Tạ Duy Anh: Vụ án Đinh La Thăng và bóng ma Cải cách ruộng đất

0
Ảnh Soha

 

Đây là lời của luật sư bào chữa Lê Văn Thiệp tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng: “Việc mua ngân hàng với giá 0 đồng là hoàn toàn trái với Hiến pháp, vì nguyên tắc của Hiến pháp là tôn trọng quyền tài sản của cá nhân, tổ chức. Trên thế giới không có quốc gia nào trong lịch sử từ trước tới nay mua 0 đồng cả”.

Phiên tòa đang diễn ra, chưa tuyên án, nên tôi chưa có ý kiến đánh giá của cá nhân mình về tính nghiêm minh, công bằng… Nhưng qua lời ông luật sư, một người chắc chắn phải rất hiểu luật, về một việc làm trái hiến pháp, tôi, với tư cách một nhà văn, thấy cần phải lên tiếng về mối nguy hiểm từng kéo lùi sự phát triển của đất nước hàng thập kỉ, vẫn rình rập đánh úp cuộc sống của chúng ta.

Xin cho tôi dài dòng một chút.

Năm 2000, tôi đem bản thảo cuốn tiểu thuyết Đi tìm nhân vật đến xin giấy phép tại một nhà xuất bản có vị lãnh đạo được đánh giá là mạnh mẽ và bản lĩnh nhất lúc bấy giờ. Bà tiếp tôi niềm nở và đầy trọng thị. Nhưng sau đó khoảng một tháng, bà cho mời tôi đến để… trả lại! Trong câu chuyện, bà gián tiếp nói lý do, khi ý tứ viện dẫn một nhà văn khác cứ bám mãi vào đề tài Cải cách ruộng đất để trách móc chế độ. Chuyện qua lâu rồi, nhắc mãi lại làm gì – bà bảo tôi thế, cũng là ngầm ý cho tôi thấy vì sao bà từ chối cấp phép cho tác phẩm của tôi.

Quá hiểu thực tế chính trị nên khi ra về tôi không buồn. Tôi tin rằng bà giám đốc may mắn không có người thân nào bị đem ra bãi bắn, bị đám đông đập chết một cách oan ức, tài sản tích cóp bằng mồ hôi nước mắt bao đời bị tịch thu phải đi ăn xin ăn mày, con cháu không ngóc lên được… thì mới nói về nỗi kinh hoàng ấy bình thản như vậy.

Tuy nghĩ thế, nhưng tôi cũng tự vấn: Hay là mình sai, cứ nói mãi về một việc, dù là khủng khiếp nhưng đã lùi xa, liệu có vô bổ hay không? Cuộc đời còn bao nhiêu niềm vui, sao cứ phải gợi nên nỗi đau thương mà không chôn vùi hẳn nó xuống một lần?

Rất may đó chỉ là ý nghĩ mất cảnh giác thoáng qua. Lời căn dặn của các bậc hiền nhân:

“Lịch sử, nhất là những bi kịch, thường hay lặp lại”, vẫn ngày đêm nhắc nhở tôi mỗi khi suy nghĩ về những biến cố của đất nước này.

Và mấy hôm nay, khi theo dõi phiên tòa xử ông Đinh La Thăng, thì tôi thấy lời nhắc nhở kia đang hiện ra nhãn tiền. Và hóa ra những khoảng đen tối của lịch sử có khả năng bám rễ rất sâu, chỉ chờ có cơ hội là nảy mầm sống lại.

Chẳng hạn như thói quen chiếm đoạt. Trong Cải cách ruộng đất, trên danh nghĩa tiêu diệt giai cấp địa chủ, chính quyền đã tịch thu đất đai, nhà cửa, ruộng đất của họ.

Trong Cải tạo Công thương ở miền Bắc, trên danh nghĩa sở hữu tập thể, chính quyền cưỡng bức các cơ sở sản xuất tư nhân phải “hợp doanh”, một biến tướng tinh vi của tịch thu tài sản.

Trong Cải tạo tư bản miền Nam sau năm 1975, biện pháp tịch thu, cưỡng đoạt còn được tiến hành khốc liệt hơn cả thời Cải cách ruộng đất.

Trong hồi ký của ông Đoàn Duy Thành, chúng ta biết thêm kế hoạch mang mật danh Z30, cho phép chính quyền các địa phương một số thành phố tịch thu nhà cửa, cơ sở kinh doanh của những người giàu mà không cần biết họ giàu lên vì đâu.

Tất cả những việc làm ấy, chỉ có thể gọi bằng một cái tên chung là Chiếm đoạt (sách chính trị Mác-Lê hay dùng từ Tước đoạt) và nó là hành động man rợ, dù dưới bất cứ danh nghĩa hoặc động cơ gì.

Sau mấy chục năm Đổi mới đất nước, mở cửa hội nhập với văn minh nhân loại nhờ đó mà kinh tế tư nhân được thừa nhận, thậm chí kinh tế tư nhân đang đóng vai trò động lực, thực ra là chủ lực trong phát triển đất nước, cứ tưởng sẽ chẳng bao giờ còn tái diễn màn kịch Chiếm đoạt (hay Tước đoạt) mông muội của hơn nửa thế kỉ trước. Vậy mà lại vẫn xảy ra vụ Nhà nước cưỡng bức mua ngân hàng không (0) đồng, khiến biết bao người mất tài sản, vướng vòng lao lý như đang diễn ra qua vụ xét xử ông Đinh La Thăng liên quan đến 800 tỷ của PVN bị mất trắng theo cáo trạng của Viện kiểm sát….Nó mất trắng hay thuộc số tài sản bị Chiếm đoạt? PVN chỉ có 800 tỷ, trong khi OJB là 4000 tỷ, với tổng tài sản đang kinh doanh lớn gấp nhiều lần. Tất cả “về 0” chỉ trong nháy mắt? Kẻ bị chiếm đoạt thành kẻ mắc nợ, là tội đồ từ chính hành vi chiếm đoạt đó?

Thế chẳng đáng là một bi-hài kịch lớn của thời cuộc sao? Liệu có sự bất công nào từng xảy ra trong lịch sử đáng để chúng ta suy ngẫm hơn. Không còn là số phận của một cái ngân hàng, mà có thể hành động ấy đang khởi nguồn cho một bi kịch dân tộc.

Và hóa ra là lời nhắc của các bậc hiền nhân chưa bao giờ thừa. Mỗi sự kiện đau thương như vụ Cải cách ruộng đất, như vụ Cải tạo tư bản miền Nam trước kia và mới đây là vụ Đoàn Văn Vươn, vụ Ecopak, Dương Nội, Đồng Tâm… sẽ rất cần phải được tái hiện đi tái hiện lại. Cần phải nói về nó ngày này sang tháng khác, để không một ai được lơ là với cái ác, mới hy vọng nó không lặp lại.

Công việc này cần nhiều người tham gia, nhưng đặc biệt trao cho các nhà văn.

Tạ Duy Anh

(theo Facebook)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên