Đọc tiểu thuyết “Máu Rắn” của Đỗ Hoàng Diệu

3

Barnes & Noble chuyển tiểu thuyết “Máu Rắn” của nữ văn sỹ Đỗ Hoàng Diệu tới tận nhà, chu đáo và đúng hẹn. Tôi có nó đã hơn một tháng, đọc nó mà chẳng hiểu được là bao. Chẳng lẽ, sức đọc và sức hiểu của mình xuống cấp nhanh đến thế. Vẫn biết, tuổi tác bào mòn trí tuệ. Thú thực, đây là cuốn tiểu thuyết không dễ nuốt. Tác giả đã chọn cách viết, cách dựng truyện phi truyền thống. Cách kể thường đổi từ ngôi thứ nhất qua thứ ngôi ba và ngược lại làm tôi xây xẩm. Không gian và thời gian của tiểu thuyết xoay vòng chóng mặt. Đôi lúc, tôi định bỏ cuộc.

Nhưng tôi đã nhận ra: “Máu Rắn” không phải là món mì ăn liền, không phải sớ “táo quân” tâng bốc Ngọc Hoàng đêm Giao thừa, càng không phải là khúc khải hoàn hân hoan, rầm rập vỗ tay. Đọc “Máu Rắn” không phải để giải trí, mà là giải độc, giải ảo, giải lú lẫn, giải u mê. Đọc và hiểu được “Máu rắn” là một thử thách, là liều vaccine an toàn ngăn ngừa chứng Alzheimer, Dementia và Delirium.

Tôi đã đọc “Máu rắn” hai lần, nhưng vẫn chưa hiểu gì. Tôi sẽ đọc nó lần ba, lần tư; thâm chí, (n+1) lần. Tôi nhận ra, vừa đọc vừa vẽ, như người ta lập hệ gia phả, hay bản đồ di truyền, hoặc na ná như cách các nhà dịch tễ học Việt Nam truy vết Covid 19 bằng cách đánh dấu F0, F1, F2…may giúp dễ hiểu hơn.

Lễ Phục Sinh vừa xong. Lòng thương xót, ngậm ngùi cũng nguôi ngoai. Những tảng đá to nặng đóng cửa “hầm mộ” táng xác Chúa đã được mở ra. Chúa sống lại, và Người lên trời. Người lên trời bỏ mặc chúng ta đang rắn hóa, hay chúng ta hóa rắn. Không ai khuân vác những tảng đá to nặng mở cửa “hầm mộ” cho chúng ta lên trời. Bầy rắn quằn quại trong hang tối. Chúng ta quằn quại trong “hầm mộ khổng lồ.”

Sau lễ, tôi có vài ngày nghỉ. Lập xuân, nắng ấm chan hòa, tuyết đang tan, nước róc rách, đàn chim sẻ ríu rít vườn sau. Xơi xong tô phở tái,nạm, vè giòn, nuốt xong ly café, tâm hồn trong trẻo. Tôi quát vợ, dọn nhà cửa cho sạch và ngăn nắp để tôi ngả bàn đèn, vẽ bản đồ “Máu Rắn”.

Thoạt đầu, tôi vẽ nhân vật “Giáo Sư”. Ngài bí ẩn và độc đáo đến mức không có người thứ hai trên cõi đời này. Ngài không những bí ẩn, độc đáo, mà còn nổi tiếng tầm cỡ năm châu bốn biển. Ngài sống một mình giữa trung tâm thành phố. Ngài không có vợ con chính thức, nhưng quan hệ tình dục lén lút, mờ ám với nhiều phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Cổng vô nhà Ngài có cây xanh xanh, thanh cao, giản dị.

Tôi đang vẽ nhân vật “Giáo Sư” của tiểu thuyết “Máu Rắn” một cách ngon lành, thì bỗng như bị ma đưa, mê mê tỉnh tỉnh, rối mù lên, không nhận ra đường đi lối về. Cả bầy rắn rắn người người lằng nhằng, quấn lấy nhau, xoắn vặn không thể phân biệt nổi đầu đuôi. Tôi quyết định dùng màu sắc để thể hiện mối quan hệ tình dục giữa ngài “Giáo Sư” với mỗi phụ nữ. Thí dụ, ngài ngủ với Lan Lăng (tên cúng cơm là Hưởng) bằng một đường màu đỏ. Ngài cưỡng dâm Quy (nữ sinh 18 tuổi, sản phẩm của một cuộc cưỡng dâm khác) bằng một đường màu xanh… giúp tôi lần mò được dấu vết mỗi nhân vật. Khổ nỗi trong tay tôi chỉ một cây chì đen. Tôi đang loay hoay kiếm hộp chì màu, thì cuốn tiểu thuyết “On Earth We’re Briefly Gorgeous” của Ocean Vương đập vào mắt, làm tôi chia lòng chia trí nhớ ra chuyện này.

Năm 2021, bộ giáo dục Úc trích một đoạn trong cuốn tiểu thuyết trên làm đề thi tốt nghiệp phổ thông môn Anh ngữ. Đoạn trích khoảng 300 từ, kể lại câu chuyện Cún con nhổ tóc ngứa cho ngoại. Ngoại trả công Cún bằng những câu chuyện cổ: Khỉ, người, thần, đàn chó hoang, cùng bùa ngải từ những ngọn đồi ở Đà Lạt đi bắt ma trừ quỷ, và được trả công bằng những vò rượu gạo.

Với lối viết tiểu thuyết mà như làm thơ, cực kỳ bay bướm, cực kỳ bay bổng, và cũng cực kỳ trừu tượng, Ocean Vương đã làm đám học trò lớp 12 hoa mắt, vò đầu, cắn bút. Rớt thi tốt nghiệp, không đủ điểm vào Đại học, 70 ngàn thí sinh Úc và cả phụ huynh nữa rủa sả Ocean Vương. Mẹ kiếp! Viết với chả lách. Ông viết cái chó gì vậy? Chúng tôi chẳng hiểu tý gì. Ngứa đầu thi đi gội, chứ ai đi nhổ tóc.

Xin lỗi, tôi lan man quá. Tôi đã tìm thấy hộp chì màu. Tôi quay lại công việc đọc và vẽ: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Màu sắc lòe loẹt, đường nối lằng nhằng chi chít. Khổ nỗi nhiều thứ không thể vẽ hay tô màu được. Giọng Trung lai Bắc lai Nam. Món ăn sáng là những cuộc phá trinh. Yếm hồng và cửa mình rách nát. Ria mép vương máu. Vừa ăn tiết canh. Tâm thần phóng hỏa. Thần tượng gãy gục. Cảnh sát dùi cui. Hồn ma xác quỷ. Căm thù oan khuất. Ghen tuông acid. Rắn lột đầy đường. Rắn lục đuôi đỏ. Làm thơ ca tụng. Viết nhạc lưu truyền. Trăng là bóng đêm. Cây đa là bầy rắn. Chú cuội là ma cô dắt mối.

Tôi như người nhiễm virus Vũ Hán, mệt mỏi và nhừ tử. Tôi đang đọc tiểu thuyết “Máu Rắn” hay đọc sách “Khải Huyền” mô tả ngày tận thế. Ghẻ lở đớn đau. Nước biển thành máu. Sông suối khô cạn. Thủy sinh chết sạch. Lửa thiêu cháy sém. Thế gian tối tăm. Sấm sét vang trời. Động đất dữ dội. Các thầy tế lễ giả, thần thánh giả, tiên tri giả nhảy chồm chồm như ếch nhái tràn lan khắp thế gian.

Tôi đang mê man như lên cơn sốt thì nghe tiếng vợ quát: “Đến giờ đón con”. Thú thật, khi viết những dòng này, tôi mới hiểu được khoảng 0.5 % của tiểu thuyết “Máu rắn”. Lối viết phi truyền thống, phi tuyến tính, trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại, giữa mơ và thực, ngôn ngữ bay bổng, hoa mỹ đầy cảm xúc, trừu tượng, ẩn dụ, cường điệu, ám chỉ, khôi hài, châm biếm, mỉa mai đến đắng cay. Tôi coi việc đọc hiểu “Máu rắn” là một thử thách nghiêm chỉnh, một liệu pháp ngăn ngừa và điều trị chứng lú lẫn, u mê, ảo giác, hoang tưởng.

Nếu bộ giáo dục lấy hình ảnh đầu rắn luộc trên mâm cỗ cúng 49 ngày Lan Lăng, trong tiểu thuyết “Máu Rắn” của Đỗ Hoàng Diệu làm đề thi tốt nghiệp môn Văn lớp 12. Tại sao lại đầu rắn luộc, mà không phải là kho, bung, chiên, sào, hay nướng? Tại sao chỉ cúng đầu rắn, mà không cúng cả con? Tại sao thầy cúng là cử nhân Văn chương? Nếu tôi là thí sinh. Có lẽ, tôi cũng vò đầu, cắt bút, và cũng rớt.

Đôi dòng suy nghĩ ban đầu về tiểu thuyết “Máu Rắn” của Đỗ Hoàng Diệu.

Canada

Nghỉ lễ Phục Sinh, April 4, 2024.

April 16, 2024

3 BÌNH LUẬN

    • Úi úi úi – trong đó chứa quá nhiều vi-rút – to, nhỏ, lớn, bé – đen, đỏ tùm lum – Hãy tránh cho xa!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên