Hàng chục ngàn người dân ở Hồng Kông tối qua 04/06/2017 đã tập họp lại để tưởng niệm 28 năm vụ thảm sát các sinh viên biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Theo các nhà tổ chức, có khoảng 110.000 người đã tham gia đêm thắp nến tưởng niệm tại công viên Victoria, so với năm 2016 là 125.000 người. Phía cảnh sát cho là chỉ có 18.000 người tham gia. Cả sáu sân banh của công viên đông kín người cầm nến và dùng điện thoại di động làm đèn, họ hô khẩu hiệu và đồng ca. Một màn hình lớn chiếu cảnh đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn và cảnh đối thoại với một số bà mẹ các nạn nhân.
Những người biểu tình sau đó tuần hành đến văn phòng liên lạc Hoa lục, hô vang « Không ai bị lãng quên », đòi trả tự do cho các tù chính trị tại Trung Quốc. Sau phút mặc niệm, họ ném 28 cây nến vào hàng rào tòa nhà được giữ an ninh cẩn mật. Người biểu tình cũng đốt một lá cờ của đảng Cộng Sản Trung Quốc trước khi giải tán.
Vùng đất bán tự trị Hồng Kông là nơi duy nhất hàng năm đều tổ chức tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Nhưng trong hai năm gần đây, một số tổ chức sinh viên đã tẩy chay lễ tưởng niệm truyền thống ở công viên Victoria, cho rằng nên dành ưu tiên đấu tranh cho dân chủ của Hồng Kông chứ không phải trên toàn Trung Quốc.
Mạch Quân Vĩ (Mak Kwan Wai), phó chủ tịch hội sinh viên trường đại học Báp-tít Hồng Kông nói với AFP là người Hồng Kông cần phải tự bảo vệ trước, còn việc xây dựng nền dân chủ tại Trung Quốc không phải là trách nhiệm của họ. Tuy nhiên lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) quan niệm rằng không thể lãng quên các nạn nhân vụ thảm sát, và chính quyền Bắc Kinh phải gánh lấy trách nhiệm vụ đàn áp đẫm máu này.
Đặc biệt năm nay mang ý nghĩa chính trị quan trọng, vì một tháng nữa ông Tập Cận Bình sẽ đến Hồng Kông để kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc. Ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk Yan), một trong những nhà tổ chức nói : « Khi Tập Cận Bình đến đây, ông ta sẽ thấy rằng người dân Hồng Kông không hề quên ».
Đài Loan, Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc dân chủ hóa
Tại Đài Loan, ngày tưởng niệm 28 năm vụ thảm sát Thiên An Môn là dịp để tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi Bắc Kinh tiến hành chuyển đổi sang dân chủ. Bà viết trên Facebook và Twitter:
« Về dân chủ, có một số đi trước và một số còn chậm trễ, nhưng tất cả rốt cuộc sẽ đến đích. Nếu áp dụng các kinh nghiệm của Đài Loan tôi tin rằng Trung Quốc sẽ rút ngắn những khó khăn trong cải cách dân chủ. Khoảng cách lớn nhất giữa hai bên eo biển Đài Loan chính là dân chủ và tự do ».
Ở Bắc Kinh, lực lượng an ninh dày đặc trên quảng trường Thiên An Môn, khám xét túi xách và kiểm soát giấy tờ của những ai có mặt. Trên mạng Vi Bác, các từ khóa liên quan đến Thiên An Môn đều bị chặn, nhưng các cư dân mạng có thể né kiểm duyệt bằng cách đăng những câu như « Không bao giờ quên lãng », hay ảnh một bàn cờ mạt chược có số 4 và số 6 (tượng trưng cho ngày 4 tháng 6).
Về phía Hoa Kỳ, chính quyền Donald Trump hôm qua đả kích Bắc Kinh trên hồ sơ nhân quyền. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ viết : « Hoa Kỳ coi việc bảo vệ nhân quyền là một trong những nghĩa vụ căn bản của tất cả các quốc gia. Chúng tôi khuyến khích chính quyền Trung Quốc tôn trọng các quyền con người phổ quát và quyền tự do căn bản của mọi công dân ».
Ngành ngoại giao Mỹ hàng năm đều kỷ niệm cuộc đàn áp đẫm máu Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989. Trong dịp tưởng niệm lần đầu tiên dưới chính quyền Trump, phía Mỹ « một lần nữa kêu gọi Trung Quốc đưa ra bản tổng kết chính thức về số người bị sát hại, giam giữ hay mất tích » liên quan đến sự kiện này, và chấm dứt quấy nhiễu thân nhân các nạn nhân.
Hai đại cường từ gần chục năm qua vẫn duy trì cuộc « đối thoại chiến lược và kinh tế » vào tháng Sáu, nhưng thời điểm đối thoại năm nay vẫn chưa được chính thức loan báo.
————————————
Thu Hằng: Thảm sát Thiên An Môn: 28 năm cấm kỵ tại Trung Quốc
Ngày 04/06/2017 đánh dấu 28 năm vụ thảm sát Thiên An Môn nhắm vào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ. Trong khi người ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đốt nến tưởng niệm nạn nhân Phong trào Thiên An Môn năm 1989, thì ở Trung Hoa lục địa, sự kiện này vẫn là một điều cấm kỵ và những cụm từ liên quan đến cuộc biểu tình đều bị « xóa » triệt để.
Mất con trong cuộc thảm sát đẫm máu, « Các Bà mẹ Thiên An Môn » vẫn miệt mài đấu tranh đòi sự thật và công lý cho những người đã khuất. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh ngờ vực hoạt động của họ và lo sợ một phong trào phản kháng mới có thể xảy ra.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt giải thích :
« Từ năm 1989 và sau khi con trai mất, bà Trương Tiên Linh (Zhang Xian Ling), cùng với nhiều bà mẹ khác, không ngừng đòi quyền được tưởng niệm tại nơi an nghỉ của các nạn nhân Thiên An Môn. Nhưng, lại thêm một năm nữa, vẫn không có gì xảy ra. Hơn nữa, mỗi bước đi của người phụ nữ đã 80 tuổi này còn bị cảnh sát theo dõi.
Bà Trương Tiên Linh kể lại con trai bà tên là Vương Nam (Wang Nan) đã bị quân đội giết chết ngày 04/06/1989 khi đang đứng chụp ảnh bên quảng trường Thiên An Môn, sau đó được chôn cất sơ sài. Từ 28 năm nay, cảnh sát theo dõi gia đình bà. Cách theo dõi cũng thay đổi theo thời gian. Lúc đầu họ kín đáo, sau đó chẳng che giấu gì hết. Nhiều lúc gia đình bà Trương Tiên Linh thấy rất nặng nề và có cảm giác bị đối xử như những người sống ngoài vòng pháp luật.
Khi hiểu ra tại sao các bà mẹ Thiên An Môn đấu tranh chống chính phủ, cảnh sát tỏ ra thông cảm. Hơn nữa, chính phủ đã thay đổi chiến thuật : họ bị theo dõi nhân những sự kiện lớn mang tính nhạy cảm, như họp Quốc Hội, lễ tảo mộ, Sự kiện 04/06, Thế Vận Hội, những hội nghị quốc tế lớn như Diễn đàn Con Đường Tơ Lụa Mới. Ở những sự kiện lớn như vậy, các thành viên quan trọng của nhóm « Các Bà mẹ Thiên An Môn » bị theo dõi ngoài đường.
Chính quyền Bắc Kinh luôn giữ im lặng về cuộc thảm sát phong trào đòi dân chủ nhờ biện pháp kiểm duyệt gắt gao. Hiện nay, một phần lớn thanh niên Trung Quốc không biết chuyện gì xảy ra vào ngày 04/06/1989 trên quảng trường Thiên An Môn ».
(RFI)