Ở các nước tự do, dân chủ, văn minh, một trong những ưu tư hàng đầu của chính phủ là lo lắng, bảo vệ sức khỏe cho người dân . Từ quan tâm này, chính sách bảo hiểm y tế được chính phủ nghiên cứu, thiết lập để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho toàn dân một cách bình đẳng. Một trong những chính sách bảo hiểm y tế lâu đời nhất trên thế giới là chính sách bảo hiểm y tế của nước Đức được thành lập từ năm 1883.
Đạo luật về Bảo Hiểm Sức Khỏe (BHSK) – Krankenversichrungsgesetz : KVG – được Otto von Bismarck, thủ tướng của đế chế Đông Phổ – tiền thân của Cộng Hòa Weimar Đức – ban hành ngày 15.06.1883. Đạo luật này quy định, tất cả những công nhân lãnh lương dưới 2.000 Đức Mã đều phải tham gia vào quỹ BHSK. Quỹ bảo hiểm này bao gồm những phúc lợi là tiền hưu trí, mất khả năng lao động, tai nạn. Đến ngày 01.01.1914 đạo luật này được bổ sung thêm phần chữa trị răng.
Trong thời gian đầu, những người bị bắt buộc phải đóng BHSK chỉ giới hạn trong giới công nhân có thu nhập thấp (dưới 2.000 Mark/năm) cùng một số nhân viên của chính phủ, nhưng về sau mở rộng ra, bao gồm nhiều thành phần khác trong dân chúng. Hệ thống BHSK hoạt động bằng sự đóng góp tài chánh từ giới chủ nhân, người làm thuê và trợ giúp của chính phủ. Sự đóng góp của người làm thuê được quy định nhiều hay ít tùy theo thang lương, khác với quy định của các hãng bảo hiểm tư nhân là phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe.
Hệ thống BHSK của Đức trải qua hơn 130 năm có nhiều thay đổi, việc bảo hiểm sức khỏe cho người dân hiện đã trở thành một mô hình vững chắc trong vấn đề an sinh xã hội mà cựu tổng thống thứ 44 của Mỹ, Barack Obama muốn xây dựng theo. Hệ thống BHSK này chia làm hai nhóm: Nhóm bắt buộc phải tham gia và nhóm tự do.
Nhóm bắt buộc phải đóng BHSK tại một trong các hãng bảo hiểm, dù tất cả đều là hãng tư nhưng tạm gọi là của nhà nước (cho dễ hiểu) như AOK (Allgemeine Ortskrankenkasse) BEK (Barmer Ersatzkasse) BKK (Betrieb Krankenkasse) đến TK (Techniker Krankenkasse)… là tất cả những người đi làm thuê có thu nhập dưới 4.950 euro/tháng (chưa trừ thuế). Trên mức này thì được tự do, muốn tiếp tục đóng ở các hãng nói trên hay không tùy ý.
Nhóm thứ hai là nhóm tự do không bị bắt buộc phải đóng BHSK tại một trong các hãng của nhà nước nói trên. Họ gồm có công chức, quân nhân hiện dịch, những người có thu nhập trên 4950 euro/tháng và những người không thuộc giới làm thuê, những người hành nghề tư do như kinh doanh, mở nhà hàng, phòng mạch, tiệm rượu, buôn bán tạp hóa, thực phẩm…Những người này có thể đóng bảo hiểm sức khỏe ở một trong những hãng bảo hiểm sức khỏe không bị quy định bởi các điều khoản của luật pháp gọi là Private Krankenkasse (tạm gọi là hãng tư) .
Đóng bảo hiểm sức khỏe tại các hãng tư Private Krankenkasse thì rẻ hơn rất nhiều (30-50%) so với đóng tại các hãng phải đóng theo luật định AOK, BEK, TK, BKK…Tại sao lại có sự bất công này?
Thật ra chẳng có gì bất công vì người đóng BHSK ở Private Krankenkasse chỉ được hưởng phúc lợi cho chính mình, còn gọi là “chính chủ”. Ngược lại đóng ở AOK, BEK, BKK, TK… thì vợ (chồng) con cái được…ăn theo. Điều đó có nghĩa, thí dụ là trong gia đình có hai vợ chồng, ba đứa con, chỉ mỗi ông chồng hay bà vợ đi làm thì toàn bộ gia đình được hưởng BHSK. Nếu sau đó có người thứ hai trong gia đình đi làm, có thu nhâp thì tiếp tục bị …chặt đẹp 7.5% tiền lương. Đơn giản như đang giỡn, vậy thôi.
Hơn nữa, đóng BHSK ở Private Krankenkasse lúc trẻ, dưới 30 tuổi thì rẻ, nhưng càng lớn tuổi càng phải đóng nhiều. Tuy nhiên cũng có cái lợi là “nhập viện” được nằm phòng riêng, một mình một cõi ta bà, có y tá, bác sĩ phục vụ chu đáo, tận tình hơn.
Những người đóng BHSK (của nhà nước) có thể đổi hãng bảo hiểm vào tháng 11 hàng năm, nếu cảm thấy phúc lợi nơi mình đang đóng bảo hiểm không nhiều bằng các hãng khác. Nhưng một người đã tự nguyện không đóng bảo hiểm của nhà nước để đổi qua hãng tư thì không thể quay trở lại các hãng của nhà nước.
Trở lại vấn đề. Theo hệ thống nói trên, hiện tại một người làm thuê sẽ phải đóng khoảng 7,5% tiền lương chưa trừ thuế (Gross Income), giới chủ nhân 7,5%, tổng cộng là 15%, con số này có thể thay đổi tùy theo hãng BHSK nhưng chỉ khoảng 0,2-0,4%. Như vậy một người làm thuê với mức lương 3.000 euro/tháng thì hãng bảo hiểm sức khỏe sẽ nhận được 450 euro/tháng từ người này.
Trường hợp có công việc nhưng thu nhập thấp thì sở xã hội (Sozialamt) sẽ phụ cấp hoặc chi trả phần bào hiểm sức khỏe 7,5%. Những người đi làm các công việc phụ, ít giờ như học sinh, sinh viên, các người nội trợ…gọi là Minijob hay Nebenjob để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nếu không quá 450 euro/tháng cũng không phải đóng 7,5% thu nhập cho quỹ bảo hiểm sức khỏe.
Những phúc lợi mà người đóng BHSK hưởng, được quy định trong bộ luật xã hội thứ 5 (Das Fünfte Sozial Gesetzbuch) rất bao quát, gồm có trị bệnh, từ đau yếu nhẹ, cảm cúm sơ sơ, ho hen lai rai, đau nhức, rêm mình cần uống thuốc thang các cái… đến phải vào nằm bệnh viện, giải phẫu, chữa trị ung thư, thương tật do tai nạn giao thông, bất cẩn đến y khoa phòng ngừa…Tóm lại là chữa trị, phục hồi sức khỏe tối hảo cho người đóng bảo hiểm theo những tiêu chuẩn hợp lý, không hoang phí, vượt quá nhu cầu của bệnh nhân.
Thuốc thang tùy theo loại, có loại bệnh nhân phải trả tiền, có loại không, có loại trả 5 euro, có loại 7 euro, có loại 10 euro, nhưng tối đa chỉ trả 10 euro dù chai (hay hộp) thuốc có giá 500 euro.
Luật pháp của Đức cũng quy định, khi người làm thuê bị bệnh lâu hơn 6 tuần lễ trong năm thì giới chủ nhân có bổn phận tiếp tục trả lương 6 tuần lễ đầu, từ tuần lễ thứ 7 trở đi, tiền lương của người làm thuê sẽ do hãng bảo hiểm sức khỏe chi trả, nhưng sẽ chỉ khoảng 80% mức lương họ nhận khi đang làm việc.
Người có bảo hiểm sức khỏe sẽ nhận được một thẻ khám bệnh từ quỹ bảo hiểm, kích thước như môt thẻ tín dụng, có thể có hình “chính chủ” hoặc không, trên có một con chip ghi các dữ kiện cá nhân mà máy đọc (reader) ở phòng mạch bác si, nha sĩ sẽ ghi lại để…tính tiền với quỹ BHSK.
Câu hỏi được đặt ra là: – Vậy người dân Đức, có ai không có bảo hiểm sức khỏe? Trên lý thuyết thì chẳng có người dân Đức nào không có bảo hiểm sức khỏe, nhưng thực tế thì có. Con số mới nhất vào tháng 10 năm 2016 là khoảng 80.000 người. Lý do là nhiều người trong nhóm tự do muốn tiết kiệm khi thấy mình còn trẻ, khỏe mạnh như trâu…, ngu sao đóng cha (nội)? Tự nhiên tháng mất vài trăm euro cho chúng ăn. Uổng!
Đây cũng chính là suy nghĩ của rất nhiều người trẻ tuổi bên Mỹ phản đối đạo luật Obamacare hay còn gọi là ACA (Affordable Care Act) , nhưng xin được miễn bàn trong phạm vi bài viết này. Thế thì số phận những người nói trên ra sao khi họ bệnh hoạn hay phải “nhập viện”? Dễ thôi! Một là móc tiền túi ra trả, hai là nếu chịu đựng được những cơn đau do bệnh gây ra, đánh bài liều, không đi khám bệnh, để bệnh tự nó sẽ hết. Nó không hết thì mình hết…thở. Chẳng có gì phải suy nghĩ, lo lắng.
Một điểm rất nhân bản khác trong hệ thống bảo hiểm y tế của Đức là ngay cả những người chạy đến Đức xin tị nạn, trong khi chờ đợi cứu xét hồ sơ đều được hưởng bảo hiểm y tế đầy đủ như một người dân Đức, hoặc một du khách đến Đức du lịch, đột nhiên ngã bệnh hay bị tai nạn phải chở vào bệnh viện cấp cứu, không có tiền, không có bảo hiểm y tế đều được cứu chữa tận tình. Ai sẽ thanh toán những cái “biu” cho bệnh nhân? Dạ thưa! Ngân sách nhà nước.
Nói chơi vậy thôi nghe mấy cha! Người viết không khuyến khích du khách Viêt Nam qua Đức du lịch, thăm gia đình, không cần mua bảo hiểm sức khỏe, cứ tự nhiên như khỉ Trường Sơn xuống đồng bằng. Mang tiếng chết!
Thạch Đạt Lang
Xin góp ý :
Anh Tonydo hỏi thế thì hơi làm khó ông tác giả, bởi vì, nước Mỹ và nước Đức tuy cũng là theo thể chế Dân Chủ Tự Do, nhưng lại theo 2 hệ thống kinh tế khác nhau, bên Mỹ thì khỏi nói, ai cũng biết là theo kinh tế tự do thị trường ( còn được cụ Mác Khùng nhà ta gọi là Chủ Nghĩa Tư bản bóc lột!), còn ở Đức là hệ thống Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính gốc ( Sozial Marktwirtschaft), vì có chữ Sozial trong tên gọi, nên nghe tên là thấy hơi rợn người !
2 hệ thống kinh tế và tổ chức xã hội khác nhau, thì tạo nên hai ý thức về xã hội khác nhau, khó so sánh, nó cũng khó như so sánh chai Bia và chai Côca Côla xem chai nào ngon và bổ hơn vậy!
Xin lỗi viết thêm
Đối với người đi du lịch qua Đức không may bị bệnh thì quỹ Xã Hội sẽ trả chi phí chữa bệnh cấp cứu ( không phải hãng bảo hiểm ).
Có hai điều phải nói thêm
1.-Bảo hiểm sức khỏe tư chỉ lợi cho người độc thân , người có gia đình phải đóng riêng từng người trong gia đình . Chỉ gia đình có thu nhập cao và vững bền thì tốt.
2.- Người đi du lịch qua Đức không may bị bệnh , thì hãng bảo hiểm chỉ chi trả cho trường hợp cấp cứu , chứ không chi trả cho các bệnh kinh niên hoặc đau ốm không nguy hiểm đến tính mạng . Điều này cũng có giá trị với những người đâm đơn xin tỵ nạn mà chưa được hưởng quy chế tỵ nạn . Các Bác Sỹ trực cấp cứu trong Bệnh Viện phải tuân thủ những nguyên tắc này .
Không sống ở Đức, nhưng với bài viết ngắn gọn chỉ một trang giấy, đàn anh tác giả đã mô tả hệ thống BHSK của Đức Quốc một cách rất súc tích và dễ hiểu.
Xin cám ơn ngài Thạch Đạt Lang!
Hàng năm từ 15 tháng mười tới mồng 7 tháng 12, ở Hoa Kỳ, những người trên 65 tuổi đang sử dụng chương trình Medicare được quyền thay đổi hãng cung cấp dĩch vụ bảo hiểm y tế cho mình.
Làm lụng vất cả đời (Quân dân Việt Nam ta thì hơn bốn chục năm đổ lại), tới khi về hưu tưởng được rung đùi chơi với cháu hoặc lang thang ngắm cảnh, ngắm người chờ về đoàn tụ ông bà.
Không ngờ phải hỏi người này, hẹn người nọ, đổi hãng kia, quay qua hãng khác, rất rắc rối cuộc đời.
Thưa đàn anh tác giả:
Nghe người ta nói ngài cũng từnng cư ngụ ở Mỹ, cũng như qua lại Mỹ như đi chợ. Nếu có thể, xin tác giả bài chủ viết một bài về BHSK Hoa Kỳ để bà con ta có cái so sánh giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới lo lắng cho sức khỏe của dân ra sao.
Cám ơn tác giả!