Nghe như có gì nhầm lẫn trong tiêu đề, nhưng đây là cuộc biểu tình của chừng 60 bà con Việt Nam tại Vac-sa-va (Ba Lan) trước nhà của đại biểu quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân.
Từ ‘soái’ tới chính khách
Với những người Việt sinh sống tại Ba Lan trong thập niên 1990s, ông Nguyễn Văn Thân được gọi vắn tắt là ‘soái Thân’. Soái Thân có tiếng trong giới làm ăn không chỉ ở Ba Lan mà cả Đông Âu thời đó.
Giống như hầu hết các nghiên cứu sinh trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế, tranh tối tranh sáng; các ‘soái’ thường buôn bán quần bò, máy tính sang thị trường Nga hay thuốc Tây về Việt Nam, rồi đánh hàng hóa từ Việt Nam qua. Soái Thân cũng được biết đến như một trong những đầu mối tiêu thụ hàng hóa dệt may của công ty Tăng Minh Phụng.
So với nhiều soái ở bên này, thì ông Thân đầu tư về Việt Nam khá sớm, ngay từ giữa thập niên 1990s.
Nhưng với thế hệ sau này, ông Thân được biết đến như một chính khách, một doanh nhân thành đạt tại Việt Nam.
Những thông tin về chính khách Nguyễn Văn Thân trên trang Wikipedia khá ngắn gọn. Ông sinh năm 1955, tiến sĩ khoa học, là đại biểu quốc hội khóa 2016-2021, đại diện cho huyện Đông Hưng, Thái Bình – quê ông. Ông cũng là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Hai cuộc biểu tình trước nhà riêng
Đã có một từ quan trọng bị bỏ qua trong phần giới thiệu kể trên, đó là ‘Ba Lan’. Ba Lan gắn với một giai đoạn dài trong cuộc đời chính khách Nguyễn Văn Thân. Ông từng là thực tập sinh, nghiên cứu sinh và như người ta thường nói ‘kiếm một triệu đầu tiên’ ở mảnh đất này.
Ba Lan vẫn tiếp tục gắn bó với ông và gia đình cho tới nay, qua những tài sản, công ty mà ông Nguyễn Văn Thân đứng tên hoặc có cổ phần.
Đại biểu quốc hội Thân được cộng đồng nhắc đến liên tục trong những ngày qua, khi ông đưa ra những phát biểu khiến nhiều người cảm thấy bức xúc.
Trên tờ Tuổi Trẻ, hôm 03/06/2018 ông Thân đã công khai ủng hộ luật đặc khu. Ông cho rằng, “không ủng hộ luật đặc khu là một sai lầm” và cần phải làm đặc khu, “càng sớm càng tốt”.
Những người Việt tại Ba Lan đã ngay lập tức phản ứng lại phát ngôn này và ‘đào xới’ những điều liên quan tới ông. Một nhóm bạn trẻ đã tổ chức 2 cuộc biểu tình trước nhà riêng của ông Thân tại quận Ochota trong vòng một tuần qua.
Nếu cuộc biểu tình diễn ra chủ nhật tuần trước mang tính tự phát với hơn chục người tham gia, thì cuộc biểu tình ngày hôm qua 16/06/2018 có sự chuẩn bị và được sự đồng ý của chính quyền thành phố Vác-sa-va.
Hà Vân Anh – một bạn trẻ thuộc thế hệ sang Ba Lan khi còn nhỏ – đã đứng tên thông báo với chính quyền thành phố về thời gian biểu tình. Ở đây xin lưu ý, mọi cuộc biểu tình ở Ba Lan chỉ phải thông báo, chứ không cần xin phép. Thành phố hay địa phương liên quan trong vòng 3 ngày làm việc phải trả lời công dân, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết để cuộc biểu tình diễn ra suôn sẻ.
Khoảng 60 người trong 2 tiếng buổi chiều thứ Bẩy, ngày 16/06/2018 đã vây ngôi nhà riêng của ông Thân, hô vang các khẩu hiệu đòi quyền tự do, quyền con người, phản đối luật Đặc khu và luật An ninh mạng.
Một tốp cảnh sát có mặt túc trực từ đầu đến cuối để giữ trật tự và bảo vệ đoàn biểu tình cũng như gia tư của ông Thân.
Đây là ngôi nhà do ông Thân cùng vợ đứng tên mua từ năm 2008-2009. Khu vực này rất đông người Việt Nam sinh sống. Ngay đối diện nhà ông là tòa nhà của tùy viên quân sự Việt Nam tại Ba Lan.
Song song với việc biểu tình trước nhà đại biểu quốc hội, trong chục ngày qua, các bạn trẻ cũng xin được trên 1200 chữ ký phản đối 2 đạo luật này. Các chữ ký được xin trong các khu trung tâm thương mại của người Việt và các khu chợ có đông người Việt Nam buôn bán. Đây là số lượng chữ ký xin được nhiều nhất qua các hoạt động cộng đồng từ trước tới nay.
Đại biểu quốc hội song tịch?
Có một thông điệp đáng chú ý được đưa ra trong cuộc biểu tình ôn hòa kể trên là: “Đề nghị điều tra làm rõ việc đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có 2 quốc tịch Việt Nam và Ba Lan”.
Những người biểu tình đã giương cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu đòi làm rõ việc song tịch của ông Thân.
Một nguồn tin nói, ông Thân đã được cấp quốc tịch Ba Lan vào cuối năm 2014, tức một năm rưỡi trước khi ông chính thức trở thành đại biểu quốc hội ở Việt Nam. Nguồn tin này cũng đưa ra số công dân (Pesel), số chứng minh thư (dowód) của ông Thân và ngày cấp.
Ngoài ra, với quy định công khai các tài sản và hoạt động doanh nghiệp tại Ba Lan; bất kỳ ai, nếu có chút hiểu biết, đều có thể dễ dàng tìm thấy, ông Nguyễn Văn Thân có cổ phần trong 2 công ty tại Ba Lan. Thông tin từ KRS (đăng ký tại tòa án quốc gia) cho thấy, các công ty này cho tới nay vẫn hoạt động bình thường. Đó là công ty trách nhiệm hữu hạn “T&V POLAND” và công ty trách nhiệm hữu hạn “DIA DANG”. Cả 2 công ty đều có trụ sở tại Vác-sa-va và cổ phần của đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân là 50% và 45% trong mỗi công ty.
Ông Thân có song tịch không, hay một đại biểu quốc hội có quyền hoạt động doanh nghiệp ở nước ngoài hay không là những điều cần làm rõ.
Hai năm trước đây, bà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường mang song tịch Việt Nam và Malta, ‘quên’ không khai báo khi làm hồ sơ ứng cử và đã bị mất tư cách đại biểu quốc hội.
Và rất có thể, quốc hội Việt Nam còn có những đại biểu khác, kiểu ‘chân trong chân ngoài’ như vậy.
Bài viết này xin dừng lại với một dấu hỏi để dành quyền trả lời cho đương sự và cho cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam.
Mạc Việt Hồng
Những con người như ông Thân ở việt nam nhiều lắm….Nếu có ban điều tra độc lập thì biết đâu cả tổng bí thư chủ tịch nguyễn phú trọng …cũng có hai quốc tịch…!!! Và còn nữa nếu bây giờ mà thống kê ra …Quốc gia nào có ..LƯỢNG ..công dân…mang Quốc Tịch nước ngoài nhiều nhất… …thế giới…..câu trả lời có lẽ là việt nam……thường thì làm gì người ta hay có…”truyền thống”…mà việt nam mình từ ngày xưa lịch sử đã có…. 1000 năm bắc thuộc và 100 năm……tây thuộc…. Chả nhẽ trong từng ấy năm….mà không có người làm…….”Song Tịch”…thì bây giờ đã không phải…lận đận như thế này…..
Tầu nào cũng là Tầu vậy mà sau 99 năm Trung Cộng lấy lại Hông Công và
Macau còn gặp rất nhiều trở ngại,nếu cho Tầu Công thuê 99 năm liêu có đuổi được chúng về Tầu?
Kính