Thế giới vui vì mỗi lẻ loi (Ta Về – Tô Thùy Yên)

3

Có suy nghĩ cho rằng sống tức là quay cuồng trong bể khổ. Suy nghĩ khác lại đặt thành câu hỏi: Đời người từ đâu đến? Đi về đâu? Nhà thơ Bùi Giáng buông lời giải đáp nhẹ nhàng nhưng bất ngờ và bay bổng:

Ấy là nhạc ? Ấy là thơ ?

Ấy là rượu đế một giờ bỗng dưng ?

Ấy điên đảo ? Ấy điệp trùng ?

Ấy từ vô tận lừng khừng mà ra

                           (Thơ Bùi Giáng)

Cõi “ vô tận lừng khừng” là cõi nào? Đây là nơi hàm chứa mọi quấn quyện và tương tác miên viễn giữa tự nhiên giới, tư tưởng giới và xã hội giới. Sự quấn quyện tương tác này sản sinh ra vận động của dòng sống người, vận động của lịch sử. Trong tự nhiên, nhịp điệu của lịch sử được ghi nhận.

 Tô Thùy Yên, tên thật là Đinh Thành Tiên, sanh ngày 20/10/1938 tại Gò Vấp, nguyên Thiếu Tá Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30/04/1975 Tô Thùy Yên bị chế độ CSVN tống giam không tội danh, không  án tòa.

Năm 1985 Nhà Thơ ra khỏi nhà tù, thi phẩm Ta Về được sáng tác vào dịp này. Năm 1993 Ông cùng gia đình tị nạn chính trị tại Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Vẫn tại Houston, ngày 21/05/2019, Đinh Thành Tiên về nơi Tiên cảnh.

BẢN THỂ LUẬN CỦA BÀI THƠ “TA VỀ” 

Nhà Thơ Tô Thùy Yên, một người tù, không tội. Nhà cầm quyền các loại hoàn toàn vô thẩm quyền trong quyết định ân xá đối với nhân vật  này. Vì vậy, lịch sử đã hóa thân thành “tiếng biển lời rừng” để chấp cánh cho Tô Thùy Yên vượt thoát cảnh giam cầm phi lý và cô nghiệt:

Tiếng biển lời rừng nao nức giục

Ta về cho kịp độ xuân sang

                          (Ta Về – Tô Thùy Yên)

Hai câu thơ vừa trích dẫn là lời mở đầu của bài Ta Về. Bằng mở đầu này, Tô Thùy Yên mạnh mẽ xác định: ông rời bỏ nhà tù theo những chuyển biến của lịch sử thế giới chứ không hề do “lòng nhân đạo” của đảng thống trị độc tài. Xác định kia mở ra quan điểm rằng “Ta Về” là tiếng nói hiên ngang và khách quan của một người sau “mười năm chết dấp” vẫn bảo tồn trọn vẹn phẩm chất cao quý của  nhân văn. Đây là lý do giải thích tại sao sách báo của Cộng Sản Việt Nam trong nước khi phổ biến bài Ta Về đã lặng lẽ cắt bỏ hai câu thơ đáng giá ngàn vàng của Tô tiên sinh. Từ đó trong và ngoài nước khi bình luận về “Ta Về”, một số tác giả đã “quên đi” lời thơ mở đầu kia. Tại hải ngoại, nguyên văn bài Ta Về được tìm thấy trên địa chỉ:

   https://www.thivien.net/T%C3%B4-Thu%E1%BB%B3-Y%C3%AAn/Ta-v%E1%BB%81/poem-fxCCFn0pRiRvduZHEmZWEw

(Tô Thuỳ Yên, Thơ tuyển, Minnesota, 1995)

Bây giờ, chúng ta hãy trở lại với Tô Thùy Yên vào những giờ phút đầu tiên khi người tù khổ sai rời khỏi cánh cửa đen ngòm nơi ngục thất. Trước hết, nhà thơ ngỡ ngàng đối diện với chân dung của  chính mình:

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp

Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

Mười năm, mặt xạm soi khe nước

Ta hóa thân thành vượn cổ sơ 

Nhân quyền chẳng là gì khác hơn là quyền của mỗi Con Người được sống đúng với chân lý: thời gian nào phải gắn bó với không gian đó. Một người ở vào thời gian ngoài sáu mươi tuổi phải được sống  trong không gian nghỉ hưu. “Thời, không nhất phiến” là vậy. Thời gian là cuối thế kỷ 20, hàng trăm ngàn cựu quân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa bị Cộng sản Việt Nam đẩy về sống với không gian “vượn cổ sơ”. Đây là tội ác hiểm độc hàng đầu trong thế giới của các loại tội ác.

Tuy bị cưởng bách sống kiếp vượn cổ sơ, tập thể người đã từng hấp thụ trọn vẹn nền-giáo-dục-nhân-văn-của-Miền-Nam-Việt-Nam-trước-1975 vẫn duy trì được bản chất cao cả của nhân tính. Tính Người bao gồm bốn yếu tính: ái tình trung thành, kinh tế tính bình đẳng, tự vệ tính chánh đáng, xã hội tính hạch tâm. Trong bốn yếu tính kia ái tình là tính trội yếu. Nó giúp cho ba yếu tính còn lại tồn tại, phát triển và ổn định. Vì vậy khi tình yêu, tình gia đình bị “mười năm chết dấp” làm cho tan tác, đời sống của người tù trở nên kiệt quệ toàn diện.

Người tù và người yêu dấu của tù phải sống biệt ly bởi cánh cửa ngăn cấm mọi liên lạc tin yêu và bởi thời gian chờ đợi dài bất tận trong vô vọng. Chính cuộc chờ đợi vô vọng và bất tận này đã làm cho thời gian kể như đã chết. Ngày xưa người chinh phụ tan biến trong khối đá vọng phu, ngày nay người vợ tù tan biến trong thời gian đã chết. Nói ngắn gọn, Nàng chính là thời gian:

Ta gọi thời gian sau cánh cửa

Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu

Ta nghe như máu ân tình chảy

Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau 

Khi Ta Về, những cặp phu thê không còn lạc nhau. Thế nhưng, giữa đồng bào với đồng bào, những chuyến lạc nhau vẫn kéo dài miên viễn. Quê hương cũ vật đổi sao dời, lòng người phân cách bởi dòng sông ly tán.

Bên này sông là những người thấm nhuần văn hóa nhân văn của xã hội Miền Nam trước kia, họ là “khách cũ”. Khách cũ nay không còn. Họ đã trở thành “thân chủ” của các trại tù khổ sai dưới tên gọi “học tập cải tạo”

Bên kia sông là những người bị nhào nặn bởi guồng máy tuyên truyền nhồi sọ của chế độ cộng sản hà khắc và tham ô, họ là “khách mới”. Khách mới tuy khá đông nhưng xa lạ đối với văn hóa truyền thống của Việt tộc. Từ đó, khách mới đông-nhưng-thưa:

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ

Nhà thương khó quá, sống thờ ơ

Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ

Khách cũ không còn, khách mới thưa… 

Mỗi người là một ”vượn cổ sơ”. Mỗi gia đình là một “thời gian sau cánh cửa”. Quê hương là bức tranh ghi nhận những đôi mắt nhìn nhau xa lạ giữa “khách cũ” và “khách mới”. Vũ trụ, nhân sinh và xã hội là một khối quấn quyện bất tuyệt. Tô Thùy Yên đã tinh vi viết lại lời-chia-buồn-không-tiếng-nói của vũ trụ dành cho nhân gian bằng cách mô tả một Đất Trời tê tái ôm lấy Quê Hương khốn khổ:

Ta về qua những truông cùng phá

Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

Nghe tàn cát bụi tháng năm bay 

Chỉ có thế. Trời câm đất nín

Đời im lìm đóng váng xanh xao

Mười năm thế giới già trông thấy

Đất bạc màu đi, đất bạc màu… 

NHẬN THỨC LUẬN CỦA “TA VỀ”

“Trời câm đất nín” là ảnh chụp của tình huống lịch sử bị đẩy vào thế cùng. “Cùng tắc biến. Biến tắc thông”. Thế nhưng, từ “cùng” chuyển thành “biến”, lịch sử phải được giục giã bởi môt mệnh lệnh xoáy tim gan. Mệnh lệnh kia chính là hồn sử. Hồn sử là sức mạnh đòi hỏi mối quan hệ giữa Nhân với Dân phải được thường hằng gắn bó. Mỗi người là một Nhân Dân. Nhân là người toàn thiện toàn mỹ. Khi đi vào thực-tiễn-xã-hội, Nhân biến thành Dân. Nhân là con người  tĩnh. Dân là con người động. Tĩnh là gốc của động.  Những hoạt động không thích nghi trên các địa bàn kinh tế, văn hóa, chính trị, lịch sử làm cho Dân bị xa rời Nhân… Trước mỗi xa rời ấy Dân đều tìm về Nhân để xin chỉ đạo, để nghe tiếng nói của lương tâm, để thể hiện Nhân trong đời sống. Quyết tâm thể hiện Nhân là vàng, xa rời Nhân là đá. Sau “mười năm chết dấp”, “ta vẫn là ta”, ta vẫn là Nhân. Hãy nghe tâm tình sâu lắng của Tô Thùy Yên:

Ta về như sợi tơ trời trắng

Chấp chới trôi buồn với nắng hanh

Ai gọi, ai đi ngoài cõi vắng?

Phải, ôi vàng đá nhắn quan san? 

Lời thề truyền kiếp còn mang nặng

Nên mắc tình đời cởi chẳng ra

Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ

Mười năm, ta vẫn cứ là ta 

Đàng sau nhóm chữ “ta vẫn cứ là ta” là những năm dài đập-đá-phá-rừng với cái dạ dày xẹp lép. Là những chiều mưa chôn xác chiến hữu giữa núi rừng âm u. Là những đêm đen không tiếng động, ngoại trừ âm thanh phát ra từ nhịp đập của trái tim. Trái tim ăm ắp nhớ thương: bạn bè, người tình, gia đình, quê hương…

Thế rồi, những tháng năm khổ nạn qua đi, mọi oan khiên mờ dần, còn lại một nỗi niềm rực sáng. Nỗi niềm rằng: gian mưu buộc tù sống khổ sai nhằm đẩy người tù rơi vào tình huống phải xa rời chữ Nhân, phải qui hàng ác quỷ, phải bán đứng đồng đội, phải phản bội tổ quốc. Thế nhưng máu cứ chảy, ruột vẫn ngạo nghễ cứng như đá. Chính đời đã mở đường cho máu chảy, lại cũng chính đời đã giúp cho ruột không hề mềm, giúp cho Dân vẫn tha thiết tìm về Nhân. Rơi vào cảnh sống kỳ lạ đến cô nghiệt vừa kể, tâm tình của Tô Thùy Yên đã vỡ tung thành tiếng khóc tạ ơn đời:

Ta về như lá rơi về cội

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này 

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy

Ruột mềm như đá dưới chân ta

Mười năm chớp bể mưa nguồn đó

Người thức nghe buồn tận cõi xa   

Không còn nghi ngờ gì nữa, lịch sử là lịch sử của mọi suy nghĩ và hành động nhằm bảo vệ và phát triển dòng sống người, dòng sống giúp cho Dân dễ dàng tìm về Nhân, đề cao Nhân. Tất cả những gì chà đạp nhân cách đều bị loài người phản kháng, lực phản kháng này làm cho lịch sử chuyển động.

Trong các thập niên qua nhà nước độc tài chuyên chế Việt Nam giam cầm nhân-dân-bị-thống-trị thông qua ba biện pháp:

– Một là cài đặt điều kiện sống để người dân chỉ biết miệt mài chạy theo cơm áo.

– Hai là giáo dục nhồi sọ nhằm tẩy xóa ước vọng nhân quyền trong mỗi Nhân Dân.

– Ba là triệt tiêu mọi mầm mống chống đối ngay trong trứng nước.

Từ đó “lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động”

Một đời được mấy điều mong ước

Núi lở sông bồi đã lắm khi…

Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động

Mười năm cổ lục đã ai ghi?    

PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA “TA VỀ”

Lịch sử là sự chuyển mình của xã hội nhằm chống lại mọi chế độ cai trị chà đạp quyền làm người của người dân. Tô Thùy Yên tế nhị hối thúc lịch sử quê hương Việt hãy vươn mình đứng dậy bằng cách lôi kéo gỗ đá ra khỏi giấc ngủ triền miên:

Ta về khai giảng bùa thiêng yểm

Thức dậy đi nào gỗ đá ơi!

Hãy kể lại mười năm mộng dữ

Một lần kể lại để rồi thôi

“Một lần kể lại để rồi thôi” không có nghĩa là bỏ qua chuyện cũ, lại càng không có nghĩa là hòa hợp hòa giải với bạo quyền. Lời thơ này hàm ý rằng: Đau khổ không thể được giải trừ bằng những kể lể dông dài. Hãy một lần nói cho nhau nghe những nỗi niềm đau đớn của Việt Nam để sau đó lấy đau đớn kia làm bàn đạp đẩy tới hành động phục vụ quê hương. Phục vụ ở đây không thể bị đồng hóa với tâm lý thù hận. Nó là nghĩa vụ bảo vệ và khai thông lịch sử.

Có khi lịch sử chuyển mình bằng một cuộc cách mạng núi xương, sông máu. Lại có những khi: Sau 1975, lịch sử Việt Nam chuyển mình không tiếng động mặc dầu hàng triệu triệu sinh linh đã hy sinh trong rừng sâu hay ngoài biển rộng. Mỗi chuyển mình của lịch sử trên núi, trên sông hay trên biển, tất cả đều được người đời tôn kính ghi nhận là lịch sử đã nở hoa: Hoa sử. Sự thể này dẫn đến ý thơ của Tô Thùy Yên: “Cảm ơn hoa đã vì ta nở” . Ta ở đây vừa là Tô Thùy Yên, vừa là biểu tượng của một con người nói chung. Mặt khác, cuộc vượt biên 1975 của người Việt là một cuộc bầu cử bằng chân. Mỗi người vượt biên là một cử tri. Cử tri này bầu phiếu trong môi trường hoàn toàn kín, tự nguyện và lẻ loi. Sau cùng, hàng triệu triệu hành động lẻ loi đã tạo thành cuộc cách-mạng-vượt-biên bi hùng được thế giới khâm phục: Thế giới vui vì mỗi lẻ loi:

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui vì mỗi lẻ loi 

Hoa sử đã bừng nở, vô số “mỗi lẻ loi” đã hội tụ. Việt Nam can trường giới thiệu trước nhân loại hoạt cảnh “Làng ta ngựa đá đã qua sông”:

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa

Làng ta ngựa đá đã qua sông

Người đi như cá theo con nước

Trống ngủ liên nôn nả gióng mừng

Qua tới bên kia sông, “ngựa đá” đối diện với huyền sử 50 con theo Mẹ Âu Cơ lên núi, 50 con theo Cha Lạc Long ra biển. Huyền sử này nhắc nhở giấc mơ kết hợp núi và biển của mỗi người Việt. Để có được vận động nở hoa, mỗi hoa hồng phải thực hiện một loạt kết hợp: đất, nước, ánh nắng, rễ, thân, lá…sau cùng, cây hồng nở hoa. Sống tức là vận động và kết hợp. “Ngựa đá” qua sông, “ngựa đá” phải quay về mới hoàn tất một chu kỳ vận động và kết hợp. Quay về trong trường hợp này là tâm lý cố gắng xóa tan mọi ly tán giữa đồng bào với đồng bào. Nổ lực xóa tan ly tán này cần đến chiều dài của lịch sử, cần đến sự tham gia tích cực của các thế hệ nối tiếp. Nhằm chuẩn bị hiện thực hóa giấc mơ lịch sử kia, Tô Thùy Yên ân cần dặn dò giới trẻ hai điều:

– Một là hãy quên đi tuyên truyền mị dân và giáo dục nhồi sọ của chế độ độc tài toàn trị.

– Hai là hãy nhớ lại và hãy quay về với văn hóa truyền thống của Việt tộc xưa dưới hình ảnh “Con dế vẫn là con dế ấy, Hát rong bờ cỏ giọng thân quen”.

Hai lời dặn kể trên hiển nhiên là các bước chuẩn bị cần thiết để lịch sử chuyển mình: 

Bé ơi, này những vui buồn cũ

Hãy sống đương đầu với lãng quên

Con dế vẫn là con dế ấy

Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen 

Đọc thơ của Tô Thùy Yên, một số người đưa ra nhận định: Đây là những áng văn thơ không dễ đọc. Tuy nhiên khó đọc là chỉ dấu rõ ràng tấm lòng thiết tha của Tô Thùy Yên đối với Nàng Thơ và là thái độ trân quý của Tô Thùy Yên hướng đến trình độ thưởng lãm tinh tế của người đọc. Mặt khác, khó đọc lại chính là sức cuốn hút rất thơ của thi phẩm Ta Về: khi trầm lắng, khi cất cánh lên cao, khi yêu thương, khi phẩn hận, khi lãng mạn, khi khuôn phép… Cuối con đường cuốn hút kia, người đọc nhận ra ba chân lý:

-Thực trạng đau khổ của Việt Nam (Bản thể luận)

– Các chìa khóa giúp giải trừ đau khổ (Nhận thức luận)

-Hành động cụ thể tạo hanh thông cho lịch sử (Phương pháp luận)

Mặc dầu Ta Về đã gói ghém toàn tâm và toàn trí của tác giả, Tô Thùy Yên vẫn khiêm tốn viết lời tâm tình:

Ta về như hạc vàng thương nhớ

Một thuở trần gian bay lướt qua

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta

Thực ra “lòng ta” đã được “trải hết”. Lòng là tim óc, là tư tưởng, là tri. Tri phải đi với hành. Tri là tính, hành là mệnh. Tính và mệnh là hai mặt của một bàn tay. Tính mệnh của quốc gia chỉ tồn tại trong hạnh phúc và ổn định khi cấu trúc chính trị của quốc gia đó phù hợp với nhu cầu tìm về Nhân, thể hiện Nhân trong đời sống của mỗi người Dân. Nhà cầm quyền nào cấm cản quan hệ Nhân và Dân, chống lại nhân quyền, nhà cầm quyền đó nhất thiết phải bị lịch sử đào thải. Đây là hướng tiến tất yếu của lịch sử./.

Đỗ Thái Nhiên

3 BÌNH LUẬN

  1. Thuyền đi để lại hồn neo củ
    Năm tháng theo giòng con nước trôi
    Người như tượng đá bên đền miếu
    Phó mặc tang thương kiếp lỡ bồi

    Tô Thuỳ Yên hỡi ! Trần không luyến
    Thân xác người sao không biết đau !
    Mười lăm năm đã tan lòng hận
    Phật chúa ân ban phép nhiệm màu .

    Như cánh hạc vàng ngang thế tục
    Như tiếng khèn đêm qua bản xa
    Như dế như giun miền cỏ lạ
    Như ai ray rức tiếng Sơn hà .

    Tô Thuỳ Yên thể ,ta không thể
    Vết ngựa cuồng chân quên nỗi đau
    Mai về đất mẹ thân như khách
    Nợ trĩu quằn vai bạc trắng đầu

    Địa ngục ta về như lòng chọn
    Trả nợ trần gian vạt lửa dầu
    Tháng bảy trăng rằm nghe tiếng quốc
    Quốc quốc gọi hồn than bể dâu ….!

    • Thưa,

      Lời thơ như thể lời thề,
      Đi từ trong sử trở về hiện sinh.
      Trải bao khốn khó nhục hình
      Cờ Vàng rồi sẽ vẫy chào Tự Do.

      Nay Kính

  2. Đọc thơ “Ta Về”,nghe nhạc Lê-Tín Hương qua bài”Con đường tôi về”,Hai
    hành trình “trở về” tuy có khác:một bên từ nhà tù-một bên từ nước
    ngoài trở về.Nhưng cảm nhận giữa Thơ và Nhạc vẩn là MỘT!
    “Mọi thứ không còn ngăn nắp củ-Thế giới già đi- Những người củ không còn-những người mới lưa thưa” (Tô thùy yên). Khi tôi về nhìn dân tôi ngở ngàng-nhìn quê hương điêu tàn-nhìn tuổi thơ nghèo nàn-nuôi đời dối gian-những người năm củ là xác chưa đưa(Lê Tín Hương).Nghệ thuật là Hương hoa của đời sống.Không có nó-giống như thưc3 ăn không có gia vị vậy !Cảm nhận của nghệ thuật là cảm nhận đích thưc nhất-vì nó đi từ tâm thức -từ nôi tạng -tâm can của con người. Một người từ cỏi giàu sang sung sướng ,trở về một nơi nghèo nàn-lạc hâu,cảm thấy cái gì củng kém cỏi-xấu xa ,đả đành ! Nhưng một người đi từ nhà tù trở về thấy đất nươc nghèo nàn-lạc hậu,đây là điều cho ta suy nghĩ ! Rỏ ràng Tô thùy Yên đả trở về từ “Tâm thức”-từ một Miền Nam tươi đẹp ,để so sánh với dất nước hôm nay. Qua sự-giao-thoa giữa Thơ và Nhạ một lần cho mọi người thấy
    rỏ ;Nghệ thuật phản ảnh nhân sinh không gì chối cải đươc >Cám ơn DTN đả tôi sống lại một thời để nhớ-để thương./

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên