Thượng Nghị sĩ John McCain, cũng là ứng viên tranh chức tổng thống Mỹ hai lần vào năm 2000 và 2008, vừa qua đời hôm 25/8, hưởng thọ 81 tuổi, chỉ vài ngày trước khi ông bước vào tuổi 82.
Trước cái chết của một cựu chiến binh và cũng là một dân cử có ảnh hưởng lớn trong chính trường Hoa Kỳ và trên toàn cầu, TNS John McCain được nhiều người tôn vinh là anh hùng của nước Mỹ và được nhiều lãnh đạo thế giới tỏ lòng ngưỡng mộ.
Trong giai đoạn Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam vào thế kỷ trước, ông là một sĩ quan phi hành của Hải quân Mỹ đã có nhiều phi vụ oanh tạc Bắc Việt. Trong một lần thi hành nhiệm vụ, phi cơ của ông trúng đạn phòng không, ông nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và bị bắt làm tù binh từ ngày 26/10/1967 cho đến khi được thả vào ngày 14/3/1973, sau khi các bên tham chiến đã ký kết Hiệp định Ba Lê chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ vào Đông Dương ngày 27/1/1973.
Trở về quê hương, John McCain tiếp tục phục vụ quân ngũ cho đến năm 1981 với cấp bậc sau cùng là Đại tá Hải quân.
Năm 1982 ông về sống ở tiểu bang Arizona, tranh cử vào Hạ viện với tư cách thành viên của Đảng Cộng hòa và thắng cử. Năm 1986 ông thắng cử vào Thượng viện và phục vụ tại đó cho đến cuối đời.
TNS John McCain là vị dân cử có ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ trong hơn ba thập niên qua, với vai trò sau cùng là chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Đặc biệt là ảnh hưởng của ông trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Với nhiều người Việt ở cả hai bên chiến tuyến, quốc gia và cộng sản, ông đã để lại những dấu ấn khó quên.
Trong thời chiến tranh, qua cái nhìn của ông thì Việt Nam Cộng hòa là đồng minh của Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kẻ thù nghịch, là những người đã bắt ông làm tù binh, giam 5 năm rưỡi trong Hỏa Lò và tra tấn ông nhiều lần.
Khi bị giam tù, cán bộ cộng sản và quản giáo biết ông là con và cháu nội của những tướng chỉ huy của Hải quân Mỹ nên đã đề nghị thả ông trước với mục đích tuyên truyền. Nhưng McCain từ chối. Trả lời quản giáo vào thẩm vấn, khi đề nghị thả vì biết cha của ông là tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, ông nói với cán bộ cộng sản như sau: “Tù binh Mỹ không được chấp nhận được thả, hay ân xá hoặc những đối xử đặc biệt nào. Chúng tôi phải được thả theo thứ tự ngày bị bắt, khởi đầu với Everett Alvarez.” (tù binh Mỹ đầu tiên bị bắt giam ở Hỏa Lò)
Câu trả lời đó có trong hồi ký “Faith of My Fathers” của TNS John McCain. Thời gian bị cầm tù, ông quyết tâm giữ đúng lời hứa của tù binh nên không khai lúc bị hỏi cung khiến ông đã bị tra tấn, cùng chứng kiến cảnh đồng đội cũng bị tra tấn.
Hồi ký của ông có bản dịch tiếng Việt từ nhiều năm qua nhưng không được phép xuất bản ở Việt Nam.
Trong thời gian tù, ông và đồng đội mong Washington có những chính sách can thiệp mạnh để giải quyết cuộc chiến. Ông nhận định việc leo thang chiến tranh một cách giới hạn của Tổng thống Lyndon B. Johnson trong những năm 1968 không giúp đưa đến chiến thắng hay kết thúc cuộc chiến nhanh hơn.
Khi có những trận oanh tạc Hà Nội vào năm 1972, mà từ nhà giam tù binh có thể nghe được tiếng bom nổ hay nhìn thấy ánh lửa loé sáng, McCain và các tù binh Mỹ đều phấn khởi vì cho rằng Hoa Kỳ đã có những hành động quyết liệt hơn để đưa đến kết thúc chiến tranh.
Sau này nhìn lại, ông cho rằng đã có những sai lầm trong cách giải quyết chiến tranh ở Việt Nam, nhưng theo ông những người lính phục vụ trong quân đội đã thi hành nhiệm vụ theo lý tưởng của quốc gia.
Điều này vẫn âm ỉ trong suy tư của cựu chiến binh và sau này là TNS McCain nên vào năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày 30/4/1975 là ngày Hoa Kỳ cuốn gói rời khỏi Việt Nam, ông tuyên bố ngay giữa Sài Gòn: “Những kẻ xấu đã thắng cuộc chiến.”
Tuy phát biểu như thế nhưng từ đầu thập niên 1990 TNS John McCain là vị dân cử đã tích cực thúc đẩy hai nước cựu thù nối lại bang giao.
Qua nhiều cuộc điều trần tại Quốc hội để giải quyết những vấn đề liên quan như hồ sơ POW-MIA, vấn đề hòa bình ở Cam Bốt và những quan ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc, để đến đầu năm 1994 Hoa Kỳ gỡ bỏ cấm vận với Việt Nam và tháng 7/1995 Tổng thống Bill Clinton quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, 20 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt.
TNS John McCain có tầm nhìn chiến lược toàn cầu mà theo ông Mỹ cần đóng vai trò chủ động để bảo vệ quyền lợi, an ninh và những giá trị tự do, dân chủ. Tầm nhìn và chủ trương chính sách của ông đã tạo ra xung đột với Tổng thống Donald Trump, người tuy cùng Đảng Cộng hòa.
Tầm nhìn của TNS McCain được thể hiện trong các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, từ nối lại bang giao với cựu thù cộng sản Việt Nam, cho đến cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, Syria và quan hệ quốc phòng với Liên hiệp Châu Âu và nhiều nước để chống lại Trung Quốc và Nga.
Là chính khách được coi là có chủ trương diều hâu, theo Đảng Cộng hòa, vì thế việc ông cổ vũ cho quan hệ gắn bó hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp phải chỉ trích từ những gia đình có thân nhân còn mất tích trong cuộc chiến Việt Nam (National League of POW-MIA Families) và từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Một số gia đình có thân nhân mất tích cho rằng TNS McCain đã phản bội đồng đội khi cổ vũ cho bang giao trong lúc còn những hồ sơ tù binh Mỹ chưa được giải quyết rốt ráo.
Quyết định ủng hộ bang giao với cộng sản Việt Nam của Hoa Kỳ khi đó cũng đã gây phật lòng nhiều người Mỹ gốc Việt.
Tuy nhiên nhìn lại những đề xướng và đóng góp của TNS McCain cho chính sách ngoại giao quốc phòng của Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của tổ chức Boat People SOS, có nhận xét như sau: “Ông là một chính khách có thẩm quyền về quốc phòng và am tường về tình hình Á Châu. Đối với các đời tổng thống, bất luận Dân chủ hay Cộng hòa, ý kiến của TNS McCain luôn luôn được trân trọng. Chính ông đã đề ra kế hoạch đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông.”
Một sự kiện khác mà ứng viên tổng thống John McCain đã làm xôn xao cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và gốc Á nói chung, là đầu năm 2000 trong khi vận động tranh cử ông dùng từ “gook”, một cách gọi miệt thị những cán bộ cộng sản đã tra tấn ông trong thời gian bị giam ở nhà tù Hỏa Lò. Cộng đồng Việt ở Mỹ khi đó đã có những ý kiến ủng hộ và phản đối, nhưng TNS McCain không xin lỗi vì cho rằng ông chỉ dùng từ đó để nói đến những kẻ đã giam cầm và tra tấn ông, chứ không ám chỉ người Việt sinh sống ở Mỹ.
Trong một lần ông McCain đến vận động tranh cử ở Quận Cam, có một vài người gốc Việt đến phản đối và đã bị ban tổ chức đuổi ra khỏi địa điểm.
Thượng Nghị sĩ John McCain còn là một người bạn của các cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa và của những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Là một dân cử ông đã ủng hộ các chương trình định cư dành cho cựu tù cải tạo và con lai, cùng những đạo luật thúc đẩy phát triển nhân quyền ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói về thành tựu của TNS McCain trong những việc này: “Ông đã thúc đẩy chương trình HO, sau đó là chương trình định cư dành cho con của HO (Tu Chính án McCain) và chương trình định cư con lai. Một mặt TNS McCain thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nhưng vẫn mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Hà Nội vi phạm nhân quyền. Vào cuối đời ông để lại di sản là Luật Magnitsky nhắm vào Nga và sau đó là Luật Magnitsky Toàn cầu áp dụng chế tài đối với những người vi phạm nhân quyền áp dụng cho mọi quốc gia.”
Trong những chuyến công tác tại Việt Nam TNS McCain thường tiếp xúc với những nhà hoạt động nhân quyền, những đại diện xã hội dân sự.
Ông luôn lên tiếng cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Trong văn phòng của ông có nữ luật sư Nguyễn Thục Minh là người giúp ông cập nhật tình hình Việt Nam. Gần đây việc Hà Nội trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang và luật sư Nguyễn Văn Đài đều có sự vận động của TNS McCain.
Tang lễ của TNS John McCain sẽ diễn ra trong tuần này. Quan tài của ông sẽ được đặt tại trụ sở quốc hội Arizona ở Phoenix, rồi đưa về Điện Capitol ở Thủ đô Washington để công chúng kính viếng và tiễn biệt. Thánh lễ an táng sẽ được tổ chức tại Vương cung Thánh đường Quốc gia và sau đó ông sẽ được chôn cất tại nghĩa trang của Học viện Hải quân Hoa Kỳ.
Với quá trình phục vụ tổ quốc như một chiến binh trong hơn 20 năm và trong vai trò dân cử 36 năm, TNS John McCain đã chứng tỏ là một người can đảm trong khi chiến đấu trên chiến trường và nơi chính trường ông luôn tìm sự thỏa hiệp để phục vụ đất nước chứ không cứng rắn quyết đi theo đường lối của Đảng Cộng hòa. Ông ra đi để lại nhiều dấu ấn trong chính trường Hoa Kỳ và lòng thương tiếc của dân Mỹ và nhiều người dân trên thế giới, trong đó có người Việt ở khắp nơi.
Trả lời phỏng vấn với Jake Tapper trên kênh CNN ngày 10/9/2017, khi được hỏi, mai này ra đi, ông muốn được công chúng nhớ đến ông như thế nào, TNS McCain trả lời: “Ông là người đã phục vụ tổ quốc.”
Như cuộc đời của TNS John McCain đã thể hiện, ông thực là người hết lòng phục vụ tổ quốc, trên chiến trường cũng như nơi chính trường.
© 2018 Buivanphu
Giả-thuyết : 1- John McCain bị Nga bắn rớt máy bay và bị Việt-cọng bắt làm Tù-binh. Có thể vì tình Phu tử không thể không nghỉ đến sự an nguy của McCain trong tay của Việt-cọng. Tư-lệnh lực-lượng Mỹ Thái-Bình-Dương lúc bấy giờ là Cha đẻ của McCain. Cũng là Tư-Lệnh chỉ-huy Không-lực Mỹ oanh-kích Bắc-Việt-Nam. Có làm Ông đã thay đổi đường lối hành-động và mục-tiêu tấn-công hay không ? 2- Việt-cọng có dùng Tù-binh John McCain làm điều-kiện với Cha đẻ McCain, là Tư-Lệnh Lực-lượng quân-sư Mỹ tại Thái-Bình-Dương. Cũng như Hiệp-định Paris 1973 Mỹ giao Nam-Việt-Nam với mấy trăm ngàn Quân-Cán-Chính VNCH cho Cọng-sản Bắc-Việt-Nam. Để nhận lại Quân-nhân Mỹ bi cs Bắc-Việt-Nam bắt làm Tù-binh (trong đó có John McCain con đẻ của Tư-lệnh Quân-đội Mỹ tại Thái-Bình-Dương) ?