TQ xây 9 nhà đốt xác cho nửa triệu tù nhân

1
Ảnh www.irozhlas.cz


Trung quốc xây 9 nhà đốt xác cho nửa triệu tù nhân. Tác giả của cuốn Lò mổ kinh hãi nói „Chúng tôi đã thất bại“


“Khi bạn trở thành nhân chứng cho một thảm họa trong lĩnh vực quyền con người thì nó kinh khủng lắm. Nó làm cuộc sống của tôi thay đổi” Ethan Gutmann, nhà báo điều tra nổi tiếng thế giới cho biết. Trong một bài phỏng vấn lớn với iRozhlas.cz, người đã lật ra cho thế giới thấy sự thật về việc người Trung quốc giết người để mổ cướp nội tạng, đã thú nhận nỗi kinh hoàng rằng ông và đồng nghiệp của mình đã thất bại. Bởi vì các tin dữ đến từ Tân cương, nơi chính quyền Trung quốc hiện giam giữ hàng trăm ngàn người. Chỉ còn những điều tự thắc mắc: liệu họ có bị trừng phạt gì không một khi giết sạch những người Duy Ngô Nhĩ?

Khoảng đầu thiên niên kỷ Ethan Gutmann sống tại Bắc kinh – chính giữa trung tâm của mọi sự kiện, mọi mối quan hệ của mình, như chính ông nói, cái gì sột soạt xó nào ông cũng biết tức thì. Đó là một khoái cảm dễ nghiện. Dẫu vậy ông đã gạt sang một bên mạng lưới quan hệ mà công phu lắm ông mới xây dựng được, để đổi lại là những người tị nạn Trung quốc, những kẻ đã bỏ chạy khỏi đất nước vì lo sợ cho mạng sống của mình. Bởi Gutmann chính là một trong những nhà điều tra, những người đã thu thập cho thế giới các bằng chứng về việc Trung quốc đã giết hại hàng loạt các tù nhân lương tâm và dùng bạo lực để cướp đi các nội tạng của họ.

Đó là kết luận đã được biết đến của cuộc điều tra Vụ thu hoạch đẫm máu (Bloody Haverst, 2006) của luật sư David Matas và cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao của Canada là David Kilgour; cuốn sách dày hàng trăm trang của Gutmann Lò mổ: các vụ giết người hàng loạt, mổ cướp nội tạng và cách thức của Trung quốc để giải quyết vấn đề tù nhân lương tâm (The Slaughter: Mass killings, Organs haversting, and China’s Secret Solution to its Dissident Problem, 2015), hay là xuất bản mới nhất của Vụ thu hoạch đẫm máu (Matas, Gutmann, Kilgour) năm 2016, theo đó Trung quốc có khoảng 100 ngàn vụ cấy nội tạng hàng năm.

Bạn sẽ ngạc nhiên với việc ông Gutmann không còn được đón tiếp tại Trung quốc? Có lẽ cũng chỉ bởi vì một đề tài kém dễ chịu là quá ít ỏi đối với Bắc Kinh. Đã từ 2004 ông đã có một cuốn sách đầu tay mang tên Sự mất mát của nước Trung Hoa mới: câu chuyện kinh doanh của nước Mỹ, khát vọng và sự bội phản (Losing the New China: Story of American Commerce, Desire and Betrayal), trong cuốn sách này, ông lần mò theo sự cộng tác giữa giới doanh nghiệp phương Tây với đảng cộng sản Trung quốc và sự cộng tác này trong lĩnh vực công nghệ, ví dụ như Cisco, đã mang lại cho Trung quốc một phương tiện như thế nào để kiểm soát người dân một cách toàn diện.

Ông tới Trung quốc lần cuối cùng đã lâu chưa?

Cũng vài năm rồi. Tôi đi khỏi đó vào năm 2002, khi tôi nghiên cứu cho cuốn sách đầu tiên của mình. Khi đó cuốn sách bị coi là nhiều tranh cãi, nhưng ngày nay thì cuốn sách viết về những điều đã biết từ lâu: việc theo dõi người dân tại Trung quốc và cả về việc các công ty phương Tây đã hỗ trợ cho Trung quốc đến mức nào, trước hết là Cisco, Yahoo, ở một mức độ nào đó cả Microsoft và các công ty khác. Đối với tôi, cuốn sách này trên thực tế đã đóng lại cánh cửa vào Trung quốc, tôi đã trở thành người khách không mời. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất.

Để tôi kể cho chị nghe một câu chuyện. Khi chúng tôi bắt đầu điều tra việc mổ cướp nội tạng, trước cả bản Vụ thu hoạch đẫm máu của Kilgour và Matas được đăng trên Đại kỷ nguyên, rằng Tô gia đồn (bệnh viện ở thành phố Thẩm dương thuộc tỉnh Liêu Ninh) trên thực tế là một trại tập trung và nơi tín đồ Pháp luân công bị giết hại để lấy đi nội tạng. Bà Wang Wen I, một phụ nữ rất nổi tiếng mà có lẽ chị còn nhớ trong bức hình chụp trên khuôn viên Nhà Trắng (nữ bác sĩ, nhà báo Trung quốc sống tại Hoa kỳ đã lâu. Sự phản đối của bà trong tháng 4/2006 đã phá vỡ cuộc họp báo của George W. Bush và Hồ Cẩm Đào trong chuyến đi thăm Washington của ông này).

Bà Wang gọi điện cho tôi: tôi có nhân chứng tại Trung quốc, và đêm nay tôi sẽ nói chuyện với người này. Ông có muốn có mặt cùng tôi? Tôi trả lời: Bà muốn nói chuyện một cách thân tín với ai đó ở Trung quốc như thế nào đây? (Tức là không bị nghe lén) Không thể có chuyện đó! Nhưng bà ấy trả lời: Không phải thế, được mà, chúng tôi những người luyện Pháp Luân Công có cách đặc biệt

Ông tin bà ấy?

Tôi tin rằng các kênh liên lạc ấy được đảm bảo rất tốt. Nhưng liệu có đủ? Nhân chứng ở đầu bên kia điện thoại là một người đàn ông từ một bệnh viện ở Quảng châu, người đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin mang tính nguyên tắc không chỉ về việc mổ cướp lấy nội tạng, mà cả về việc bệnh viện cụ thể này đóng một vai trò lớn đến như thế nào trong chủ đề này. Chúng tôi chia tay, chúc nhau một buổi tối tốt lành – và sau đó, người đàn ông này biến đi không để lại dấu vết. Ông ta có vợ và con nhỏ. Và bỗng nhiên biến khỏi mặt đất. Vĩnh viễn.

Và tôi bỗng nhận thức được: các phóng viên thì yêu thích các bi kịch, các camera được dấu kín, các băng ghi âm ngầm. Nhưng thực tế là khi mà họ làm những việc này ở Trung quốc thì chính vì họ mà người dân bị giết hại. Và bất kể họ thực hiện dưới danh nghĩa một vấn đề nghiêm trọng đến nhường nào – và việc mổ cướp nội tạng là một vấn đề rất lớn, lớn hơn so với mạng sống của một con người – chị hãy nói đi, rằng lương tâm của chị có thể gánh nhận được điều này. Bởi vì tôi thì không.

Đã hàng năm trời nay người ta chạy đi khỏi Trunng quốc, và không chỉ những người luyện Pháp Luân Công. Trong số họ có cả cựu đảng viên đảng cộng sản. Người của an ninh. Bác sĩ. Và phần lớn đều muốn kể câu chuyện của mình. Anh kiên nhẫn được với họ, họ sẽ đáp lại cho anh bằng sự thật. Khi tôi còn sống tại Trung quốc, ở xó xỉnh nào có gì sột soạt là tôi cũng biết, tin tức cứ cuồn cuộn các ngả phố phường, tôi cảm nhận thấy điều đó ở khắp xung quanh – và đó là điều làm người ta mê mẩn. Nhưng đó không phải là cách thức duy nhất để tiến hành điều tra. Ngược lại điều đó có lẽ sẽ làm phân tán.

Một con số khổng lồ

Lò mổ – cuốn sách ngày nay đã trở nên nổi tiếng, viết về điều tra của ông, hay nói đúng hơn đã viết về phần đầu của cuộc điều tra. Cuốn sách mở đầu bằng chương Quy trình Tân cương. Đó là vào năm 1997, khi chính quyền Trung quốc tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ , Tân cương làm thí điểm với việc mổ cướp nội tạng của các tù nhân Duy Ngô Nhĩ. Ngày nay, sau 20 năm, Tân cương là khu vực gần như không thể tiếp cận, lực lượng an ninh và camera đan xen – và cũng từ đây, các nhân chứng về việc lấy mẫu DNA đang xuất hiện. Điều này có làm ông lo ngại?

Việc lấy mẫu DNA bắt đầu diễn ra cách đây một năm, cụ thể là vào lúc nào thì chúng tôi không biết. Có vẻ như nó tự nhiên xuất hiện ở đâu đó, nhưng sự thật không phải như vậy, bởi vì sự việc cũng xảy ra hệt như vậy với những người luyện Pháp Luân Công cách đây 7-8 năm. Cảnh sát đến đập cửa nhà họ – hay là phá luôn cửa – và không những lấy mẫu DNA, họ còn lấy luôn cả mẫu máu. Và đây là điều mấu chốt. Từ DNA người ta có thể xác định mức độ thích hợp của mô, tuy nhiên cần thêm một bộ các phép thử đặc thù và chúng tôi hiện không biết, người ta dùng bộ thử cụ thể nào. Nhưng với các mẫu máu thì nó rõ ràng.

Tôi có nói chuyện với các chuyên viên điều tra của Human Rights Warch khi bản tin về việc lấy mẫu máu tại Tân cương được công bố, và họ tin rằng đây là một biện pháp để theo dõi. Tôi không cho rằng các chuyên viên này nhầm, đằng nào thì việc lấy mẫu máu này có thể là một công cụ dọa dẫm khéo léo để đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Có điều chính quyền Trung quốc lại khẳng định rằng họ lo lắng cho sức khỏe của người Duy Ngô Nhĩ. Chẳng lẽ lại có thể tin được điều đó sao? Khi mà tất cả mấy triệu người Duy Ngô Nhĩ, cả đàn ông, đàn bà và con nít đều bị lấy mẫu DNA và máu? Tôi thì cho rằng họ làm phép thử độ thích hợp của mô. Bước chuẩn bị tối thiểu để cướp lấy nội tạng, và trong phạm vi đại trà.

Trong thời gian cuối đây các tin tức khác viết về hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị giam trong “trại cải tạo” mọc lên đầy khắp vùng Tân cương. Ông có thấy gì liên quan?

Vâng, đó là sự việc xảy ra trong mấy tháng cuối đây – và là khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi – và liên qua tới khoảng nửa triệu người Duy Ngô Nhĩ, có thể đến một triệu người, chủ yếu là đàn ông trong các trại tập trung. Đó là con số ước đoán, cũng giống như chúng ta ước đoán số người luyện Pháp Luân Công, nhưng lần này ước đoán còn dựa trên các số liệu nghiêm túc. Bởi vì cơ quan an ninh của Trung quốc đơn giản là không kiềm chế được và đã công khai số dân Duy Ngô Nhĩ bị tập trung, trong từng thành phố, trong từng quận huyện. Tại Chotan là 40%, tại Kasgar 10%, và vv.. . và nếu tính tổng cộng tất cả bạn sẽ rất nhanh chóng đạt đến con số hơn nửa triệu. Dĩ nhiên bạn phải tính đến việc các nhân viên thường phóng đại các con số như vẫn hay xảy ra tại Trung quốc. Nhưng dẫu sao thì đó là một con số rất lớn.

Chúng tôi cũng biết là các gia đình người Duy Ngô Nhĩ phải sống chung cùng những người Hán (người Hoa gọi theo tên dân tộc), trong một số trường hợp người Hán còn thay thế người đàn ông trong gia đình. Chúng tôi cũng có thông tin về việc phụ nữ Duy Ngô Nhĩ buộc phải lấy chồng người Hán. Tuy nhiên, mới đây còn xuất hiện một điều nữa, mà quả thật làm chúng tôi lo ngại. Đây là thông tin hoàn toàn mới. Một đồng nghiệp của tôi từ Đài Châu Á tự do vừa gọi điện cho tôi. Cô ấy một nhà báo tuyệt vời, một tín đồ Hồi giáo và hầu như toàn bộ gia đình cô ấy đã bị bỏ tù chỉ vì công việc của cô trên tư cách là người phóng viên. Cô ấy thông báo, ở Tân cương người ta đang xây 9 lò đốt xác lớn.

Cái gì cơ?!

Chúng ta đang ngồi giữa Praha, nhưng tôi dám cá rằng, chẳng cần phải đi thật xa mới gặp được một lò đốt xác. Đây không phải là holocaust, ở đây người ta không ném xác người vào lò hàng loạt. Ở đây không có mùi gì, lò thiêu ngày nay hiện đại, và đó gần như là chốn của đức tin: anh đến đây để chia tay với người mình yêu quí. Và nếu như có ai đó canh gác, thì chỉ là một người lính ban sáng, một người buổi chiều và một người ban đêm.

Vậy chị hãy giải thích cho tôi, tại sao người ta tìm 50 người lính gác cho một trong những lò thiêu mà vừa được xây xong gần Urumchi? Thêm nữa, người ta trả 8000 nhân dân tệ mỗi tháng. Đó không phải là mức lương cao, nhưng chắc chắn không phải là vô ích.

Trong chương đầu của cuốn Lò mổ mà chị đã nhắc tới, tôi đã mô tả rằng khi họ bắt đầu mổ cướp nội tạng của người Duy Ngô Nhĩ tại Guldgi, họ đã cho lính gác bao vây các nghĩa trang. Những người lính này có nhiệm vụ canh gác để gia đình của những người quá cố không thể xem được xác chế vốn được bọc kín và gửi đến tang lễ – và chôn ngay lập tức.

Tôi là kẻ giết người! Tôi là kẻ sát nhân!

Ông có lo ngại rằng lịch sử sẽ lặp lại?

Chuyện này còn tồi tệ hơn là chuyện lặp lại một quãng lịch sử. Bởi vì lần trước sự việc xảy ra trong một khuôn khổ nhỏ: chỉ khoảng chưa đến 50 người Duy Ngô Nhĩ bị lấy nội tạng, chứ không như những người theo Pháp Luân Công mà chúng ta nói đến hàng trăm ngàn nạn nhân, và vẫn còn tiếp tục xuất hiện các nạn nhân khác, mặc dù chúng ta không biết con số chính xác. Thế nhưng ngày nay đó cũng là con số hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ, hàng trăm ngàn người trong tù. Tại Tân cương, điểm xuất phát trong sáng kiến Một vành đai, Một con đường. Tại Tân cương, mà chính quyền Trung quốc coi là kho bạc của tất cả các nguồn năng lượng của Trung quốc trong thế kỷ mới.

Chị biết không, là nhân chứng cho một thảm họa trong lĩnh vực nhân quyền như trong trường hợp Pháp Luân Công, nó kinh khủng vô cùng. Nó thay đổi cả cuộc sống của tôi – khi tôi nhận ra rằng đó không phải là tưởng tượng, hay chỉ là tin cảnh báo, mà là sự thật đang diễn ra, là sự thật. Và nó lại xảy ra lần thứ hai… (ông im lặng)… Chúng tôi đã thất bại.

Mặc dù chúng tôi đã thắng trong cuộc tranh luận (ông cười cay đắng). Nghị viện Hoa kỳ đánh giá cao bản tin “xác tín và đầy nỗ lực” của chúng tôi về các tù nhân lương tâm bị cắt đi nội tạng ở Trung quốc. Tất cả những người như David Matas, David Kilgour, Matt Robertson, và rất nhiều các nhà nghiên cứu khác cũng chính từ Trung quốc, tất cả chúng tôi đã thực hiện được một lượng công việc rất lớn, đã phát hiện ra chuyện gì đã diễn ra, và đưa ra các chứng cứ. Đó là một đòn chí mạng cho sự quảng bá cho chính mình của Trung quốc, họ hứa hẹn sẽ sửa đổi. Tất cả các dạ tiệc cho bác sĩ và các khuôn mặt từ nước ngoài… Bất chấp tất cả các hứa hẹn đó, không có một thay đổi nào diễn ra, mà ngược lại, họ lại thở phào, lần thứ hai, và tôi cho rằng đây là điều đáng phải đặc biệt lưu ý và nó minh chứng về… Mà đây nhiều phần có lẽ là một câu hỏi cho chị, bởi vì chị đã sống tại Trung quốc muộn hơn tôi một chút: một cách chính xác, ở đấy suy nghĩ của con người ta được định dạng như thế nào?


Câu hỏi này tôi đã tự đặt ra cho mình đã vài năm nay. Và tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời, liệu ý chí của con người độc lập đến mức nào trong một thể chế tội ác – dù sao đi nữa thì thể chế này cũng do chính con người tạo dựng nên…

Nhân tiện đây thì chị có thể nói rằng, chính Enver Tochti, nhà phẫu thuật người Duy Ngô Nhĩ và là một trong các nhân chứng đầu tiên, đã trả lời câu hỏi này. Người ta đã ra lệnh cho Enver mổ lấy thận và gan của người tù bị hành quyết, “một kẻ thù của quốc gia”, có điều là chỉ cần nhìn qua, Enver đã nhận ra, người tù này vẫn còn sống. Phải, anh ta bị bắn vào ngực, nhưng nếu được chăm sóc thì nhiều phần anh ta sẽ bình phục. Anh ta có thể sống sót, nhưng người ta đã giết anh ta bằng cách cắt đi nội tạng.

Enver biết điều đó, nhưng vẫn thi hành. Vì sao? Anh lo sợ cho bản thân và gia đình và cũng như anh luôn luôn nhấn mạnh, các tuyên truyền đã để lại dấu ấn trong anh. Ngày nay anh mô tả, tôi như một người máy. Tuy nhiên, một điều thú vị là, khi chúng tôi nói chuyện với nhau lần đầu tiên, anh nói với tôi một điều khác. Anh nói: tôi không thể nhìn vào mặt người tù ấy, bởi vì máu trong anh vẫn chảy và tôi biết, anh vẫn còn sống, và một giọng nói bên trong tôi gào lên: tôi là kẻ giết người, tôi là kẻ giết người!

Và cấp trên của Tochti thì sao? Những người đã ban ra lệnh, chứ không phải là thực thi mệnh lệnh?

Chị thường nghe nói rằng đồng tiền đứng đằng sau các sự việc này, và tôi không phủ nhận điều đó: kinh doanh nội tạng mang lại nhiều tiền, bộ máy và doanh thu của họ là khủng khiếp. Các bệnh viện khổng lồ mọc lên khắp nơi và theo ấn hành mới của cuốn Vụ thu hoạch đẫm máu xuất bản năm 2016, thì hàng năm có tới 100 ngàn vụ ghép nội tạng hàng năm – gấp 10 lần con số mà người ta vẫn khẳng định. Dĩ nhiên là đồng tiền đóng vai trò rất lớn. Nhưng theo tôi, một lý do chính ở đây là chúng ta đang nói về những người marxist. Tức là nói về những người chuyên giải quyết các vấn đề bằng cách triệt hạ nó đi. Và khi những vấn đề ấy lại là những con người thì sao?

Hay là chúng ta có thể đặt câu hỏi theo một cách khác: liệu có tồn tại một ai đó mà có thể ngăn cản họ được chăng?

Chị biết không, quả thật đây là những điều đã được nói đến bên trong bộ ngoại giao Hoa kỳ. Một số người làm việc trong chính phủ cũ đã thực sự lo ngại với việc mổ cướp nội tạng, và rất lưu ý tới đề tài này. Họ nói với tôi: phải, người ta có thể làm chuyện đó và làm mà không bị trừng phạt sao cả.

Các lý do, tại sao Trung quốc sẽ không bị sao cả, là khá phức tạp, và chính Trung quốc cũng dùng các kiểu phương thức. Một trong các cách đó là phủ nhận tất cả, và thậm chí cả khi chúng tôi đưa ra bằng chứng. Họ khăng khăng, đó là bịa đặt, là tin giả. Chúng tôi dẫn bác sĩ, là người đã mổ, đã giết một người còn sống trên bàn mổ, thế mà họ (giọng đầy biểu cảm): đâu có, vô nghĩa, chuyện cũ rồi, và còn: tại sao anh không dẫn đến cho chúng tôi ai đó đã bị cắt đi nội tạng?

<iframe width=”620″ height=”349″ src=”https://www.youtube.com/embed/bvAOOwvJMZs” frameborder=”0″ allow=”autoplay; encrypted-media” allowfullscreen></iframe>

Sẽ chẳng có chứng cứ nào từ phía họ, không có bất cứ hồ sơ, tài liệu nào mà qua đó họ thú nhận. Holocaust sẽ không tồn tại, nếu như chiến tranh với nước Đức không làm Holocaust bị ngắt đoạn, thì nó sẽ tiếp diễn và sẽ bị chôn vùi dưới lòng đất hệt như các số phận Do thái, nếu như mọi sự thuận theo ý của Hitler. Còn chúng ta thì không có chiến tranh với Trung quốc. Tôi cho rằng, trong trường hợp này nhiều phần họ sẽ muốn giữ lại một số người Duy Ngô Nhĩ nào đó như một sự kỳ thú. Ở Trung quốc, người ta hay mời bạn bè tới quán của người Duy Ngô Nhĩ bởi đồ ăn ở đây được coi là thô sơ, nguyên thủy đầy ấn tượng, như dương vật con lừa và đại loại thế, và ở đó có cả các vũ nữ người Duy Ngô Nhĩ và họ nhảy múa hoàn toàn khác các vũ nữ người Hoa. Nếu bạn là người Mỹ thì điều này có thể làm bạn nhớ, vào những năm 30 Hoa kỳ đã nhìn nhận những người công dân gốc Phi của mình như thế nào: thô sơ, nguyên thủy đồng thời vô cùng quyến rũ. Tôi thấy có gì đó tương tự.

Bạn chơi cá độ? Bạn bia rượu? Bạn đủ ăn?

Tôi hơi chệch khỏi đề tài. Việc theo dõi người dân mà ông đã nói đến, không chỉ liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, mà trên thực tế còn liên quan tới mọi người Hoa. Nhờ có kỹ thuật số mà chính phủ của một xứ sở là đông dân nhất trên thế giới, sẽ chẳng mấy chốc mà kiểm soát được toàn bộ người dân. Và ông, trong cuốn sách đầu tiên của mình tên là Sự mất mát của nước Trung hoa mới, đã mô tả, các cao thủ công nghệ của phương Tây đã cung cấp cho Trung quốc các phương tiện cần thiết. Và cuốn sách của ông đó, nó chính là một lời cảnh báo đầy tăm tối. Ông thấy thế nào khi lời cảnh báo đã thành hiện thực?

Điều kinh hoàng nhất là từ thời đó, trong những năm 90 và đầu thiên niên kỷ, bất kỳ ai cũng đã có thể nhìn thấy điều ấy. Trung quốc đã cố gắng kiểm soát toàn bộ xã hội; chỉ có điều là lúc đó, họ hẵng còn chưa biết cách. Họ gọi điều này là Golden Shield – chiếc khiên vàng, thậm chí họ còn có một hãng Goldfinger, nghiêm túc! (là tên một bộ phim James Bond 007 do Sean Connery đóng – ông cười và khe khẽ ê a làn điệu của bộ phim James Bond nổi tiếng). Thoạt đầu thì họ làm việc với các dấu vân tay, sau đó thì họ hướng đến các thiết bị để nhận dạng nét mặt. Tôi không ảo tưởng là phương Tây không thu thập số liệu về người dân, cả ở đây thì công nghệ cũng là thiết bị để theo dõi. Nhưng ở đây, đa số là để phục vụ cho lợi nhuận và quảng cáo, và tôi quả thật không cho rằng, CIA hoặc Mosad quan tâm đến tất cả mọi người. Nhưng ở Trung quốc thì nó là như thế.

Rồi sau đó, công ty Cisco bán cho họ điện thoại cầm tay có khả năng nhận biết giọng người, mà là điều họ đã sử dụng ít nhiều. Nhưng cuối cùng họ lại lao vào công nghệ định dạng khuôn mặt ngay khi công nghệ này vừa phát triển đến mức độ cần thiết, và cũng là điều họ có thể kham được, nhiều phần không cần tới sự giúp đỡ của phương Tây. Họ phối hợp vừa chấm điểm vừa đánh giá về độ tin cậy về chính trị, thêm vào đó một quyền nào đó và trật tự xã hội: anh vượt đèn đỏ ư? Anh chơi cá cược ư? Anh hút thuốc ư? Anh bia rượu hơi quá ư? Đời sống tình dục của anh thế nào? Anh có đồng tính?

Và trên cơ sở tất cả các dữ liệu đó họ điều khiển cuộc sống của anh ta. Họ sẽ quyết định, liệu anh ta có thể đi tàu hỏa khi họ cho phép anh về nhà vào dịp lễ. Liệu anh ta có dễ dàng ly dị. Liệu công việc của anh ta có ổn – chắc chị biết là ngày nay, phần lớn các tù nhân lương tâm ở Trung quốc đều không bị nhốt vào tù mà thay vào đó họ làm người ta kiệt quệ về kinh tế. Vâng, trong cuốn sách đầu tiên, tôi đã cảnh báo rằng sự việc đang đi theo chiều hướng nguy hiểm này đây. Tôi đã nhìn thấy điều đó, bởi vì tôi làm tư vấn trong ngành công nghiệp này. Và không chỉ có mình tôi ở đó! Và những người Hoa thì chẳng dấu diếm gì trong chuyện này. Khách hàng của tôi giới thiệu cho họ một túi sản phẩm phần mềm, và họ hỏi ngay: chúng tôi có thể sử dụng để bắt các tín đồ Pháp luân công? Chúng tôi có thể dùng nó để chặn thông tin? Thông tin của nước ngoài? Họ không ngại ngần chút nào. Ai cũng phải nhìn thấy, điều này sẽ dẫn đến đâu! Vì vậy các tội lỗi đầu tiên, nếu như chị muốn nhắc đến, đã xảy ra từ rất lâu, trong giới công nghệ mà là giới rất thích tỏ ra rằng họ là những người có lý tưởng.

Món ăn bất hạnh

Theo ông, tại sao giới đó lại có lỗi đến vậy?

Tiền

Có thật là chỉ vì tiền?

Ít nhiều. Nhưng mà cũng là cảm giác dễ say mê, rằng bạn đang đứng ngay đầu nguồn của dòng chảy sự kiện. Trung quốc là một địa điểm đầy hưng phấn, rất thú vị để quan sát xã hội, nhất là một xã hội rộng lớn như là ở Trung quốc, thay đổi ngay trước mắt. Tôi sợ là hàng loạt các nhà “lý tưởng – chuyên gia công nghệ” đã không phân biệt được sự khác biệt giữa sự tham nhũng ở bên trong, đặc trưng cho các nước thứ ba, với chế độ đầy hung hãn mà ở đây chúng ta hân hạnh được tiếp xúc là Trung quốc.

Chúng ta nói đến những người không có được giác quan thứ sáu, là cái giác quan đã được bi kịch lịch sử nhen nhóm, như tại các nước như đông Âu chẳng hạn. Chị biết là những điều này có thể có các kết cục ra sao. Nhưng họ thì không có các kinh nghiệm như thế, họ chưa bao giờ có Stasi.

Tôi sống tại London và tôi phải nói rằng, Westminter (Thượng nghị viện Anh) là một trong những nơi khó thuyết phục nhất về việc mổ cướp nội tạng. Đơn giản là người Anh không gặp các thảm kịch có quy mô đến như vậy trong lịch sử. Đó là một hòn đảo, nói chung là một hòn đảo hạnh phúc, một nước Anh già cỗi và tốt lành. Luật pháp vẫn bị vi phạm, các sự việc tồi tệ có thể xảy ra, đôi khi rất tệ, nhưng đó là những lệch lạc chứ rất ít khi là lỗi hệ thống.

Tôi có một ví dụ, có thể hơi ngớ ngẩn một chút, nhưng không sao. Còn trai tôi thích cờ vua, một lần cậu chuẩn bị đi thì đấu và một người quen ở trường đề nghị sẽ chở chúng tôi đi cùng. Thế là chúng tôi cùng ngồi vào chiếc xe rất xịn của ông ấy và bắt đầu trò chuyện. Tôi hỏi, ông ấy làm gì, và ông ta rằng: điều khiển một chi nhánh bán các đồ chơi cho sản phẩm Happy Meal (suất đồ ăn cho trẻ em tại cửa hàng McDonald). Aha, tôi nói, ông sản xuất tại Trung quốc, phải không? Ông trả lời, rằng phải, và tôi: phải rồi, tôi đã phỏng vấn một số người tị nạn, họ luyện Pháp Luân Công và đã từng sản xuất các đồ chơi này trong một trại cải tạo. Không thể thế được, ông giận dữ. Chúng tôi kiểm soát sát sao điều kiện làm việc tại các nhà máy và tôi sẽ không bao giờ cho con mình chơi các đồ chơi được sản xuất trong trại cải tạo!

Tôi phải nói gì với ông ấy đây? Và dĩ nhiên là chúng tôi có thể vác đơn kiện vì Happy Meal. Chúng ta có thể khuấy vụ kiện bằng sự quan tâm đặc biệt của báo chí, làm lễ rửa cho Happy Meal thành Unhappy Meal. Tuy vậy sự thật là trong tất cả các câu chuyện của chúng tôi thì câu chuyện này là ít quan trọng nhất. Đó là câu chuyện cho các trang mạng xã hội. Ai quan tâm đến việc những người tù sản xuất Happy Meal, hay là thứ đồ vặt vãnh nào khác? Điều quan trọng là họ bị tù một cách bất công. Rằng họ bị giết hại. Mấu chốt của câu chuyện này là: phải, có hàng đống tiền ở đây, và nhân công thì lại quá rẻ mạt, và đơn giản là người phương Tây muốn nhắm mắt. Làm như không có chuyện gì xảy ra. Đó là con đường đơn giản nhất.

Những người luyện Pháp Luân Công biểu tình phản đối việc mổ cướp nội tạng của những người tù tại Trung quốc lục địa, Hongkong, tháng 6.2006 (Profimedia)

Ảo tưởng dễ đầy quyến rũ về một con vịt thối rữa

Như ông đã nói về chủ nghĩa lý tưởng và sự ngây thơ: ở đây còn có thêm một lý do nữa, tại sao phương Tây lại giúp đỡ Trung quốc. Trong những năm 1990 đầy hy vọng, người ta tin rằng, bầu không khí tự do hơn cho người dân rồi sẽ đến cùng với sự phát triển về kinh tế…

Dĩ nhiên. Và ở trong Trung quốc thì nó là một ảo tưởng đầy quyến rũ, rằng chỉ cần bạn ở đó, bạn học được ngôn ngữ của họ và cuối cùng là bạn thâm nhập được vào xã hội, mà việc thâm nhập là rất khó; chỉ cần bạn có các bạn bè người Trung quốc và xây dựng được một mạng lưới quan hệ, là ở đó bạn có thể cải thiện được điều gì đó. Rằng một điều không thể tránh khỏi là, chỉ cần người Trung quốc có tiền đầy túi là làn sóng thương mại sẽ quét sạch toàn bộ chế độ cộng sản như một con vịt thối rữa nào đó. Và rằng mọi sự sẽ được xây dựng lại, nhờ có tự do ngôn luận, mà là điều sẽ chắp cánh cho sự sáng tạo của Trung quốc.

Nhưng chẳng có chuyện gì như vậy xảy ra và không còn cách nào khác, tôi đành phải nói: tôi đã nói thế mà. Các dấu hiệu đã xuất hiện ngay từ những ngày ấy. Nhân tiện đây, khi tôi nói đến sự thâm nhập vào xã hội Trung quốc các mạng lưới các quan hệ, thì đó cũng là cái bẫy cả với các nhà báo làm việc trực tiếp tại Trung quốc. Các anh chị hãy chọn đi: hoặc là tự kiểm duyệt, hoặc là sự rủi ro, rằng người ta sẽ tống các anh chị ra khỏi Trung quốc và các anh chị sẽ mất hết mọi nguồn thông tin quý giá. Khi chúng tôi nói đến Tân cương và việc chính quyền ở đấy đóng kín khu vực này – nếu như tôi không nhầm, thì người phóng viên cuối cùng định đi tới đó, là Nathan Vander Klippe (phóng viên chuyên làm tin về Trung quốc của tờ The Globe and Mail của Canada). Họ tóm anh ấy nhanh như thế này này (ông bật ngón tay) và hỏi cung anh ấy khá thô bạo – theo như tôi đã được nói chuyện với anh ấy. Nhưng anh ấy không viết về việc này bởi vẫn muốn tiếp tục làm việc tại Trung quốc.

Tuy nhiên, đối với các công ty phương Tây, những người phải chịu một phần tội lỗi của mình: họ không thú nhận phần lỗi của mình, và theo tôi, đó là điều rất nguy hiểm. Tôi những mong những người lãnh đạo của các công ty ấy bước ra công khai và nói: chúng tôi đã nhầm. Chúng tôi đã mắc sai lầm. Bởi vì họ đã sai, đã để cho hàng loạt các sai phạm khủng khiếp xảy ra. Và chỉ có một công ty đã làm điều đó, thêm nữa, chỉ làm một phần, đó là Google. Họ rút khỏi Trung quốc lục địa sang Hongkong. Một thời gian dài Microsoft đã chiến đấu rất dũng cảm, tôi nhớ rất rõ điều này vì tôi có mặt ở đó. Nhưng cuối cùng, họ cũng đổ và phải trao cho người Hoa mã nguồn. Apple lại là một câu chuyện khác. Dù sao đi chăng nữa thì ở đây, chúng ta đang nói về sự thất bại thảm hại trên mọi mặt.

Chúng ta hãy quay lại với phần kết: thay vì ảnh hưởng của thế giới với Trung quốc thì tôi muốn biết quan điểm của ông về ảnh hưởng của Trung quốc đối với thế giới.

Chị biết không, David Matas luôn nói về việc mổ cướp nội tạng thế này: đây là con virus nằm trong chính bộ máy y tế. Nếu như các bác sĩ giết hại những người không phạm bất kỳ một tội ác nào, và cả theo luật pháp của Trung quốc, thì đó là virus và có thể lây lan. Trung quốc có nỗ lực xuất khẩu cái thực tế này không? Có, chúng tôi có các chứng cứ nhất định rằng quả thật họ đang thử tiến hành việc này ở Việt nam và có thể cả ở Bắc Hàn – hoặc là Bắc Hàn đang lấy cảm hứng từ đây. Nhưng chúng tôi còn chưa đưa ra điều này, bởi vì chúng tôi chưa có đủ các chứng cứ để đáp ứng các tiêu chuẩn của chính chúng tôi.

Tuy vậy, nếu quan sát những gì đang diễn ra tại Trung quốc trong lĩnh vực internet và việc kiểm soát xã hội, thì cơ bản là rõ ràng, điều gì đang xảy ra ở đây. Có nghĩa là tất cả mọi người sẽ bị mổ cướp đi nội tạng ư? Dĩ nhiên là không. Phần lớn người dân sẽ sống một cuộc sống phong phú và toại nguyện hơn so với thế hệ của cha mẹ họ. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ điều này. Nhưng nếu anh mang ra áp dụng một hệ thống theo dõi chặt chẽ và toàn diện, thì anh sẽ chặn đứng toàn bộ tính tự do sáng tạo, thì điều này sẽ dẫn anh đến đâu? Cho phép tôi hỏi chị, lần cuối cùng chị xem một bộ phim Trung quốc là khi nào? Ý tôi nói là phim từ lục địa?

(Trong đầu tôi hiện ra khuôn mặt lông lá luôn chí chóe của Vua Khỉ (phần hai) mà tôi định xem trên chuyến bay năm nay sang Đài loan. Nhưng nó có phải là phim Hongkong không nhỉ? Tôi cố gắng nhớ lại, chật vật. Và không nói gì)

Với tôi thì đã 3-4 năm nay. Và chị có thể gọi tên một số các ngôi sao nhạc Pop Trung quốc được không? Thế hệ thống tài chính của Trung quốc thì sao? Qua đó, tôi muốn nói rằng năng lực mềm của nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa rất yếu và đó chính là do thái độ đàn áp đối với việc tự do suy nghĩ. Vâng, rất nhiều nước phải chịu Trung quốc. Chủ yếu là nhờ sự thành công một cách không ngờ của họ về mặt kinh tế, nhưng cả do sự biểu dương lực lượng trong thời gian cuối đây, ví dụ như vụ khoe khoang sức mạnh tại biển Đông. Thế mặt thứ hai, mặt “mềm mại” của các ảnh hưởng đối với thế giới thì sao? Trung quốc rất giỏi trong nghệ thuật đánh bóng, đóng gói để trông thật cao sang. Nhưng khó mà có thể đủ.


Tác giả của các bức ảnh chụp Ethan Gutmann là Michaela Danelova, phóng viên ảnh của iRozhlas. Các bức ảnh đều được chụp trong buổi phỏng vấn ông Gutmann tại Đài truyền thanh Séc.

Nguồn: https://www.irozhlas.cz/zpravy-svet/rozhovor-ethan-gutmann-jatka-cina-odebirani-organu-falun-gong-ujgurove-zprava_1806221100_hm

Thanh Mai (từ Cộng hòa Séc) chuyển ngữ

1 BÌNH LUẬN

  1. Thiệt là khủng khiếp. Dù rằng hay nói bông lông giỡn chơi, nhưng phải nghiêm trang mà nói tôi thực sự ghê tởm những hành động mà hai chữ dã man chưa đủ diễn tả.
    Người tàu có bản tính dã man thiên bẩm. sử sách tàu ghi đầy ra : ăn óc khỉ, ăn á nàm ( heo còn trong bụng mẹ).  
    Hay chuyện mang đầu người để lên bàn mời nhắm rượu, và người đó thản nhiên múc hai con mắt bỏ vào ly rượu uống và khen ngon…được xem là gan dạ. Hay chuyện chôn xác kẻ thù trên đường đi để mọi người qua lại dẵm đạp lên…
    Con người khác súc vật ở chỗ có lương tri. Chuyện gì cũng phải có giới hạn. Ở Mỹ, clone (tái tạo từ một cell ) bị ngăn cấm, dù với mục đích chữa bệnh.
    Mổ nội tạng người khi còn sống…không thể tưởng tượng.
    Tôi tin luật nhân quả. Người tàu rồi sẽ nhận cái quả cay đắng thảm khốc do oan nghiệt đã gieo. Sao lại có giống người tàn ác đến thế.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên