Trump và cuộc chiến văn hóa (cultural war)

2

“Tổ Quốc trên hết” là câu nói đầu môi của nhiều quốc gia, chỉ riêng tại Mỹ thì “Nước Mỹ trước nhất” (America first) bị truyền thông dòng chính (mainstream media) công kích là mỵ dân, bài ngoại hay tự cô lập.

Toàn cầu hóa được giới tinh hoa (elites) rao giảng như mang lại lợi ích về an ninh và kinh tế cho Hoa Kỳ. Nhưng một số đông dân chúng tự hỏi đất nước nào vậy, bởi vì nhìn theo bản đồ phân chia giữa các tiểu bang bỏ phiếu thuận hay chống Trump thì nước Mỹ rạn nứt thành ba mảnh, hai vùng ven biển trù phú còn các khu vực nội địa ngày càng nghèo khó do đánh mất công ăn việc làm ra ngoại quốc. Còn về quốc phòng thì chính sách can thiệp quốc tế khiến Hoa Kỳ rơi vào cuộc chiến triền miên và vô cùng tốn kém tại Trung Đông từ hơn 10 năm nay nhưng vẫn không tìm ra lối thoát, lại phải gồng gánh thêm cho các nước giàu có ở Âu và Á Châu.

Trump có thể là một chính trị gia mị dân nhưng ông khơi động được sự phẫn nộ của dân chúng vì các chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hòa hay trước đây đã không đặt nước Mỹ trên hết: bảo trợ cho mậu dịch toàn cầu cho dù hàng triệu công ăn việc làm mất ra nước ngoài; chăm sóc lợi tức của các đại tập đoàn Apple, Exxon, v.v. trong khi vòng đai han rỉ (the rust belt – gồm những tiểu bang Trung Mỹ) ngày càng điêu tàn; làm cảnh sát quốc tế nhưng lại không bảo vệ được chính đường biên giới.

Trump không phải là một chiến sĩ văn hóa vì tư cách thô tục, lối sống xa hoa và thiếu đạo đức của ông. Nhưng bằng cách nào đó ông đã thay đổi mặt trận văn hóa giữa hai quan điểm cấp tiến (quyền phá thai, LGBT,…) và bảo thủ (tôn giáo, truyền thống,…) trở thành cuộc chiến chống lại thành phần ưu tú (elite) cùng các khuynh hướng giám thị tư tưởng (political correctness), đa văn hóa (multi-culturalism), toàn cầu hóa (globalism) thay vào đó đề cao tinh thần quốc gia (nationalism). Từ đó ông lôi kéo các thành phần bảo thủ, tôn giáo và chống phá thai bỏ phiếu cho ông vì cánh này không còn chọn lựa nào khác nếu không muốn nhường cho đảng Dân Chủ nắm quyền ít nhất là 12 năm. Đây chính là bí quyết giúp Trump thắng cử.

Đại đa số người Mỹ không chống di dân nhưng phải chọn lọc để không đe dọa đến an ninh, không lạm dụng trợ cấp và nhất là phải sẵn sàng hội nhập vào xã hội vốn đặt trên nền tảng Cơ Đốc Giáo (Christian-Judaism) cho dù là thuộc tôn giáo nào. Dân Mỹ ý thức sự cần thiết của các liên minh quốc tế nhưng những nước bạn phải đóng góp tương xứng phần chi phí và trách nhiệm chớ không thể trao gánh nặng cho Hoa Kỳ. Tự do mậu dịch nhưng với điều kiện phải đem về lợi tức đồng đều chớ không thể tập trung chỉ hai vùng ven biển. Dân Mỹ chống độc tài áp bức và cần đến an ninh toàn cầu nhưng không vì vậy mà Hoa Kỳ làm sen đầm quốc tế chạy theo chính sách áp đặt một trật tự tự do toàn trị (liberal hegemony). Sau hết, không có gì sai quấy khi nhà nước chủ trương “Nước Mỹ trên hết” nhằm nâng đỡ các khu vực thua sút nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho Hoa Kỳ.

Trận chiến văn hóa ở Mỹ tuy không đẫm máu như Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Hoa nhưng quyết liệt không kém vì sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ trong nhiều năm sắp tới. Trào lưu toàn cầu hóa tuy không dừng lại nhưng nhịp độ sẽ chậm dần để các quốc gia tự chất vấn về giá trị và bản sắc dân tộc, về chủ quyền quốc gia đối với các hiệp ước và định chế quốc tế và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của người dân. Mọi thay đổi lớn trong lịch sử đều mang đến hai giai cấp đặc quyền hay thua thiệt. Tại các nước cộng sản thì thành phần thất thế sẽ bị liệt vào phản động để bị thanh trừng hay đào thải. Ở những nước dân chủ những kẻ không quyền lực chính trị đã phản ứng dữ dội bằng lá phiếu và trên thông tin dòng ngược chống lại tầng lớp tinh hoa trí thức và thông tin dòng chính [1]. Người ta có thể chống Trump nhưng không thể quay mặt với thực tế là 2/3 dân Mỹ cảm thấy Hoa Kỳ đi theo chính sách sai lầm từ nhiều năm naỵ

***

[1] Ngay ở Việt Nam và Trung Quốc người dân cũng không còn im tiếng mà nhờ vào thông tin lề trái để phản đối các thể hiện tiêu cực của toàn cầu hóa như biểu tình của ngư dân chống nhà cầm quyền bao che cho tập đoàn tư bản Formosa.

 

2 BÌNH LUẬN

  1. VĂN HÓA VÀ CHÍNH TRỊ

    Con người vốn phải nhân văn
    Đó là văn hóa đâu cần nói chi
    Làm chính trị mà phi văn hóa
    Hoặc ngu dân hoặc chỉ mị dân

    Cốt là để lợi riêng mình
    Còn dân thay kệ việc gì tính sau
    Nói đất nước nhân dân nói khoát
    Thật chỉ luôn một mớ danh từ

    Hoàn toàn vô nghĩa ở đời
    Nhất là xạo xự của bầy lâu la
    Nên văn hóa trước là ý thức
    Cái tiếp theo giáo dục người dân

    Thông tin khoa học luôn cần
    Bởi vì trong sáng vạn lần khách quan
    Còn tuyên truyền mị dân quả tệ
    Cốt ngư dân không thể nào hay

    Nên nhìn giáo dục hôm nay
    Biết liền quá khứ việc này ra sao
    Từ đó thấy tương lai cũng vậy
    Vì lợi quyền há có vì dân

    Nhưng riêng nước Mỹ Trump
    Ông ta hợp pháp bởi dân đã bầu
    Dẫu tuyên bố rùm trời vung vít
    Chưa thấy gì tỏ vẻ mỵ dân

    Chỉ ai tâm lý cù lần
    Mới thường xuyên tạc vạn phần vậy thôi
    Như oanh kích Syrie cho thấy
    Hễ Trump có nói là làm

    Bây giờ chờ lượt Triều Tiên
    Coi Trump có phải hiền hay không
    Tổng Thống Mỹ bởi dân bầu cử
    Có lợi gì để phải mỵ dân

    Trump lại thứ nhà giàu
    Giờ thêm địa vị mỵ dân làm gì
    Nên chính trị chỉ hầu trong sạch
    Khi có nền văn hóa ưu tiên

    Ngoài ra chỉ có toàn phiền
    Khi nào văn hóa bị hoen mất rồi
    Nói tóm lại đời cần văn hóa
    Nó cân đo chính trị vậy thôi

    Vậy nên chính trị chỉ tồi
    Khi nào chuyên chính tịt ngòi tự do
    Mao Trạch Đông hô là thống soái
    Đó thật tình chính trị lưu manh

    Khi nào tâm ý không thành
    Trở thành chính trị đầu cơ vậy mà
    Bởi chính trị chỉ nhằm quyền lực
    Thực chất thường chỉ nhắm ngu dân

    Còn mà dân chủ tự do
    Mọi người bình đẳng mới ra con người
    Không ai được đè đầu cỡi cổ
    Mới không lừa không dối vậy thôi

    Nên chi mọi việc trong đời
    Đều luôn luôn rõ như lòng bàn tay
    Chỉ ngu ngốc mới thành không hiểu
    Hay mỵ dân cốt để gạt người

    GIÓ NGÀN
    (14/3/17)

  2. Trump có mỵ dân không thì chưa đủ thời gian để trả lời nhưng thấy ông đang thực hiện những gì ông đã nói khi tranh cử còn với Obama thì sau 8 năm cầm quyền chúng ta đã thấy.

    nv

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên