Sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng

14
Photo: US Army Visual Information Specialist Markus Rauchenberger

 

Trang Hỏa Lực Toàn Cầu (1) đã xếp hạng các cường quốc quân sự trên thế giới. Người ta xếp thứ tự Quốc phòng của một nước dựa trên khả năng tác chiến qui ước cả về hải, lục, không quân và cũng dựa trên tài nguyên, địa lý, tài chính của nước ấy.

Họ xếp thứ tự 10 nước hàng đầu (top ten) về phương diện quân sự trong số 126 nước trên thế giới như sau:

1-Mỹ

2-Nga

3-Trung Cộng

4-Ấn độ

5-Pháp

6-Anh

7-Nhật

8-Thổ Nhĩ Kỳ

9-Đức

10-Ý

Kế đó Nam Hàn xếp thứ 11, Ai Cập thứ 12, Pakistan thứ 13, Brezil thứ 15, Do Thái thứ 16… Đài Loan thứ 19.

Bắc Hàn rất khiêm tốn đứng thứ 25, nhưng vì Chủ tịch Kim Jong Un la làng lớn quá nên người ta cứ tưởng cái đất nước nghèo đói này là siêu cường nguyên tử. Ngân sách quốc phòng của Bắc Hàn 7 tỷ (Mỹ kim) so với gần 600 tỷ của Mỹ, có nghĩa là Ngân sách quốc phòng Mỹ gấp 85 lần NSQP Bắc Hàn (2015). Ngân sách quốc phòng Bắc Hàn (7 tỷ) thực ra chỉ bằng một phần ba (1/3) tiền đóng chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử (22 tỷ) của Mỹ ngày nay (2). Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về Ngân sách quốc phòng với 581 tỷ (2015), kế đó Trung Cộng thứ nhì 155 tỷ, Saudi Arabia thứ ba 56 tỷ, Anh thứ tư 55 tỷ, Nga thứ năm 46 tỷ, Nhật thứ sáu 40 tỷ 3, Ấn Độ thứ bẩy 40 tỷ, Đức thứ tám 36 tỷ, Pháp thứ chín 35 tỷ, Ý thứ mười 34 tỷ…Ngân sách quốc phòng Mỹ (581 tỷ) còn lớn hơn ngân sách quốc phòng của chín nước top ten này cộng lại (498 tỷ)

Nay dân số Nga chỉ còn một nửa (144 triệu) so với thời Liên bang Xô viết trước 1991, Tổng sản lượng kinh tế GDP Nga nay xuống hàng thứ 13 trên thế giới chỉ còn rất khiêm tốn 1,200 tỷ, vừa bằng 1/15 của GDP Mỹ. Ngân sách quốc phòng Nga nay rất khiêm tốn chưa bằng một phần mười (1/10) Ngân sách quốc phòng Mỹ. Sở dĩ Nga được xếp thứ nhì về quân sự vì họ có kho vũ khí cũ lớn, nhất là về nguyên tử

Trên đây tôi đã dông dài về các nước hàng đầu về quân sự, nay xin quay về chủ đề chính và so sánh sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ với Trung Cộng.

Về Ngân sách quốc phòng

Như trên Mỹ 581 tỷ gấp gần 4 lần NSQP của Trung Cộng (155 tỷ).

Vũ khí nguyên tử

Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, các nước khác hoặc đánh cắp tài liệu như Nga, Trung Cộng hoặc được Mỹ giúp đỡ chế tạo… Mỹ cũng là nước duy nhất đã xử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh (1945). Về số lượng, Mỹ là nước có nhiều đầu đạn nguyên tử nhất.

Từ 1940 tới 1996 (3), trong 56 năm Mỹ đã chi 8,890 tỷ đô la (theo giá tiền ngày nay) trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Người ta ước lượng từ 1945 Mỹ đã chế tạo hơn 70,000 đầu đạn nguyên tử, nhiều hơn tổng số đầu đạn nguyên tử của các nước trên thế giới cộng lại. Sô Viết đã chế khoảng 55,000 đầu đạn NT từ 1949, Pháp chế 1,100 đầu đạn NT từ 1960, Anh chế 835 đầu đạn NT từ 1952, Trung Cộng chế 500 đầu đạn từ 1964, các nước khác chế tổng cộng khoảng 500 đầu đạn. Từ 1962 Mỹ thử bom nguyên tử dưới đất (thôi thử trên mặt đất). Kho vũ khí NT của Mỹ nhiều nhất là 31,355 đầu đạn vào năm 1967, nay chỉ còn 4,018.

Năm 1964 Trung Cộng thử bom nguyên tử lần đầu tiên, năm 1967 họ thử bom khinh khí lần dầu. Vào năm 2015 Mỹ ước lượng Hoa Lục có vào khoảng 260 đầu đạn NT (warhead) trong kho (4).

Người ta ước lượng vào giữa năm 2020 họ sẽ sản xuất hơn gấp hai số đầu đạn hiện có để đe dọa Mỹ.

Nói chung về số lượng vũ khí hạt nhân Mỹ nhiều gấp 15 lần Trung Cộng, tuy nhiên đây chỉ là ước lượng vì các nước đều giữ bí mật về nguyên tử.

Không lực

Mỹ có tổng cộng 13,444 phi cơ quân sự đứng đầu thế giới về số lượng, (chưa kể 6,084 trực thăng và 957 trực thăng chiến đấu). Số máy bay của Mỹ gần bằng số máy bay của 9 cường quốc không quân trên thế giới cộng lại (15,000). Trung Cộng có 2,942 chiếc đứng vào hàng thứ ba sau Nga (thứ nhì 3,547 chiếc)

Các nước khác: Ấn độ hạng thứ tư 2,080 chiếc, Nhật hạng thứ năm 1,590 chiếc, Nam Hàn thứ sáu 1,451 chiếc….

Trong tổng số phi cơ Mỹ kể trên gồm 5,093 máy bay chiến đấu, 5,739 máy bay vận tải, 2,771 máy bay huấn luyện.

Như vậy về số lượng Mỹ gấp 4 lần rưỡi Trung Cộng.

Toàn bộ không lực của Trung Cộng được ước lượng khoảng 3,000 máy bay, gồm 2,600 máy bay chiến đấu, 782 vận tải, 352 huấn luyện, trực thăng 802, trực thăng chiến đấu 200.

Nay họ có chương trình chế tạo phi cơ quận sự mới để thay thế các loại cũ trong một tương lai gần (5)

Hải quân

Về mặt số lượng thì Bắc Hàn đứng đầu thế giới với 967 tầu, thứ nhì Trung Cộng 714 tầu, thứ ba mới tới Hoa Kỳ 415 tầu ….

Hải quân Bắc Hàn (6) được coi là một hệ thống Hải quân sông ngòi (Mỹ gọi là Brown-water navy) chỉ chạy trong ngòi lạch hay ven bờ biển thôi. Họ không có chiến hạm, khu trục hạm mà chỉ có nhiều tầu biên phòng tổng cộng 211 cái, về tầu ngầm có 70 chiếc trong đó 20 chiếc lớn 1,800 tấn loại Romeo Class chạy bằng dầu cặn diesel, rất lỗi thời do Nga chế tạo từ 1950 (thời vua Bảo Đại), 40 cái loại nhỏ 300 tấn và 10 cáo loại bỏ túi 130 tấn. Báo Bắc Hàn tháng 10 năm 2013 cho biết một tầu săn tiềm thủy đĩnh và một tầu tuần duyên của họ bị chìm (vì trục trặc hoặc lủng đáy)

Hải quân Mỹ

Hoa Kỳ bao bọc bởi đại dương nằm hai bên và có một lực lượng hải quân lớn và mạnh nhất thế giới với toàn bộ chiến hạm có trọng tải lớn nhất.

Các hạm đội Mỹ được phân chia bảo vệ các khu vực trên thế giới: Hạm đội 3 đóng tại Thái Bình Dương Mỹ ( US Pacific fleet), Hạm đội 4 tại phía Nam Châu Mỹ (Naval Forces Southern Command), Hạm đội 5 tại Ấn Độ Dương, Trung Đông (Naval Forces Central Command), Hạm đội 6 tại Đại Tây dương Âu Châu (Naval Forces Europe), Hạm đội 7 tại Thái Bình Dương (U.S Pacific Fleet), Hạm đội 10, Bộ chỉ huy điện toán các hạm đội (Fleet Cyber Command) (7) Hải quân Mỹ gồm 274 tầu chiến và hơn 3,700 máy bay tính tới tháng 10-2016 (8).

Xin nói thêm về Hàng không mẫu hạm. Khởi đầu Đệ nhị Thế chiến, nước Nhật có 10 hàng không mẫu hạm được coi là lớn và tối tân nhất thời đó, trận tấn công Trân Châu Cảng (1941) đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ và mở đầu cho một thời đại mới, đó là thời đại Tầu sân bay. Nước Mỹ từ sau Thế chiến đã xây dựng một lực lượng Tầu sân bay hùng mạnh và lớn nhất thế giới mà không quốc gia nào làm được vì nó vô cùng tốn kém và đòi hỏi một trình độ khoa học quốc phòng cao, đó là một vũ khí lợi hại, một thành phố nổi có khả năng đem hỏa lực không quân tới những nơi xa xôi toàn cầu.

Năm 2017 trên thế giới có 37 hàng không mẫu hạm của hải quân thuộc 12 nước.

Hải quân Mỹ có nhiều Hàng không mẫu hạm lớn và tối tân nhất (trọng tải trên 100 ngàn tấn) với 10 chiếc hiện dịch (đang vận hành) và 2 chiếc trong hạm đội trừ bị và đang đóng thêm 3 chiếc khác. Tầu sân bay Mỹ có khả năng chuyên chở được 80 máy bay phản lực chiến đấu. Ngoài ra Hải quân Mỹ có chín tầu đổ bộ và cũng là tầu sân bay cho trực thăng (helicopter carriers), nó cũng có thể chở được 20 máy bay phản lực lên thẳng, được coi là Hàng không mẫu hạm hạng nhẹ. Nếu tính cả 9 Tầu sân bay cho trực thăng và phi cơ lên thẳng thì tổng cộng hiện là 19 chiếc.

Mỹ bắt đầu đóng Hàng không mẫu hạm từ tháng 3-1922, cho tới nay họ đã đóng được 78 chiếc, thật khủng khiếp. Trong đó 4 chiếc bị Nhật đánh đắm Thế chiến thứ hai, 2 chiếc bị chìm vì lý do khác, một số để trưng bầy, còn lại đa số bị phế thải lấy sắt vụn (scrapped) vì lỗi thời (9)

Các nước khác có Tầu sân bay gồm Pháp 4 chiếc, Nhật 3, Ý 2, Ấn 2, Úc 2, Tầu 1, Anh 1, Brezil 1, Tây Ban Nha 1, Thái Lan 1, Nam Hàn 1, Nga 1. Tầu sân bay các nước Trung Cộng, Pháp, Ấn, Nga…vào loại trung bình chỉ mang được từ 30 tới 50 máy bay, trọng tải khoảng từ 30 tới 50 ngàn tấn, một số nước khác chỉ có Tầu sân bay loại nhẹ. Nhiều nước mua lại Hàng không mẫu hạm nhưng không có đủ tiền bảo trì, vận chuyển nên chỉ neo lại một xó vì thiếu chi phí.

Hải quân Trung Cộng

Thập niên 50, 60 Hải quân Trung Cộng được chuyên gia Sô Viết giúp đỡ, cố vấn xây dựng kỹ thuật. Cho tới cuối thập niên 1980 Hải Quân Hoa Lục phần lớn chỉ là giang đĩnh trong sông ngòi và duyên phòng, riverine and littorial force (tức brown-water navy). Nhưng thập niên 1990 khi Sô Viết sụp đổ, Trung Cộng không phải lo đương đầu tại biên giới (Nga-Hoa) mà hướng về phía biển. Năm 2009, tức 8 năm trước đây họ mới hướng Hải quân về đại dương (green-water navy) (10), trước thập niên 1990 Hải quân phụ thuộc vào lục quân

Năm 2013 giới lãnh đạo Hoa Lục phác họa một lực lượng Hải quân phòng thủ và tấn công, Hải quân của họ gồm năm ngành: Lực lượng tiềm thủy đĩnh, Lực lượng tầu nổi, Lực lượng biên phòng, Lực lượng Thủy quân lục chiến, Lực lượng không quân thuộc Hải quân.

Về số lượng Trung Cộng đứng thứ hai trên thế giới với 714 chiếc kể cả giang đĩnh, tầu biên phòng, có 70 tầu ngầm nhưng đa số cũ kỹ do Sô Viết chế tạo từ thập niên 50, mới đóng chừng 20 chiếc tối tân gần đây do Nga giúp kỹ thuật.

Năm 1998 Trung Cộng mua lại một tầu cũ bỏ hoang của Ukraine, năm 2002 được kéo về Hoa Lục, năm 2011 mới đóng xong thành Tầu sân bay đầu tiên của họ (Liêu Ninh). Đây chỉ là Tầu sân bay loại nhỏ trọng tải 33,000 tấn chỉ bằng 1/3 một hàng không mẫu hạm Mỹ, chỉ dùng để huần luyện. Cách đây chừng 5 năm, một Tướng bốn sao của Nhật nhận định Hải quân và Không quân Trung Cộng còn lạc hậu từ 10 tới 20 năm so với Nhật về kỹ thuật, huấn luyện…

Thật vậy, Hải quân Trung Cộng còn hậu tiến, trước đây đa số là giang đĩnh hoặc tầu biên phòng, mới thực sự đóng hoặc mua tầu chiến gần đây (khoảng 8 năm) còn yếu kém cả về kỹ thuật, kinh nghiệm chỉ đủ sức tự vệ chứ chưa thể tấn công.

Cách đây hơn 20 năm, 1995, cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara nói (11):

Nếu Trung Cộng có tham vọng thực hiện được mục tiêu kinh tế của họ vào thập niên 2,000 và giữ được tỷ lệ tăng trưởng cao trong nửa thế kỷ sau, khối dân số 1 tỷ 6 của họ sẽ có một lợi tức và ảnh hưởng tới các nước Tây Âu giữa thế kỷ 20. Tổng sản lượng kinh tế (GDP) sẽ vượt qua Mỹ, Tây Âu, Nhật hay Nga. Trung Cộng sẽ là một siêu cường đáng gườm….”

Nhận định và tiên đoán của McNamara có thể đúng về kinh tế. Nói về quân sự họ cần bỏ nhiều thập niên để đuổi kịp Mỹ nhất là về khoa học quốc phòng. Nay khoa học, kỹ thuật quốc phòng của Hoa Lục còn thua kém xa Mỹ, Nga, Nhật, Pháp…họ có thể làm được máy bay, đóng tầu nhưng phải mua phụ tùng, máy móc và nhờ các chuyên viên Nga sang giúp, nay nhiều phi cơ, tầu chiến, tiềm thủy đĩnh Trung Cộng đã được mua của Nga hoặc Tây phương

Ngoài ra họ thiếu kinh nghiệm chiến trường như trong trận chiến với CSVN năm 1978, 79 tại biên giới Việt-Hoa, Trung Cộng đưa một lực lượng trên 30 sư đoàn với xe tăng đại bác hùng hậu gấp 5, gấp 6 lần phía CSVN nhưng đã thảm bại. Chính phía Trung Cộng sau này nhận định họ thiếu huấn luyện, thiếu phối hợp, khi dàn trận xe tăng, pháo binh một nơi, bộ binh một nẻo đưa tới hậu quả thất trận nhục nhã.

Nhận xét

Trở lại Hoa Kỳ như ta đã thấy ở trên họ có kho vũ khí nguyên tử nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới cộng lại, về ngân sách quốc phòng, vũ khí, phi cơ quân sự, hàng không mẫu hạm…. của Mỹ lớn hơn, tương đương hoặc gần bằng tổng số vũ khí, máy bay, hàng không mẫu hạm… các nước top ten trên thế giới cộng lại, có nghĩa Hoa Kỳ đủ sức mạnh quân sự, quốc phòng đương đầu với cả thế giới hợp lại.

Nói khác đi về mặt quân sự Hoa Kỳ có thừa khả năng đánh bại hoặc đè bẹp cả Nga và Trung Cộng cùng một lúc ngày nay cũng như thời chiến tranh lạnh nhưng vấn đề quan trọng là có dám xử dụng sức mạnh đó hay không. Trên thực tế các ông Tổng thống Mỹ không có nhiều quyền hạn để xử dụng sức mạnh đang có, họ phải thăm dò ý kiến người dân, phải đưa ra Quốc hội….hễ dân la làng là hỏng việc.

Cuối tháng 4-1954, quân Pháp đồng minh của Mỹ bị bao vây nguy khốn tại Điện Biên Phủ. Ngày 29-4 TT Eisenhower họp cùng giới chức quân sự hàng đầu duyệt lại tình hình lần cuối để có thể cho oanh tạc ồ ạt bằng 60 oanh tạc cơ hạng nặng B-29 và 450 máy bay hộ tống cứu nguy ĐBP. Riêng TMT liên quân hoàn toàn ủng hộ kế hoạch đơn phương oanh tạc (không cần thông qua Quốc hội) nhưng các Tướng lãnh TMT hải, lục, không quân chống đối sợ sa lầy, cuối cùng TT quyết định không oanh tạc cứu nguy ĐBP. Quyết định này khiến ĐBP thất thủ, Việt Minh và Trung Cộng đã lập một chiến thắng rung động cả thế giới không những nó đã khiến Pháp mà cả Thế giới tự do phải mất mặt. Việc Hoa Kỳ không dám oanh tạc cứu nguy ĐBP đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ năm năm sau, họ hối tiếc đã bỏ lỡ cơ hội để phía CS Quốc tế đạt được chiến thắng to lớn vẻ vang

Người dân Mỹ mới thực sự quyết định đường lối quân sự của đất nước, năm 1965 Tổng thống Johnson đưa hàng trăm nghìn quân Mỹ vào VN vì theo thăm dò số người ủng hộ cuộc chiến VN khá cao (60% hoặc hơn nữa). Nhưng mấy năm sau, họ biểu tình phản chiến dữ dội vì số lính Mỹ tử trận đã lên tới hơn ba chục ngàn năm 1968 khiến chính phủ phải tìm hòa bình. Năm 1969 khi Nixon làm Tổng thống, người dân biểu tình bạo động đổ máu khiến chính phủ bó tay không làm gì được.

Nước Mỹ rất hùng cường về quân sự, quốc phòng nhưng lại rất yếu về tinh thần, thí dụ năm 1968 khi CS Bắc Việt chết như rạ hàng mấy trăm ngàn người hoặc nửa triệu trong khi Mỹ chỉ mất vài chục ngàn nhưng người dân biểu tình la làng. Người dân sợ chết quá nên chính phủ Mỹ rất khó đưa quân vào những cuộc chiến tranh lớn trừ khi địch tấn công trực diện vào đất nước như năm 1941 quân Nhật đánh Trân Châu Cảng. Trong một cuộc chiến tranh lớn có chết chóc, tổn thất nhân mạng là điều không thể tránh khỏi. Đã chấp nhận binh đao khói lửa là phải có máu chẩy thịt rơi nhưng người dân Mỹ sợ chết lại nắm quyền quyết định như thế Hoa Kỳ có thực sự là siêu cường quân sự hàng đầu không?

Cách đây mấy năm Nga chiếm Crimea, Trung Cộng xây đảo nhân tạo tại biển Đông khi ấy Mỹ chỉ phản đối xuông không dám động chân động tay hoặc sợ dân chống đối, hoặc sợ mất phiếu….chứng tỏ một quốc gia hùng cường về quân sự như Mỹ chưa hẳn đã là một ưu thế.

TT Nixon nói về đường lối xử dụng sức mạnh của ông đối với CS Hà Nội năm 1972 như sau:

Chúng ta có hỏa lực để phá hủy bộ máy chiến tranh của địch. Chỉ có vấn đề là ta có đủ ý chí (can đảm) để xử dụng sức mạnh ấy. Tôi xin nói rõ là tôi có ý chí xử dụng sức mạnh và sẵn sàng chấp nhận hậu quả” (12)

Nixon có đường lối cứng rắn xử dụng hỏa lực Mỹ tối đa để đạt kết quả và ông đã thành công, cuối năm 1972, trận oanh tạc ồ ạt táo bạo bằng B-52 xuống miền Bắc đã kéo Hà Nội lại bàn Hội nghị Paris.

Nhưng không phải rằng các Tổng thống Mỹ đều có chính sách như Nixon, vũ khí của Mỹ được chế tạo đầy kho nhưng có mục đích răn đe hơn là xử dụng.

Trọng Đạt

——————————————-

(1) http://www.globalfirepower.com

(2) http://www.whatitcosts.com/nuclear-powered-aircraft-carrier-nimitz-costs/

(3) Wikipedia -Nuclear weapons and the United States

(4) Wikipedia- China and weapons of mass destruction

(5) Wikipedia- People’s Liberation Army Air Force

(6) Wikipedia – Korean People’s Navy

(7)) Wikipedia-Structure of the United States Navy

(8) Wikipedia- United States Navy

(9) Wikipedia-List of aircraft carriers of the United States Navy

(10) Wikipedia- People’s Liberation Army Navy

(11) Robert S. McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, trang 325

(12) No More Vietnams trang 148

14 BÌNH LUẬN

  1. Thưa ông Austin Phạm
    Tôi đọc bài dưới đây (tổng hợp các bài của báo Trung quốc), họ có ghi trong phần cuối bài cuộc chiến thảm bại, tôi cung có nghe đài ngoại quốc và đọc một số ý kiến của Tây phương , họ nói về quân sự coi như Trung cộng thất bại trong trận 1978 với CSVN
    Cám ơn

    Dư luận Trung Quốc nói gì về Chiến tranh 1979?
    06:52 ngày 16 tháng 02 năm 2014
    TP – Sau 35 năm ngày Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới, ngày càng có nhiều người Trung Quốc nhận thức được đó là một “cuộc chiến tranh vô nghĩa”, đã diễn ra do những sai lầm của lãnh đạo nước họ thời do
    Sau 35 năm ngày Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới mà họ gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” để đáp trả “những hành động khiêu khích chống Trung Quốc”, “chi viện cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia”…., ngày càng có nhiều người Trung Quốc, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận thức được đó là một “cuộc chiến tranh vô nghĩa”, đã diễn ra do những sai lầm của lãnh đạo nước họ thời đó.
    Tiền Phong Chủ nhật giới thiệu với bạn đọc một số nhỏ trong rất nhiều ý kiến ấy…

    “Một cuộc chiến tranh gây tranh cãi”
    Dưới tiêu đề “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam – một cuộc chiến tranh gây tranh cãi”, mạng “Tianya.cn” ngày 6/4/2012 đã cho đăng bài của tác giả “Tây Hồ kiếm khách”. Tác giả tự xưng là một cựu binh đã tham gia cuộc chiến tranh 17/2 này viết: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam là một cuộc chiến có vấn đề nghiêm trọng về cả hoạch định lẫn chỉ huy, cần phải nhìn nhận lại…Cuộc chiến đó thương vong quá nhiều.

    Binh lính Trung Quốc cõng đồng đội bị thương rút khỏi trận địa
    Quân đội ta (tức Trung Quốc –ND) không thể hiện được ưu thế về trang bị và chiến thuật; hệ thống hậu cần và tiếp tế hỗn loạn, thiếu sự hiệp đồng giữa bộ binh – xe tăng và mặt đất-trên không, không quân và tên lửa chiến lược không tham chiến; vũ khí nhẹ quân lính sử dụng quá cũ, không thực hiện được áp chế hỏa lực…
    Sĩ quan chỉ huy chiến trường hầu như không biết tác chiến hiệp đồng binh chủng, bộ thống soái cao nhất thì chiến lược hỗn loạn; chiến tranh không đạt được mục đích “trừng phạt Việt Nam, phá hủy tiềm lực và tài nguyên, sát thương quân chủ lực và chiến lược quân sự”, cũng không đạt mục tiêu chiến lược chính trị “làm Việt Nam tan rã, giúp chính phủ mới thân Hoa lên cầm quyền”. Tuy nhiên mục tiêu chính trị quan trọng trong nước là giải quyết vấn đề quyền chỉ huy quân đội thì đã được giải quyết thuận lợi”.
    Tác giả nêu lên “11 vấn đề bên trong cuộc chiến tranh cần được làm sáng tỏ”. Trong đó có một số vấn đề quan trọng sau:
    “1. Về nguyên nhân gây chiến tranh, đến nay vẫn chưa được giải thích công khai, chính thức và khiến người ta tin phục. Thậm chí Trương Thắng, Cục trưởng Cục Tác chiến (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) cũng thừa nhận trong hai cuốn sách của ông “Đi ra từ chiến tranh” và “Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục”: về nguyên nhân của cuộc chiến tranh ấy, ngay Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao ta phải tiến hành”.
    2. Mục đích chiến lược cơ bản không đạt được.
    3. Trang bị tiên tiến xếp xó. Khi đó ta có các trang bị hiện đại máy bay, xe tăng, tên lửa, nhưng do những người chỉ huy không biết tác chiến hiệp đồng nên các trang bị đó thành đồ bỏ. Vốn ra một chiếc máy bay có thể giải quyết được vấn đề phong tỏa, nhưng phải dùng đến cả binh đoàn, đi ngược lại quan niệm giá trị trong chiến tranh.
    4. Tấn công không có bài bản. Vừa khai chiến, bộ đội đã ào ạt kéo vào. Khi tôi (tác giả- ND) ở điểm cao 796, nhìn xa nhìn gần, khắp mặt đất toàn là lính ta. Khi đó tôi đã phẫn nộ nói với Tham mưu trưởng: “Vào trong xóm tìm một đứa trẻ cũng không chỉ huy tồi như thế”. Một quả pháo, một loạt đạn của đối phương cũng quét sạch cả một mảng lớn lính ta.
    5. Hiện tượng tự thương trên chiến trường liên tiếp xảy ra. Để lẩn tránh chiến tranh, một số binh lính sau khi vượt biên đi xâm lược nước người khác đã tự bắn vào chân mình.
    6. Tiêu chuẩn chế độ cho lính bị thương quá lạc hậu. Sau khi bị thương, tôi được cấp 15 tệ, tương đương với thời kháng Nhật. Năm 2010, sau 31 năm, tôi nhận được 300 tệ tiền trợ cấp thương tật, bình quân 30 tệ/năm. Tiền tuất cho lính tử trận chỉ tương đương giá một con lợn: 300 tệ….”.
    “Một cuộc chiến tranh vô nghĩa, kỳ quặc”
    Đó là tiêu đề bài báo của một cựu binh đăng trên báo điện tử Thiết Huyết (Tiexue.net) ngày 18/7/2013. Tác giả viết: “Chiến tranh Triều Tiên chúng ta đạt được lợi ích là kìm chế quân Mỹ ở phía Nam vĩ tuyến 38; Chiến tranh Giải phóng, chúng ta giải phóng được Trung Quốc đại lục. Tôi thực sự không hiểu trong cuộc chiến tranh kỳ quặc năm 1979, rốt cục Trung Quốc đạt được cái gì? Chả được gì cả!”.
    Dưới đầu đề “Nhìn lại “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam””, tác giả Thường Thanh viết trên báo mạng “Botanwang.com” ngày 30/5/2013: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” có lẽ là cuộc chiến khiến mọi người Trung Quốc hiểu biết sự thật khó mở miệng nhất trong mọi cuộc chiến tranh đối ngoại kể từ năm 1949…
    Ngay khi đó đã có rất nhiều người nghĩ khác (với chính quyền) về giá trị của cuộc chiến tranh ấy. Lúc đầu, khi người ta nhìn thấy trên màn hình tivi hàng ngũ trùng điệp những binh lính Trung Quốc tuổi 18-20 kéo ra tiền tuyến, không khỏi cảm thán. Ít lâu sau lại thấy cảnh hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ xếp hàng ngay ngắn trong các nghĩa trang ở biên giới Tây Nam, sự đau xót khó nói thành lời. Nhưng sự kinh dị còn ở phía sau: khi chiến tranh kết thúc chả ai biết, cũng không có cảnh cả nước ăn mừng thắng lợi, chỉ biết nó đã kết thúc rồi…
    Tôi nghĩ, sở dĩ nó kết thúc mà khó mở miệng nói được là vì khó nói rõ ngọn ngành cho quốc dân về tính chất của cuộc chiến tranh đó. Nói trắng ra, cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” thực tế là áp dụng kế “Vây Ngụy cứu Triệu” để giải cứu quân đội Khmer Đỏ đang bị Việt Nam đánh…
    Tính chất của cuộc chiến tranh đó được quyết định bởi tính chất của Khmer Đỏ! Khmer Đỏ là học trò của Đại cách mạng Văn hóa Trung Quốc, nhưng “Xanh hơn cả Xanh”, sự tàn bạo của họ đối với chính dân tộc mình đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử loài người. Họ đã áp dụng một chính sách khủng bố, diệt chủng tàn bạo….
    Theo tính toán khiêm tốn nhất, có khoảng 1,2 đến 3 triệu người CPC bị chết dưới sự cai trị của Khmer Đỏ, chiếm ¼ dân số cả nước; trong đó có 215 ngàn người CPC gốc Hoa và gần như toàn bộ 20 ngàn người CPC gốc Việt.
    Ngày 25/12/1978, theo lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước CPC, quân tình nguyện Việt Nam đã phát động cuộc tiến công chống Khmer Đỏ. Thêm một trong những lý do để Việt Nam tiến công khi đó là để cứu kiều dân nước họ (các tác giả Trung Quốc còn chưa đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới tàn bạo mà Khmer Đỏ tiến hành chống Việt Nam ngay từ năm 1975 – TP). Nhân dân CPC khi đó không những không chống trả mà còn dẫn đường cho quân đội Việt Nam.
    Chỉ mất 2 tuần, ngày 7/1/1979, quân đội Việt Nam đã công chiếm Phnom Penh, lật đổ ách thống trị tàn bạo Khmer Đỏ. Điều đó cho thấy rõ ràng chế độ Khmer Đỏ không chiếm được nhân tâm.

    Tôi thực sự không hiểu trong cuộc chiến tranh kỳ quặc năm 1979, rốt cục Trung Quốc đạt được cái gì? Chả được gì cả!”.
    Một cựu binh viết trên báo điện tử thiết huyết
    Sự nhiệt thành của các lễ kỷ niệm ngày quân tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ tổ chức các năm sau đó, đặc biệt là gần đây với sự tham gia của hàng vạn người Campuchia ở Phnom Penh, mà tại đó, các nhà lãnh đạo Campuchia đặc biệt cảm ơn sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam để “chấm dứt chương đen tối nhất trong lịch sử đất nước” này cho thấy hiệu quả khách quan của cái mà người Trung Quốc được giải thích là cuộc “xâm lược CPC” của quân đội Việt Nam.
    Những lời cảm tạ Việt Nam của người Campuchia nói lên một cách đầy đủ tính chất của cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, cũng khiến chúng ta nghi ngờ về tính chính nghĩa của nó.
    “Một cuộc chiến thảm bại”
    Để tiến hành cuộc chiến tranh 17/2/1979, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng khổng lồ gồm những quân đoàn chủ lực tinh nhuệ, được coi là thiện chiến nhất khi đó. Theo tiết lộ chính thức trên báo chí gần đây thì việc tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” được quyết định tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 7/12/1978 và mệnh lệnh được ban hành vào ngày 8/12.
    Theo Nhân dân Nhật báo, cánh quân phía Quảng Tây do Hứa Thế Hữu gồm các quân đoàn 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149); cánh phía Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy gồm các quân đoàn 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 và lực lượng biên phòng, dân binh với tổng số quân hơn 500 ngàn, số tràn qua biên giới là 202 ngàn.
    Chỉ kéo dài 1 tháng (Trung Quốc tính từ 17/2 đến 16/3/1979), nhưng tổng cộng đã tiêu hao mất 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn nhọn, 268 xe quân sự (48 xe tăng) bị phá hủy, hư hỏng; bị chết 8.531 người, bị thương hơn 23.000, bị bắt làm tù binh 238, bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn bị loại khỏi vòng chiến.
    Thương vong lớn ngoài dự đoán là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải kết thúc sớm cuộc chiến. Trong 2 ngày đầu, Trung Quốc đã mất hơn 4.000 quân, đến mức quân y không kịp trở tay, nhiều người bị thương chết do mất máu vì không được cấp cứu.
    Theo tài liệu nội bộ của Trung Quốc mới được công bố: bước vào giai đoạn tác chiến giằng co, tỷ lệ thương vong rất cao, thường là 90% đối với các đại đội xung kích, những đại đội này khi rút quân chỉ còn hơn chục người sống sót, mỗi tiểu đội chỉ còn 1-2 người.
    Thu Thủy

    Tổng hợp theo báo chí Trung Quốc

    • Thưa anh Trọng Đạt,
      Tôi đã xem qua những sự bình luận mà anh đã có nhã ý gửi đến tôi. Tôi đồng ý với con số thương vong, chiến cụ bị phá hủy hoặc hư hại. Tôi cũng đồng ý rằng đã có nhiều thiếu sót trong tiếp liệu, kế hoach tác chiến và điều phối. Tuy nhiên một thiếu sót quan trọng nhất mà tôi cần có để đánh giá đơn thuần về khía cạnh quân sự là con số thiệt hại về phía Việt Nam mà hầu như đại đa số các bài bình luận đều không thể đưa ra, hoặc dùng dữ liệu từ phía Việt Nam cung cấp. Chỉ khi có sự đôi chiếu thì việc kết luận mới trở nên hợp lý. Mục đích của cuộc chiến 1979 không đơn thuần là để giải vây cho Khmer Rouge, bởi vì khả năng của một cuộc chiến ngắn hạn,có giới hạn ở không gian không thể đáp ứng việc đó. Tôi cho rằng người ta đã dựa nhiều vào expectations hơn là dua vào những thực tế rốt ráo đã xẩy ra cho cả “hai bên” , chưa kể cái nội dung chính của bài học mà Đăng đã nhiều lần tuyên bố là tuỳ vào quan điểm. Tôi xin cảm ơn anh đã bỏ chút thời gian để trao đổi. Tôi vẫn giữ nguyên lập trường của mình như đã nêu ra ở comment trước đó. Chúc anh vui khỏe để mang đến cho bạn đọc những gì anh có thể đóng góp.

  2. Thưa anh Trọng Đạt,
    1. Dựa vào những tài liệu, sau khi xem xét một cách hợp lý thì tôi kết luận Trung quốc đã đưa vào cuộc chiến này khoảng 200,000 quân, tương đương với 30 sư đoàn mà anh đã nêu ra. Nếu chỉ tính vào số lượng thương vong của đôi bên thì không thể nói là Trung quốc đã thất bại nhục nhã. Hoàn toàn không có chuyện họ mất đi một phần ba quân số từ các cuộc giao tranh như tuyên truyền từ phía Việt Nam đưa ra ( 60,000-70,000). Tôi không chấp nhận, thiết nghĩ anh chắc cũng không. Về phía Việt Nam thì quân số của họ cũng không xê xít nhiều lắm, có chủ lực chính quy lẫn dân quân, tự vệ địa phương. Có một dữ kiện mà tôi chắc chắn là sẽ khiến bất kỳ ai còn hoài nghi về cán cân giữa những trận đụng độ phải quan tâm. Đó là danh sách tù binh được trao đổi sau khi chiến sự kết thúc. Trung quốc trao trả 1636 tù binh Việt Nam và phía Việt nam đổi lại bằng 238 lính Trung quốc, ratio là 1:7. Theo tôi, khi lực lượng tấn công phải hy sinh số lượng nhân mạng tương đương với bên phòng thủ, đã lấn sâu chọc thủng và sau đó giữ vững những nơi mà họ chiếm được thì không có cách chi ta bảo rằng họ thua nhục nhã.
    2. Đăng Tiểu Bình tuyên bố công khai là sẽ dạy cho Việt Nam một bài học qua một cuộc chiến có giới hạn về thời gian và không gian, tôi là chứng nhân. Lúc đánh thì hắn tuyên bố là bắt đầu đánh, lúc rút thì hắn bảo là đã xong chuyện và băt đầu rút. Hắn là tay chủ động từ đầu cho tới cuối. Cuộc chiến kế tiếp là Hà Giang-Vị Xuyên cũng do Trung cộng chủ động, trong đó họ chiếm giữ nhiều cứ điểm sâu trong lãnh thổ VN mãi đến năm 1989 thì mới tự rút quân ra khỏi khu vực. Năm 1988 họ chiếm Gạc Ma một cách dể dàng và Việt Nam đã chấp nhận mất mà không có một nổ lực nào để giành lại. Cái bài học mà Đạng Tiểu Bình muốn gửi gắm qua những trận đụng độ là Trung quốc có thể tiến hành cuộc chiến với Việt Nam bất cứ lúc nào mà không ai có thể ngăn cản, rằng Trung quốc có dư nhân lực, tài lực để theo đuổi bất cứ cuộc chiến nào trong khu vực, và cũng chính họ là kẻ chủ động, nếu chiến sự xảy ra, do vậy mà liệu hồn. Bài học đó còn giá trị cho tới ngày nay, bỏ mặc sự tuyên truyền từ 2 phía, thì hành động tránh né đụng độ và chịu nhục của Việt Nam đã khẳng định như vậy.
    3. Trong cuộc chiến 1979, không có gì phải ngạc nhiên khi báo chí, các hãng thông tấn phương tây dành nhiều thiện cảm cho cái “quân đội anh hùng đã thắng Pháp, vừa mới đánh thắng Mỹ, đang đánh Khmer Rouge”, nhất là lúc đó Việt Nam đang trong tư thế “tự vệ”, bị hiếp đáp. Việc Trung quốc có tổng kết và rút kinh nghiệm những sơ sót, lỗi lầm trong cuộc chiến không đồng nghĩa với việc kết luận là họ đã thảm bại như anh dẫn chứng. Việc đó là chuyện tất nhiên sau bất cứ chiến dịch quy mô nào. Cuộc chiến 27 ngày giữa Việt Nam và Trung quốc vào năm 1979 sẽ còn là một đề tài được bàn cãi lâu dài, tùy vào quan điểm. Cái sự thật đau lòng nhất là vào những ngày cuối sau khi Đạng Tiểu Bình đã tuyên bố rút quân thì lính Trung quốc vẫn có thừa thời gian để đập nát 6 tỉnh biên giới với toàn bộ hạ tầng cơ sở từ nhà dân, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, đường xá, cầu cống, lùa đi cả trâu bò và nhiều loại gia súc khác về bên kia biên giới. Thưa anh, kẻ thắng lúc đó đang ở đâu?
    Vài hàng trao đổi, xin lắng nghe quan điểm của tất cả mọi người.

  3. Thưa anh Trọng Đạt,
    Tôi có đọc đến phần anh viết về cuộc chiến 1979 giữa Việt Nam và Trung quốc, trong đó anh có kết luận rằng đó là một sự thất trận nhục nhã, về phía Trung quốc. Tôi mạo muội xin hỏi anh rang anh đã dựa vào những dữ kiện nào, tiêu chuẩn nào để đi đến kết luận đó. Số lượng thương vong? Mục tiêu chiếm lĩnh? Mục đích thật sự của cuộc chiến và hậu quả rốt ráo của nó? Cảm ơn anh.

  4. North Korea attempts and fails misile launch” (Fox News).

    Vậy là ngòi nổ chiến tranh tịt. Tịt ngòi nổ là khôn. Coi như Trump không có cớ để đánh, và cũng không phải vì Kim sợ mà không dám phóng hỏa tiễn. Chẳng bên nào mất mặt. Vậy là ai về nhà nấy. Nhưng ai cũng hiểu cậu Kim rét nên cho tịt, chịu lép nhưng tránh được chiến tranh, coi như Trump tạm thắng 1-0. Chỉ tạm thôi, cậu Kim không dám thách Trump nhưng kho vũ khí vẫn còn đó chưa tiêu hủy và đường dài Trump sẽ thua.
    Coi như phương thức một đã tránh được. Không có chiến tranh!
    Nhưng Kim không từ bỏ, vẫn muốn sở hữu hạt nhân mà Trump lại không muốn vậy. Làm sao giải bài toán khó này? Thay máu. Phương thức này có vẻ an toàn hơn cho thế giới so với phương thức triển khai vũ khí hạt nhân bên cạnh giữ thế cân bằng hoặc đàm phán không cho Kim sở hữu hạt nhân chiến lược bắn tới nước Mỹ. Vẫn không có gì bảo đảm sẽ có hòa bình lâu dài khi Kim vẫn có trong tay vũ khí hạt nhân.
    Phương pháp nào cũng nguy hiểm và coi như thế giới thua, ngoại trừ phải thay máu.

    nv

    • Kho^ng ai doan’ truoc’ duoc Donald Trump lam` gi`, nhu*ng co’ die^`u la` ong ta qua? quye^t, khi da’nh la` da’nh kho^ng doa, Bac Ha`n bie^’t ro~ die^`u nay`
      Bac Han` bie^’t la` ne^u thu*? hoa? tie^n~ thi` se~ an 200 qua? Tomahawk

  5. Thế giời này ai ngăn cản được Trump?
    Ai dám và có thể ngăn cản được tổng thống Donald Trump khi ông nổi nóng, hoặc khi ông có ý tưởng hành động nguy hiểm? Các cố vấn? Nội các? Không. Quốc Hội? Chỉ có luật mới khóa tay ông được nhưng vẫn không ngăn đưọc ý chí và tư tưởng của ông. Đệ nhất phu nhân? Cũng không làm ông thay đổi. Hoặc các đối thủ của Trump như Putin hay Tập? Cũng không cản được.

    Không ai có thể ngăn cản được Trump ngoài trừ…đàn bà. Đây là yếu diểm của Trump. Nhưng phải là đẹp. Nhưng đẹp vẫn chưa đủ mà còn phải được Trump yêu thương thì mới hội đủ. Chỉ có người đó mới ảnh hưởng được hành động của Trump. Đó là cô con gái rượu, cô con gái cưng của Trump – đệ nhất ái nữ và cũng là bà cố vấn và phụ tá của Trump – Ivanka. Trump luôn cần có đàn bà đẹp yêu thương bên cạnh để chia xẻ, để mách kế, để an ủi, và để kiềm hãm mỗi khi Trump hành động. Đó là lý do chính yếu tại sao Ivanka dọn vào trong Bạch Ốc mà không là người vợ của mình. Đó là yếu điểm của Trump nhưng nhờ vậy mà mỗi khi Trump có những hành động nguy hiểm thì bà cố vấn không ăn lương bên cạnh kiềm hãm bớt lại. Ivanka, cám ơn cô nhiều lắm.

    nv

  6. Tác giả Trọng Đạt viết bài này gọn gàng, dễ đọc, dễ hiểu nhưng rất chi tiết.
    Với hơn một ngàn lượt người vào đọc (tất nhiên nếu không bị tường lửa trong nước, số độc giả phải gấp trăm lần), đã chứng minh điều đó.
    Em khoái cái nhận xét của đàn anh tác giả!
    “Sức Mỹ dư thừa, nhưng quyết định tối hậu vẫn là ở dân chúng”
    Đó là cái khác biệt giữa thể chế Dân Chủ và Độc Tài. Mặc dù người ta có cả trăm mưu nghìn kế để có lý do khai chiến, như Trân Châu Cảng, như táu Ma Đốc, như vũ khí hóa học Sà Đam Hút Sên, và nay là Syria…..v.v. Nhưng dù gì, những nhà lãnh đạo Mỹ cũng ngán và….nể dân!
    Cám ơn ngài Trong Đạt! (đề tài nóng, viết khéo, hay, xin viết tiếp. Cám ơn)
    Em Tony!

  7. toi nghi~ Nixon kho^ng ho^’i ha^n vi` da~ kho^ng danh’ Bac Han` (nhu Ng tien Hung noi’) vi` do’ chi? la` mot chuye^n nho?
    Nixon worry v/d Viet Nam war, ong kho^ng quan trong hoa’ v/d Bac Han`

    • Đúng vậy. Tôi không phản biện bài viết của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nhưng đó là sau này khi ông Nixon viết hồi ký kể lại. Cũng có thể vấn đề Bắc Hàn lúc đó là chuyện nhỏ (không quan trọng bằng Việt Nam) vì Bắc Hàn không có khả năng uy hiếp được Mỹ mà chiến trường Việt Nam lúc đó mới là chính nên sau này viết hồi ký ông Nixon mới hối hận.

      Cũng bàn thêm là chiến tranh Trung/Mỹ hiện nay xảy ra là không cao nhưng… Cũng như chiến tranh Bắc Hàn và Mỹ cũng vậy. Nhưng như Mỹ nói không loại trừ bất cứ phương án nào, ngay cả quân sự. Điều này khẳng định chắc chắn là Mỹ không muốn Bắc Hàn sở hữu vũ khí nguyên tử có khả năng tấn công nước Mỹ. Có tin nói Tàu sẽ hành động và áp lực nếu Bắc Hàn thử vũ khí lần nữa. Điều này không có ý nghĩa gì vì cái Mỹ muốn là không sở hữu chứ không phải là thử nữa. Tàu không có lựa chọn nào khác ngoài phải hợp tác với Mỹ nếu không Mỹ sẽ hành động, và một khi Mỹ hành động thì Tàu cũng lãnh hậu quả. Bản thân Tàu hiện đang lo thân mình vì 3 hồ sơ: thương mại trao đổi với Mỹ, Đài Loan, và Biển Đông mà trong đó Đài Loan dễ giải quyết hơn vì Mỹ sẽ nhượng bộ nhưng thương mại và Biển Đông thì không dễ Mỹ sẽ làm ngơ. Mỹ không dồn Bắc Kinh và Bắc Hàn vào cửa tử nhưng Mỹ phải bảo vệ lợi ích của mình, nhất là an ninh quốc gia.

      nv

  8. Muốn highlight để copy một đoạn ngắn của bài chủ nhưng không được. Đại khái là Hoa Kỳ đủ sức đè bẹp cả Tàu và Nga cùng lúc nhưng quan trọng là “có dám sử dụng sức mạnh đó không”. Xin thưa ngay là không dám vì kẻ thắng cũng chết.

    Nhưng có một bài viết mới Bắc Hàn thử thách TT Nixon và Trump ngay đầu nhiệm kỳ của tác giả Nguyễn Tiến Hưng trên BBC Tiếng Viết cho biết Nixon ân hận nhất trong cuộc đời làm tổng thống khi thiếu quyết đoán và cho “Đây là một lầm lỡ mà Tổng thống Nixon hối hận nhất trong sự nghiệp của mình.“. Đúng vậy! Chỉ ngoại trừ với Nga và lỗi lầm này ngày nay Trump phải rốt ráo giải quyết.

    nv

  9. Giải pháp ra tay cảnh cáo bằng quân sự chưa hẳn là giải pháp cuối cùng nhưng nó tạo thế mạnh khi đàm phán, và sẽ là giải pháp cuối cùng khi đàm phán bị tan vỡ.

    Chỉ bắn 59 hỏa tiễn tomahawk vào Syria mà thế trận đã thay đổi nghiêng về Mỹ. Mỹ lấy lại thế thượng phong để nói chuyện phải quấy với Syria và dằn mặt các đối thủ khác như Nga, Tàu, Bắc Hàn, và Iran. Tổng thống Trump đang lấy lại uy tín cho nước Mỹ và cho chính cá nhân ông với quốc dân và Quốc Hội. Tấn công trước phủ đầu là một chiến thuật mà Tàu hay gọi là tiên thủ hạ vi cường, đưa kết quả phần thắng lúc nào cũng cao hơn. Nhưng với vũ khí hiện đại thời nay còn có ý nghĩa đối thủ sẽ bị đánh bại ngay từ phút đầu và thua luôn vì sẽ không còn khả năng tấn công lại. 59 hỏa tiễn trên chỉ là đòn cảnh cáo. Chắc chắn Syria không dại đối đầu và Nga cũng tránh né. Nga không dại trực diện đối đầu với Mỹ nên đưa ra lý do S-300 và S-400 không đủ sức đánh chặn nhưng sự thật thì Mỹ đã có thông báo cho Nga trước ít nhất 30 phút trước khi khai hỏa. Một kinh nghiệm cho Syria cũng như thêm cho Việt Nam mà lần trước là khi Tàu tấn công biên giới Việt Nam năm 1978 mà Nga chỉ tọa kháng.

    Một bản tin Chỉ một bộ phận hải quân Mỹ đủ sức đánh bại phần lớn quân đội Trung Quốc có hơi quá đề cao nhưng tổng thể là đúng vậy.
    Bây giờ là lúc hỏi Tàu và Bắc Hằn sẽ ứng xử ra sao chứ không còn là phía Mỹ.

    nv

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên