Cuối năm 1990, nhà báo Bùi Tín qua Pháp dự hội nghị hàng năm của báo L’Humanité – Nhân Đạo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Pháp. Đây là thời gian nổ ra biến cố Đông Âu, khơi mào từ Ba Lan, dẫn tới sự sụp đổ bất ngờ khó ai đoán trước của toàn khối Đông Âu, chót hết là Liên Bang Xô Viết, cái nôi của chủ nghĩa cộng sản quốc tế.
Nhân cơ hội này, ông xin tỵ nạn tại Pháp.
Tập sách bạn đọc đang có trên tay do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành là tác phẩm thứ ba của Bùi Tín sau hai tác phẩm Hoa Xuyên Tuyết xuất bản năm 1991 và Mặt Thật xuất bản năm 1993.
So với hai tác phẩm đầu, nội dung, bối cảnh và lý do ra đời tác phẩm mới này hoàn toàn khác.
Hai tác phẩm đầu có nội dung và mục tiêu nhất quán là nhìn lại quá khứ hơn nửa thế kỷ của một chế độ, trong đó tác giả vừa là người trong cuộc, vừa là tác nhân, đồng thời là nạn nhân như ông nhìn nhận trong bài mở đầu cuốn Mặt Thật. Cả hai tác phẩm được hình thành trong vài năm đầu sống lưu vong trên đất Pháp, vào lúc tâm tư ông chắc chắn còn nhiều xung động. Vì thế, cách nghĩ và cách viết qua hai tác phẩm đầu này không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Một phần tư thế kỷ sau, Thao Thức Cùng Quê Hương mới ra đời với tất cả chất liệu được gom lại từ ba năm cuối. Nội dung tác phẩm là tập hợp những suy tư và cách nhìn trầm tĩnh, quân bình, rốt ráo của tác giả họ Bùi về một giai đoạn quá độ, báo hiệu ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản hoang dã trên quê hương Việt Nam với ngót 200 bài viết từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2018.
Điểm cần lưu ý, đây không phải là những tiểu luận trình bày theo chủ đề mà là những bài phân tích, nhận định, bình luận nương theo các biến cố thời sự liên quan tới tình hình đất nước.
Tôi đã phân vân nhiều trước lời đề nghị của tác giả họ Bùi viết vài trang mở vào tác phẩm này.
Có nhiều lý do khiến tôi ngần ngại.
Lý do thứ nhất, tác phẩm không dễ đọc. Nội dung tác phẩm không mang một chủ đề được tác giả cưu mang với một lộ trình phác họa sẵn trước khi viết. Ở đây nó là tổng hợp hàng trăm vấn đề thời sự được coi là quan trọng trong ngày, trong tuần, trong tháng theo thứ tự thời gian do tác giả chủ quan lựa chọn để phân tích, nhận định hoặc phản biện và được post đều đặn trên Blog Bùi Tín của đài VOA.
Với số lượng ngót hai trăm bài viết mang nội dung đa chiều, liên hệ tới những biến cố lớn nhỏ khác nhau, tương tác, chồng lấn, đôi khi đối chọi nhau, quá khó cho người viết đưa ra một cái nhìn cụ thể, qui chiếu, nhất quán, giúp người đọc có một ý niệm tương đối sáng sủa, chính xác về tác phẩm và quan điểm của tác giả.
Lý do thứ hai phát xuất từ mặc cảm cá nhân nhưng cũng khiến tôi phân vân. Nhìn lại bản thân rồi nhìn vào bề dầy kiến thức, kinh nghiệm viết lách của tác giả họ Bùi, quả thật tôi tự thấy không xứng tầm để viết lời giới thiệu cho tác phẩm của một nhân vật đã thành danh về nhiều phương diện như ông.
Nhưng rồi vì cảm thương, quí trọng một nhân cách lớn từng nhiều năm cô đơn bước đi giữa hai lằn đạn của công luận cả thù lẫn bạn… tôi nhận lời.
Nhìn về Việt Nam, thời gian từ cuối năm 2015 cho đến mấy tháng đầu 2018 là thời gian có quá nhiều biến cố quan trọng nối tiếp nổ ra :
– Hà Nội hãnh tiến mừng 40 năm tưởng niệm ngày hung hãn xua quân cướp sống Việt Nam Cộng Hòa.
– Tập đoàn Ba Đình gục mặt để kẻ thù truyền kiếp phương Bắc tung hoành trên biển Đông, công khai chiếm cứ Hoàng Sa, Trường Sa của Mẹ Việt Nam.
– Bộ Chính Trị CSVN và đầu đảng Nguyễn Phú Trọng hà hơi tiếp sức cho tập đoàn Formosa xả thải hóa chất cực độc gây thảm họa cá chết hàng loạt trên chiều dài 250 cây số biển bốn tỉnh miền Trung khiến cả triệu đồng bào lâm cảnh đói rách vì ngư trường bị hủy hoại.
– Cuộc đấu đá khốc liệt để tranh giành quyền lực diễn ra giữa những tay đầu sỏ trong đảng và guồng máy nhà nước, trước và sau Đại Hội đảng CSVN khóa 12…
– Chùa Liên Trì nơi hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo Hội PGVNTN làm viện chủ bị CA, bộ đội CS dùng cơ giới san thành bình địa. Viện chủ, tăng chúng trở thành kẻ vô gia cư, trong khi mục tiêu khủng bố của bọn cướp đất, hủy diệt tôn giáo hướng vào Dòng Mến Thánh Giá và nhà thờ Thủ Thiêm, nơi thờ tự, tu tập của Giáo Hội Công Giáo kế cận Sài Gòn đã có một lịch sử lâu đời ngót 200 năm.
– Thời khoảng này tái diễn cuộc bầu cử Quốc Hội theo kiểu “đảng cử dân bầu”, hàng trăm người tự điền đơn ứng cử bị đem ra đấu tố, làm nhục và trắng trợn bị loại khỏi danh sách ứng viên một cách phi pháp. Đồng thời cũng ghi dấu con số kỷ lục các nông gia, dân oan, bloggers, những người trẻ nam nữ bị kết án tù cả chục năm chỉ vì tội đấu tranh chống cường quyền, bạo lực để phục hồi nhân phẩm, tự do cho 90 triệu đồng bào.
– Bên cạnh đó là các vụ đại án dưới chiêu bài chống tham nhũng nhưng thực chất chỉ để loại trừ đối phương, thiết lập đế chế kiểu “Vua tân thời họ Tập.” Đây cũng là thời gian nổ ra vụ “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh đưa tới tình trạng bế tắc vô phương cứu chữa trong mối liên hệ ngoại giao Việt – Đức và với khối Liên Âu nói chung.
Hết thẩy biến cố kể trên cùng những phát hiện mới, dù nhỏ, lọt vào tầm nhắm của tác giả đều tìm thấy trong Thao Thức Cùng Quê Hương.
Tuyệt đại đa số bài viết tập chú vào các biến cố xảy ra tại quốc nội, thảng hoặc cũng có những bài nhận định về tình hình quốc tế liên hệ tới Việt Nam. Cụ thể là các vấn đề có tương quan nhân quả với Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, Hoa Thịnh Đốn — Trò đi dây giữa Hà Nội với hai quan thày có chung ý thức hệ và kẻ cựu thù Mỹ quốc.
Rất nhiều cây viết tài tử cũng như chuyên nghiệp trong cộng đồng tị nạn đã đóng góp không ít tâm não qua những nhận định, bình luận giá trị thời gian này.
Theo cách nhìn chủ quan của tôi, nhà báo Bùi Tín là người chiếm kỷ lục về cả hai phương diện phẩm, lượng. Một phần vì ông là người dốc toàn tâm, toàn lực và toàn trí cho nghề báo, có cái nhìn quán triệt về nhiều mặt lại thêm ưu thế có sẵn những tin riêng đầu nguồn từ quốc nội.
Ông viết khoẻ, viết đều, viết liên tục, bền bỉ, gần như không bỏ sót bất cứ biến cố nào.
Với nhận thức tinh tế bén nhạy, lối biện giải, phê phán chắc nịch, tự tin của một nhà báo gạo cội, những bài ông viết, bao gồm động thái, cách phát ngôn của ông, được cả thù lẫn bạn theo dõi sát. Dĩ nhiên với chủ tâm, mục tiêu và góc nhìn không giống nhau.
Hơn ai hết, là người luôn thao thức về hiểm họa Bắc phương, mỗi khi có dịp, nhà báo Bùi Tín đều không bỏ qua các nguồn tin liên quan tới chính sách bá quyền, bành trướng của Bắc Kinh.
Từng sống và hoạt động giữa lòng chế độ CS Hà Nội, sau khi tị nạn chính trị tại Pháp năm 1990, ông chia chung cách nhìn cách suy nghĩ của hầu hết những viên chức hoặc cựu đảng viên CS về hiểm họa Bắc phương — từ những nhân vật trí thức, những tướng tá trước, sau hoặc đồng thời với ông…đều đã lần hồi nối tiếp giã từ đảng CS :
“…như Nguyễn Hộ, tướng Trần Độ, viện trưởng Hoàng Minh Chính, chánh văn phòng Bộ Công An Lê Hồng Hà, nhà sử học Nguyễn Kiến Giang, đại tá Công An Nguyễn Đăng Quang, đại tá Phạm Đình Trọng, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà báo Phạm Chí Dũng, cán bộ Công An Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, trung tá Trần Anh Kim, cán bộ đảng Vi Đức Hồi, cựu đảng viên Lê Hiếu Đằng, nhà ngoại giao Đặng Xương Hùng, gần đây là kỹ sư Ngô Xuân Thọ, anh Ngô Xuân Phúc…và còn nhiều nhiều nữa.
Bản thân tôi, sau khi ở trong đảng 44 năm, đã nhận ra những sai lầm liên tiếp của Đảng CSVN trong Cải Cách Ruộng Đất, trong lãnh đạo thô bạo báo chí, văn học, trong đối xử tàn tệ với sĩ quan viên chức, đảng phái thời Việt Nam Cộng Hòa, trong các chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, trong tổ chức bán bãi bán tàu thuyền ọp ẹp thu vàng bất minh… Nhiều lần tôi mạnh dạn góy ý mà họ không chịu nghe, tôi đã quyết định chống lại tệ độc đoán giáo điều cơ hội và tách mình ra khỏi đảng, tuy rằng họ vẫn trọng dụng, khen thưởng và giao tôi nhiều trọng trách. 25 năm nay tuy đời sống khó khăn, phải xa người thân, bạn bè, tôi không hề luyến tiếc việc tách mình ra khỏi đảng khi đảng đã trở thành tai họa hiểm nghèo cho dân tộc. Để hôm nay có dịp tâm sự chân thành với các bạn.
Tôi đã ở trong Quân Đội Nhân Dân 36 năm, dự nhiều chiến dịch và ra nhiều chiến trường, càng thấy đảng Cộng Sản Việt Nam đã phụ bạc hàng triệu liệt sĩ khi không bảo vệ nền độc lập và mang lại tự do hạnh phúc cho toàn dân như ý nguyện của họ khi nhắm mắt.
Mong rằng các đảng viên trong Quân Đội Nhân Dân và trong Công An Nhân Dân luôn giữ vững bản chất nhân dân, trung thành với nhân dân, bảo vệ nhân dân, không bao giờ làm trái và không bao giờ tiếp tay cho lãnh đạo khi họ cưỡng bách Quân Đội Nhân Dân và Công An Nhân Dân đàn áp nhân dân…”
Trích đoạn trên từ trong Tâm thư gửi hơn ba triệu đảng viên Cộng Sản viết ngày 04-01-2016 (tr. 49-50) của nhà báo Bùi Tín cho thấy thái độ thành khẩn của tác giả khi mở lòng ra tâm tình với những người lính cộng sản một thời từng là đồng đội của ông. Một cách nào đó hẳn ông cũng muốn gửi một tín điệp tới cộng đồng người Việt tị nạn CS hải ngoại nơi ngót ba thập niên trước ông đã gia nhập như một thành viên tự nguyện.
Với nội dung những bài viết tương tự trong tập sách, hẳn rằng thế lực căm ghét ông đến xương tủy, dĩ nhiên, không ai khác hơn là Bộ Chính Trị đảng CSVN và guồng máy cai trị Hà Nội.
Bù lại cũng có không ít bà con trong nước, kể cả đám đông đồng chí cũ âm thầm hoặc công khai bày tỏ tâm tình thương mến, tán thưởng sự chọn lựa và quan điểm thức thời của ông.
Ở hải ngoại, trong khoảng thập niên đầu, bên cạnh sự cảm thông của nhiều người, ông cũng phải đối diện với những chỉ trích cay nghiệt của một số nhỏ đồng hương, trong đó có người, vì vô tình, chịu ảnh hưởng của đạo quân “dư luận viên” tay sai chế độ.
Cho nên khi nói tới cuộc hành trình tìm về chính nghĩa tự do của nhà báo Bùi Tín, tôi chia xẻ suy nghĩ cho rằng trong một thời gian dài, ông đã phải cam chịu nỗi cô đơn của người bước đi giữa hai lằn đạn của cả thù lẫn bạn. Trước những chỉ trích dai dẳng, vô trách nhiệm, có lần ông đã phải thốt ra lời gián tiếp tự biện: “Bất cứ sự thức tỉnh hay sám hối nào cũng phải trải qua một quá trình thay đổi dài hay ngắn. Nói rõ hơn cần phải có thời gian.”
Trong lời mở vào tác phẩm Mặt Thật xuất bản năm 1993, ngoài thiện chí tự kiểm nhằm xét lại những điểm bất cập trong tác phẩm đầu tay Hoa Xuyên Tuyết xuất bản ngay năm đầu vừa chân ướt chân ráo gia nhập cộng đồng tị nạn hải ngoại, nhà báo Bùi Tín cũng can đảm nói tới hai chữ “sám hối” như một thái độ tự nguyện khi viết cuốn Mặt Thật hai năm sau. (*)
Cho nên có thể nói từ Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật tới Thao Thức Với Quê Hương, nhà báo Bùi Tín đã trải qua quá trình một phần ba đời ông để có được tâm tư an bình, tự tin và trong sáng như hôm nay.
Trân trọng mời độc giả mở vào tác phẩm mới này để tự suy tư, khám phá hầu tìm ra câu trả lời chính xác cho những nghi nan, thắc mắc về quan điểm và con người đích thực của nhà báo Bùi Tín.
Mùa hạ 2018
TRẦN PHONG VŨ
———————————————————————-
Địa chỉ giao dịch :
Tủ sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O Box 4653 – Falls Church – VA 22044 –USA
Email :
— uyenthaodc@gmail.com — tphongvu50@gmail.com
— tiengquehuongbookclub@gmail.com
—————————————
(*) Lời nói đầu của tác giả trong tác phẩm MẶT THẬT xuất bản năm 1993 : “Cuốn HOA XUYÊN TUYẾT còn có một số thiếu sót và nhược điểm: Nội dung còn dàn trải, chưa tập trung phơi bày và phê phán những quan điểm hệ trọng nhất làm nền móng cho chế độ. Đó là nền chuyên chính vô sản, quan điểm đấu tranh giai cấp không khoan nhượng, quan điểm bạo lực thẳng cánh được áp dụng rộng khắp, xuyên suốt thời gian, lan khắp không gian.
Đó là bộ máy đàn áp rộng lớn và tinh vi theo kiểu KGB lộng hành bất chấp luật pháp và dư luận, chà đạp quyền tự do của công dân, khống chế con người và xã hội, tạo nên nỗi sợ thường trực và dai dẳng. Đó là hệ thống đặc quyền đặc lợi của một tầng lớp, hoặc một lớp người là hiện thân của chế độ, là Nomenclature theo danh từ Tây Phương; đó là giới thượng lưu mới của xã hội “xã hội chủ nghĩa”, một tầng lớp quan liêu ăn bám, bóc lột xã hội theo kiểu riêng của nó, từ đó tạo nên cả một lớp “tư bản đỏ” trong thời kỳ thoái trào, rã đám hỗn loạn, bát nháo hiện nay…
… Nội dung cuốn sách có mang tính chất sám hối, do tác giả đã từng ở trong bộ máy đảng, nhà nước cầm quyền, từng vừa là thành viên, vừa là nạn nhân của bộ máy ấy. Đây là sự sám hối tự nguyện và tự giác, đối với lương tâm và đồng bào mình, không bị dồn ép bởi bất cứ ai. Tôi đã thanh thản, vui mừng từ biệt đảng Cộng Sản nhưng không hề tuyệt giao với những người cộng sản lương thiện, ước mong rằng họ cũng cùng tôi sám hối về những lỗi lầm của mình…”