Thư ngỏ về Tình trạng Tra tấn Tinh thần Trần Huỳnh Duy Thức
Ngày 26 tháng 11, 2018
Tôi là Trần Lê Bảo Trâm, con gái của một tù nhân lương tâm Việt Nam, Trần Huỳnh Duy Thức. Cha tôi đã bị bắt vào năm 2009 và bị kết án oan sai dựa trên Điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Cha tôi đã bị tuyên án 16 năm tù, từ đó đến nay cha tôi đã bị giam giữ trong tù hơn 9 năm. Cách đây hai năm cha tôi bị chuyển đến Trại giam số 6 tại tỉnh Nghệ An, cách xa gia đình chúng tôi khoảng 3000 km. Kể từ đó đến nay cha tôi phải đối mặt với nhiều sự đe dọa và ngược đãi, khoảng cách địa lý xa xôi chính là một trở ngại lớn khiến chúng tôi không thể giúp đỡ cho cha được. Trước những sự kiện nguy cấp xảy ra gần đây, tôi viết thư này nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của cha tôi.
Vào thứ Bảy, ngày 24 tháng 11, 2018, trong buổi thăm gặp hàng tháng tại trại giam, cô và chú của tôi được biết rằng cha tôi đang ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với những đe dọa đến từ các cán bộ quản giáo.
Vào thứ Ba, ngày 20 tháng 11, 2018, cha tôi thức dậy như thường lệ vào 5 giờ 15 phút sáng trong tình trạng cực kỳ chóng mặt với huyết áp rất cao, ở mức 150/110 (chỉ số đo được từ máy đo huyết áp cá nhân của cha) và ra rất nhiều mồ hôi. Khi cha tôi uống nước vào thì ngay lập tức ói ngược ra, trong đó có lẫn những sợi máu. Trong lúc nằm nghỉ, cha tôi lại tiếp tục ói và lần này thì ói ra mật. Bác sĩ trong trại giam đã kiểm tra và cho cha tôi 2 viên thuốc với chuẩn đoán là bị “tuần hoàn não”, sau khi uống thuốc cha tiếp tục ói ngược ra hết.
Mặc dù sau ngày hôm đó, huyết áp và sức khỏe đã trở lại bình thường, nhưng cha lo lắng và nghi ngờ thức ăn được cung cấp bởi trại giam đã bị can thiệp và không an toàn để sử dụng nữa vì vậy từ đó đến nay cha tôi chỉ ăn mì ăn liền. Tuy nhiên, để đáp trả hành động này, các cán bộ trại giam đã ngừng cung cấp nước sôi cho cha tôi như tiêu chuẩn thông thường. Ngoài ra, theo như lời cha tôi kể, các cán bộ trại giam đang xem xét việc “cấm cha tôi sử dụng nước sôi, đèn đọc sách, và sử dụng máy đo huyết áp, đo đường huyết cá nhân”.
Gia đình chúng tôi tin rằng đây là những hình thức ngược đãi mới của trại giam dành cho cha tôi, sau khi không ngừng ngăn chặn quyền được gửi thư tín về gia đình và gửi đơn từ đến các cơ quan chức năng, cũng như quyền được nhận thư từ gia đình của cha tôi. Khi bị cha tôi yêu cầu phải cung cấp những điều luật nào làm cơ sở cho những việc làm này của họ, những cán bộ này cho biết “họ chỉ đang thực hiện theo lệnh của cấp trên, không cần trích dẫn đến luật lệ”. Do đó mà cha tôi cũng như gia đình tôi không biết ai là người có chức năng để chúng tôi khiếu nại những hành vi ngược đãi này.
Gia đình chúng tôi đang vô cùng lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của cha tôi bởi vì chúng tôi tin rằng đây là những cách ngược đãi mới nhằm mục đích ép buộc cha tôi nhận tội để được đặc xá. Trong suốt 9 năm qua, cha tôi luôn có một niềm tin kiên định rằng đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận không phải là hành vi phạm tội. Cha tôi chưa từng gây ra bạo loạn hay bất kỳ sự đe dọa nào đến chính quyền. Đã rất nhiều lần cha tôi khẳng định sự vô tội của mình và kiên quyết không nhận tội. Nước được nấu sôi, đèn đọc sách và những máy đo theo dõi sức khỏe là những điều không thể thiếu nhằm đảm bảo sức khỏe của cha tôi khi ở tù. Nước được nấu sôi được tiệt trùng tốt hơn và có thể sử dụng để nấu các thức ăn đóng gói, còn đèn đọc sách giúp ngăn các bệnh về mắt có thể xảy ra trong điều kiện thiếu ánh sáng trong phòng giam. Cha tôi còn mắc bệnh cao huyết áp và cao đường huyết, do đó những máy theo dõi sức khỏe cá nhân sẽ giúp cha tôi theo dõi tình trạng cơ thể của mình khi cần thiết.
Cha tôi không muốn nhận tội để nhận sự ân xá tha tù sớm bởi vì ông muốn vụ án của mình phải được xem xét lại theo các quy định của Bộ luật Hình sự mới, trong đó chỉ rõ hành động đã khiến ông bị kết án giờ đây không bị xem là tội phạm nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nữa. Do đó, nếu cha tôi được trả tự do dựa theo điều luật mới, trường hợp của cha tôi có thể trở thành một tiền lệ cho sự trả tự do cho những tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam.
Trong thư này, tôi muốn chỉ ra rằng Việt Nam đã ký kết Công ước Chống Tra tấn, và những Hình phạt Vô nhân đạo và Hạ nhân phẩm của Liên Hiệp Quốc vào năm 2013 và phê chuẩn vào năm 2015. Thông qua việc phê chuẩn công ước này, nhà nước buộc phải thực hiện trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn sử dụng những biện pháp tra tấn đã nêu trong Điều 1 và Điều 2 của Công ước. Gia đình chúng tôi cho rằng những biện pháp ngược đãi đang được thực hiện bởi các cán bộ tại Trại giam số 6 không thể xem là những biện pháp quản lý theo luật bởi vì chúng đang gây ra những trấn áp về tinh thần lên cha tôi nhằm mục đích ép nhận tội. Điều này đi ngược lại với những gì Việt Nam đã cam kết thực hiện.
Trong một phiên họp gần đây để thông qua báo cáo với Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc về việc thực hiện Công ước của Việt Nam vào ngày 12 tháng 10, 2018, chính quyền Việt Nam củng cố cam kết của mình với Công ước này bằng cách tuyên bố sẽ thực hiện hiệu quả những biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp và những biện pháp cần thiết khác theo như Công ước này để ngăn chặn việc sử dụng biện pháp tra tấn, và làm việc với những quốc gia đi đầu trong việc ngăn chặn biện pháp tra tấn nhằm thiết lập nên những biện pháp hiệu quả mới. Mặc cho điều đó, trái lại với báo cáo của Việt Nam, những biện pháp tra tấn tinh thần được sử dụng với cha tôi tại Trại giam số 6 đã đi trái lại với những gì Việt Nam đã tuyên bố sẽ thực hiện.
Vì vậy mà tôi viết thư này nhằm kêu gọi sự giúp đỡ ngay lập tức của mọi người để bảo toàn sức khỏe và sự an toàn của cha tôi, và yêu cầu Việt Nam phải có trách nhiệm trước những cam kết của mình khi ký kết Công ước trên. Điều này không chỉ là dành cho cha tôi mà còn vì lợi ích của những tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam, những người cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của những biện pháp tương tự. Cha tôi đang đấu tranh không chỉ cho tự do của chính mình mà còn cho tự do của những người khác nữa.
Tôi xin cảm ơn vì sự ủng hộ của mọi người trong suốt thời gian qua dành cho cha tôi và những tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam. Tôi hi vọng lá thư này sẽ đến được tay mọi người và tôi rất mong sớm nhận được phản hồi.
Kính thư,
Trâm Trần