Kính gửi: anh Đoàn Bảo Châu,
Thấy trên facebook cá nhân của anh có đề cập một số vấn đề liên quan đến việc nhiều phụ huynh Vinschool phản đối việc trường công bố tăng học phí từ năm học 2018-2019. Tuy vậy, em thấy còn nhiều bức xúc của cá nhân em là 1 phụ huynh Vinschool chưa được đề cập. Vậy em xin chia sẻ với anh những lý do em phản đối việc Vinschool công bố tăng học phí như sau: (1) trái cam kết, công bố về dịch vụ, (2) xâm phạm quyền lợi, bỏ mặc học sinh, (3) đơn phương áp đặt và (4) thiếu cơ sở rõ ràng. Cụ thể:
1. Trái cam kết, công bố về dịch vụ:
Trả lời các câu hỏi khi giao lưu trực tuyến trong mùa tuyển sinh năm đầu tiên của Vinschool vào ngày 21/5/2014 trên trang Vnexpress.net, Lãnh đạo của Vinschool công bố rằng Vin đã có: (1) giáo viên chất lượng cao, đủ tâm-tầm-tài, giỏi, có kinh nghiệm, được chuẩn hóa năng lực “giáo viên tinh hoa”; (2) cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, hiện đại; (3) chú trọng việc học và giảng dạy tiếng Anh, chương trình được hoàn thiện thiết kế… để giúp trẻ hoàn thiện được vốn tiếng Anh một cash toàn diện nhất… và Lãnh đạo Vinschool nhiều lần tuyên bố, trả lời rằng học phí của Vinschool hết sức hợp lý, từ tiểu học đến hết THPT phù hợp với đông đảo gia đình và trong tương lai sẽ có những điều chỉnh nhất định nhưng cam kết đảm bảo phù hợp với mặt bằng chung của thị trường. Rất nhiều phụ huynh cho rằng trong các buổi gặp gỡ vào đầu năm học, nhân viên của Vinschool còn công bố mức tăng học phí hàng năm không quá 10%, tuy đến nay chưa thấy ai đưa ra văn bản in giấy, băng ghi âm về điều này, nhưng trong buổi Tổng giám đốc Vinschool giao lưu trực tuyến trên fanpage Vinschool vào ngày 25/9/2017, đã gián tiếp thừa nhận điều đó khi không phản đối câu hỏi của phụ huynh về nội dung này (trong khi đã thẳng thắn cho rằng thông tin phụ huynh nêu là không chính xác đối với 2 câu hỏi khác).
Không thể cho rằng những cam kết, công bố đó không có giá trị ràng buộc. Nếu để như vậy thì xã hội sẽ rối loạn, chẳng hạn: Hành khách mua vé xe tuyến Hà Nội – Thanh Hoá, xe chạy buổi đêm nhưng nhà xe cứ mở nhạc, bật đèn rất sáng trong khi hành khách thì muốn yên tĩnh, ít ánh sáng để tranh thủ ngủ, nghỉ; việc mua vé xe mà không có hợp đồng là thực tế xã hội, thậm chí trong trường hợp này không có cam kết và rất có thể không có quy định nào về lĩnh vực Giao thông vận tải, Y tế… cấm các hành vi trên của nhà xe. Hay chẳng hạn, nếu hãng Toyota quảng cáo trên VTV rằng xe VIOS của họ có ghế bọc da…, khách hàng nghe quảng cáo rồi đến đại lý, xem xét xe thực tế và làm thủ tục mua xe (thường chỉ có hoá đơn trả tiền, sách hướng dẫn sử dụng xe… mà không có chi tiết về ghế bọc da); tuy nhiên, về sau khách hàng phát hiện ghế được bọc bằng chất liệu khác không phải da (giả da, nỉ…) và phản đối, khi đó Toyota không thể cãi rằng không có chi tiết hợp đồng, cam kết về ghế bọc da, đó chỉ là quảng cáo còn trên thực tế khách đã xem xe và đã chấp nhận.
Ngoài ra, việc không có hợp đồng giữa Vinschool và phụ huynh cũng cần được xem xét về trách nhiệm của trường, trong khi đưa ra rất nhiều giấy tờ, thủ tục để yêu cầu mọi phụ huynh phải ký thì không đưa ra hợp đồng cụ thể giữa 2 bên.
2. Xâm phạm quyền lợi, bỏ mặc học sinh
Khi Vinschool đã nhận học sinh vào học (vượt qua kiểm tra đầu vào), đã nhận học phí và các thủ tục nhập học của học sinh thì giữa Vinschool và phụ huynh, học sinh có quan hệ ràng buộc về quyền lợi, nghĩa vụ với nhau. Đây cũng là thực tế xã hội, chứ không nhất thiết phải ký hợp đồng, điều này cũng như khách hàng đã mua vé xe khách, hay đã có hoá đơn trả tiền mua xe ô tô, dù không có hợp đồng cụ thể.
Và Vinschool công bố rằng là trường liên cấp, từ mầm non đến hết Trung học phổ thông (chứ không phải theo năm học, theo từng lớp học riêng lẻ) hợp với nhu cầu của hầu hết phụ huynh là cho con học ít nhất là đến hết phổ thông. Đây là điều quan trọng làm cho 2 bên thấy phù hợp về nhau và phát sinh quan hệ dân sự về dịch vụ giáo dục.
Tuy nhiên, khi đang học dở chừng (có học sinh mới học lớp 3, có học sinh mới học lớp 1…) thì Vinschool công bố sẽ chấm dứt hệ đào tạo mà học sinh đang học (hệ Tiêu chuẩn, hệ Cambridge) từ năm học sau, bỏ mặc học sinh giữa chừng đào tạo phổ thông, hoặc ít nhất là giữa cấp học (dù vẫn có hệ đào tạo khác mà Vinschool cho rằng nâng cao hơn là hệ Chuẩn Vinschool, hệ Nâng cao, nhưng học phí cao hơn và có thể áp lực học hành cao hơn). Bởi vì, nói chung phụ huynh không thể chấp nhận chỉ cho con học đến hết lớp 1, hết lớp 3 mà cần cho con học hết cấp, hết phổ thông.
3. Đơn phương áp đặt
Mặc dù phụ huynh, học sinh là những người có quyền lợi liên quan, nhưng quyết định tăng học phí đó của Vinschool hầu như không tham khảo ý kiến của phụ huynh, học sinh. Trong 1 khảo sát nhỏ trên Group “Phụ huynh học sinh Vinschool Timecity” cho thấy có hơn 1.000 người cho rằng không được Vinschool hỏi ý kiến, chỉ có 2 người cho rằng được hỏi ý kiến nhưng không đồng ý, còn không có người nào cho rằng được hỏi ý kiến nhưng không đồng ý.
Vinschool còn tuyên bố không có nghĩa vụ hỏi ý kiến tất cả các phụ huynh, trong khi phụ huynh là một bên trong quan hệ của dịch vụ đào tạo, phụ huynh là bên trả tiền để Vinschool cung cấp dịch vụ.
Và như đã nêu ở trên, Vinschool đơn phương công bố ngừng cung cấp dịch vụ đào tạo đối với các hệ đào tạo mà học sinh đang theo học nửa chừng tại trường.
4. Thiếu cơ sở rõ ràng
Ngay từ mùa tuyển sinh năm học đầu tiên (2014-2015), Vinschool công bố đã có đội ngũ giáo viên tốt (bao gồm những người đã tuyển dụng, cơ chế tuyển dụng thêm và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên), cơ sở vật chất vượt trội, phương pháp giảng dạy tốt… và định hướng kết quả giáo dục tốt (học sinh có trình độ tiếng Anh, khả năng thi đỗ Đại học cao…) nên phụ huynh, học sinh đã tin tưởng. Nay Vinschool giải thích việc tăng học phí cơ bản là nhằm nâng cấp các yếu tố đó và khoác cho cái vỏ là hệ đào tạo mới: hệ Chuẩn Vinschool thay cho hệ Tiêu chuẩn, hệ Nâng cao thay cho hệ Cambridge. Nếu cứ đưa ra tên gọi mới, mục tiêu “cao” mới thì biết đâu là điểm dừng để phụ huynh, học sinh biết có theo được đến hết cấp, hết THPT hay không?
Vinschool cho rằng các vấn đề đó cần được nâng cấp thì nghĩa là những vấn đề đó chưa được tốt như Vinschool đã công bố ban đầu, “nói vậy nhưng không phải vậy” là lừa dối phụ huynh, học sinh, kết quả đào tạo của Vinschool chưa được như công bố với phụ huynh (chứ không phải với mong muốn của Vinschool). Thực tế, nhiều phụ huynh phản ánh rằng có giáo viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm giảng dạy; do tuyển sinh nhiều quá khả năng nên có phòng học không đảm bảo tiêu chuẩn… Rõ ràng, những tồn tại của việc tuyển sinh nhiều dẫn đến quá tải, việc thu hút thêm giáo viên giỏi, kết quả đào tạo chưa đạt như kỳ vọng… phần nhiều là thuộc trách nhiệm quản lý của Vinschool, không thể đổ trách nhiệm lên đầu phụ huynh để tăng học phí.
5. Vấn đề khác
Thực tế, sau 3 năm học từ năm 2014, Vinschool đã 2 lần tăng học phí từ 3,5 triệu đồng lên 3,7 triệu đồng và từ 3,7 triệu đồng lên 4,0 triệu đồng (đối với cấp Tiểu học), nhưng hầu như không thấy phụ huynh phản ứng. Do vậy, không tự nhiên việc Vinschool công bố tăng học phí lần này bị đông đảo phụ huynh phản ứng.
Kiến nghị cơ bản của nhiều phụ huynh hiện nay đơn giản là: Vinschool giữ hệ đào tạo hiện nay (với cam kết về chất lượng dịch vụ và mức tăng học phí như đã công bố) cho những học sinh đang theo học. Đó đúng ra là trách nhiệm của Vinschool và không quá khó để thực hiện (Vinschool có quyền mở hệ đào tạo nâng cao hơn nhưng chỉ dành cho học sinh tuyển mới và những học sinh cũ tự nguyện chuyển sang hệ đào tạo mới).
Trân trọng,
Facebook Chau Doan
Phải nói chính xác rằng : Hiện nay , chỉ những nhà giàu và rất giàu mà ta hay gọi nôm na là đại gia mới đủ khả năng để cho con vào học ở các trường có học phí cao như Vinschool hoặc học phí rất cao như THschool . Vậy những đại gia ở VN hiện nay có phải là do họ giỏi kinh doanh và làm ăn chân chính hay không ? Câu trả lời ngay là KHÔNG. Vậy : Vinschool là trường học do tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập ra để cho con cái nhà đại gia học , việc lấy học phí đắt + tăng học phí đều đều tức là cách hành xử của tỷ phú với những đại gia thôi . CƯỚP MOI TIỀN CỦA CƯỚP .
Thường thì khi một Doanh nnhân Thành đạt họ sẽ rửa tay gác kiếm
Quay sang làm Từ thiện
Vịn làm ngược lại theo Nguyễn lý Con buồn
Khi đã nắm được Điểm yếu của khách hàng
Thì bóp cho mày lè lưỡi ra