Trang sử thuyền nhân và nghĩa trang Galang

5
H08: Bia tưởng niệm người vượt biển tại nghĩa trang Galang năm 1986 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Galang là tên một đảo nhỏ thuộc tỉnh Riau của Indonesia đã được chính phủ nước này cho Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp quốc sử dụng trong nhiều năm để người tị nạn Đông Dương tạm trú, trong khi chờ đợi được định cư ở một nước thứ ba.

Trong vòng 17 năm, kể từ khi mở ra năm 1979 cho đến lúc đóng cửa vào năm 1996, Galang đã là nơi dừng chân của hơn 200 nghìn người tị nạn, hầu hết là thuyền nhân vượt biển từ Việt Nam và một số người Cam Bốt.

Tầu vượt biển từ Việt Nam thường cập bến Indonesia trong các vùng quần đảo Riau, Natunas, Anambas rồi được đưa vào Terempa hay Kuku ở tạm, trước khi tầu của Cao uỷ Tị nạn ra đón vào Galang, nơi được gọi là “cửa ngõ tự do và tình người”

Galang có hai trại nằm cách nhau hai cây số. Từ cầu tầu vào một quãng đường là Galang I, nơi tiếp nhận người mới đến. Ở đây thuyền nhân sống tập thể trong những ba-rắc bằng gỗ, dài 20 mét ngang 6 mét. Mỗi ba-rắc chừng 50 người, có thể nhiều hoặc ít hơn tuỳ theo dân số trại.

Galang II, trước năm 1987 nơi sinh sống của những người đã được một nước thứ ba nhận cho định cư. Đa số đi Mỹmột số đi Canada, Úc hay Pháp.

Người tị nạn trước khi đi Mỹ phải qua một khoá học kéo dài từ ba đến bốn tháng rưỡi, để học Anh văn và kiến thức về đời sống Mỹ. Từ năm 1987 các khoá Mỹ chuyển qua Bataan, Philippines.

Nhà ở cho người tị nạn trong Galang II cũng là những ba-rắc gỗ, nhưng thiết kế kiểu nhà sàn, tầng trên chia làm 10 phòng, cho từng gia đình để có sự riêng biệt. Bên dưới là nơi nấu ăn, tắm rửa.

Hai trại đều có chợ, quán ăn, quán cà phê; có nhà thờ, chùa, thánh thất với các lễ nghi tôn giáo cùng các sinh hoạt đoàn thể như Đoàn Oanh Vũ, Gia đình Phật tử Long Hoa, Thiếu nhi Thánh thể, Thanh niên Công giáo.

Về giáo dục có chương trình phổ thông dành cho trẻ em, có thư viện, phòng thính thị cho việc học tiếng Anh. Có chương trình huấn nghệ do các cơ quan thiện nguyện World Relief, Save the Children điều hành.

Về y tế có bệnh viện PMI do Hội Hồng Nguyệt Indonesia trông coi.

Trong trại có bán nguyệt san Tự Do, do linh mục Gildo Dominici sáng lập và làm chủ nhiệm, người tị nạn lo điều hành và nội dung bài vở.

Vào các dịp lễ như tưởng niệm 30/4, Giỗ tổ Hùng Vương, Kỷ niệm 1/11, Trung Thu, Tết, Giáng Sinh, Phật Đản trong trại đều có sinh hoạt văn hoá, văn nghệ MCI (Maintaining Cultural Identity – Bảo tồn văn hoá) do nhiều đoàn thể đóng góp được tổ chức tại CVC hay Trung tâm Sinh hoạt Thanh Thiếu niên (Youth Center).

Nhìn chung đời sống trại Galang như ở một làng quê Việt Nam. Lúc đông nhất dân số trong trại lên đến 15 nghìn người tị nạn, cùng hàng trăm nhân viên đến trại làm việc từ nhiều quốc gia.

Từ sau tháng 4/1975 những ai rời Việt Nam đến được bến bờ các quốc gia Đông Nam Á, nếu không có thân nhân ở các nước khác, đều được Mỹ nhận cho định cư.

Đối diện với khủng hoảng về thuyền nhân, một hội nghị quốc tế về người tị nạn Đông Dương đã họp ở Geneve tháng 7/1979 và đi tới quyết định là không chỉ Hoa Kỳ tăng số người tị nạn được nhận lên 14 nghìn mỗi tháng, nhiều quốc gia khác cũng mở rộng bàn tay đón nhận người tị nạn Đông DươngÚc, Canada, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Nhật, các nước Bắc Âu và nhiều quốc gia khác. Ngay cả Do Thái cũng nhận người tị nạn Việt trong giai đoạn này.

Mười năm sau, chính sách về người tị nạn Đông Dương có những thay đổi căn bản.

Đầu tháng 3/1989, đại diện của 29 quốc gia họp tại Kuala Lumpur, Malaysia để tìm giải pháp cho thuyền nhân. Sau đó các quốc gia ASEAN đưa ra quyết định những thuyền nhân đến các trại sau ngày 14/3/1989 sẽ phải qua thanh lọc để xác định qui chế tị nạn, từ đó mới có thể xin định cư ở một nước thứ ba. Không có qui chế tị nạn, người vượt biên, vượt biển sẽ bị trả về nguyên quán.

Quá trình thanh lọc có những bất công khiến người vượt biển trong các trại ở Đông Nam Á biểu tình phản đối.

Trong trại Galang nhiều người đã tự thiêu, tự sát vì bất công trong thanh lọc chống lại việc cưỡng bách hồi hương.

Tại hải ngoại, nhiều hội đoàn, các tổ chức giúp người vượt biển đã lên tiếng cầu cứu với Cao uỷ Tị nạn, với lãnh đạo các quốc gia mong tìm ra một giải pháp nhân đạo cho thuyền nhân.

Vào đầu thập niên 1990, việc giải quyết vấn đề thuyền nhân tị nạn Việt Nam, cũng như vấn đề cựu tù nhân học tập cải tạo, vấn đề con lai là những điểm được bàn thảo trong tiến trình thiết lập bang giao giữa Washington và Hà Nội.

Việt Nam lúc đầu không muốn nhận lại thuyền nhân đã bỏ nước ra đi. Như năm 1975 đã không muốn nhận người di tản hồi hương trên con tầu Việt Nam Thương Tín.

Năm 1991 Hà Nội loan báo đồng ý nhận lại những người vượt biên, vượt biển không có qui chế tị nạn.

Chính sách cưỡng bách hồi hương được thi hành. Gần 6 nghìn thuyền nhân từ Galang đã phải hồi hương. Một số đã tình nguyện hồi hương trước, sau được Hoa Kỳ nhận cho vào Mỹ theo chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees).

Cùng lúc chương trình định cư tù cải tạo HO và con lai được Hoa Kỳ và Việt Nam xúc tiến đưa hàng trăm nghìn người Việt qua Mỹ định cư.

Làn sóng vượt biển chỉ chấm dứt 20 năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975.

Các trại tị nạn ở Đông Nam Á, một thời là “cửa ngõ tự do và tình người, từng đón bộ nhân vượt biên hay thuyền nhân vượt biển đóng cửa.

Khao I Dang, Sikiew, Songkla, Panat Nikhom, Bidong, Sungei Besi, Kuku, Galang, Palawan, Bataan, Chi Ma Wan, Hei Ling Chau, Kai Tak, Tuen Mun, Argyle, Whitehead nhiều nơi nay không còn dấu vết gì nhiều ngoài những nấm mồ của người tị nạn đã qua đời trong trại.

Nằm giữa đường từ Galang I vào Galang II có một khu nghĩa trang, nơi chôn cất khoảng 500 đồng hương kém may mắn đã qua đời tại đây, được thuyền nhân gọi là Galang 3.

Nhiều người chết vì già, vì bệnh. Có bé sơ sinh chết khi vừa lọt lòng mẹ. Có người tự sát để phản đối chính sách thanh lọc bất công được áp dụng cho những ai đến đảo sau ngày 14/3/1989.

Thời gian làm việc trong trại Galang tôi có biết đến hai cái chết. Một anh chừng 30 tuổi, được Hoa Kỳ nhận cho định cư và mở tiệc ăn mừng. Sau buổi tiệc, tối về phòng ngủ và sáng hôm sau không thức dậy nữa.

Người thứ hai là một thanh niên hay quậy phá, nhiều lần bị P3V, cơ quan an ninh của Indonesia, bắt giam vào “nhà khỉ” tức nhà tù của trại. Vào một buổi trưa, anh kêu bạn tù ở phòng cạnh bên kéo dây để anh phơi quần áo. Đâu ngờ đó là dây anh dùng thắt cổ tự tử.

Trại Galang II có Miếu Hai Cô ngay dưới một tàn cây to cao như cây đa. Nghe kể là hai cô đi vượt biển, tầu gặp hải tặc và bị hãm hiếp. Nhiều người trong trại thường đến miếu thắp nhang.

Những năm sau nơi này có thêm một miếu nữa nên trở thành Miếu Ba Cô, để tưởng nhớ đến ba cô gái Việt đã chết trong trại.

Năm 2005, ghi dấu 30 năm ngày 30/4 tang thương khiến nhiều người phải bỏ nước ra đi, cộng đồng người Việt hải ngoại có dự án xây đài tưởng niệm thuyền nhân tại Galang và Bidong. Tổ chức Văn khố Thuyền nhân Việt Nam ở Úc, do ông Trần Đông làm giám đốc, xúc tiến công tác.

Khi đài tưởng niệm hoàn thành thì chính phủ Việt Nam phản đối, tạo áp lực ngoại giao buộc chính quyền địa phương phá bỏ.

Đài tưởng niệm ở Galang bị đục bỏ tấm bia bằng đá, với hàng chữ:

In commemoration of the hundreds of thousands of Vietnamese people who perished on the way to Freedom (1975-1996). Though they died of hunger or thrist, of being raped, of exhaustion or of any other cause, we pray that they may now enjoy lasting peace. Their sacrifice will never be forgotten. Overseas Vietnamese Communities, 2005”

[Để tưởng niệm hằng trăm ngàn người Việt đã chết trên đường tìm tự do (1975-1996). Dù họ đã chết vì đói khát, vì bị hãm hiếp, vì bị kiệt sức hay vì bất cứ nguyên do nào khác, chúng tôi cầu nguyện cho họ được yên nghỉ đời đời. Những hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên. Các Cộng đồng Việt Nam Hải ngoại, 2005]

Trên tấm bia còn có lời tri ân Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp quốc, Hội Hồng Thập tự Quốc tế, Hội Hồng nguyệt Indonesia và các tổ chức quốc tế đã cứu giúp thuyền nhân.

Trong hơn 10 năm qua, chính phủ Indonesia mở cửa Galang làm nơi du lịch. Người Việt hải ngoại đã có những chuyến đi “Về bến Tự do” thăm lại trại tị nạn xưa.

Nhiều người từng ở Galang đã trở lại nơi này để thăm viếng nơi có một thời sống qua, cùng tảo mộ chăm sóc cho nghĩa trang. Điều này khiến Việt Nam không hài lòng vì Hà Nội muốn xoá bỏ dấu tích và hệ lụy của các chính sách cai trị hà khắc đã khiến người Việt phải bỏ nước ra đi.

Thông tin và hình ảnh đưa lên mạng gần đây cho thấy di sản của người vượt biển tị nạn còn lại tại Galang ngày nay là một bảo tàng về thuyền nhân với nhiều hình ảnh, di vật. Một ba-rắc của Galang II được dựng lại, vài con thuyền vượt biên được phục hồi và trưng bày. Nhà thờ và chùa ở Galang II vẫn còn. Cách đây chừng một tháng thì ngôi chùa đã bị hoả hoạn làm thiệt hại.

Nghĩa trang Galang đã qua nhiều đợt trùng tu. Những ngôi mộ được làm sạch cỏ chung quanh và có nước sơn mới mầu trắng.

Nhìn tấm bia tưởng niệm có trong nghĩa trang từ những năm đầu của thập niên 1980, nay được bao phủ và có nhiều mái che trên lối vào làm mất vẻ đẹp và trang nghiêm, người viết bài đề nghị với Văn khố Thuyền nhân Việt Nam bên Úc, hay hội đoàn nào có trách nhiệm bảo tồn nên có kế hoạch phục hồi bia tưởng niệm lại nguyên trạng như trước, với không gian hoàn toàn mở, không nên có các mái che khuất như hiện nay.

Thêm nữa, các tượng ảnh đặt trước và chung quanh bia tưởng niệm không phù hợp với vong linh của tất cả những người đã khuất vì thuộc nhiều tôn giáo khác nhau.

Tấm bia nguyên thuỷ chỉ có bình nhang phía trước. Nhiều người đã đến đây cầu nguyện và cắm nhang tưởng nhớ.

Về bàn làm lễ nếu cần có cho nghi thức theo tôn giáo, đề nghị dùng một nhà chòi đã có bên phía trên, góc phải nghĩa trang. Khi đọc kinh hay làm lễ có thể đặt trên bàn hình tượng tôn giáo mang theo. Sau nghi thức, mọi người có thể xuống viếng mộ.

Nếu cần hướng thẳng về nghĩa trang và bia tưởng niệm, đề nghị xây dựng một nhà chòi bên kia đường đối diện với cổng nghĩa trang.

Trong hai thập niên từ sau ngày 30/4/1975, theo số liệu của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp quốc, đã có gần một triệu người Việt bỏ nước ra đi, phần đông là vượt biển. Hàng trăm nghìn người đã vùi thây trên biển và trong rừng sâu.

Hành trình tìm tự do với nhiều đau thương của người Việt Nam đã làm nên trang sử của thuyền nhân tị nạn.

*

Tác giả Bùi Văn Phú làm việc tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á trong thập niên 1980. Ông hiện là giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California

H01: Trại tị nạn Galang I, Indonesia (Ảnh: Bùi Văn Phú)

H02: Một gia đình thuyền nhân trong ba-rắc Galang I (Ảnh: Bùi Văn Phú)

H03: Người tị nạn xem văn nghệ tại Youth Center, Galang II (Ảnh: Bùi Văn Phú)

H04: Tuồng cải lương trong một buổi văn nghệ ở Galang (Ảnh: Bùi Văn Phú)

H05: Bà Pirjo Dupuy, Cao ủy trưởng đặc trách định cư, trao phần thưởng cho học sinh khối giáo dục phổ thông (Ảnh: Bùi Văn Phú)

H06: Nhà ở của người tị nạn trong trại Galang II (Ảnh: Bùi Văn Phú)

H07: Bán nguyệt san Tự Do (Ảnh: Bùi Văn Phú)

H09: Nghĩa trang Galang năm 1986 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Bùi Văn Phú

5 BÌNH LUẬN

  1. CS như hủi,ai thấy đành bỏ chạy! Suốt một quá trình “lấp liếm’ nền điện ảnh CS,, chưa bao giờ có đươc bức hình chạy loạn, chụp-từ-phía-trước,toàn là chụp ở đằng sau lưng.Có nghĩa là : thấy CS là thiên hạ “quay đít” chạy !

  2. Trích t/g Bùi Văn Phú, “Trại Galang II có Miếu Hai Cô ngay dưới một tàn cây to cao như cây đa. Nghe kể là hai cô đi vượt biển, tầu gặp hải tặc và bị hãm hiếp. Nhiều người trong trại thường đến miếu thắp nhang.”

    Ngày tôi ở đó, chưa có những ngôi mộ dựng lên.

    Những người dân hay quân nhân ở Indonesia thời đó chưa bao giờ nghe nói có hãm hiếp ở trại Galang. Đường đi biển, hay có hải tặc và có hãm hiếp. Tại Indonesia không nghe những vụ này.

    Những người phạm pháp ở trại Galang cũng bị giam giữ và bị đối xử nghiêm khắc để duy trì trật tự của trại để có thể gọi là mọi người coi đó làm gương mà tránh phạm pháp.

    Người Việt từng tìm thấy tình thân của người quốc gia VN tại đảo.

    Xin cảm ơn Cao Ủy Tị nạn và chính phủ Indonesia đã từng cho chúng tôi tạm trú và có một cuộc sống lành mạnh với thực phẩm, nơi cư trú cũng như các sinh hoạt cộng đồng hay tôn giáo v.v.

    Chúc quý vị một cuối tuần bắt đầu của tháng hoa (=tháng năm).

    God Bless.

    • Những bông hoa thủy tiên (daffodil/narcissus) màu vàng vừa nở hôm qua ra hoa nhiều hơn năm trước, ở vườn nhà tôi vào ngày 30 tháng tư 2021.

      Hoa thủy tiên vàng ở đây thường dùng là biểu hiệu chính thức của Cancer Association, symbolizing hope for a cure.

      Đối với tôi hoa thủy tiên màu vàng hay nở vào tháng tư khắp thành phố, nơi sân trường đãi học, v.v. trước khi tulip ở vườn ra hoa sau đó, với những nhánh hoa vẫy chào như lá cờ vàng của VNCH kêu gọi cho quốc gia lãnh thổ nhân quyền Viêt Nam.

      Enjoy springtime.

  3. Xin gửi lòng tri ân đến BBT ĐCV, tất cả các tác giả những bài viết, các còm sĩ và độc giả đã tham gia. Tôi còm vào trang này vì tiện là trang mới nhất và vì tôi đã từng là thuyền nhân ở đảo Galang.

    “Đời nhịp cầu lỡ bước Bước hoang mang rồi …!”. “Mẹ già ngồi im bóng Mái tóc tuyết sương Mong con bạc lòng”

    Chiều nay gửi tới quê xưa
    Biết là bao thương nhớ cho vừa
    Trời cao chìm rơi xuống đời
    Biết là bao sầu trên xứ người

    Tôi đã ở Galang từ May 1980 tới Nov thì sang Canada, buổi chiều hay nghe phát thanh Thuyền Viễn Xứ, thơ Hà Huyền Chi, nhạc Phạm Duy với giọng hát Lệ Thu gởi nỗi niềm cho quốc gia Việt Nam.

    Chiều nay trên bến muôn phương
    Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường …

    Người miền nam hay gọi người guốc gia để phân biệt với phía người bắc cs, VC.

    Chúng ta có chương trình chiêu hồi để kêu gọi VC quay về chính nghĩa. Chương trình này đến nay có thể nói là vẫn luôn tiếp tục từ những tâm tình hay những hoãt động cho một VNCH.

    Tới bây giờ tôi vẫn là người quốc gia VNCH.

    Năm 1954 chia đội đất nước, không có phong trào di cư ra bắc, chỉ có di cư vào nam cùng người quốc gia VNCH.

    Năm 1975, người quốc gia VNCH đã nhiều người trên con thuyền viễn xứ, vẫn gửi đến VN, mong đợi, đúng thế, một quốc gia, cho người quốc gia VN: VNCH.

    Vẫn còn là những buổi chiều Thuyền Viễn Xứ mong chờ chính thức cho một quốc gia lãnh thổ VN với một Quốc Gia lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

    God Bless. Chúc các bạn cuối tuần an vui.

    Chiều nay sương khói lên khơi
    Thùy dương rũ bến tơi bời
    Làn mây hồng pha ráng trời
    Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người

    Thuyền ơi! viễn xứ xa xưa
    Một lần qua dạt bến lau thưa
    Hò ơi! giọng hát thiên thu
    Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về

    Nhìn về đường cô lý
    Cô lý xa xôi
    Đời nhịp sầu lỡ bước
    Bước hoang mang rồi …!
    Quay lại hướng làng
    Đà Giang lệ ướt nồng
    Mẹ già ngồi im bóng
    Mái tóc tuyết sương
    Mong con bạc lòng …

    Chiều nay gửi tới quê xưa
    Biết là bao thương nhớ cho vừa
    Trời cao chìm rơi xuống đời
    Biết là bao sầu trên xứ người

    Mịt mờ sương khói lên hương
    Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
    Chiều nay trên bến muôn phương
    Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường …

    (Thuyền Viễn Xứ}

  4. Tác giả không nhắc tới “hòa giả hòa hợp dân tộc” rồi! Nghe nói nhà nước ta chỉ thích HHHG dân tộc với những người có tiền và không chi phối được người ta.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên