Tiệc gây quĩ ủng hộ những người phụ nữ dấn thân vì VN tại Grand-Saconnex, Thụy Sĩ

2
Luật sư Nguyễn Văn Đài và chị Vũ Minh Khánh nhận quà từ các thành viên của Hội đồng thành phố Grand-Saconnex

Tối 27/11/2018, tại Grand-Saconnex, cách trung tâm thành phố Genève không xa, đã diễn ra đêm Tiệc gây quĩ ủng hộ những người phụ nữ dấn thân tại Việt Nam (Soirée de soutien « Femmes engagées du Vietnam ») do Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam (Comité Suisse-Vietnam) tổ chức.

Nhiều quan khách, tổ chức phi chính phủ và chính khách người Thụy Sĩ đã đến dự. Nổi bật có ông Serge Dal Busco, Bộ trưởng bang Genève; bà Anne Marie Von Arx-Vernon, Dân biểu; ông Laurent Jimaja, Thị trưởng thành phố Grand-Saconnex; ông Michel Rossetti,cựu Thị trưởng thành phố Genève. Đây là những người bạn thân thiết với không chỉ Cosunam mà còn của cả cộng đồng người Việt Tự do tại Thụy Sĩ.

Đây là năm thứ ba Cosunam tổ chức đêm tiệc nhằm ủng hộ các tù nhân lương tâm tại Việt Nam và luôn được các thành viên cao cấp trong nội các chính phủ bang Genève ủng hộ. Năm 2017 đánh dấu sự tham dự của ông Pierre Maudet, Bộ trưởng và từng là ứng viên vào chức vụ Bộ trưởng Liên bang.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân lương tâm và vợ là chị Vũ Minh Khánh, từ Đức đã đến dự và chia sẻ những hoạt động cũng như quá trình tranh đấu với quan khách.

Ông Rolin Wavre, Tổng thư ký Cosunam, đã nhắc lại nhờ có sự lên tiếng, can thiệp của nhiều người Việt trong và ngoài nước, của các tổ chức dân sự/chính trị, trong đó có Cosunam và đặc biệt của quốc tế, nhà cầm quyền CSVN đã trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự, chị Lê Thu Hà và trục xuất họ ra khỏi Việt Nam vào đầu tháng 6/2018.

Đêm tiệc được mở đầu bẳng một đoạn phim phóng sự ngắn do Cosunam thực hiện. Những gương mặt phụ nữ điển hình dấn thân vào công cuộc đấu tranh vì quyền con người, vì chủ quyền lãnh thổ, vì hai giá trị Tự do và Dân chủ, lần lượt xuất hiện trên màn hình. Đó là những Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thúy, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu và Nguyễn Thị Huyền Trang với những lời tuyên bố đanh thép, những lời kêu gọi, kêu cứu cảm động làm chấn động lương tâm. Chắc chắn lời nói của chị Trần Thị Nga: «Mạng sống của tôi không bằng vận mệnh của đất nước» là cảm xúc khó quên, nói lên tất cả sự hy sinh và tinh thần đấu tranh bất khuất của những người phụ nữ Việt Nam, trong đó có rất nhiều gương mặt « vô danh » của những phong trào dân oan hay những người đang đòi lại công lý trong những vụ tranh chấp đất đai với chính quyền.

Tiếng nói của những người phụ nữ quả cảm ấy vốn luôn bị đàn áp và khủng bố bằng bạo lực. Chính vì thế, trong đoạn phim ngắn trên, chỉ có tiếng nói của họ, được cất lên, như bức thông điệp gởi đến thế giới tự do, về những thảm trạng đang xảy ra tại Việt Nam.

Ông Bộ trưởng Serge Dal Busco đã nhắc lại những gì mà Đặng Xuân Diệu, cựu tù nhân lương tâm, đã từng chia sẻ trong đêm dạ tiệc 2017. Những lời tâm tình mộc mạc, chân thành của Đặng Xuân Diệu đã khiến ông cảm động và hiểu được sự đàn áp, uy hiếp, khủng bố và tra tấn của hệ thống an ninh trong nước gây ra đối với những ai dám phản biện lại chế độ. Qua đó, ông cũng khẳng định lại sự đồng hành của bang Genève cùng những người đấu tranh vì tự do và dân chủ tại Việt Nam.

Bà dân biểu Anne Marie Von Arx-Vernon, đã nhắc lại những chuyến đi thăm Luật sư Nguyễn Văn Đài tại Việt Nam vào năm 2012. Bà và chồng đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ với anh Đài khi thấy anh tham gia vào các hoạt động vì nhân quyền đối với cộng đồng. Bà Anne Marie Von Arx-Vernon luôn sẵng sàng lên tiếng bảo vệ những người bị đàn áp, bất kể quốc tịch, giới tính hay màu da. Bà và ông Michel Rossetti, cựu Thị trưởng thành phố Genève, vốn là những người bạn thân thiết lâu năm với Cosunam. Đã nhiều lần họ tham gia viết thư lên tiếng bảo vệ những nhà bất đồng chính kiến trong nước. Họ cũng đã nhiều lần đích thân đến Tòa Lãnh sự Việt Nam tại Genève để trao thư ngỏ gởi cho chính phủ Việt Nam.

Ông Bộ trưởng Serge Dal Busco.

Ông Thị trưởng thành phố Grand-Saconnex, Laurent Jimaja, đã có lời phát biểu rất cảm động về những giá trị nhân quyền và quyền con người. Ông nhắc lại Điều 13 của bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (1948): 

1. Mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia (Toute personne a le droit de circuler librement et de choisir sa résidence à l’intérieur d’un Etat)
2. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào nào, kể cả nước mình, và có quyền hồi hương (Toute personne a le droit de quitter tout pays, y compris le sien, et de revenir dans son pays)

Để nhấn mạnh việc vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà cầm quyền CSVN khi đã tùy tiện bắt bớ, bỏ tù, tuyên án nặng nề và trục xuất những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự, chị Lê Thu Hà, đã bị giam cầm và trục xuất khỏi Việt Nam vào tháng 6/2018, là một minh chứng bẽ bàng nhất cho việc một chế độ độc tài, đã ngang nhiên chà đạp lên những giá trị phổ quát nhất của nhân quyền (Điều 9: Không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày một cách tùy tiện – Nul ne peut être arbitrairement arrêté, détenu ou exilé).

Ông Laurent Jimaja cũng nhấn mạnh rằng «Bức tường rào cản sự tự do sớm muộn sẽ bị sụp đổ vì con người không thể nào sống thiếu Tự Do». Đó cũng chính là bản năng Sống của loài người tiến bộ.

Grand-Saconnex là một thành phố nhỏ luôn ủng hộ các hoạt động dân chủ tại Việt Nam. Năm 2005, Bia Tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam đã được xây dựng bởi Cosunam và tọa lạc trong một công viên tại thành phố, cách Sứ quán Việt Nam không xa.

Ông Michael Steck, đại diện cho ACAT (Action des chrétiens pour l’abolition de la torture), một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm xóa bỏ án tử hình cũng như sự tra tấn trên thế giới, đã lên tiếng và phát động chiến dịch khẩn cấp đòi trả tự do cho chị Trần Thị Nga. ACAT sẽ gởi thư cho Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng.

Luật sư Nguyễn Văn Đài đã thuật lại quá trình hoạt động của anh tại Việt Nam cũng như hai lần bị nhà cầm quyền trong nước bắt và tuyên án phạt. Từ vụ án với Luật sư Lê Thị Công Nhân (2007) đến vụ bị hành hung và bị bắt về tội « Tuyên truyền chống phá Nhà nước » (2015), bị kết án 15 năm tù, 5 năm quản chế theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Anh Nguyễn Văn Đài cũng nhắc lại chỉ có anh và chị Lê Thu Hà là được phóng thích và bị trục xuất sang Đức, bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ vẫn đang bị giam cầm, đó là các ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Nguyễn Trung Tôn.

Anh cũng trả lời hai câu hỏi của bà Dân biểu Anne Marie Von Arx-Vernon liên quan đến Formosa và những vụ tranh chấp đất đai hay chính xác hơn là việc người dân bị cướp đoạt đất đai bởi chính quyền các cấp tại Việt Nam. Sau cùng bà Dân biểu cũng hy vọng việc Luật sư Nguyễn Văn Đài, đã đến được mảnh đất tự do, sẽ tiếp tục công cuộc đấu tranh. Bà cũng không quên nhắc lại sự ủng hô của bà và mọi người đối với những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Trong suốt đêm tiệc, người viết có dịp ngồi cạnh anh Nguyễn Văn Đài và chị Vũ Minh Khánh. Anh đã chia sẻ một ít những kinh nghiệm hoạt động cũng như các phương thức và chiến lược tranh đấu hữu hiệu của anh và Hội Anh Em Dân Chủ tại Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh anh bị trục xuất khỏi Việt Nam và phải sống tha hương tại Đức.

Anh đã từng có sự chọn lựa giữa ở lại Đức sau khi bức tường Berlin bị sụp đổ, nước Đức thống nhất hay quay về Việt Nam với hy vọng mang những kiến thức tích lũy để góp phần vào công cuộc dân chủ hóa đất nước. Anh tâm sự, sống qua giai đoạn lịch sử tại Đức vào cuối năm 1989, anh đã hiểu được những giá trị phổ quát của thế giới tiến bộ, nó khác hẳn với những tuyên truyền dối trá của chế độ trong nước. Chính điều đó đã thôi thúc anh quay về Việt Nam vào cuối năm 1990 để hoạt động, bất chấp mọi hiểm nguy.

LS Đài và phu nhân

Luật sư Nguyễn Văn Đài có niềm tin vững chắc về con đường anh đã chọn và về phương thức tranh đấu hiệu quả ngay khi không còn được sống tại Việt Nam. Anh cho rằng việc thành lập, hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự cũng như vấn đề nâng cao dân trí của người dân để từ đó có thể hình thành các đảng phái chính trị đối lập là chìa khóa cho sự thay đổi nền tảng chính trị tại Việt Nam. Hội Anh Em Dân Chủ đã có được một cơ cấu tổ chức vững mạnh và phương thức đấu tranh cụ thể, vì vậy, anh không hề cảm thấy đơn độc trong cuộc tranh đấu này.

Anh cũng đồng ý với nhận định rằng chính mối quan hệ song phương căng thẳng giữa Hà Nội và Berlin đã góp phần quan trọng trong việc nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do sớm, đồng thời trục xuất anh và chị Lê Thu Hà sang Đức.

Khuôn mặt của anh, nhất là của chị Vũ Minh Khánh đượm vẻ buồn. Người viết chợt hỏi «Anh chị nghĩ khi nào sẽ về lại Việt Nam?». Dường như, cùng một lúc, cả hai đều trả lời «Tức khắc anh à!». Một câu trả lời ngắn gọn nhưng ẩn chứa bao nỗi niềm cay đắng của người bị lưu đày.

Lại nhớ đến vào năm 1922, Lenin đã ra lệnh trục xuất hàng trăm nhà tư tưởng, trí thức nổi tiếng trên hai chiếc tàu thủy. Lenin không chấp nhận bất cứ sự cạnh tranh, đối lập nào trên phương diện ý thức hệ và xem nhưng nhà trí thức này như những «kẻ thù và tình báo quân sự» của chế độ!

Léon Trotski còn đi xa hơn nữa khi tuyên bố: «Chúng tôi đã trục xuất những người này vì đã không có một chứng cứ gì để tàn sát họ và cũng không có khả năng dung thứ họ».

Gần một thế kỷ sau, nhà cầm quyền CSVN vẫn đang áp dụng một cách trung thành những gì Liên Xô khi ra sức bắt giam và trục xuất những tiếng nói ôn hòa ra khỏi Việt Nam nhằm làm suy yếu sức tranh đấu cũng như tầm ảnh hưởng của họ.

Điều tồi tệ hơn khi những tù nhân lương tâm đã trở thành những món hàng mà chế độ dùng để mặc cả, đổi chác và thương lượng với thế giới tiến bộ.

Mong rằng sau Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chị Trần Thị Nga và những người phụ nữ can đảm khác đang dấn thân vì tương lai đất nước sẽ sớm tìm lại được công lý và tư do ngay tại quê hương của mình.


Ông Michel Rossetti, cựu Thị trưởng thành phố Genève

Lâm Bình Duy Nhiên, 29/11/2018

(Tác giả gửi đăng)

2 BÌNH LUẬN

  1. Phải có 01 phần quà (nêu gọi là quà của nhóm người tổ chức ” Tiệc gây quĩ ủng hộ những người phụ nữ dấn thân vì VN tại Grand-Saconnex, Thụy Sĩ”) cho Lê thi thu Hà,vì đung LTTH là một phụ nữ “dân thân ” Cũng đẻ an ủi và xóa đi cơn ác mộng đối với cs vẫn còn ám ảnh nơi cô ta…
    Danh xưng cho “phụ nữ dấn thân ” thì l/s Đài không là phụ nữ và vợ ông ta không phải “phụ nữ dân thân”
    …nên đề nghi bỏ 2 chử “phụ nữ’

  2. Phải có 01 phần quà (nêu gọi là quà của nóm người tổ chức ” Tiệc gây quĩ ủng hộ những người phụ nữ dấn thân vì VN tại Grand-Saconnex, Thụy Sĩ”) cho Lê thi thu Hà,vì đung LYYH là một phụ nữ “dân thân ” Cũng đẻ an ủi và xóa đi cơn ác mộng đối vói cs vẫn còn ám ảnh nơi cô ta…
    Danh xưng cho “phụ nữ dấn thân ” thì l/s Đài không là phụ nữ và vợ ông ta không phải phụ nữ dân thân
    …nên đề nhi bỏ 2 chử “phụ nữ’

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên