Trung Quốc phê chuẩn Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam

0
Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua một hiệp ước dẫn độ với Việt Nam trong khi dự luật dẫn độ của nước này với Hong Kong đang bị nhiều người trên thế giới phản đối, gồm cả những người biểu tình trong ảnh tại Sydney, Úc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vừa phê chuẩn một Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam được ký kết từ năm 2015, theo hãng tin thông tấn Xinhua của nhà nước Trung Quốc.

Cơ quan lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh đưa ra quyết định hôm 26/8 khi phê chuẩn hiệp ước gồm 22 điều khoản, trong đó có các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, quy định từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp.

China Daily cuối tuần qua cũng cho biết Trung Quốc đã “mở rộng hợp tác pháp lý quốc tế” bằng việc thông qua các hiệp ước dẫn độ với hai nước, gồm Việt Nam và Sri Lanka, tại buổi họp kết thúc của phiên họp 5 ngày của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc.

Theo Xinhua, Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu thảo luận về hiệp ước dẫn độ từ tháng 10/2013 và hai quốc gia cộng sản láng giềng đã ký hiệp định này vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh. Tuy nhiên hiệp định này chưa có hiệu lực.

Theo luật của Trung Quốc được China Daily trích dẫn, việc các nhà lập pháp hàng đầu ở Bắc Kinh thông qua sẽ làm cho hiệp ước dẫn độ với Việt Nam có hiệu lực.

Trước đó, theo Global Times (Hoàn cầu Thời báo), Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc dự kiến thông qua hiệp ước dẫn độ với Việt Nam tại cuộc họp từ ngày 22-26/8. Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết tính đến năm 2018, Bắc Kinh có hiệp ước dẫn độ với 50 quốc gia và khu vực.

Chính quyền Hong Kong gần đây cũng đã đưa ra dự luật dẫn độ với Trung Quốc nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân. Các cuộc biểu tình phản đối dự luật diễn ra từ đầu năm và nổi mạnh lên từ tháng 6 cho tới nay mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, dù chính phủ Hong Kong hôm 4/9 chính thức thông báo rút lại dự luật này.

Theo tìm hiểu của VOA, truyền thông Việt Nam chưa có nghi nhận nào về việc Trung Quốc phê chuẩn Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam và cũng không có thông tin về việc hai nước bàn thảo cũng như ký kết hiệp ước này trong những năm qua.

Chỉ có hai bài viết trên báo Tuổi Trẻ và Nhân Dân ra ngày 13/11/2017 nói về việc Việt Nam và Trung Quốc tập trung thúc đẩy cho Hiệp định dẫn độ giữa hai nước trong thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam.

Tuyên bố chung của lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc sau chuyến thăm của ông Tập được Tuổi Trẻ và Nhân Dân trích dẫn có đoạn viết hai nước sẽ “hợp tác phòng chống tội phạm” cũng như “tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như chống khủng bố, ma túy, tiền giả, lừa đảo qua mạng…phối hợp truy bắt tội phạm bỏ trốn” và “thúc đẩy Hiệp định dẫn độ Việt Nam-Trung Quốc sớm có hiệu lực.”

Đầu tháng trước, Việt Nam đã trao trả cho Trung Quốc gần 400 nghi phạm người Trung Quốc tham gia đường dây đánh bạc trên mạng Internet được coi là lớn nhất ở Việt Nam tại Hải Phòng bằng đường bộ qua cửa khẩu Lạng Sơn, theo truyền thông trong nước.

Giải thích về lý do trao trả 395 người trong đường dây đánh bạc cho Trung Quốc – mà đã gây bất bình trong công chúng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vượng được Thanh Niên trích lời nói hôm 4/9 rằng đây là chuyên án của Bộ Công an và rằng Bộ đã ký thỏa thuận về hợp tác trong công tác phòng chống tội phạm với Trung Quốc.

Ngày 27/8 vừa qua, Việt Nam cũng đã trao trả 28 người Trung Quốc cho Cục Công an TP Đông Hưng của Trung Quốc để xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam.

Theo tin từ VOA

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên