Trung Quốc: Cựu thủ tướng trong vụ Thiên An Môn qua đời

0
Lý Bằng. Ảnh The New York Times

BẮC KINH – Lý Bằng, cựu Thủ tướng Trung Quốc mà các tổ chức nhân quyền gọi là “tay đồ tể Bắc Kinh” vì vụ Thiên An Môn năm 1989, qua đời ngày 22 tháng 7.

Là con nuôi của Chu Ân Lai, thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau chiến thắng của Cộng sản năm 1949, ông Lý đã luồn lách khéo léo qua những hỗn loạn của triều đại Mao Trạch Đông và cuối cùng giữ vị trí quyền lực số hai.

Được đào tạo kỹ sư thủy điện ở Nga, ông đã làm việc trong nhiều năm ở ngành điện và từ từ leo dần để giữ nhiều vai ở trung ương, giúp Trung Quốc phát triển và cá nhân ông thăng tiến.

Đặng Tiểu Bình đã chọn ông làm Thủ tướng năm 1987, giữ vị trí này hơn 10 năm thì chuyển sang làm Ủy viên ban Thường vụ Quốc hội cho đến năm 2003.
Ông nắm nhiều vai trò quyết định cho tình hình chính trị của Trung Quốc trong nhiều thập niên, nhưng tên tuổi ông dính liền với vụ thảm sát những người biểu tình ôn hòa ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Khi đó, đứng trước áp lực của phe bảo thủ, xem cuộc biểu tình của sinh viên là một đe dọa cho ổn định và quyên lãnh đạo của đảng; Thủ tướng Lý Bằng đã ra lệnh giới nghiêm, dọn đường để chuyển quân vào Bắc Kinh vào cuối tháng 5 năm 1989. Ông cũng đóng vai chính khi ra lệnh cho binh sĩ dọn dẹp quảng trường, khiến cho hàng trăm, và có lẽ hàng ngàn người chết, vì rất khó biết con số chính xác.

Trong thông cáo chính thức được đọc trên truyền hình nhà nước, lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi Lý Bằng đã có “những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng bất ổn, dập tắt các cuộc bạo loạn phản cách mạng và ổn định tình hình trong nước”, trong thời kỳ “hỗn loạn chính trị vào đầu mùa xuân và mùa hè năm 1989”.

Ông Châu Bỉnh Thạc, một trong những sinh viên lãnh đạo cuộc biểu tình năm 1989, đứng hạng 5 trong danh sách bị chính quyền truy nã sau đó; nói rằng Lý Bằng vẫn còn mang món “nợ máu” chưa trả. Trong một tin nhắn được gửi đi, ông Châu nói “Tội ác đã không được mang ra xử, công lý chưa được thực thi, cái chết không thể xóa những tội ác”.

Trong các tài liệu mật của đảng cộng sản Trung Quốc bị lộ ra bên ngoài, vào đêm trước khi xảy ra cuộc thảm sát, Lý Bằng đã nói với các đồng chí của ông rằng “ngày càng lộ rõ rằng sự hỗn loạn đã được tạo ra bởi một liên minh của các thế lực phản động trong và ngoài nước, và mục tiêu của họ là lật đổ Đảng Cộng sản và lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa”.

Trong mấy chục năm sau đó, Lý Bằng bị nhân dân nguyền rủa nhưng vẫn được đảng bảo vệ và bao che, vì cho rằng phê phán Lý Bằng là coi như phê phán Đảng.
Trên không gian mạng của Trung Quốc, người ta không thể tìm “quảng trường Thiên An Môn” hoặc “6/4” (sự kiện ngày 4 tháng 6).
Jude Blanchette, học giả người Mỹ chuyên nghiên cứu về Trung Quốc viết trong quyển sách của ông rằng “không thể nào tách rời vai trò của Lý Bằng trong vụ thảm sát Thiên An Môn. Khi đến lúc quyết định tương lai của Trung Quốc, ông Lý đã chọn sự tồn tại của đảng thay vì sự tự do của người dân”.
Ngoài vụ Thiên An Môn, Lý Bằng còn là người ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch xây đập Tam Hiệp khổng lồ, dời cư cả triệu người, hủy hoại môi trường và thất thoát tiền bạc vào tay quan tham.

Trong cuốn hồi ký của mình, Lý Bằng nói mình không phải là con nuôi của Chu Ân Lai. “Quan hệ giữa Thủ tướng Chu, Mẹ Đặng (Dĩnh Siêu, vợ Chu Ân Lai) và tôi là quan hệ giữa các đồng chí cũ và bất kỳ gia đình liệt sĩ nào”.

Dù có nói gì đi nữa, người ta vẫn xem Lý Bằng như một thái tử đảng, giống như Tập Cận Bình, để tiếp tục cai trị Trung Quốc, một nguyên tắc mà đảng cộng sản Việt Nam đang bắt chước, xem đó là “hạnh phúc của dân tộc”.

Con trai Lý Bằng, Lý Tiểu Bằng, đã được Tập Cận Bình cho giữ chức bộ trưởng giao thông vận tải.

Lý Bằng còn hai người con khác là Lý Tiểu Lâm và Lý Tiểu Dũng.

Vào năm 2016, sự giàu sang của gia đình Lý Bằng được nhắc tới, khi cô con gái Lý Tiểu Lâm có tên trong hồ sơ Panama, một tài liệu về tài sản giấu giếm ở nước ngoài của các nhà giàu khắp thế giới, trong đó có nhiều người Việt.

Lý Tiểu Lâm còn có biệt danh “bà hoàng điện lực” vì hầu như dự án điện năng nào của nhà nước cũng có bàn tay của bà nhúng vào. Năm 2012, bà còn nổi tiếng trên mạng với bộ com lê hàng hiệu Pucci của Ý, nhưng thay vỉ chơi màu sậm như nhiều người thì bà chơi màu hồng.

Theo WashingtonPost

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên