Tân TT Donald Trump sẽ được dân Mỹ chào đón như thế nào?

0
Donald Trump. Ảnh CNN

Ngày Thứ Sáu, 20 tháng 1-2017 sắp tới, tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tại trụ sở Quốc Hội. Người Á châu nói chung, và người gốc Việt nói riêng ít có ý muốn tham dự sinh hoạt như vậy; ngay cả với những người Việt sinh đẻ tại Mỹ và cư trú quanh vùng phụ cận thủ đô Hoa Kỳ. Vì cái tò mò cần thiết của một người làm truyền thông, vào năm 2001, khi còn làm việc tại đài VOA ở thủ đô Washingon D.C., ngay cạnh công viên lớn (National Mall) là chỗ thường xuyên có biểu tình, tôi đã tham dự lễ tuyên thệ nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống George W. Bush (Bush con). Hôm nay tôi tường thuật lại đôi điều lý thú cho độc giả.

Sau lễ tuyên thệ, theo truyền thống Tân TT sẽ di chuyển trên đại lộ Pennsylvania mênh mông, thẳng tắp từ Quốc Hội tới Toà Bạch Ốc, nơi ông sẽ cư ngụ cùng gia đình và điều hành đất nước. Khác với lễ tuyên thệ nhậm chức của TT Obama cách nay 8 năm (2009), lễ tuyên thệ nhậm chức của Tân TT Donald Trump năm nay không những không thấy không khí chờ đợi náo nhiệt trên truyền thông, báo chí; mà thậm chí nội các của ông cũng chưa được thành lập xong. Đồng thời phong trào phản đối ông Trump vẫn mạnh mẽ. Theo Reuters (http://www.reuters.com/article/us-usa-trump-inauguration-protests-idUSKBN14P2HR) những người chống đối sẽ được cấp chỗ đứng nơi công cộng gần chỗ diễn hành để biểu tình phản đối lễ tuyên thệ. Hiện nay con số các tổ chức chống đối xin cấp phép đã lên tới gần 30. Trong khi Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay mới đang dự trù sẽ (chưa biết bao giờ) thảo luận luật Biểu Tình (!) Theo trang mạng âm nhạc (http://ew.com/music/2017/01/10/donald-trump-inauguration-artists-who-wont-perform/), đã có khoảng gần 20 ca sĩ nổi tiếng từ chối lời mời tham dự trình diễn trong lễ tuyên thệ của ông Trump; trong đó tiêu biểu như Elton John, và Céline Dion.

Theo tờ New York Daily News, ra ngày 15 /1, đã có ít nhất 26 dân biểu liên bang thuộc đảng Dân Chủ sẽ tẩy chay không tham dự lễ tuyên thệ của ông Trump. Tuy nhiên chưa có Thượng Nghị Sĩ liên bang nào tham gia cuộc tẩy chay này. Theo dõi hàng ngày và liên tục mỗi ngày đài truyền hình CNN tôi thấy vẫn có những chương trình tranh cãi về ông Donald Trump. Đối với mấy vị tổng thống trước điều này chưa từng có.

Tuy nhiên, tạp chí Time ngày 13-1 dự trù sẽ có khoảng hàng chục triệu người theo dõi lễ tuyên thệ qua truyền hình. Cơ quan tổ chức lễ tuyên thệ dự trù sẽ có khoảng 800,000 (tám trăm ngàn) người đích thân tới thủ đô Washington tham dự lễ tuyên thệ. Năm 2009 Ủy ban này đã ước lượng trong lễ tuyên thệ nhiệm kỳ đầu của TT Obama có tới 1 triệu 800 ngàn người tham dự. Năm 2001, đích thân tôi tham dự lễ tuyên thệ nhiệm kỳ đầu của TT Bush (Bush con) chỉ có khoảng 300 ngàn người tham dự. Nhưng với con số đó, tôi thấy đã ngút ngàn, không có chỗ chen chân rồi.

Ủy ban tổ chức lễ tuyên thệ cho biết riêng cư dân thủ đô Washington D.C. đã phải chi 47 triêu tiền thuế cho lễ tuyên thệ năm nay. Trong khi các tư nhân ủng hộ viên của ông Trump tự nguyện đóng góp từ 65 triệu tới 75 triệu để bù vào những chi phí còn thiếu. Mặc dù quần chúng tham dự dọc đường thì tự do nhưng mỗi vé hạng VIP để tham dự các nghi lễ (events) giá là 25 ngàn đô la.

Lực lượng an ninh gồm có 13,000 Vệ binh Quốc gia, chưa kể các nhân viên an ninh chìm, cảnh sát ở thủ đô, và cảnh sát của Quốc Hội.

Mỗi vé tầu điện giá 25 đô. Tầu sẽ chạy tới 2 giờ sáng trong ngày tuyên thệ. Năm 2009, trong lễ tuyên thệ đầu tiên của TT Obama đã có hơn 10 ngàn xe bus chuyên chở hơn 500 ngàn người vào thủ đô tham dự lễ tuyên thệ.
Đặc biệt theo thông cáo của ban tổ chức, sẽ có 6 vị lãnh đạo các tôn giáo tham dự lễ tuyên thệ. Nhưng không thấy có lãnh đạo Phật giáo.

Sự kiện có hàng trăm ngàn tới gần một triệu người từ khắp mọi miền xa xôi của Hoa Kỳ đổ về thủ đô tham dự ngày lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống nếu xảy ra ở một quốc gia thiếu dân chủ, nhất là các quốc gia Cộng Sản, thì không ai ngạc nhiên, bởi vì người dân luôn luôn bị bắt buộc tập trung đi tung hô lãnh tụ. Nhưng tại một nước cực kỳ dân chủ như Hoaky, thì sự kiện như vậy sẽ khó hiểu và gây ngạc nhiên đối với những ai chưa từng chứng kiến. Ngay cả những người Hoa Kỳ, đặc biệt là những người gốc Việt, nếu chưa từng tham dự lễ tuyên thệ đó sẽ không hiểu những người tham dự lễ tuyên thệ thuộc thành phần và tuổi tác nào, họ tới để làm gì, họ tới từ những tiểu bang nào, họ tới bằng phương cách nào, họ tới đó trong bao lâu và họ làm gì trong ngày hôm đó tại thủ đô. Chứng kiến tại chỗ buổi lễ tuyên thệ tổng thống Hoa Kỳ, chắc chắn cũng sẽ học hỏi được đôi điều quan trọng về dân chủ.

Làm sao ban tổ chức có thể đưa ra dự đoán con số những người sẽ tham dự lễ tuyên thệ lớn lao như vậy? Đó là dựa theo kinh nghiệm của những lễ tuyên thệ trong lịch sử và dựa vào con số những người đã liên lạc với ban tổ chức qua các đại diện dân cử của họ để đặt vé tham dự. Số vé tham dự có hai loại, một loại được ngồi ngay tại địa điểm tuyên thệ là khuôn viên trụ sở quốc hội, một loại được ngồi trên những hàng ghế như hàng ghế sân khấu được dựng rải rác dọc theo đại lộ Pennsylvania. Những vé này những năm trước được bán, nhưng năm 2009 ban tổ chức đã quyết định phát miễn phí 240, 000 vé cho dân chúng qua các vị dân cử theo nguyên tắc ai xin trước thì được trước (First come, first served ). Chỉ riêng việc bán hay phát không những vé này theo nguyên tắc ai ghi tên trước, được trước cũng là một bài học quan trọng trong việc thực thi dân chủ, công bằng và trong sáng.

Dân chúng sẽ tập trung tại Công Trường chính của thủ đô, có tên chính thức là National Mall. Công Trường này đã nhiều lần đón tiếp các cuộc tập trung cỡ trên dưới một triệu người như cuộc tập trung có tên “Over One Million March for Women’s Lives” diễn ra vào ngày 25/4/2004 có tới 1 triệu 150 ngàn người tham dự. Cuộc diễn hành ngày 15 tháng 10, 2005 kỷ niêm 10 năm cuộc diễn hành lịch sử có tên “the Million Man March”. Nhưng cuộc tập trung luôn luôn được nhớ tới là cuộc tuần hành “the Million Man March”. Cuộc tuần hành này do mục sư Louis Farrakhan chủ xướng là cuộc biểu tình lớn nhất so với các cuộc biểu tình trước đó tại thủ đô Washington D.C. Cuộc biểu dương của một triệu người đàn ông da đen đó không nhằm tranh đấu một điều gì với chính quyền mà chỉ nhằm bảo nhau, những người đàn ông da đen, hãy nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời mình (take charge of their own fate.)

Thủ đô vốn thường ngày đã rất hiếm chỗ đậu xe. Ví dụ thời đó, đài VOA, nơi tôi làm việc, chỉ cung cấp một chỗ đậu xe cho từng nhóm nhân viên ít nhất bốn người. Nhưng không đủ chỗ cho tất cả các nhóm, cho nên ưu tiên cho nhóm nhân viên nào có tổng số năm công tác của các thành viên tại đài cộng lại nhiều hơn hết. Những người không có được chỗ đậu xe trong cơ quan thì cũng phải kết hợp với nhau đi chung xe để vừa đỡ hao mòn xe, đỡ tiền săng và đỡ tiền gửi xe. Nhóm 4 người của tôi lúc đó có anh Trần Nam, cựu xướng ngôn viên đài Truyền Hình Saigon trước 1975, và nhà báo nổi tiếng Bùi Bảo Trúc, mới qua đời. Những ngày có tập trung đông đảo trong thủ đô thì việc kiếm chỗ đậu xe càng khó hơn nữa. Thêm nữa, ngày nào có cuộc tập trung, biểu tình, thì các con đường dẫn tới thủ đô lại thường rất kẹt xe. Vừa khó lái xe tới nơi, vừa khó tìm chỗ đậu xe, cho dù chỗ đậu nào cũng phải trả tiền. Vì vậy cách nay 16 năm, cũng ngày 20 tháng 1, muốn tới quan sát dân chúng tham dự ngày tuyên thệ nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Bush, tôi đã chọn cách đi tầu điện. Muốn vậy phải lái xe tới trạm tầu điện và gửi xe tại đó. Tới trạm tầu điện gần khu chợ Việt Nam, khu Eden, tức cũng gần với Thủ đô, không tìm được chỗ đậu xe, vì vậy tôi phải lái xe lui trở lại nhà ga ở xa hơn. Tại đây, rất đông người đang đứng chờ tầu. Các chuyến tầu kéo những dãy toa dài hơn thường lệ. Cơ quan tầu điện thủ đô đã quen với các ngày lễ hội tập trung rồi nên họ luôn luôn có kế hoạch tăng cường vận chuyển thích nghi để tạo thoải mái cho người dân. Rất đông nhưng không có cảnh chen lấn và không có cảnh chật như mắm nêm trên tầu. Không phải chỉ có người lớn, là những người quan tâm tới chính trị, mà còn có cả thanh thiếu niên, trẻ em, và thậm chí cả trẻ con còn nằm trên xe đẩy. Có người đi cả gia đình. Già trẻ lớn bé người ta tới dự ngày đón chào tân tổng thống như một ngày vui gia đình, một lễ hội, một ngày giỗ, tết trong họ, trong tộc, trong làng.

Tôi tự hỏi không biết tới nơi họ sẽ làm gì, chẳng lẽ người dân Mỹ thương yêu lãnh tụ của họ tới như vậy sao? Tới nơi rồi mới thấy quả đúng như vậy. Có lẽ đây cũng là một bài học về dân chủ. Dân chúng chỉ thực sự thương yêu lãnh tụ khi họ được tự do bầu chọn người lãnh đạo họ. Ngày nào người dân chưa có được quyền đó thì ngày đó người dân còn chửi thầm những ông chủ tịch đảng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, và nhiều chức danh chủ tịch khác nữa. Trạm tôi tới ở ngay gần trước cửa Quốc Hội. Khi vừa từ mặt đất chui lên, một cảnh tượng khiến tôi sửng sốt. Tôi đã từng chứng kiến những tập trung vài chục ngàn người tại quảng trường này, nhưng tôi chưa từng thấy một số đông như ngày hôm đó. Giữa rừng người là một rừng xe bán đồ ăn thức uống. Thông báo cho biết có ba trăm ngàn người tập trung hôm đó.

Trên khắp thế giới, chỗ nào có du khách, có tập trung đông người, thì có hàng quán bán đồ ăn thức uống và đồ lưu niệm. Như tại mọi nơi trên đất nước Hoaky, tất cả mọi thứ đều phải có giấy phép. Nhưng khác với ở Việt Nam, tại Hoa Kỳ những giấy phép kinh doanh được cấp cho người xin dựa theo nguyên tắc công khai, công bằng với tất cả mọi người. Nếu số đơn xin kinh doanh quá số nhu cầu cần thiết thì sẽ được tổ chức rút thăm. Rất là công bằng và trong sáng. Không có ai khiếu nại. Vào năm 2009, thông tin mà tôi ghi nhận được cho biết năm đó có một ngàn người bán hàng bên đường đã được cấp địa điểm.

Cứ một món hàng họ bán với giá ít nhất gấp 4 giá vốn. Ví dụ một chai nước trong (bottle water) họ mua sỉ giá 25 xu, được bán với giá 2 đô la. Thực tế một chai họ mua có 10 xu khi hàng đại hạ giá. Ngày thường, không phải cao điểm du khách, họ bán lai rai cũng dư sống, mặc dù tôi không ghi nhận được lợi tức một ngày bình thường của họ là bao nhiêu. Nhưng vào ngày lễ hội, có tập trung đông người, hay ngày cuối tuần đông du khách, thì một ngày lợi tức của họ gần bằng cả một tháng lương của một người tốt nghiệp đại học, một kỹ sư.

Thời gian làm ở đài VOA, tôi hay đứng mua hàng và nói chuyện với một chủ xe hàng gần đài, tôi đùa anh ta rằng, “Trông chúng tôi mặc complet, cà vạt, tay sách samsonite có vẻ sang trọng vậy chứ, cả tháng lương của những người như tôi mới chỉ bằng lợi tức anh kiếm được trong hơn một ngày cao điểm.” Anh ta cười, lặng lẽ xác nhận.

Tôi xin lập lại, dưới đây là đoạn tường thuật lễ tuyên thệ của Tổng thống Bush (Bush con) nhiệm kỳ đầu vào năm 2001 mà tôi có tham dự. Trời bắt đầu mưa. Không mưa rào nhưng cũng khá nhiều để phải khoác áo mưa mà những giọt nước vẫn đổ ào ạt ướt mặt. Không khí vẫn náo nhiệt. Thông báo cho biết có một màn ảnh rộng dựng trước trụ sở Quốc Hội trực tiếp truyền hình lễ tuyên thệ cho dân chúng bên ngoài coi. Nhưng tôi không thể nào chen tới đó. Và tôi cũng chưa thấy được cái màn hình đó to như thế nào. Tôi bèn lang thang quanh quẩn quan sát đám đông. Mọi người đều có vẻ vui tươi phấn khích. Đột nhiên tôi thấy có hai hàng người đứng đối diện nhau, cách nhau khoảng năm mét (5m). Mỗi phe đều cầm biểu ngữ và hô những khẩu hiệu bầy tỏ quan điểm của phe mình. Thật là lý thú. Một phe hoan hô Tổng thống Bush. Một phe chửi Tổng thống Bush là “thằng ăn cắp.” Lý do là trong nhiệm kỳ đó tổng thống Bush đắc cử sau khi tranh kiện với ứng cử viên đối thủ Al Gore về số phiếu được kiểm. Cái điều dân chúng chửi tổng thống thì không có gì lạ tại Hoa Kỳ. Những người chửi tổng thống ở Mỹ không bị bắt, đưa ra tòa kết tội nhục mạ lãnh tụ như ở Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Nhưng sự kiện hai phe có hai quan điểm chính trị cực kỳ đối chọi nhau như nước với lửa, đứng gần nhau mà không đánh nhau, hay ít ra là chửi nhau, thì quả thực đối với người Việt là chuyện lạ. Và đối với tôi cũng là chuyện cực kỳ lạ; lần đầu tiên tôi chứng kiến như vậy. Lại càng lạ hơn nữa là không những họ không có thái độ thù hận nhau mà lại còn vừa hô khẩu hiệu trái ngược nhau, vừa nhìn nhau cười thân hữu. Đây là một bài học sống động về tinh thần dân chủ. Tiếc rằng tôi không mang theo máy hình. Thời đó chưa có kỹ thuật cao, iphone, chưa facebook, và internet chưa phổ biến xử dụng cá nhân như bây giờ. Tôi bèn đi giữa hai hàng người đối nghịch đó để cảm nhận cái thích thú của tinh thần dân chủ cao độ: BẤT ĐỒNG NHƯNG KHÔNG BẤT HOÀ.

Xuyên qua đám đông, tôi hướng về đại lộ rộng lớn Pensylvania. Phải qua một trạm xét túi xách. Có nhiều trạm xét như vậy nên việc đi qua trạm xét rất mau. Tháng đó chưa có vụ khủng bố 9-11 nên hầu như mọi thứ mang theo đều được mang vào khu vực có kiểm soát an ninh. Trái lại, vào năm 2009, danh sách những vật dụng không được mang vào khu vực kiểm soát an ninh hơi nhiều.

Trong đám người cực kỳ đông đảo đó, hỏi thăm tôi được biết nhiều nhóm người tới từ các tiểu bang xa. Nhiều gia đình tới từ mấy hôm trước. Nhiều nhóm người nhân dịp này đi thăm thủ đô, nơi mà từ lúc sinh ra họ chưa có dịp tới thăm. Tôi quen rất nhiều người Mỹ gốc, có trình độ, công ăn việc làm khá vẫn chưa có dịp thăm thủ đô Washington. Bởi vì khoảng cách từ bở biển miền tây (tiểu bang California) bay sang thủ đô Washington mất đúng 5 tiếng nếu bay trực tiếp, cách nhau 3 múi giờ. Nhưng thường máy bay dừng tại một chỗ nào đó để khách đổi máy bay cho nên phải mất khoảng 7 tới 9 tiếng. Và thủ đô Hoa Kỳ có nhiều cái để thăm cho nên phải mất nhiều ngày và tốn nhiều tiền. Nếu đi một gia đình 4 người thì số tiền không phải nhỏ. Rất đông người ra ngồi giữ chỗ trên đại lộ Pennsylvania từ rất sớm để bảo đảm sẽ được trông thấy vị tân tổng thống.

Tôi ngạc nhiên về nhiệt tình của họ. Riêng tôi nếu không vì chủ đích quan sát thì không thể có nhiệt tình tham gia như họ. Từ sáng sớm tới lúc đó là gần 11 giờ rồi, trời vẫn mưa, gió vẫn thổi và tôi cảm thấy lạnh. Tôi muốn bỏ về. Lạnh quá! Tôi không có đủ nhiệt tình để ở lại chịu mưa gió và lạnh cóng để nhìn mặt vị tân tổng thống. Nhưng nhìn sang bên cạnh, một em bé khoảng một tuổi nằm trong xe đẩy, cũng bị mưa, và gia đình em cũng để em ở lại. Nhiều em bé như vậy, và cũng nhiều em lớn hơn đang vui vẻ chịu mưa lạnh chờ giây phút tổng thống đi qua. Tại sao các em bé này ở lại được mà tôi lại chịu thua? Nghĩ như vậy nên tôi quyết định ở lại. Từ sáng tôi không giữ chỗ nên bây giờ khó kiếm được chỗ đứng trông ra đường. Loay hoay một hồi cũng có một người di chuyển và tôi len vào chỗ vừa bỏ trống. Mọi người sát cánh nhau. Tôi không dám bỏ đi tiểu, vì bỏ ra ngoài là mất chỗ luôn.

Gần trưa, buổi tuyên thệ chắc đã kết thúc. Cuộc diễn hành bắt đầu với các ban nhạc, các cơ quan quân sự, cảnh sát, cứu hỏa, học trò trung học v…v như mọi cuộc diễn hành khác tại Hoa Kỳ. Cuối cùng rồi giây phút chờ đợi thật lâu cũng tới. Tổng Thống sắp đi ngang. Nhưng không phải đi bộ theo truyền thống mà đi bằng xe hơi. Mọi người nôn nao hướng về đầu đường chờ đợi. Chiếc xe limousine mầu đen xuất hiện từ đằng xa. Chiếc xe sắp tới gần. Mọi người nô nức. Và…rồi, chiếc xe có kính mầu che phủ nên mọi người chỉ nhìn thấy hình dạng Tổng thống mờ mờ. Chiếc xe lướt qua thật nhanh. Chưa tới 02 giây! Đó là tất cả những gì mọi người có được sau khi phải bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian chờ đợi từ cả tháng trước đó.

Đột nhiên ở cách chỗ tôi đứng không xa, một người hay một vài người, tôi không rõ, nhào ra chặn xe của tổng thống. Cảnh sát và mật vụ nhào ra ôm anh ta lôi vô lề đường. Chiếc của tổng thống dừng lại một vài giây rồi cũng vút qua. Mọi việc mau chóng trở lại bình thường. Đám đông tan hàng. Không có ai bị đánh đập. Không có ai bị bắt. Đó là quyền lên tiếng của người dân Hoa Kỳ.

Ba trăm ngàn người phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mới rời khỏi được Quảng Trường mênh mông. Năm nay thông báo vừa cho biết tầu điện có khả năng chuyên chở 120,000 hành khách trong mỗi giờ vào ngày tuyên thệ. Rất đông, nhưng mọi người xếp hàng trật tự để chờ xuống hầm tầu điện ngầm. Lại thêm một bài học về tinh thần văn minh, kỷ luật tự giác. Lễ tuyên thệ tân tổng thống Hoa Kỳ mang lại một số bài học thật đơn giản nhưng đó là nền tảng của dân chủ. Thiếu tinh thần đó, thì dù có sao chép một bản hiến pháp tiến bộ nhất, có sao chép những bộ luật của những nước văn minh nhất, cũng không thể có được một nền dân chủ. Cái cần thiết hơn hết là tinh thần dân chủ của toàn thể dân tộc, người dân cũng như nhà cầm quyền. Việt Nam cần bao nhiêu năm nữa mới học được cái tinh thần đó thì tôi không biết nhưng trải qua 41 năm nơi xứ Mỹ, cộng đồng người Việt tại đây, kể cả rất nhiều người có học vị cao tại Hoa Kỳ, vẫn cần học tập nhiều về phong cách hành xử dân chủ.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên