Tiếp theo phần I
Lần trước vào năm 1905, lần này vào năm 1917. Hai cuộc cách mạng. Lenin rất bực bội trước tình huống lần này. Ông đã không nhận thấy những gì đang xảy ra trước khi ông biết tin Sa hoàng đã thoái vị. Bây giờ ông không thể để cuộc cách mạng tuột khỏi tay. Để có thể về Nga nhanh, ông phải điều đình với chính quyền Đức. Người Đức cũng muốn chấm dứt chiến tranh với Nga càng sớm càng tốt nên giúp những nhà hoạt động chính trị trở về Nga để tái lập hòa bình. Điện tín Lenin gửi về Petrograd cho những người bolshevik có nội dung như sau:”Chiến thuật của chúng ta là: Không tin và không ủng hộ chính quyền mới. Phải đề phòng Kerensky. Bảo đảm duy nhất cho chúng ta là lực lượng vũ trang vô sản. Không hợp tác với các đảng phái khác”. Như vậy, theo ông, cuộc cách mạng xã hội vẫn chưa xảy ra. Vì thế các người bolshevik phải sẵn sàng lật đổ chính phủ lâm thời bằng vũ lực và tiến hành cuộc cách mạng vô sản.
Cuộc cách mạng mùa xuân 1917 đã tạo niềm hy vọng cho dân tộc Nga. Người Nga muốn có cuộc sống tươi đẹp hơn, không phải làm việc quần quật như kẻ nô lệ và mơ ước hòa bình.
Xô viết là biểu tượng cách mạng, đầy chính danh trong lòng người dân. Nhưng cách mạng xã hội phải tiến từng bước. Rất nhiều việc cần giải quyết trước như chấm dứt chiến tranh, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân và nông dân, tạo dựng nước Nga thành một quốc gia dân chủ xã hội. Chính phủ lâm thời muốn hiện đại hóa đất nước bằng những cải cách xã hội theo khuôn mẫu Tây Phương – nhưng không quá Tây, tha các tù nhân chính trị, cho phép những người hoạt động chính trị lưu vong trở về nước. Cuộc cách mạng đã vang dội ra tận ngoài mặt trận cùng với sắc luật số 1 (order no.1) của Petrograd xô viết. Các sĩ quan được giữ nguyên chức vụ sau khi tuyên thệ trung thành với một nước Nga mới. Những người lính mong muốn hòa bình nhưng không quên chuyện đất nước bị xâm lăng. Họ không chấp nhận những vùng đất quê hương bị mất vào tay người Đức. Xô viết yêu cầu chính phủ lâm thời thảo luận một hiệp ước đình chiến nhưng không mất đất. Đồng thời các thành phần còn lại trong xã hội vẫn tiếp tục “phá vòng xiềng xích”. Ngày 19 tháng Ba, phụ nữ tập trung xuống đường đòi quyền đầu phiếu. Nguyện vọng của họ được đáp ứng ngay trong đêm hôm đó.
Những người bolshevik như Stalin và Kamenev từ Siberia trở về Petrograd như về đến một hành tinh khác. Lenin ra lệnh cho những người bolshevik nổi dậy như không hề biết xô viết và các đảng phái chính trị khác đã có mặt ở đó từ trước. Ông đòi có thêm một cuộc cách mạng nữa! Kamenev chỉ trích Lenin trên Pravda. Tờ báo “ bỏ quên” những đề tài trọng yếu trong các bài viết của Lenin.
Những người bolshevik làm ngược lại những gì Lenin yêu cầu. Họ hợp tác với xô viết, mở rộng vòng tay đón chào ban chấp hành, hòa giải với những người menshevik. ”Rồi khi trở về, Lenin sẽ hiểu”, họ nói với nhau như vậy.
Lenin và 30 nhà hoạt động chính trị lưu vong khác được phép đi xuyên nước Đức. Người đàn ông này gấp rút trở về. Ông đã sống lưu vong phần lớn quãng đời tuổi trẻ. Ông lo về không kịp để tổ chức cuộc nổi loạn. Lenin tự xem mình là nhà cách mạng “ngầm”, lo là sẽ bị bắt khi về đến Petrograd. Đoàn xe về đến Nga ngày 3 tháng Tư 1917. Lenin giận điên người khi đọc tờ Pravda do Kamenev đưa trên chuyến xe lửa ở biên giới.
Kamenev như bị tạt thùng nước lạnh vào mặt nhưng không chịu nhịn: “Vladimir llitsj, ông chẳng biết tình hình ở Petrograd như thế nào cả”. Chuyến tàu đến Petrograd khoảng nửa đêm. Lenin được trân trọng chào đón. Chủ tịch ủy ban xô viết chúc mừng và mời ông tham dự buổi họp mặt của tất cả các nhà cách mạng. Nhưng, tay cầm bó hoa lớn, Lenin quay về hướng hàng chào danh dự và nói to :
” Hỡi các đồng chí! Cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc bóc lột đã gây ra cuộc nội chiến ở Âu Châu. Chẳng bao lâu nữa vũ khí sẽ được sử dụng để chống chủ nghĩa tư bản. Cách mạng xã hội vạn tuế!”.
Mọi người đều chưng hửng. Nadezida Krupskaja ít năm sau thú nhận là lúc đó bà nghĩ Lenin bị bệnh tâm thần. Hôm sau trong buổi họp chung với những người bolshevik và menshevik, Lenin đã gây chấn động hội trường. Ông chỉ nói đến việc tổ chức vũ trang để nổi loạn mà không hề nhắc đến việc hội thảo hiến pháp. Ông bị tẩy chay với tỷ lệ 13 chống trên 2 thuận. 2 phiếu thuận là của chính ông và Aleksandra Kollontaj, một đồng chí cũng đã từng sống lưu vong như ông. Sau khi đặt chân về Nga, ông đã mất quyền lực và ảnh hưởng của mình ngay trong đảng bolshevik, một tổ chức không kỷ luật và kiên định như ông nghĩ. Điều làm cho kế hoạch của ông trở nên ngớ ngẩn là tinh thần hợp tác giữa những người cách mạng và linh hồn của cuộc cách mạng mùa xuân, được đánh dấu bằng cuộc biểu tình lớn vào ngày 18 tháng Tư.
Đối với xô viết và những người biểu tình ôn hòa, hy vọng đạt được hòa bình mà quốc gia không bị mất một tấc đất nào là điều khả thi. Họ tin chắc rằng cuộc cách mạng Nga sẽ vực dậy tinh thần cách mạng khắp Âu Châu. Những nhà cách mạng xã hội sẽ áp lực các chính phủ sở tại chấm dứt chiến tranh. Trong khi đó, Miljukov, bộ trưởng bộ ngoại giao trong chính phủ lâm thời, phải trấn an 2 đồng minh Anh và Pháp. 2 quốc gia này dọa sẽ không tiếp viện vũ khí nữa. Ông buộc lòng phải xem như cuộc cách mạng chưa từng xảy ra, gửi một lá thư cho ủy ban xô viết giải thích lý do tại sao nước Nga không thể bỏ rơi đồng minh và cuộc chiến phải tiếp tục đến thắng lợi cuối cùng.
Hôm sau, lá thư của ông được phổ biến rộng rãi khắp Petrograd. Đường phố chật kín người. 250 000 binh lính giận dữ tiến vào thành phố. Công nhân có vũ trang gia nhập với đoàn quân. Đả đảo Miljukov! Đả đảo chính phủ lâm thời và các bộ trưởng tư sản!
Lenin không bỏ qua tình thế này. Ông kêu gọi người bolshevik ủng hộ những gì có thể dẫn đến cuộc nổi loạn. Hôm sau chính phủ lâm thời nói chuyện với đồng bào: Cuộc chiến phải tiếp tục đến khi thắng lợi. Họ kết tội cuộc nổi loạn là phản quốc. Một số đông người biểu tình có vũ khí ra mặt bảo vệ Miljukov. Chạm trán xảy ra. Nhiều người mất mạng. Nhà cầm quyền đã đánh giá sai tình hình và Kornilov, tư lệnh quân đội mới của Petrograd, quyết định dùng sức mạnh để đàn áp biểu tình dù không được phép. Nhưng những người lính đòi phải có lệnh bằng văn bản của ủy ban sô viết. Đây là bằng chứng cho thấy việc đàn áp không dễ dàng gì. Ủy ban sô viết tìm cách xoa dịu đám đông. Ủy ban không đồng quan điểm với Miljukov và lập lại ý muốn có một hòa bình mà không nhượng bộ đất đai. Giờ đây, Lenin hiểu rằng ông không thể thách đố quyền lực của sô viết.
Trên tờ Pravda, ông kết án Petrograd xô viết đã ủng hộ những cuộc biểu tình có vũ khí. Nhưng bây giờ tất cả đang đối mặt với hoàn cảnh mới. Sự đồng thuận bị gẫy đổ vì không cùng quan điểm trong cách giải quyết cuộc chiến. Nhiều binh lính và công nhân căm tức chính quyền. Đột nhiên một lối thoát đã mở rộng cho những người bolchevik. Lenin lợi dụng ngay tình hình bằng cách áp đặt chương trình hành động của mình vào chính sách của đảng. Ông đưa ra khẩu hiệu “Hòa bình ngay lập tức!”. Điều này có nghĩa là nhượng đất cho người Đức. “Mọi quyền lực cho xô viết!”, một khẩu hiệu đã được dùng trong các cuộc biểu tình tự phát vào tháng Tư.” Đất đai cho nông dân!”, nhắm vào 85% dân số Nga và là khẩu hiệu ông mượn từ những nhà cách mạng xã hội.
Bây giờ Lenin và những người bolshevik lao vào việc tranh giành quyền lực. Khoảng đầu tháng Năm, do sức ép của xô viết, Miljukov từ chức. Nhiều bộ trưởng cũng rời khỏi chức vụ. Giới lãnh đạo xô viết thành lập một chính phủ liên minh với những đại diện giới tư sản. Kerensky trở thành bộ trưởng bộ quốc phòng. Ông rất được ưa chuộng. Giờ đây ông có trách nhiệm điều hành cuộc chiến. Cánh hữu và quân đội thành lập lực lượng “liên minh ái quốc”. Họ quyết định tiếp tục cuộc chiến cho đến ngày chiến thắng.
Qua tháng Năm, bạo động trong các cuộc biểu tình càng lúc càng dữ dội. Những phong trào xô viết mới bùng phát khắp nước Nga. Họ đông đến mức phải được mời tham gia vào hội nghị dân chủ. So với số lượng các nhà cách mạng xã hội và những người menshevik, người bolshevik chỉ là thiểu số.
Nhưng thường dân Nga không quan tâm nhiều đến chuyện nghị trường. Họ cần kết quả cụ thể. Kết quả không có. Tình hình càng lúc càng tồi tệ. Nông dân nhận thấy đã quá đủ nên dùng vũ lực chiếm hữu đất đai. Tình trạng vô chính phủ bắt đầu. Thực phẩm cung cấp cho thành phố càng lúc càng hiếm. Quân đội bị khủng hoảng trầm trọng. Tình trạng trốn lính ngày càng nhiều. Hàng chục ngàn người đào ngũ. Một số lập băng đảng cướp bóc ở các vùng quê.
Giữa cơn biến động, một nhà cách mạng trở về từ Mỹ: đó là Lev Trotsky. Thời gian lưu vong ở New York, ông đã thật sự bất ngờ trước tin về cuộc cách mạng. Trên đường về Nga, ông bị người Anh giữ lại tại Canada nhiều tuần. Trong giới hoạt động cách mạng, ông là một huyền thoại.
Năm 1905, lúc 26 tuổi, ông là lãnh đạo xô viết. Lev Trotsky về đến Petrograd ngày 4 tháng Năm 1917. Ông không phải là bolshevik nhưng hợp với Lenin. Ông được bầu vào ban chấp hành xô viết và dùng mọi cách để giúp người bolshevik gia tăng ảnh hưởng.
Bolshevik thu phục được tầng lớp công nhân. Ảnh hưởng của họ càng lúc càng lớn. Lenin dần dần trở thành ngôi sao trong sinh hoạt chính tṛi. Chỉ với 3 nhà hoạt động tích cực, bolshevik có thể làm chủ một nhà máy. Trong số 400 000 công nhân tại Vyborgski, nội trong tháng Sáu, đảng bolshevik đã kết nạp được 5000 thành viên. Những người này muốn lật đổ chính phủ lâm thời yếu kém. Quan điểm này được đa số công nhân thiếu kiên nhẫn chia sẻ. Số vũ khí nhận được vào tháng Hai, họ dùng để tự vệ. Mức ủng hộ bolshevik tăng lên đáng kể. Lực lượng công nhân vũ trang của đảng gây ấn tượng mạnh mẽ và thu hút bạo lực.
Ngày 4 tháng Sáu, hội nghị xô viết toàn quốc nhóm họp tại Petrograd. Bolshevik có 15% đại biểu. Đây là diễn đàn quan trọng đối với Lenin. Một lãnh đạo menshevik nói rằng không một đảng phái nào đủ mạnh để có thể một mình giải quyết những vấn đề của đất nước. Lenin lên tiếng phản bác. Ông hét lớn: ”Đảng chúng tôi sẵn sàng nắm quyền bất cứ lúc nào… Chúng ta phải bắt 100 tên triệu phú giầu nhất nước Nga ngay lập tức”.
Ông đã mất bình tĩnh. Một bài diễn văn lộn xộn, nội dung chỉ toàn những bắt bớ, giết chóc, đập phá và tranh giành quyền lực. Ông đòi nắm quyền mặc dù đảng bolshevik chỉ có 105 trong tổng số 777 đại biểu. Bài diễn văn của Lenin không còn được nhắc tới.
Về phần mình, Kerensky phải giải quyết những bất mãn của người dân. Chỗ đứng chính trị của ông rất bấp bênh. Xô viết và cánh hữu theo dõi sát những gì ông làm. Các quốc gia đồng minh tiếp tục gây sức ép bằng cách đe dọa ngưng viện trợ vũ khí. Kerensky đưa ra một kế hoạch gần như vô vọng: ông muốn tái chiếm những vùng đất đã mất về tay người Đức, mặc dù quân đội Nga đã vô cùng mệt mỏi. Ông trổ hết tài hùng biện để thuyết phục sĩ quan và binh lính về những điều không thể. Người ta soạn thảo một kế hoạch quân sự có tên là “chiến dịch phản công Kerensky”.
Nhưng những người lính ở Petrograd không muốn ra mặt trận. Họ biểu tình phản đối với súng cầm tay. Lực lượng công nhân vũ trang cũng gia nhập. Theo Lenin đây là cuộc tuyên chiến với chính quyền. Ông cũng không bỏ lỡ cơ hội đứng ủng hộ sau lưng.
Trong khi đó, một tin đồn gây hoảng sợ lan khắp Điện Tauride: người ta nói về kế hoạch bí mật của người bolshevik, có thể là âm mưu phục hồi đế chế. Các đại diện bolshevik rất bối rối. Hẳn là họ không biết chuyện này. Các lãnh đạo xô viết báo động quân đội và lên án Lenin. Lenin vội rút lại tuyên bố ủng hộ các cuộc biểu tình. Xô viết đòi giải giới đám công nhân vũ trang bolshevik nhưng Petrograd xô viết không chấp thuận. Lenin thoát khỏi tai tiếng và cuối cùng được xô viết giúp đỡ.
Xô viết đã làm một việc khá lầm lẫn: họ tập họp dân chúng Petrograd trong buổi biểu dương lực lượng vào ngày 18 tháng Sáu. Quân đội và công nhân chụp lấy thời cơ, biến buổi biểu dương lực lượng thành cuộc biểu tình chống chính phủ. Khẩu hiệu Bolshevik tràn ngập đường phố dẫn đến những xung đột giữa 2 phe chống và ủng hộ chính phủ. Cuộc chiến giành quyền lực trở nên tàn bạo và diễn biến không thể dự đoán. Việc nổi loạn vì thất vọng của quần chúng nằm ngoài sự kiểm soát của Lenin. Chiến thuật của ông là dựa vào biến động mà không tìm cách điều khiển nó. Ông không có chiến lược toàn diện, tính toán trước. Ông không tiên liệu được một thảm kịch đang chờ người Bolshevik vào ngày 3 tháng Bảy. Một sư đoàn 10 000 người quyết định lật đổ chính phủ khi có lệnh điều họ ra chiến trường. Đây là cuộc nổi loạn có phối hợp của hải và lục quân. Lenin và các lãnh đạo Bolshevik quyết định ủng hộ cuộc nổi loạn. Nhưng căng thẳng và sợ hãi trùm lên trụ sở chính của đảng khi có tin nhiều sư đoàn ủng hộ chính phủ đang tiến về Petrograd. Stalin đã hốt hoảng điện cho xô viết: “Chúng tôi không ủng hộ cuộc nổi loạn!”.
Một tấm ảnh thường được in trong các tài liệu về cuộc cách mạng Nga: Lenin, nhà cách mạng, hùng hổ diễn thuyết trước quần chúng nhân dân. Sự thật nằm sau tấm ảnh. Khi đám đông kéo đến tập trung trước trụ sở chính của đảng và bầu Lenin lên làm lãnh tụ, Lenin đã không dám tự bước ra balcon vì lo sợ và thiếu quyết đoán. Các đồng chí phải đẩy ông ra! Cuối cùng, trước đám đông, ông nói:” Các đồng chí! Tôi yêu cầu các đồng chí biểu tình trong ôn hòa”. Lời yêu cầu này cũng chẳng cải thiện được tình hình. Đoàn biểu tình đổ xô ra mọi nẻo đường, tìm giết những người cossacks trung thành với chính phủ. Quân đội và lực lượng công nhân vũ trang tiến về Điện Tauride, miệng hét to khẩu hiệu “Mọi quyền lực cho xô viết!”.
Trong lúc đó, một cuộc thảm sát diễn ra ở ngã tư giữa Nevski Prospekt và đường Sadovaja. Đội quân chính phủ tàn sát những người biểu tình tay không vũ khí. Đồng thời chinh phủ tung ra một tài liệu “nổ tung như một trái bom”, theo cách diễn tả của Trotsky. Tài liệu cho thấy Lenin đã từng tiếp xúc với người Đức. Lenin là gián điệp của Đức? Nghi ngờ dấy lên trong đầu những người nổi loạn. Ho tự nguyện giao trả khí giới, không hề chống cự. ”Bây giờ chúng sẽ bắn chết hết bọn mình”, Lenin nói với Trotsky như vậy sáng ngày 5 tháng Bảy.
Các lãnh đạo sinh viên chiếm trụ sở chính của đảng bolshevik và nhà in tờ báo Pravda. Ngoài đường, những người Bolshevik bị truy đuổi, giết chết. Trong khu trung tâm, những ai có bộ dạng như một công nhân đều bị đánh đập, hành hình. Đây là bạo lực giai cấp. Giới tư sản và thương gia đánh phủ đầu giới vô sản. Chính phủ lâm thời bắt giữ 800 người bolshevik. Công cụ của đảng dùng để nắm chính quyền bị đè bẹp. Trotsky bị tống vào tù vì tuyên bố ủng hộ Lenin. Lần này, ông quyết định gia nhập đảng Bolshevik.
Giới thợ thuyền kết tội đám công nhân nổi loạn và những người Bolshevik đã gây ra cuộc khủng hoảng. Hàng ngàn người lính rời bỏ đảng. Người sô viết cũng bị mất uy tín và thế lực. Nhiều ngày sau, trong buổi tang lễ những người cossacks bị giết trong ngày 4 tháng Bảy, cánh hữu biểu dương lực lượng trên đường phố. Một cách phô trương răn đe của những người đã trả thù được đám công nhân và bọn cách mạng xã hội.
Stalin giúp Lenin cải trang đeo râu trốn thoát. Nhiều người cho rằng rất có thể Bolshevik được người Đức tài trợ. Người Đức luôn ủng hộ các tổ chức cách mạng Nga. Nhưng chuyện Lenin làm gián điệp cho Đức vẫn là vấn đề cần thảo luận. Tuy nhiên, dù thế nào, bây giờ ông cũng đã mất hết quyền lực, phải trốn trong căn nhà ọp ẹp cách Petrograd 3 dặm, đêm bị muỗi “làm thịt”.
Lenin vẫn giữ vững lập trường bạo lực. Trong lá thư gửi cho đảng, ông viết:” Chúng ta phải dồn tất cả sức mạnh cho cuộc cách mạng vũ trang”. Ông đã sai khi cho rằng người xô viết đã trở thành kẻ phản cách mạng. Xô viết đã làm mọi cách để bảo vệ Bolshevik nhưng họ đã suy yếu nhiều sau cuộc khủng hoảng tháng Bảy. Kerenski đã đuổi họ ra khỏi Điện Tauride. Trụ sở của họ hiện nay ở Smolnyj, một trường nội trú nữ sinh.
Quyền lực bắt đầu ám ảnh Kerenski. Giờ đây, với tư cách là thủ tướng, ông dọn vào ở trong Cung Điện Mùa Đông và ngủ trên giường của Sa hoàng. Ông tái lập bản án tử hình ngoài mặt trận và luôn muốn tiêu diệt những người sô viết. Ông cho rằng nước Nga cần một Napoleon để chấm dứt hỗn loạn và ông là người đang giữ vai trò đó.
Chiến dịch phản công của ông thất bại. Lực lượng quân sự Nga trên đà tan rã. Một tin đồn rộ lên là hội đồng tướng lãnh muốn người Đức chiếm Petrograd để dẹp các cuộc nổi loạn. Kerensky đề cử Kornilov vào chức vụ tổng tư lệnh quân đội. Kornilov là tướng lãnh muốn đàn áp các cuộc biểu tình trong tháng Tư.
Ngày 12 tháng Tám, Kerensky mời tất cả các đảng phái đến tham dự hội nghị tổ chức tại nhà hát Bolsjoj. Ông muốn cứu vãn tinh thế và trở thành người hùng trong ngày hôm đó. Kornilov đột ngột xuất hiện và sáng chói dưới ánh đèn sân khấu. Toàn thể cánh hữu vỗ tay hoan hô chào đón. Cánh tả giữ thái độ im lặng. Kerenski đã mất sự hậu thuẫn của cánh hữu. “ Thời của tôi đã hết” là lời tâm sự của ông với một cộng sự viên. Ngày 27 tháng Tám, đảo chánh xảy ra. Kornilov đưa quân vào Petrograd để đập nát cuộc cách mạng. Kerenski lạnh lùng tước quyền chỉ huy của Kornilov.
Tại Smolnyj, Petrograd xô viết phải đối phó với tình hình mới. Họ vùng dậy từ đống tro tàn, phối hợp với các nhóm cách mạng khác, hỗ trợ đám công nhân vốn là một bộ phận của Bolshevik. 40 000 khẩu súng được phân phát cho dân cư ở Vyborgski. Công nhân đường sắt phá trục lộ hỏa xa nhằm ngăn cản cuộc tiến công của quân đội. Các đại diện sô viết thành công trong việc thuyết phục nhiều người lính gia nhập vào cuộc cách mạng và sự thành công phần nhiều nhờ những người Bolshevik. Đa số các nhà hoạt động trong số 800 người bị bắt trong tháng Bảy được trả tự do. “Họ phải khùng mới thả chúng tôi vào lúc này”, Kybenko, một lính hải quân và cũng là người Bolshevik nói như vậy. Ông đã nói đúng. Quân đội và cánh hữu bị loại khỏi cuộc chiến. Kerenski và chính phủ mất hết quyền lực. Người Bolshevik thắng và đảo ngược thế cờ.
Lenin rời khỏi nơi trú ẩn và đi tỵ nạn ở Helsinki. Ông nhắc lại yếu tố cần thiết cho cuộc nổi loạn: đó là sự cực đoan.”Đám đông cực đoan hơn chúng ta”. Ông hoàn toàn có lý. Tình hình ngoài mặt trận rất thê thảm. Ở thôn quê cướp bóc hoành hành. Gia súc và con người bị tàn sát. “Hòa bình, đất đai, bánh mì. Phải có ngay!”. Đề tài Lenin đặt ra trước kia trở nên nóng bỏng và khẩn cấp.
Bolshevik hứa sẽ bầu ra một hội đồng lập hiến nhưng bị phần lớn các cử tri tẩy chay. Họ cũng chẳng thiết tha đến việc bầu người đại diện tham gia vào xô viết. Quân đội và công nhân ào ạt bỏ phiếu. Bolshevik, với sự cầm đầu của Trotsky, chiếm đa số trong Petrograd xô viết. Trotsky tuyên bố không thay thế Nicholaj Tsjkheidze. Như vậy, vai tro lãnh đạo của Tsjkheidze được hợp thức hóa ngay từ đầu. Tự dưng, tính hợp pháp của chính phủ Kerenski không còn khi những người sô viết thực thi quyền lực của mình.
Khẩu hiệu “Mọi quyền lực cho người xô viết” vang vọng khắp nước. Mọi người trông chờ quốc hội sẽ hạ bệ chính phủ và nắm lấy chính quyền. Từ Helsinki, Lenin cũng có cùng yêu cầu trong lá thư ông gửi cho ban chấp hành trung ương: cuộc cách mạng xô viết phải tiến hành ngay. Ông từ giã cuộc sống lưu vong, trở về Petrograd vì sốt ruột. Ngày 10 tháng Mười, ông triệu tập cuộc họp ban chấp hành trung ương đảng bolschevik tại căn hộ số 32 đường Karpovka. Chủ nhân căn hộ là Sukhanov. Sukhanov là menshevik nhưng nhiệt tình giúp đỡ người Bolshevik. Trotsky, Stalin, Kamenev, Kollontaj lần lượt đến.
Lenin đến rất muộn, đầu trùm bộ tóc giả. Ông trông giống như một cha xứ. Suốt đêm Lenin cố thuyết phục các đồng chí chấp thuận tiến hành một cuộc nổi loạn. Buổi họp kết thúc với tỷ lệ 10 thuận 2 chống. Chỉ Kamenev và Zinovjev bỏ phiếu chống. Cuối cùng Lenin cũng được toại nguyện. Nhưng ngày tiến hành cuộc nổi loạn vẫn bỏ ngỏ vì các lãnh đạo Bolshevik còn lại trong buổi họp vẫn không đồng ý với Lenin ở một điểm: Lenin muốn đảng Bolshevik một mình lãnh đạo cuộc nổi loạn. Đối với họ, xô viết là tổ chức có chính danh duy nhất cho một cuộc nổi dậy. Đồng thời họ cũng muốn có sự tham gia của các đảng phái khác. Điều này có nghĩa là quyền lực sẽ được chia sẻ. Lenin không bằng lòng. 10 ngày nữa sẽ đến đợt bầu cử ở quốc hội xô viết. Câu hỏi được đặt ra là cuộc cách mạng sẽ tiến hành trước hay sau bầu cử. Số phận của nước Nga như mành treo chuông.
Vài ngày sau, Smolnyj trở thành một căn cứ quân sự. Mục đích là để bảo vệ quốc hội xô viết trước mối đe dọa của Kerenski và bọn phản cách mạng. Có tin đồn bọn này sẽ ngăn cản đợt bầu cử. Bolshevik sẵn sàng với 20 000 người. Dẫn đầu là hải quân. Hội đồng quân nhân cách mạng kết hợp phòng vệ Petrograd. Trotsky, Antonov,Ovsejenko và Dybenko cầm đầu một tổ chức hoạt động bí mật. Trong lúc hội đồng vũ trang cách mạng chuẩn bị,
Lenin đòi tiến hành ngay cuộc nổi loạn. Nhưng ông không biết là các lãnh đạo bolshevik không muốn làm việc này. Sự chuẩn bị chỉ nhằm bảo vệ quốc hội xô viết. Ý định của Lenin bị Kamenev và Zinovjev cho báo chí biết. Kerensky nghĩ là người Bolshevik muốn đảo chánh nên quyết định đập tan. Ông liên lạc với đội quân trung thành có mặt ở ngoại thành. Nhưng các tướng lãnh lại giao các kế hoạch của ông cho hội đồng vũ trang cách mạng.
3000 người lính và một tiểu đoàn thiếu nữ trẻ tuổi, đầu cạo trọc, từ các gia đình tư sản được huy động đến bảo vệ Cung Điện Mùa Đông. Họ thề sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cho đến ngày 24 tháng Mười, Lenin vẫn chưa nắm được quyền lực. Ngày hôm sau, quốc hội mở cửa. Kerenski ra lệnh dỡ tất cả những chiếc cầu trên sông Neva lên để ngăn làn sóng người nổi loạn và bố ráp các tòa soạn báo chí của Bolshevik. Lực lượng xô viết phản ứng ngay. Họ chiếm bưu điện, nha viễn thông, ga xe lửa rất nhanh. Cuộc nổi loạn bùng nổ dù chưa có lệnh.
Tình hình ở Petrograd yên tĩnh trở lại. Cung Điện Mùa Đông không bị tấn công. Mọi người chờ lệnh của quốc hội sô viết. Lenin băng đầu, đóng vai một người bị thương. Ông chỉ còn vài giờ ngắn ngủi để thuyết phục đảng Bolshevik chụp lấy cơ hội bằng vàng này. Những người nổi loạn đã chiếm được thành Peter Paulus, một cứ điểm chiến lược quan trọng với các khẩu pháo chỉa thẳng về Cung Điện Mùa Đông.
Lenin đến Smolnyj cùng với toán hộ vệ. Không khí ở Petrograd giờ thật lạ lùng. Thợ thuyền nằm nhà. Cửa hàng ăn uống, nhà hát và rạp chiếu bóng mở cửa. Sau những cánh cửa đóng kín ở Smolnyj, Lenin tập họp ban chấp hành trung ương đảng Bolshevik. Đây là lần đầu tiên Lenin thông qua được quan điểm của mình.” Dẹp quốc hội xô viết đi. Chúng đã dâng cho ta cơ hội nắm quyền!”. Ông thuyết phục các đồng chí tiến hành ngay cuộc bạo động, không cần chờ lệnh của quốc hội xô viết. Lenin thảo nháp một bản công bố cách chức chính phủ lâm thời.
Cuối cùng quyền lực trong tầm tay Lenin. Ông bảo đảm việc chiếm Cung Điện Mùa Đông sẽ hoàn tất trước 12 giờ ngày hôm sau. Ngày 25 tháng Mười, trước 10 giờ, Lenin đưa ra bản công bố: “Chính phủ lâm thời bị cách chức. Quyền lực thuộc về hội đồng vũ trang cách mạng. Giai cấp công nhân và quân đội muôn năm!”. Trước 12 giờ, các đại biểu nhóm họp tại quốc hội xô viết. Người ta bàn cãi về sự thay đổi quyền lực. Nhưng chính phủ lâm thời vẫn có mặt tại Cung Điện Mùa Đông. Mọi người cảm thấy thất bại cận kề vì đoàn quân tiền phong vẫn chưa đến. Toán lính hải quân của Dybenko đổ bộ lúc 12 giờ 30’ và việc mở cửa quốc hội phải hoãn lại.
Trong khi đó chiến hạm Aurora bỏ neo trước Cung Điện Mùa Đông nhằm tạo áp lực với chính phủ. Trong cung điện giờ chỉ còn 300 lính. Những người khác đã bỏ vị trí vì suốt đêm hôm qua họ chẳng được ăn gì.
Lúc 16 gio 30’, người nổi loạn cho đối phương 20 phút để đầu hàng. Tối hậu thư bị bác bỏ. Lenin đòi bắn những người có trách nhiệm nếu họ không ra lệnh tấn công ngay. Theo kế hoạch, một cái đèn lồng đỏ sẽ kéo lên trên đỉnh pháo đài. Nhưng chẳng ai nhớ đem theo cái đèn. Người ta lục lọi khắp nội thành và cuối cùng tìm được một cái đèn lồng trắng. Nhưng không có cách nào treo nó vào cột cờ. Binh lính còn phát giác là các khẩu pháo đã quá cũ, không bắn được, chỉ dùng chưng bày làm kiểu. Họ phải tìm những khẩu pháo mới và tìm cách chuyển lên pháo đài. Đến 18 giờ, chiến hạm Aurora vẫn phải chờ tín hiệu. Trong lúc đó, cơn giận dữ bùng lên ở Smolnyj. Người ta đòi quốc hội phải mở cửa. Đến 21 giờ, vẫn không có gì mới. Lenin điên tiết gọi điện cho Antonov Ovsvjenko, người cầm đầu cuộc nối loạn. Ông này yêu cầu Lenin câm mồm rồi gác máy.
Đến 22 giờ 40’, căng thẳng ở Smolnyj đã đến mức nghẹt thở. Giờ thì người ta phải tiến hành bầu cử. Cuối cùng Aurora tự quyết định khai hỏa và cuộc tấn công bắt đầu. Toàn cảnh cuộc tấn công diễn ra như một vụ bố ráp của cảnh sát, nhưng được thổi phồng thành cuộc chiến đấu dũng cảm của những người dân anh hùng trong cuộc cách mạng tháng Mười huyền thoại. Những kẻ tấn công đi lạc lung tung trong cung điện rộng lớn. Kerensky trốn thoát và sau đó đi lưu vong. Các bộ trưởng trong chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Ở Smolnyj, Trotsky nói với các đối thủ chính trị:” Nhân dân đã theo chúng tôi và chúng tôi đã thắng. Các ông đã thất bại”…” Các ông hãy cút về những nơi thuộc về các ông, nơi có những đống rác lịch sử”.
Các đại biểu sửng sốt và quyết định rời quốc hội. Sau đó, quốc hội biểu quyết trao tất cả quyền lực cho xô viết. Nhưng đây chỉ là mặt nổi. Thực ra lực lượng dân chủ xô viết đã bị một đảng phái khác chiếm đoạt. Lenin đã thành công. Một cuộc đảo chánh cướp chính quyền ngoạn mục. Xô viết đã dọn cỗ cho Lenin xơi.
Ngày 26 tháng Mười, nước Nga thức dậy với một chính phủ mới: chính phủ Bolshevik.
Việc thanh toán những kẻ chống đối trên đường phố Moksva kéo dài thêm 3 tuần lễ. Không ai tin rằng Lenin có thể nắm vững quyền lực. Hội đồng lập hiến sẽ được bầu vào tháng Mười Hai 1917. Lenin muốn hủy bỏ cuộc bầu cử nhưng không được chấp thuận. Sau cuộc bầu cử, Bolshevik vẫn là thiểu số. Hội đồng lập hiến nhóm họp ngày 18 tháng Giêng 1918. Hôm sau hội đồng bị giải thể. Một đảng độc tài được gấp rút thành lập.
Các đảng phái cánh hữu bị giải tán. Vài tháng sau các đảng phái cánh tả cùng chung số phận. Nước Nga bị cầm tù trong vòng xoáy nghiệt ngã. Đất nước lâm vào cuộc nội chiến.
Cảnh nồi da xáo thịt dẫn đến thảm họa chết đói ở thôn quê. Mặc dù gặp rất nhiều chống đối, Lenin vẫn duy trì được quyền lực. Quốc tế cộng sản thành lập ở Moskva. Lenin tận hưởng hào quang chiến thắng qua sự thừa nhận của quốc tế. Sự có mặt của ông, ở bất cứ nơi nào, là niềm hy vọng cho công nhân và giới trí thức. Một ảo tưởng mà dân tộc Nga và nhiều dân tộc khác phải trả giá bằng máu và nước mắt sau này. Ông góp phần làm đảo lộn thế giới. Ngày 1 tháng Năm 1922, ông bị tai biến mạch máu não nên phải rút khỏi chính trường. Một con người suốt đời gây sóng gió bằng cách thao túng, chia rẽ, chi phối, chế ngự kẻ khác, giờ đây đang lo lắng vì những xung đột quyền lực giữa Trotsky và Stalin. Ông đã mất mọi ảnh hưởng.
Lenin chết năm 1924 nhưng huyền thoại về con người này được tô vẽ không ngừng. Xác ông được ướp ngoài ý muốn của bà quả phụ Nadezjda. Nhà hoạt động chính trị vũ trang Lenin được thần thoại hóa và được tôn thờ như một vị thánh. Lịch sử về những gì đã xảy ra năm 1917 bị kiểm duyệt, viết lại, biên tập sửa chữa với mục đích biến ông thành nhà cách mạng vĩ đại, độc nhất vô nhị trong lịch sử và là chỗ tựa vững chắc cho cái “chính danh” của chủ nghĩa cộng sản.
Hoàng Thuỷ Ngữ
——————————
Tham khảo:
History.com
Nicholai Sukhanov: Russian revolution of 1917
En.wikipedia.org
ARTE France – AGAT film & Cie
Britannica.com
Bbc.co.uk
[…] Hoàng Thuỷ Ngữ […]
Bọn cộng sản là những người vô địch về sửa chữa lịch sử: lịch sử bị biên tập,viết lại,sửa chữa một cách trắng trợn,Lenin ở nước Nga cũng như họ Hồ ở VN đã được tô vẽ như những nhà cách mạng vĩ đại có cuộc sống đạo đức không tỳ vết…