Tin Ba Lan: Bê bối lớn trong giới tài chính; Cảnh sát treo giải thưởng tìm kẻ đốt cờ EU

0
Giám đốc KNF. Ảnh Wyborcza

WARSZAWA, BA LAN:

1- Nghi án đòi hối lộ:

‘Quả bom’ nổ trên chính trường Ba Lan vào sáng nay, 13/11/2018, khi nhật báo Wyborcza công bố đoạn băng ghi âm mà họ có được. Trong đó, giám đốc Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (KNF) gợi ý một khoản hối lộ lớn, 40 triệu tiền Ba Lan, tương đương với gần 10 triệu euro.

Theo tố cáo của Leszek Czarnecki, tỉ phú của Ba Lan, người giữ cổ phần lớn trong Getin Bank và Idea Bank, thì giám đốc Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã yêu cầu khoản tiền trên để ‘đổi lấy sự bình yên’.

Hai nhà bank kể trên bị vào danh sách đen của cơ quan Giám Sát Tài Chính vì nợ xấu, hoạt động kém hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính. Kể từ 2016 cổ phiếu của các ngân hàng này liên tục sụt giá.

Sự việc ‘đòi quà’ diễn ra như sau: Ngày 28/3/2018, Leszek Czarnecki được gọi tới KNF để nói chuyện riêng với giám đốc cơ quan này. Cuộc hẹn đã khiến ông chủ nhà bank nghi ngờ, vì ông được yêu cầu, chỉ tới một mình (chứ không đi cùng thư ký hay giám đốc điều hành như mọi lần).

Leszek Czarnecki đã tới đó với 2 chiếc máy ghi âm, một nhét túi quần sau và một ở túi ngực. Cuối cuộc nói chuyện kéo dài 35 phút, giám đốc KNF đã gợi ý một khoản hỏa hồng bằng 1% trị giá của Getin bank, tương đương gần 10 triệu Euros để cơ quan này ra những quyết định có lợi cho ông chủ nhà bank.

Vào thời điểm công bố thông tin trên, giám đốc KNF, ông Marek Chrzanowski, đang đi hội nghị tại Singapore. Qua điện thoại ông từ chối trả lời về các thông tin liên quan. Trong lúc đó, thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, yêu cầu ông phải lập tức quay về Ba Lan để giải trình sự việc.

Nguồn tin cuối ngày cho hay, giám đốc KNF đã tuyên bố từ chức và rút ngắn chuyến công du để trở về Ba Lan theo yêu cầu của thủ tướng. Cuộc giải trình dự tính sẽ diễn ra vào sáng mai. Cơ quan công tố cũng đã được lệnh để mở cuộc điều tra.

2- Cuộc tuần hành của 250 ngàn người diễn ra trong trật tự

Trái ngược với những lo ngại trước đó, cuộc tuần hành nhân kỉ niệm 100 năm ngày độc lập tại thủ đô Warszawa đã không có bất kỳ sự cố lớn đáng tiếc nào.

Những cuộc diễu hành như vậy vẫn diễn ra hàng năm ở Ba Lan nhân ngày quốc khánh 11/11, nhưng gần như luôn xảy ra xung đột giữa các khuynh hướng chính trị khác nhau và luôn bị những kẻ côn đồ trà trộn nhằm khiêu khích, tấn công lực lượng cảnh sát.

Đứng trước mối lo đó, vài ngày trước lễ Độc Lập, thị trưởng Warszawa, bà Hana Gronkiewicz- Waltz, đã cấm các lực lượng dân tộc cực hữu tham gia tuần hành. Quyết định của bà thị trưởng đã bị tòa án bác bỏ vì ‘không phù hợp với hiến pháp’. Tòa cho rằng, lo ngại về bạo lực của bà thị trưởng là ‘không đủ sức thuyết phục’.

Vào giờ chót, chính quyền đã đạt được thỏa thuận với các lực lượng dân tộc cực hữu về một cuộc diễu hành chung ôn hòa.

Góp phần vào sự bình yên đó phải kể tới lực lượng biên phòng Ba Lan khi họ ngăn chặn thành công khoảng 400 phần tử quá kích từ các nước láng giềng vào Ba Lan với mục đính quậy phá, đánh hôi.

Tuy vậy, trong đoàn tuần hành vẫn xuất hiện một nhóm khá đông với cờ Neo Nazism được cho là thành phần Phát xít mới từ Ý qua tham dự. Cờ Liên Minh châu Âu (UE) đã bị đốt cùng tiếng hô “EU, hãy cút đi!”.

Cảnh sát Ba Lan treo giải thưởng tìm kẻ đốt cờ. Ảnh Natemat.pl

Cảnh sát Ba Lan ngày hôm nay đã treo giải thưởng trị giá 5000,zł cho ai cung cấp thông tin về kẻ đã đốt cờ EU.

Các cuộc tuần hành mừng ngày độc lập cũng diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác trên khắp Ba Lan, nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Ba Lan giành độc lập 11/11/1918, đúng vào ngày chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt. Đây cũng là thời điểm mà nhiều quốc gia châu Âu khác như Séc, Slovakia và một số nước vùng biển Baltic kỉ niệm tròn 1 thế kỉ độc lập.

3- Chính quyền nhượng bộ các yêu sách của cảnh sát

Cuộc biểu tình đầu tiên của giới mặc sắc phục được ghi nhận ở Warszawa hôm đầu tháng Mười, với gần 30 ngàn tham dự viên, bao gồm cảnh sát, lính cứu hỏa, lính biên phòng với yêu sách đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, trả tiền làm ngoài giờ và các chế độ đãi ngộ khác.

Cảnh sát Ba Lan khiêng quan tài đi biểu tình vì đồng lương ‘chết đói’. Ảnh TVN24

Tiếp đến, làm sóng biểu tình của giới này cũng lan ra nhiều tỉnh thành khác với những đòi hỏi tương tự.

Mức lương của cảnh sát Ba Lan trở nên thấp so với mặt bằng chung trong mấy năm trở lại đây, nhất là khi sức ép từ việc thiếu hụt lao động khiến các nhà tuyển dụng tư nhân liên tục phải tăng lương cho người lao động.

Một thỏa thuận giữa chính quyền với lực lượng cảnh sát vừa được ký kết. Theo đó, hầu hết các đòi hỏi của giới ‘mặc sắc phục’ đều được đáp ứng. Mức lương cơ bản của cảnh sát sẽ được tăng thêm 655,zł kể từ 1/1/2019 và thêm 500, zł nữa kể từ 1/1/2020, có thể về hưu ở tuổi 55, được tính thêm đầy đủ tiền lương khi làm ngoài giờ…

Cảnh sát ở Ba Lan nằm trong top những nghề nghiệp nhận được sự kính trọng nhất của xã hội. Tuy nhiên, sự đãi ngộ chưa thật tương xứng, khiến nghề này trong mấy năm gần đây gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.

4. Ba Lan sẽ tăng trưởng kinh tế cao

Ủy Ban châu Âu (KE) vừa đưa ra dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Ba Lan năm nay sẽ là 4,8%, cao hơn mức dự đoán mấy tháng trước là 0,2%. Đây được cho là mức ngang bằng với năm 2017 và là một trong số những con số ấn tượng nhất châu Âu.

Ba Lan cũng được đánh giá cao ở mức độ phát triển của thị trường lao động và lòng tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, lạm phát năm 2018 dự đoán ở mức 1,2 %. KE cho rằng, việc tăng lương cơ bản cho người lao động cũng là một trong những tác nhân gây ra lạm phát.

Tình trạng thiếu hụt nhân công sẽ vẫn là vấn đề lớn của nền kinh tế. Dự báo đầu năm 2019, khi Đức nới lỏng nhiều chính sách nhằm thu hút lao động, một lực lượng lớn, ước chừng nửa triệu lao động Ukraine sẽ chuyển từ Ba Lan qua Đức.

Các nhà kinh tế cảnh báo, nếu làn sóng chuyển dịch này diễn ra và Ba Lan không có nguồn lao động bù đắp, thì có thể khiến nền kinh tế phát triển chậm lại khoảng 1,5%.

Đàn Chim Việt tổng hợp

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên