Gây quỹ tại San Jose
Tháng 6 vừa qua cô Triều Giang của hội JFFV từ TX bay qua mời họp cộng đồng San Jose về đề tài đi kiện Formosa. Xem chừng vấn nạn về chuyện cá chết tại Việt Nam xảy ra mấy năm trước không còn là đề tài thời sự. Số người tham dự không bao nhiêu.
Nhưng sứ giả của đề tài vốn là cô ký giả trẻ trung của Sóng Thần Sài Gòn vẫn nhiệt thành trình bày con đường đi kiện hãng luyện Thép xứ Đài trên tòa án quốc tế. Cử tọa khiêm nhường trong cộng đồng Việt tại thung lũng điện tử có vẻ ngần ngại đối với công tác quá tầm tay. Đấu tranh ngay tại chỗ thì thuận tiện, nhưng lên tòa án quốc tế thì xa xôi quá.
Cá nhân tôi có dịp góp chút ý kiến. Hội JFFV của cô Triều Giang đã thành lập và lên đường. Đã tổ chức gây quỹ thành công ở các nơi, nay đến San Jose đã đặt chỗ nhà hàng, ban tổ chức chỉ bán vé tham dự 50 một ghế. Vậy anh em ta nhận mua 2 vé, mạnh tay thì mua một bàn. Formosa là thảm kịch của đất nước. Từ nơi xa xôi chúng ta rất quản ngại mà không làm gì được. Nay có tổ chức ra tay sao đành vô cảm mà không tham dự. May thay bà con nhẹ nhàng đồng ý và nhiều người tích cực hứa giúp một tay. Riêng phần chúng tôi rất vui mừng ghi nhận ông bà tổng trưởng Nguyễn Đức Cường hiện là chủ tịch quản trị Viet Museum dành 3 ngàn đồng mua 2 bàn danh dự để góp phần đi tìm công lý cho dân chài Hà Tĩnh.
Nhân đây xin nhắc lai chuyện Formosa như sau:
Formosa Vũng Áng là một công ty nằm trong khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Formosa có tên chính thức là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan.
Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương bắt đầu từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD và đang có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỷ USD.Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300 ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025 ha và diện tích mặt nước hơn 1.293 ha tại cảng Sơn Dương. Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian. Công trường Formosa có 24.000 lao động đến từ 31 quốc gia trong vùng lãnh thổ đang làm việc. Trong đó có khoảng 22.000 lao động VN. Số lao động nước ngoài đến nay có 2.000 người, phần lớn là chuyên gia Đài Loan 1.200 người, Trung Quốc đứng thứ nhì với 450 lao động. Đây là công ty lớn quốc tế có nhà máy ở nhiều nơi kể cả Hoa Kỳ. Khi vào Việt Nam, Formosa nhận được nhiều ưu đãi chưa từng có và sản phẩm chính là thép. Chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã “cho” quá nhiều để thu hút dự án đầu tư lớn. Trong bài toán đầu tư này, Việt Nam mất nhiều hơn được nhất là trong hoàn cảnh ngành sắt thép đang dư thừa, doanh nghiệp thép trong nước gặp khó khăn như hiện nay.
Vào tháng 4 năm 2016 xảy ra hiện tượng rất nhiều cá biển chết hàng loạt rồi trôi dạt vào bờ tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh). Hiện tượng này sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Huế.Có nơi mỗi ngày, ngư dân dọc bờ biển vớt được hàng tấn cá chết. Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng trên là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi các nhà máy tại khu kinh tế Vũng Áng xả thải gây độc.Qua phân tích, cả nước biển lẫn nước đầm Lăng Cô (Huế) đều bị ô nhiễm, nhiều khả năng đây là nguyên nhân làm cá chết hàng loạt.
Sau cùng những chất thải từ nhà máy triệt tiêu toàn bộ hải sản vùng ven biển miền Trung và đem tai biến cho toàn thể dân chài Việt Nam từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Bình, Quảng trị. Hàng ngàn gia đình chài lưới truyền thống bỏ thuyền bỏ biển thậm chí bỏ cả nhà cửa trở thành dân ty nạn trên quê hương. Cả nước khóc than cho thảm kịch quốc gia và đấu tranh chống Formosa trong khi chính quyền tiếp tục bao che. Công ty đã công nhận lỗi lầm nhưng chỉ bồi thường rất tượng trưng cho các gia đình nạn nhân. Chuyện Formosa trong nước coi như chính phủ cho chìm xuồng, Bây giờ hải ngoại lên đường.Chúng tôi nghĩ rằng Triều Giang là một trong những người hiếm hoi ở hải ngoại đang Tìm đường gai góc mà đi. Muốn tìm hiểu về con đường của hội JFFV đấu tranh pháp lý với công ty Formosa chúng ta nên đọc ngay trên tài liệu của cộng sản Việt Nam. Xin trích trên báo Hà Nội:
Ngày 11/06/2019, một số tổ chức chống đối đã cùng tiến hành kiện tập đoàn Formosa về vụ xả thải, gây ô nhiễm môi trường ở bờ biển miền Trung Việt Nam năm 2016. Tuy nhiên, khi làm truyền thông về những hoạt động này, họ không chỉ hướng đến trách nhiệm của Formosa và quyền lợi của các nạn nhân, mà còn tận dụng chủ đề để công kích Nhà nước kéo dài dư luận về đợt biểu tình “Cách mạng Cá”. Trong đơn kiện, JFFV cáo buộc rằng sau khi nhà máy thép Formosa xả thải, gây ô nhiễm biển hồi năm 2016, 24 đối tượng vừa nêu đã không làm tròn trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân, khôi mục môi trường biển và trả lại sinh kế cho cư dân ven biển. JFFV đòi Formosa bồi thường 4 triệu USD cho 51 nạn nhân đã hoàn tất hồ sơ nộp tòa, khôi phục môi trường biển ở địa phương, và minh bạch hóa thông tin về hoạt động xả thải, về hiện trạng ô nhiễm.
JFFV khoe rằng ngoài 51 nạn nhân vừa kể, họ còn đại diện cho hơn 7.800 nạn nhân khác đã ghi danh tham gia vụ kiện, nhưng “đang chờ bổ túc hồ sơ”. Ngoài ra, khi đâm đơn kiện ở Đài Loan, họ còn được trợ giúp bởi “Văn phòng Trợ giúp Công nhân, Di dân Việt Nam”, và 4 NGO Đài Loan hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền hoặc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bên dưới vỏ bọc “bảo vệ môi trường” này, nhân sự thật của JFFV đến từ 3 nhóm khác nhau:
Nhóm thứ nhất là Hội Bảo tồn Lịch sử Văn hóa Người Mỹ gốc Việt (VAHF). Cụ thể, Giám đốc Liên lạc John Hòa Nguyễn và Chủ tịch Nancy Bui của VAHF cũng lần lượt giữ chức Hội trưởng và Hội phó của JFFV.
Nhóm thứ hai là “Văn phòng Trợ giúp Công nhân, Di dân Việt Nam”, thân Việt Tân, với đại diện là linh mục Nguyễn Văn Hùng.
Nhóm thứ ba là các linh mục ở hai giáo phận Hà Tĩnh và Vinh. Cụ thể, ngày 11/06/2019, linh mục Hoàng Đức Oanh và một số linh mục khác tham gia đoàn nộp đơn, biểu tình ở Đài Loan, còn linh mục Nguyễn Đình Thục cho giáo dân căng biểu ngữ ở nhà thờ của giáo xứ Song Ngọc. Trước đây, nhóm linh mục này cũng đảm nhận việc vận động giáo dân ký vào đơn kiện.
Trong tuần qua, ba nhóm người vừa kể đã tiến hành tuyên truyền qua các đài nước ngoài phát sóng bằng tiếng Việt, các trang tin chống đối, và các trang Công giáo cực đoan.
Nancy Bùi tức cô Bùi triều Giang: Là hội trưởng VAHF vốn lo bảo toàn văn hóa Việt trên đất Mỹ, nhưng nay với công cuộc đấu tranh Formosa trên tòa án quốc tế đã bắt đầu đi vào con đường viễn chinh gai góc. Trong thế giới của công động Việt hiện nay, cũng không có nhiều người tìm đường gai góc mà đi.
Những thế hệ tiếp nối
Tuy không có nhiều nhưng chúng ta cũng phải kể ra tổ chức SOS Boat People của anh Nguyễn Đình Thắng trong bao năm qua một mặt vận động hành lang chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ và mặt khác hết sức cô đơn và can đảm tìm đường giúp các phụ nữ Việt Nam gặp nạn tại các quốc gia Đông Nam Á. Tổ chức của anh gần như duy nhất và bền bỉ theo đuổi con đường nầy cùng với biết bao mục tiêu khác biệt vô cùng khó khăn. Một người trẻ khác, anh Trịnh Hội với tổ chức Voice được sự yểm trợ của ông Nam Lộc vẫn tiếp tục tìm đường định cư cho hàng trăm thuyền nhân ty nạn sau nhiều năm vẫn còn chờ đợi vô vọng ở các nước Đông Nam Á. Họ là những người tiếp tục tìm đường gai góc mà đi.
Chúng ta cũng không quên nhắc tới thời kỳ 80 từ Âu Châu có thanh niên Trần Văn Bá tìm đường về. Lọt được vào quê hương theo ngả Cà Mâu để rồi cùng chiến hữu lãnh án tử hình. Từ Úc châu có Võ Đại tôn lãnh 9 năm ngục tù trả nợ núi song. Tại Mỹ Quốc có Hoàng Cơ Minh đã chết trên đường về tại Nam Lào sau 3 lần Đông Tiến. Họ là những chiến sĩ đi tìm đường gai góc ngay sau khi nước mất nhà tan.
Ngay sau khi thực dân Pháp chiếm đóng toàn cõi Đông Dương, ông cha chúng ta từ Bắc xuống Nam đã lần lượt đứng lên dựng cờ khởi nghĩa. Suốt 80 năm Pháp thuộc không có năm nào là không có phong trào nổi dậy. Tên tuổi các anh hùng thời VNCH đã ghi lại trên các đường phố, các trường học và các trung tâm quốc gia. Ngoài Bắc có Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học. Miền Trung có Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và trong Nam có Nguyễn trung Trực, Phan Thanh Giản và rất nhiều danh nhân anh hùng trên từng con phố.
Xa hơn nữa là 4 thời kỳ Bắc Thuộc. Tiền nhân của chúng ta ngay từ thời Bắc Thuộc lần thứ nhất đã có cuộc khởi nghĩa dành độc lập thành công đầu tiên của 2 bà Trưng. Tiếp đến thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai là cuộc khởi nghĩa thất bại của bà Triệu Ẩu. Bắc thuộc lần thứ 3 có cuộc khởi nghĩa thành công của Ngô Quyền dành độc lập cho đất nước nhưng sau đó lại rơi vào thời kỳ bắc thuộc lần thứ tư chấm dứt với cuộc kháng chiến của Bình Định Vương Lê Lợi. Tiếp theo là 2 giai đoạn chống xâm lăng hết sức oanh liệt đời nhà Trần và Trận Đống Đa cuối cùng của Vua Quang Trung phá quân nhà Thanh.
Trải qua hơn 4 ngàn năm lịch sử của dân tộc. Dù thời đại nào, dù chuyện nhỏ hay chuyện lớn, luôn luôn dân tộc ta có những người tìm đường gai góc mà đi. Đi Kiện Formosa bên Đài Loan như hội JFFV của Triều Giang, lo cho phận gái Việt 12 bến nước ở Đông Nam Á như SOS của Nguyễn Đình Thắng, tìm đường định cư dân tỵ nạn khốn cùng ở Canada như Voice của Trịnh Hội. Tất cả đều là công tác viễn chinh ngoài khuôn phép thông thường. Họ đang tìm đường gai góc mà đi. Hãy yểm trợ và khích lệ. Riêng phần chúng tôi, với 40 năm làm công tác định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi rất thông cảm với những khó khăn trong công việc tự nguyện bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Chúng tôi hết sức ngưỡng mộ và kính phục. Giao
Giao Chỉ, San Jose.