm đó!
Dù vâng dạ, song quả thực, tôi không nhập tâm cho lắm lời của Hùng tà lọt. Bởi, tôi và Bén vổ cùng cảnh lao động, rồi nhập tị nạn, tầng đáy của xã hội còn chó gì nữa mà phải đề phòng, cắn xé nhau.
Xong giấy tờ, và ổn định nơi ở được mấy hôm, ông hàng xóm sang thông báo, chẳng biết do chỉ định, hay tự phong Bén vổ từ nay là Hội trưởng người Việt vùng Pirmasens nhé! Do vậy, mọi sự vụ liên quan giữa người Việt với sở xã hội, ngoại kiều đều phải thông qua hắn. Tôi bảo, không quan tâm đến điều đó. Tuy nhiên, mấy lần vô tình gặp, Bén vổ có vẻ quan cách, khệnh khạng lắm. Nhưng sự lên lớp, rao giảng này nọ, cùng cái kiểu chửi vung xích chó của Bén vổ, dường như làm cho Phong liều (Trịnh Văn Phong) hơi bị ngứa họng, bảo: Đù má! Mày là cựu an ninh cộng sản, chửi cộng sản cũng hay phết nhỉ!…
Thấy tôi lặng người trong dòng hồi tưởng, Hùng tà lọt thả lỏng tay, và hỏi: Thằng quỷ, không nhận ra tao thật hả? Tôi cười, em quên bác thế chó nào được, hơi bị xúc động chút thôi. Hùng tà lọt cười ha hả, bắt tôi cạn với gã một vại, rồi bảo: Xong đây, tao và mày đến nhà thằng Phong liều ở Ludwigshafen uống tiếp, lâu rồi không gặp nó.
Phong liều người Phan Thiết. Cái quái gì hắn cũng giỏi, cũng nghiền, từ rượu chè, hút xách, kéo máy cờ bạc, cho đến đánh lộn. Chỉ có duy nhất tiếng Đức, không bao giờ hắn chịu học. Do vậy, thời Đông Đức, tay nghề, kỹ thuật hắn giỏi nhất nhì của nhà máy. Đến mấy gã thợ cả người Đức cũng phải nể. Máy móc, dây chuyền sản xuất dù ở những phân xưởng khác, đôi khi hư hỏng nặng, thợ ở đó chịu không sửa được, đều phải gọi đến hắn. Ấy vậy, lương tháng của hắn lúc nào cũng bét nhất. Cuối tuần, hắn thường đến chỗ tôi xin tiết canh, cổ hũ và lòng lợn. Nên có lần, tôi bảo, ông cố gắng tu tính, và học hành chút chút, lương lậu khá lên, còn gửi về giúp gia đình chứ! Hắn cười hềnh hệch, bảo, đếch cần…đếch cần. Rồi không ngờ, bức tường Berlin sụp đổ, người Việt ở phía Đông chạy loạn xà ngầu, tôi và Phong liều gặp lại nhau ở trại Ingelheim.
Dù đã điện báo trước, tôi và Hùng tà lọt vẫn phải chờ dưới đường khá lâu, Phong liều mới mở cửa. Vào nhà nặng mùi hương khói âm u, Hùng tà lọt hỏi, nhà có giỗ chạp gì sao. Phong liều lắc đầu, không. Thấy người lừ đừ, không còn gì dáng vóc của Phong liều khi xưa, tưởng hắn ốn, tôi hỏi tiếp, ốm đau sao đấy. Hắn lại lắc đầu, không. Trò chuyện, thăm hỏi một lúc như sực nhớ ra, hắn vò đầu, bứt tóc: Bỏ bia rượu từ lâu rồi, hai ông uống tạm nước suối nhé! Có lẽ, lại lên cơn nhạt miệng, Hùng tà lọt lừ mắt: Thôi, xuống quán ngồi. Phong liều bảo, có uống đâu mà xuống. Hùng tà lọt đứng dậy: Không uống, thì ăn, đi cho vui. Phong liều bảo, quả thật đã ăn chay trường từ mấy năm nay rồi. Nghe vậy, tôi và Hùng tà lọt hơi bị sững người. Bất chợt, tôi nhìn lên điện thờ đỏ rực ở giữa nhà, và câu chuyện nhạt dần, từ ngữ lạc lõng cứ như ở hai đầu âm, dương ấy… Tuy vậy, ra khỏi nhà, vẫn còn nghe tiếng Phong liều dặn, uống xong nhớ quay về ngủ nhé. Nhưng tâm trạng tôi và Hùng tà lọt vẫn còn cảm thấy nặng nề lắm. Vào quán, ực đến ly bia thứ hai, Hùng tà lọt mới lẩm bẩm: Thằng này, chắc đốc chứng theo bóng cô, bóng cậu gì rồi.
Lúc này, tôi mới nhìn kỹ Hùng tà lọt. Dù gã có cố gắng che giấu sức khỏe, tâm trạng sau những vại bia, ly rượu, song nhìn vào khóe mắt, tôi nhận ra sức đã cạn, tâm sầu thăm thẳm của cái tuổi sáu tám, với hơn bốn mươi năm trường xa quê. Thấy tôi nhìn hơi bị kỹ, Hùng tà lọt đẩy vại bia mới gọi về phía tôi:
-Nhìn gì, uống đi thằng quỷ.
-Này, bốn mấy năm, nỗi đau, thù hận cũng đã thành chai sạn rồi. Bác nên một chuyến về thăm quê. Vài năm nữa sức lực còn chó đâu…
Không để tôi nói hết câu, Hùng tà lọt nổi cáu:
-Mày không bao giờ hiểu hết chúng tao đâu.
Bị cụt hứng, tôi yên lặng nhìn, ngoài kia ánh nắng chiều nhạt cuối tháng 4 lùi dần về phía sau bức tường xám rong rêu. Xa xa có tiếng chuông nhà thờ đang ngân lên… Đột nhiên, Hùng tà lọt xuống giọng hỏi:
-Còn nhớ thằng Bén vổ, trước ở trại Ingelheim, sau về Pirmasens cùng mày không?
-Nhớ! Nhưng sao?
Không trả lời tôi ngay, mắt Hùng tà lọt ngân ngấn như có nước, hướng về nơi, dường như xa xăm lắm. Thật lạ, cái nhìn và thái độ, cũng như tâm trạng, cảm xúc ấy của gã, tôi chưa từng gặp. Tôn trọng giây phút đó, nên tôi lặng lẽ cạn nốt ly trước mặt. Ngoài kia, những tia nắng cuối ngày chợt tắt, làm cho đàn chim dưới sân cũng vụt bay về tổ. Gió từ đâu đó khẽ luồn qua khe cửa. Hơi lạnh, tôi đứng dậy khép chặt cửa sổ. Vừa ngồi xuống, Hùng tà lọt bảo:
– Câu chuyện oái oăm này, nghe xong, mày sẽ hiểu thêm tại sao hơn 40 năm, chúng tao chưa một lần về thăm quê nhé. Nếu ở hoàn cảnh ấy, mày sẽ phải làm những gì?
Tôi gật đầu, rồi gọi thêm mấy vại bia… và câu chuyện của Hùng tà lọt được bắt đầu như vậy…
Qủa thực, sau những ngày ở tù cải tạo, Hùng tà lọt càng thấm câu thù hận mà người lính địa phương quân phải gánh chịu:
“Ngàn hai bắt được thì tha.
Chín trăm bắt được đem ra chặt đầu”*
Đang vật vờ, khi thì theo thuyền đánh cá ngoài khơi, lúc thì xúc than thuê, năm 1978 Hùng tà lọt gặp lại Sơn phối ở Biên Hòa. Hai gã kéo nhau về Bà Rịa. Kế hoạch tổ chức vượt biên bắt đầu, và ngay ở cửa biển quê hương Hùng tà lọt. Hai lần đầu đều thất bại, bởi thuyền không vỡ, thì bị biên phòng truy đuổi. Rất may, do thông thổ địa hình, nên Hùng tà lọt, và Sơn phối đều chạy thoát. Tiền bạc nợ nần chồng chất, hết đường vay mượn, hai gã tưởng chừng không còn một tia hy vọng nào nữa. Nhưng cuối năm 1979, do sự móc nối, giới thiệu của mấy người cùng chuyến đi trước, một thương nhân (chủ thuyền) đã tìm đến hai gã. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Hai gã được đi cùng với điều kiện lo bến bãi, phụ lái lái, và trông coi máy móc. Thời gian này, người Tàu cũng ồ ạt ra đi, dẫn đến việc bảo kê bến bãi như một thứ luật bất thành văn của an ninh, biên phòng. Do vậy, làm luật xong, đường đi có vẻ mở ra hy vọng, Hùng tà lọt khấp khởi trong lòng.
Đêm cuối tháng, trời tối như đen mực. Rừng cây lặng im. Nước dước sông cũng ngưng dòng chảy. Chỉ còn mái chèo khua vỗ nhẹ mạn thuyền xa dần, rồi chìm vào trong đêm. Sự tĩnh lặng ấy, càng làm cho Hùng tà lọt, và Sơn phối đề phòng, thận trọng hơn đưa từng nhóm người xuống thuyền nhỏ, xuôi ra điểm tập kết không xa nơi đây, để lên thuyền lớn. Chuyến đi không nhiều người, và phần đông là những người lính vừa ra thoát khỏi nhà tù nhỏ, do vậy tất cả đều gọn nhẹ… Hùng tà lọt, và Sơn phối đưa bốn người cuối cùng ra đến bờ sông. Đang lên thuyền, từ bụi cây hai bóng đen vọt ra, dí mũi súng vào lưng Hùng tà lọt, và Sơn phối, hai người đứng sau cùng:
-Đứng lại! Chống cự là bắn liền.
Nghe giọng nói khá quen, Hùng tà lọt quay lại, nhận ra Bén vổ, và Hai Đẹt. Cả hai đều người làng, và Bén vổ là con ông chú họ của mình. Những ngày cuối tháng 4-1975, Bén vổ tuổi chưa đầy mười bảy đã đeo băng đỏ, nhảy ra ngã tư dẫn đường cho bộ đội, rồi làm trật tự, và trở thành người cách mạng 75. Lăng xăng một thời gian, hắn được đi học nghiệp vụ an ninh. Và từ đó, dù còn rất trẻ, song hắn đã trở thành một máy chém rất tàn bạo, không chỉ đối với những người trốn chạy, vượt biển.
Nghĩ, Bén vổ và Hai Đẹt không nhận ra mình, nên Hùng tà lọt hỏi:
-Anh đây! Chúng mày không nhận ra sao? Bọn anh đã đóng tiền, làm luật rồi!
Giọng Bén vổ lạnh tanh:
– Không nhận ra ông, làm sao chúng tôi biết mà đến. Đây thuộc địa bàn an ninh do chúng tôi quản lý. Các ông làm luật cho ai, chúng tôi không cần biết.
Nghe giọng xách mé, và biết Bén vổ và Hai Đẹt ăn mảnh, kiểu này chẳng khác gì trấn lột, tuy lộn ruột, song Hùng tà lọt vẫn kìm nén:
– Bọn anh cùng đường rồi. Anh em, làng xóm với nhau, các em cảm thông cho bọn anh đi.
Bén vổ hơi xuống giọng:
-Chúng tôi có thể cảm thông cho ông, còn những người ở đây thì không được. Tất cả đứng thành hàng một, và tự động bỏ hết ra, nếu không chúng tôi buộc phải khám xét.
Toàn là những lính chiến đã dạn dày trận mạc, kinh qua tù tội, nên mọi người vẫn im lặng, bất tuân… chờ đợi. Biết là gặp phải cái tận cùng của sự khốn nạn, Hùng tà lọt vẫn năn nỉ, và mặc cả:
-Hay mỗi người tự nguyện đóng góp trong khả năng của mình có thể, để cho các em nhậu chơi. Bởi, tất cả anh em ở đây đều trong hoàn cảnh khó khăn, bi đát đến tận cùng rồi…
Hùng tà lọt nói chưa dứt câu, Bén vổ nói như quát:
– Không được. Tất cả đứng vào hàng.
Biết không thể dùng lời, và chắc chắn chỉ có hai con ngựa non này, nên Hùng tà lọt bấm vào tay Sơn phối làm hiệu, và bảo:
– Có gì các anh em bỏ hết ra cho nhanh rồi đi, để họ khám xét lâu lắm.
Dường như, hiểu được ý Hùng tà lọt, nên mọi người rục rịch cởi đồ. Cùng đó, Bén vổ và Hai Đẹt vừa lơi tay súng, để rọi đèn pin, đã bị Hùng tà lọt cùng Sơn phối quật ngã. Tất cả ùa đến tước súng, đè chặt hai gã, và tọng giẻ vào miệng. Cả hai bị trói chặt, ngúc ngắc, nằm như heo chuẩn bị mang đi chọc tiết vậy. Có lẽ, trong lúc giận dữ, và sợ bị lộ, có mấy người định kéo hai gã ra bờ sông:
-Cho hai thằng này đi mò tôm, rồi chuồn cho nhanh.
Hùng tà lọt ngăn lại:
-Làm thế quá nhẫn tâm, và chúng ta sẽ thành kẻ giết người. Dù có vượt thoát, thì chúng ta mãi mãi bị ám ảnh, và dày vò. Hãy mang chúng vào sâu trong rừng, cột vào cây. Ngày mai, có lẽ sẽ có người vào đó, và giải cứu chúng. Lúc đó, chúng ta cũng đi xa rồi. Mấy thằng này gà què ăn quẩn, chỉ tác quái được ở cái làng, xã này mà thôi…
Chẳng biết do đã làm luật, hay may mắn thuyền (vượt qua cửa an ninh biên phòng) ra đến hải phận quốc tế khá thuận lợi. Tuy nhiên, mấy ngày sau máy tàu bị hỏng. Ì ạch sửa chữa mãi dường như bất lực, trong lúc nước uống, lương thực đã cạn kiệt. Tưởng sẽ đi điếu, nhưng rất may thuyền của Hùng tà lọt trôi đúng vào khu vực (trong hành trình) tìm kiếm, cứu hộ của tàu Cap Anamur. Vậy là, tất cả đã được cứu, và từ đó, Hùng tà lọt cùng Sơn phối định cư tại Đức…
-Vậy là bác may mắn lắm rồi còn gì nữa, nhiều tàu thuyền bị vỡ đắm, chết chóc, cướp bóc hiếp dâm. Kẻ may mắn sống sót bị ám ảnh cả đời ấy chứ. Mà này, cái thằng Bén vổ an ninh, bác vừa kể, có liên quan gì đến thằng Bén vổ trước ở trại Ingelheim và Pirmasens với em không nhỉ?
Tôi cắt ngang lời kể của Hùng tà lọt bằng một câu hỏi, và những lời an ủi như vậy. Cầm ly bia đưa lên môi, nghe tôi hỏi, Hùng tà lọt vội đặt xuống:
– Nó chính là thằng Bén vổ ở trại Ingelheim đấy. Cái oái oăm, trớ trêu, như tao đã nói, cũng bởi từ thằng này.
Có lẽ, cố nén lại cảm xúc, nên một hơi, Hùng tà lọt ực cạn vại bia. Thấy vậy, tôi bảo, ở cái tuổi của bác mà ực bia được như vậy, thì còn khí thế, và tráng kiện lắm. Có gì bác cứ nói hết ra cho nó nhẹ nhõm. Gã cười, rồi đi tiếp vào mạch truyện…
Sau gần một năm cư ngụ ở Đức, Hùng tà lọt mới nhận được thư nhà. Lá thư đầu mang tin buồn làm gã ám ảnh, và lo âu. Bởi, sau một ngày Hùng tà lọt đi,người ta cũng tìm thấy và giải cứu Bén vổ và Hai Đẹt. Tuy nhiên, do bị bệnh hen phế quản Hai Đẹt đã bị chết trước đó. Cái chết của Hai Đẹt rơi đúng vào thời điểm nhà nước phát động phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc. Vậy là, nhân vật điển hình đã xuất hiện. Tấm gương sáng Bén vổ và Hai Đẹt xuất hiện đều đều trên báo chí, truyền thông. Nghe đâu, còn rục rịch làm hồ sơ phong anh hùng cho liệt sĩ Hai Đẹt. Và sự tung hô Hai Đẹt càng dâng cao bao nhiêu, thì gia đình Hùng tà lọt càng bị thê thảm bấy nhiêu. Dường như, ngày nào cha của Hai Đẹt cũng đến nhà Hùng tà lọt đập phá, hăm dọa, chửi bới. Chịu hết nổi, ông Ba cha của Hùng tà lọt phản kháng lại. Hai ông già tay bo trước sân nhà, người sứt đầu, kẻ mẻ trán. Tất nhiên, động đến gia đình liệt sĩ ở thời điểm điển hình đó chẳng khác gì mó vào dái ngựa. Trước tòa, ông Ba lãnh án 12 tháng tù giam. Ở tù được 6 tháng, đang khỏe mạnh bình thường, ông Ba lăn đùng ra chết. Bà Ba ngơ ngác khi nhận giấy chứng tử, ông Ba chết bởi cảm lạnh, của nhà tù. Từ đó, con đường sống của các em Hùng tà lọt cũng bị hẹp lại, đành phải lìa xứ.
Năm sau, chẳng biết tại số hay quả báo đến sớm, đang ở đỉnh cao tài lộc, Bén vổ đốc chứng, dám phạm thượng, chạm nọc đúng vào con của một đấng ngồi trên. Thế là, đùng một phát, cả đống đơn từ, bằng chứng từ trong nước, ra đến hải ngoại tố cáo Bén vổ bảo kê, trấn lột, không chỉ những người trốn chạy vượt biển. Tiền nhiều, nhưng lần này có giời cũng chẳng cứu được. Những người biết rõ về Bén vổ đều cười ruồi, và nói vậy. Tuy nhiên, Bén vổ còn một chút may mắn. Do sợ ảnh hưởng đến phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, gã không phải ra tòa, mà chỉ ngậm ngùi về nhà ôm đít vợ.
Chờ sóng gió qua đi, Bén vổ chuồn về Saigon mua bằng trung cấp thể thao, nhập vào nghề gõ đầu trẻ. Cho đến năm 1987, vợ chồng Bén vổ âm thầm mua hẳn hai suất sang Đức lao động, khi có ai đó tung tin hắn dùng bằng cấp giả. Nghĩ mãi không ra, kẻ độc mồm, độc miệng nào, bởi hắn nhiều kẻ thù lắm…
Trời về khuya, người đã quay quay, tôi ôm chặt Hùng tà lọt, như gã ôm đã chặt nỗi đau của mình từ suốt mấy chục năm qua. Sự cảm thông ấy, dường như có làm vơi đi nỗi đau trong lòng gã. Vài giây im lặng, rồi Hùng tà lọt loạng choạng đứng dậy, kéo tôi ra xe, miệng lẩm bẩm, về nhà tao ngủ. Tôi bảo, muốn cảnh sát xích cổ lại hay sao. Thế thì, tìm Hotel. Giờ này, còn hotel gì nữa. Lên nhà Phong liều ngủ. Hùng tà lọt cằn nhằn, thằng Phong liều nó đốt hương suốt đêm, ngủ thế chó nào được. Cằn nhằn, song Hùng tà lọt vẫn theo tôi ngược lên nhà Phong liều. Có lẽ, nhìn thấy xe chúng tôi còn ở dưới sân, nên Phong liều vẫn chờ… Trong lúc pha trà, tôi hỏi:
– Bén vổ còn ở Pirmasens không?
Phong liều bảo:
-Không còn ở đó nữa, bởi mấy năm trước Bén vổ mua cái Villa to vật vưỡng ở Karlsruhe.
Tôi hơi bị ngạc nhiên:
-Nó làm gì mà có nhiều tiền vậy?
– Tiền từ Việt Nam sang.
– Nghĩa là thế nào? Tôi hỏi.
– Bén vổ có thằng em vợ làm ở Sở tài nguyên môi trường, hay cơ quan thẩm định giá cả gì đó. Do vậy, cách mươi, mười lăm năm trước, gọi vợ chồng nó về Saigon lập công ty. Chẳng hiểu bằng cách nào, nó vay được tiền ngân hàng, rồi tham gia cổ phần hóa nhà máy, công ty của nhà nước. Cứ thằng tụi thằng em định giá, thì cánh thằng anh mua, rẻ như bèo. Chúng biến của công thành của riêng một cách hợp pháp.
Dừng lại một chút…rồi Phong liều bảo, chúng nó cổ phần hóa, kiếm tiền một cách: Hịt đập ăn ngay, cứ như trò chơi Ô ăn quan của trẻ con vậy, ông ạ.
(Ingelheim tháng 4-2019)
Leipzig 24-4-2020
Đỗ Trường
(*lính chủ lực lương 1200/ tháng, lính địa phương quân lương 900/ tháng đồng)
Không thấy Mr Phét ra bênh đảng,chường mặt ra cho thiên hạ thấy cái “nòng” trung thành với HCM.
Một câu truyện viết rất hay, đọc như thật, như thấy tận mắt của t/g Đỗ Trường với những dữ biến lịch sử thòi gian. Sẽ đọc kỹ hơn.
Nước Đức là một quốc gia rất đặc biệt. Tháng Năm, 2020, kỷ niệm 75 năm, Nazi Germany surrenders, May 7, 1945.
Chúc t/g Đỗ Trường và các bạn thêm một mùa xuân mới của đời sống mỗi ngày.