Tranh chấp EU – Ba Lan leo thang

1

Liên minh châu Âu đã nâng cuộc tranh cãi với Ba Lan lên một tầm mới. Hôm thứ Năm, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu với kết quả áp đảo, lên án phán quyết của Tòa án Hiến pháp của Ba Lan cho rằng hiến pháp của Ba Lan được ưu tiên hơn một số luật của EU. 

Phán quyết khiến nhiều nhà lập pháp châu Âu lo ngại Ba Lan có thể rút khỏi khối – một “Polexit” giống như Brexit của Anh. Tuy nhiên, đảng cầm quyền Ba Lan cho biết không có kế hoạch nào như vậy và công dân Ba Lan vẫn ủng hộ tư cách thành viên EU ở mức cao. Nhưng EU có thể chọn kỷ luật Warsaw bằng cách giữ lại các khoản tiền viện trợ cho các dự án phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, khiến Thủ tướng Ba Lan gọi hình phạt này giống như “bắt chẹt”.

Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhà lập pháp của mình, họ muốn ngưng những khoản tiền dành cho Ba Lan khi cuộc tranh cãi giữa Warsaw và Brussels ngày càng nóng.

Hôm thứ Ba, các luật sư của Nghị viện châu Âu đã được yêu cầu chuẩn bị một vụ kiện chống lại Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành của khối – vì “thất bại” trong việc trừng phạt các quốc gia thành viên “vi phạm Quy tắc của Khối”.

David Sassoli, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, cho biết hôm thứ Tư rằng Ủy ban đã chần chừ quá lâu, không chịu ban hành một cơ chế được thông qua vào năm ngoái cho phép ngân sách của EU được giữ lại nếu các quốc gia thành viên phạm luật. Ông nói, đã đến lúc phải hành động: “Liên minh châu Âu là một cộng đồng được xây dựng dựa trên các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền. Nếu những điều này đang bị đe dọa bởi một quốc gia thành viên, thì EU phải hành động để bảo vệ. Do đó, tôi đã yêu cầu bộ phận pháp lý của chúng tôi chuẩn bị một vụ kiện chống lại Ủy ban để các quy tắc của EU được thực thi đúng cách.”

Bắt chẹt

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết ông sẽ không cúi đầu trước “hành vi bắt chẹt” khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh của 27 quốc gia trong khối hôm thứ Năm.

Ông Morawiecki cho biết sẵn sàng giải quyết các tranh chấp với EU, mặc dù nhiều người lo ngại rằng sự rạn nứt về ý thức hệ âm ỉ giữa các nước Đông và Tây Âu sẽ đe dọa cho sự đoàn kết của EU.

EU xem hành động của Ba Lan là một đe dọa cho nền tảng pháp lý của Liên minh vì nó co thể lây sang các quốc gia thành viên khác.

Căng thẳng kéo dài giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc cầm quyền ở Ba Lan và phe đa số theo chủ nghĩa tự do của khối đã tăng vọt kể từ khi Tòa án Hiến pháp Ba Lan ra phán quyết vào tháng này rằng nhiều phần trong luật EU không phù hợp với hiến pháp của nước này, thách thức nguyên tắc cốt lõi của việc hội nhập EU.

Tranh chấp không chỉ dẫn đến nguy cơ có một cuộc khủng hoảng quan trọng mới cho khối, vốn chưa ổn định sau hậu quả của Brexit. Nó có thể làm Ba Lan mất đi các khoản tài trợ hào phóng của EU.

Câu lạc bộ nào cũng có Nội quy

Trên đường đến dự hội nghị hôm thứ Năm, Thủ tướng Morawiecki cho biết: “Một số định chế của châu Âu muốn dành quyền quyết định những đề tài chưa được giao cho họ. Chúng tôi sẽ không hành động dưới áp lực của sự bắt chẹt… nhưng tất nhiên chúng tôi cũng muốn giải quyết các tranh chấp hiện tại qua đối thoại.”

Những lãnh đạo các nước phương Tây giàu có hơn nước ông không muốn những khoản tiền do người dân đóng thuế của họ mang lại lợi ích cho các chính trị gia bảo thủ về mặt xã hội, những người mà họ coi là thiếu tôn trọng nhân quyền như đã được quy định trong luật châu Âu.

Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo nói: “Nếu bạn muốn hưởng những phúc lợi khi gia nhập một câu lạc bộ … thì bạn cần phải tôn trọng Nội quy của nó. Bạn không thể vừa là thành viên của câu lạc bộ vừa nói ‘Nội quy của nó không áp dụng cho tôi’.”

Lãnh đạo các nước từ Ireland cho đến Pháp đều kêu gọi Warsaw nêntrở lại đi ngay ngắn trong hàng. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, đề cập đến cuộc cải cách tư pháp của Ba Lan khiến các tòa án của nước này chịu sự kiểm soát của chính phủ nhiều hơn, nói rằng rất khó để chấp nhận chuyện để cho tiền bạc của EU được chuyển cho Ba Lan. “Chúng ta phải cứng rắn,” ông nói.

Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của Thủ tướng Morawiecki ngày càng tranh cãi gay gắt với EU về nhiều nguyên tắc dân chủ, từ quyền tự do của tòa án, tự do truyền thông; cho đến quyền của phụ nữ, người di cư và người LGBT.

Ủy ban châu Âu hiện đã cấm Warsaw đụng vào 57 tỷ euro (66 tỷ USD) quỹ khẩn cấp để giúp nền kinh tế Ba Lan phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tòa án hàng đầu của EU cũng có thể sẽ phạt thêm Ba Lan, quốc gia cựu cộng sản lớn nhất của EU gồm 38 triệu dân.

Đối với EU, cuộc tranh chấp với Ba Lan xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm. Năm ngoái, EU đã thực hiện một bước táo bạo để khuyến khích hội nhập chặt chẽ hơn bằng cách đồng ý vay nợ chung để huy động 750 tỷ euro phục hồi kinh tế sau đại dịch, vượt qua sự phản đối gay gắt của các quốc gia giàu có ở miền Bắc.

Không có chuyện Polexit

Thủ tướng Morawiecki đã bác bỏ chuyện “Polexit” – rời khỏi khối – và sự ủng hộ của dân Ba Lan muốn ở lại EU vẫn rất cao, nước này đã được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn tài trợ của EU kể từ khi gia nhập vào năm 2004.

Nhưng Warsaw, có sự hậu thuẫn của Hungary, muốn các nước thành viên có thêm quyền và lên án những gì họ xem là quyền lực quá mức của Ủy ban châu Âu. Thủ tướng Viktor Orban của Hungary nói: “Ba Lan là một trong những quốc gia tốt nhất châu Âu. Không cần một sự trừng phạt nào, điều đó thật là nực cười.”

Trong khi nhiều người ngày càng thất vọng vì không thuyết phục được Warsaw thay đổi thái độ, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo không nên cô lập Ba Lan. “Chúng ta phải tìm cách quay lại với nhau”, và bà nói thêm rằng việc đưa nhiều vụ kiện chống lại Ba Lan ra Tòa án Công lý của EU không phải là giải pháp.

Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của bà đang bị suy yếu mặc dù trong suốt 16 năm cầm quyền bà đã dự hơn 100 hội nghị thượng đỉnh EU; và lần này có thể sẽ là lần chót trước khi bà trao quyền cho một thủ tướng mới của Đức.

(Theo CNN)

1 BÌNH LUẬN

  1. Khối EU được lập ra với tham vọng để làm đối trọng với Mỹ, nhưng chắc sẽ không bền lâu vì có nhiều khác biệt. Hơn nữa, chủ nghĩa Quốc Gia là tối thượng, cho nên khối này rồi sẽ rã gánh. UK là nước đi đầu và chắc chắn sẽ có nước khác theo sau. Mỹ sẽ lại tiếp tục đóng vai trò đàn anh bảo vệ đàn em. Nhớ đóng tiền lệ phí hàng năm cho đủ, nghe mấy em.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên