Tổng thống của ai?

0

Nước Mỹ đã có lãnh đạo mới là Donald John Trump, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Lễ nhậm chức của Tổng thống Trump hôm 20/1/2017 đã đánh dấu một cuộc chuyển giao quyền hành êm thắm trong tinh thần dân chủ pháp trị.

Nhưng không khí chính trị nước Mỹ đang chờ đợi những sôi động và nhiều điều khó tiên đoán được với lãnh đạo mới.

Không như ngày này của tám năm trước, cũng là chuyển giao quyền lãnh đạo từ đảng cầm quyền sang cho đảng đối lập mà khi đó lòng dân hân hoan vui mừng và hy vọng.

Sáng ngày 20/1/2009, vùng Vịnh San Francisco tràn ngập niềm vui khi người dân có cơ hội theo dõi trực tiếp truyền hình lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama. Từ học sinh, sinh viên đến các tầng lớp dân chúng hầu hết đều reo mừng khi được chứng kiến một người da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ tuyên thệ nhậm chức lãnh tổng thống. Nhiều người, đặc biệt là người da đen, đã khóc khi được nhìn thấy hình ảnh đó.

 

Sinh viên Đại học Berkeley xuống đường phản đối Tổng thống Donald Trump trong ngày ông nhậm chức 20/1/2017 (ảnh: Bùi Văn Phú)
Sinh viên Đại học Berkeley xuống đường phản đối Tổng thống Donald Trump trong ngày ông nhậm chức 20/1/2017 (ảnh: Bùi Văn Phú)

Sinh viên Đại học Berkeley có truyền thống chống chính phủ, bất kể đó là lãnh đạo từ Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, nhưng hôm đó, một ngày nắng đẹp và se lạnh, tại Sproul Plaza, nơi nổi tiếng với những cuộc xuống đường chống chính phủ từ hơn nửa thế kỷ qua, nhiều nghìn sinh viên chăm chú theo dõi lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama được trực tiếp truyền đi qua màn hình lớn dựng lên giữa sân trường.

Khi Tổng thống Barack Obama vừa dứt lời tuyên thệ bảo vệ hiến pháp, sân trường vang vang những tràng pháo tay bày tỏ nỗi vui.

Năm nay không khí vùng Vịnh San Francisco khác hẳn. Ngay sau ngày bầu cử vào tháng 11 vừa qua với chiến thắng thuộc về Donald Trump, quanh đây đã có nhiều cuộc biểu tình chống đối tổng thống đắc cử. Nhiều người tham gia đã mang theo biểu ngữ với hàng chữ “Not My President” vì quan ngại những thay đổi chính sách sắp được ông Trump đề ra, nhất là về số phận của những người nhập cư lậu mà California hiện có hàng triệu cư dân, và về những phát ngôn mang tính bốc đồng, nhục mạ phụ nữ và sỉ vả mọi giới của ông Trump.

Ngày nhậm chức 20/1/2017 của Tổng thống Donald Trump cũng đã không được cư dân vùng Vịnh San Francisco hân hoan chào đón, mà trái lại từ San Francisco, Oakland, San Jose, Berkeley có xuống đường phản đối, như ở nhiều thành phố khác trên nước Mỹ.

Đến nay cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 còn là tiêu điểm của những điều tra từ các cơ quan công quyền và của giới truyền thông về sự kiện những email bị xóa từ máy chủ của cựu ngoại trưởng và ứng viên tổng thống Hillary Clinton, về những vụ xâm nhập vào mạng của ban vận động của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ và quan trọng nhất là sự kiện cho rằng Nga đã có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay không.

 

H02: Kêu gọi phản kháng chống lại Tổng thống Donald Trump (ảnh: Bùi Văn Phú)
H02: Kêu gọi phản kháng chống lại Tổng thống Donald Trump (ảnh: Bùi Văn Phú)

Tổng thống Donald Trump cũng sẽ tiếp tục là tâm điểm của những soi rọi, vì trước khi tranh cử tổng thống ông chưa từng giữ chức vụ nào trong tổ chức công quyền, vì thế nhân thân của ông chưa bị đặt dưới kính hiển vi để được xem xét cặn kẽ từng chi tiết về những gì ông đã làm trong kinh doanh, đã có quan hệ với những ai, cho đến chuyện tình cảm gia đình.

Vì chưa tham gia chính quyền nên ông Trump không có một hồ sơ về chủ trương lãnh đạo và các chính sách, điều này làm cho giới quan sát chính trị Mỹ, đối nội cũng như đối ngoại, và truyền thông hoang mang vì không biết tân tổng thống sẽ điều hành đất nước theo chiều hướng nào.

Giới truyền thông khuynh tả sẽ truy tìm để tấn công Tổng thống Donald Trump, cũng như truyền thông khuynh hữu trong nhiều năm đã nhắm tới để hạ uy tín của Tổng thống Obama. Ngay cả chính Donald Trump trước đây vẫn cứ cho rằng Tổng thống Obama không được sinh ra ở Mỹ.

Chiến thắng của Donald Trump làm ngạc nhiên rất nhiều người, nhất là truyền thông Mỹ mà đa số có khuynh hướng ủng hộ Đảng Dân chủ, vì thế đã nảy sinh ra dư luận cho rằng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ bị Nga làm thay đổi khiến cho một dân cử của Đảng Dân chủ là Dân biểu John Lewis mới đây phát biểu rằng Donald Trump không phải là tổng thống hợp pháp.

Nếu điều này là có thực, trách nhiệm trước hết thuộc về Tổng thống Barack Obama vì ông đã để cho tình báo Nga xâm nhập được vào các cơ quan công quyền của Hoa Kỳ.

Tôi ủng hộ những tiếng nói phản đối Tổng thống Donald Trump về những chính sách sắp có dưới sự lãnh đạo của ông, nhưng những người cho rằng ông không phải là một tổng thống hợp pháp tức là họ không công nhận các định chế công quyền của đất nước này.

Trước phát biểu của Dân biểu John Lewis, tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên tiếng chê bai vị dân biểu này là người chẳng làm được gì mà chỉ nói – dù trong thực tế Dân biểu Lewis là một trong những người tiên phong của phong trào tranh đấu cho dân quyền thời thập niên 1960. Phản ứng lại với phát biểu của Trump và để bênh vực cho người đồng viện, 62 dân cử của Đảng Dân chủ đã quyết định tẩy chay lễ nhậm chức tổng thống. Trong số những dân cử tham gia tẩy chay có 13 dân biểu từ California, là tiểu bang mà Hillary Clinton đã chiếm được đa số phiếu trong kỳ bầu chọn vừa qua.

Dù biện minh hành động này bằng lí do nào đi nữa, sự việc các dân cử Đảng Dân chủ tẩy chay lễ nhậm chức của một tân tổng thống cho thấy nhiều thành viên của đảng này vẫn còn cay cú với kết quả bầu cử vừa qua.

Donald Trump được bầu chọn làm lãnh đạo Hoa Kỳ vì người dân Mỹ muốn có những thay đổi.

Tôi đã trải qua nhiều kỳ bầu chọn tổng thống Mỹ và nhận thấy là từ năm 1992 cử tri không muốn một đảng cầm quyền lâu quá, nên cứ mỗi 8 năm quyền lực lại chuyển từ đảng cầm quyền sang cho đảng đối lập. Năm 1992 Tổng thống Cộng hòa George H.W. Bush (Cha) chuyển quyền qua cho Tổng thống Dân chủ Bill Clinton. Tám năm sau Tổng thống Clinton chuyển quyền qua cho Tổng thống Cộng hòa George W. Bush (Con). Năm 2008 có Tổng thống Dân chủ Barack Obama và giờ đây là Tổng thống Cộng hòa Donald Trump.

Hơn nửa thế kỷ qua, từ thời Tổng thống John F. Kennedy đến nay, ngoài 12 năm Cộng hòa liên tục nắm chức tổng thống với Ronald Reagan và Bush (Cha), còn lại đảng cầm quyền chỉ làm chủ Bạch Ốc dài nhất là 8 năm rồi quyền lãnh đạo lại được người dân chuyển qua cho đảng đối lập.

Tôi đã không ủng hộ ứng viên Donald Trump và sẽ lên tiếng phản đối nếu chính phủ mới có những chính sách về kinh tế, thuế, di dân, y tế, giáo dục hay quan hệ quốc tế mà tôi không đồng ý.

Nhưng kể từ hôm nay, Tổng thống Donald Trump là tổng thống của tôi, của mọi công dân Hoa Kỳ.

Với Donald Trump làm tổng thống thì có người vui và cũng có người không hài lòng. Nhưng đó là ý dân đã chọn. Tương lai tốt xấu ra sao tùy thuộc vào những chính sách do ông Trump đề xuất. Đồng ý hay không, bốn năm nữa chúng ta sẽ quyết định bằng lá phiếu của mình.

Bùi Văn Phú

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên