Tiểu thuyết “Người Tình”- Yêu đến khi gã chết

1

Nữ tiểu thuyết gia người Pháp – Marguerite Duras sinh ngày 4-4-1914 tại Gia Định, Việt Nam, qua đời ngày 3-3-1996 tại Paris, Pháp. Tên tuổi bà nổi bật lên trong dòng văn học đương đại thế giới. Bằng một bút pháp độc đáo, bà đã hòa trộn những kỷ niệm đời tư với những thủ pháp sáng tạo của nghề viết thành một thể loại nửa thật nửa ảo tạm gọi là thứ hồi ký hư cấu. Với lối kể chuyện thủ thỉ, trìu mến của một giọng nữ, bà đưa người đọc tới thiên chức của một người tình, người vợ, người mẹ với đủ các cung bậc của tình cảm, yêu thương, thiết tha, khát khao, cuồng nhiệt, điên loạn, ghen tuông, tuyệt vọng. Thảng hoặc, bà như nhà khảo cổ, khai quật, lau chùi, bảo tồn những di sản của tình yêu.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng của bà là tiểu thuyết “Người tình” xuất bản 1982, đã được dựng thành phim cùng tên vào năm 1992, rất quen biết với khán giả Việt Nam. Nó trở thành cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất thế giới, được dịch ra 43 thứ tiếng. Lần này, Everyman’s Library, Mỹ lại tái bản bằng tiếng Anh vào tháng 11 năm 2017. Nữ văn sỹ trẻ lừng danh người Mỹ Rachel Kushner đưa ra lời ví von trang trọng: “Người Tình” là thứ tiểu thuyết của tiểu thuyết, muôn mặt lấp lánh như kim cương, muôn màu rực rỡ như ngọc trai.

Chẳng ai viết được như Duras. Không ai có giọng văn như bà. Bởi vì, không ai sống như bà. Không ai biết những gì bà biết. Không ai phải chịu những gì bà từng chịu.

Duras sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Pháp nghèo ở xứ Đông Dương thuộc địa. Cha bị bệnh nặng, về Pháp rồi qua đời khi bà bốn tuổi. Mẹ ở lại Sa Đéc làm giáo viên tiểu học. Thỉnh thoảng phải đi bắn chim để kiếm miếng ăn, hay cờ bạc để kiếm chút tiền. Người anh cả thường tặng bà những trận đòn thừa chết thiếu sống. Còn anh kế thường mò vào giường bà sờ soạng trong những đêm khuya. Mẹ bà thì cố tình mối lái bà cho gã người Việt giàu có trong vùng khi bà mới 14 tuổi. Gia đình Duras là hiện thân của nền thuộc địa đang suy tàn. Đó là tế bào gốc của cuốn hồi ký mang đậm màu tiểu thuyết “Người Tình”.

Duras về lại Pháp năm 18 tuổi. Bà theo học luật, toán, làm việc trong Bộ Thuộc địa, rồi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, nhưng bị khai trừ vài năm sau đó. Bà viết kịch bản phim. Một trong những cuốn phim nổi tiếng ra đời vào cuối thập kỷ 50s là “Hiroshima, Mối Tình Của Tôi”. Phim kể lại mối tình cuồng loạn nhưng chóng vánh trong 36 giờ trên một chuyến bay giữa kiến trúc sư người Nhật với cô đào màn bạc người Pháp. Cả hai đều là nạn nhân của Thế chiến II. Gia đình kiến trúc sư chịu tổn thất lớn lao do trái bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima ngày 6-8-1945. Còn cô đào người Pháp có người yêu lính Đức, 26 tuổi chết trận ở chiến trường Âu châu. Họ đã tìm thấy nhau trong nỗi đau và mất mát.

Rồi bao nhiêu những tai họa trong đời. Đứa con đầu lòng của Duras chết ngay trong bụng mẹ. Chồng bị Đức Quốc xã bắt vào trại tập trung, khi được thả, ông chỉ còn là một khung xương đang thoi thóp.

Mỗi trang viết của bà là mô phỏng lại những giai điệu của ái tình, những cạm bẫy của cuộc đời và cả những ma lực của cám dỗ. Bà đưa người đọc vào phòng ngủ, để thấy một người đàn bà trần truồng trên giường. Một tờ báo Mỹ ẩn dụ rằng, đọc bà, người ta cảm giác như trong phòng ngủ có hai nhân vật nam nữ đang làm những công việc sau khi nốc cạn ba ly rượu – Nhưng đó là sự toàn bích đến phi thường.

Hình như, Duras đã bào chế thành công một thể loại văn chương mới nửa hồi ký nửa tiểu thuyết, nửa thực nửa ảo, nửa điên nửa tỉnh, nửa ranh ma nửa thánh thiện, nửa đĩ thõa nửa chính chuyên. Bà tin có ái tình mà không cần âu yếm, có khát vọng và chẳng cần hy vọng, có yêu thương mà chẳng cần đắm đuối, có chiến tranh mà không cần trận mạc. Văn của bà giản dị, chân phương, đầy ắp những định mệnh, những rủi ro. Bà xô ngã; thậm chí, đạp đổ mọi cấu trúc ngữ pháp truyền thống làm người đọc có cảm giác run run như đang bước trên tầng lầu sắp đổ. Văn bà đầy ắp những cú va đập bạo tàn, những đau thương mất mát. Tất nhiên, cũng đầy ắp những yêu thương, nhớ nhung, luyến tiếc, sám hối, và thứ tha.

Bà có lối viết độc đáo. Khi thì đóng vai nhân vật ở ngôi thứ nhất “Tôi”, kể chuyện của mình. Bỗng chuyển đột ngột sang ngôi thứ ba, kể chuyện người khác “Cô ấy”đưa người đọc vào vị trí và góc độ khác nhau, có khi phải bay lượn trên không để nhận rõ chân dung, diện mạo, để phân biệt, để so sánh giữa gần gũi với thờ ơ, giữa yêu thương và căm giận, giữa đớn đau và hạnh phúc, giữa câm lặng và ồn ào, giữa cao thượng và phàm tục, giữa phi thường và yếu đuối của một thiếu nữ đang tuổi dậy thì.

Trong tiểu thuyết “Người Tình”, nhân vật chính là người đàn ông không được đặt tên. Bà mô tả: Mùi da thịt của gã ngửi như mùi mật. Gã đã nổi loạn vì quá yêu bà. Mặt gã gồ ghề đầy mụn. Tay gã run giật. Miệng gã hơi méo, chẳng khi nào khép kín. Gã xấu hơn đám đàn ông Annamese trung bình. Bao năm sau, bà vẫn tự hỏi: làm thế nào bà có thể vượt qua sự kinh tởm thể xác để ngủ với gã? Lần đầu, gã hôn bà. Bà muốn mửa: “Cảm giác xấu xí lao vào miệng tôi. Tôi cố im lặng với lòng can đảm”. Hơn nữa, gã còn là một kẻ nhẫn tâm, độc ác, ghen tuông, và gia trưởng. Gã đe dọa sẽ giết bà nếu phản bội. Bà phải trình rõ từng chi tiết của thời gian biểu mỗi ngày. Bà làm gì, với ai, ở đâu, y như một cuộc thẩm vấn.

Sự thực, khi ở tuổi 16, Duras gặp người đàn ông hơn bà 10 tuổi, người Việt gốc Hoa. Bà mô tả mình như một cô gái nghèo, nhưng quyến rũ, lẳng lơ, khêu gợi. Cô thường đội chiếc mũ phớt nam màu nâu, đeo dây thắt lưng da của anh, và mặc chiếc váy lụa cũ của mẹ: “Tôi nhỏ con, gầy, vụng, da đầy tàn nhang, hai dải tóc màu đỏ cà-rốt dài xuống ngang đùi”. Nhưng lúc nào cô cũng đầy tự tin, quyến rũ, phóng túng, sẵn sàng bùng lên những cơn khát ái tình.

Khi “Người Tình” được dựng thành phim, Lương Gia Huy tài tử Hong Kong thủ vai công tử người Việt gốc Hoa, Jane March diễn viên Anh, mẹ là người Việt đóng vai “Nàng”. Hai người gặp nhau lần đầu trên bến phà Mỹ Thuận. Chàng phải lòng nàng, còn nàng đang tuổi dậy thì, nửa tò mò, nửa dục vọng lao vào một bi tình gần như không có trên thế gian này.

Đạo diễn Jean-Jacques Annaud và những chuyên gia người Việt đã đưa người coi về thời thuộc địa của miền sông nước Vĩnh Long, Sa Đéc, Vàm Cống, Mỹ Thuận chan hòa dưới ánh sáng rực rỡ của miền đồng bằng châu thổ. Rồi, Chợ Lớn náo nhiệt. Sài Gòn hiện về với đại lộ Catina con đường đẹp nhất Đông Dương, trường trung học Chasseloup –Laubat ngói đỏ thắm như son môi, núp dưới bóng bàng xanh, lãnh mạn e ấp tuổi học trò.

Đằng sau những trang viết đắng cay của thời con gái, những bi kịch ám ảnh của mối tình đầu, người đọc vẫn bắt gặp tình yêu thiên nhiên và con người Duras giành cho Sài Gòn và miền Lục tỉnh. Dòng Mekong cuồn cuộn chảy, mang theo tất cả, những túp lều tranh, những cánh rừng già, những thân cây cháy trụi, xác chết của chim, chó, cọp, báo, và cả xác người chết đuối. Tất cả bị cuốn đi….cuốn đi.

Năm tháng trôi đi, với bao nhiêu những tang bồng hồ thỉ, rồi một ngày, đã vào buổi xế chiều của cuộc đời, Duras nghe chuông điện thoại nhà reo, giọng run run của một người đàn ông châu Á nói tiếng Pháp. Bà nhận ra đó là giọng của Người Tình Sa Đéc năm xưa. Gã bảo bà rằng: Gã vẫn yêu bà. Gã không thể quên bà. Yêu bà cho đến khi gã chết. Điện thoại cúp. Bà và gã chẳng bao giờ gặp lại. Bà qua đời vài năm sau đó, ở tuổi 82, trong một cơn say túy lúy.

Tháng 12, 2017

Trần Gia Huấn

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngôi nhà “người tình” ở Sadec đả trở thành “di tích”,nhờ tiểu
    Người-Tình của bà Duras, hiện do Sở văn hóa Sadec quản lý ,bán
    vé cho người xem. Tôi đả đến đó theo tour Du lịch nội địa. Nhìn ngôi nhà kiểu Pháp ,that “buồn cười”,vì đất-đai xung quanh không còn nửa,
    CS sau 75 đả chia đất cho can bộ,giống như nhà của Công tử Bạc lieu vậy.Tôi đả giải thích điều nầy, với vài người ngoại quốc mà tôi gặp trong dịp nầy, Thật là xấu hổ,một nhà nước khi cần “kiếm ăn” thì sum-sê,
    chẳng có chút nào sĩ diện !!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên