Sau ngày 18/06 dân Pháp: nhiều người vui, lắm kẻ buồn

1
Bà Stéphanie Do

 

Sau kết quả bầu cử Quốc hội Pháp vòng chung kết, chánh trường Pháp thật sự đổi mới . Thử nhận diện ngay sẽ thấy số đắc cử trẻ và phụ nữ đông đảo đến từ khu vực tư chen nhau bước vào điện Bourbon . Dĩ nhiên phe cầm quyền chiếm đa số quá bán rất cao: 32, 2% phiếu bầu (308 dân biểu), 21, 56% cho liên minh cánh Hữu RR-UNI-DVD ( Cộng Hòa: 112 dân biểu), 13, 20% cho Mặt Trận Dân tộc (8, dân biểu). Nước Pháp bất khuất và cả đảng cộng sản được 13, 74% (17 dân biểu) và các đảng cánh Tả khác liên kết (như Xã hội-đảng cấp tiến Tả-Các cánh Tả) được chung 9, 51%(riêng Xã hội : 31 dân biểu) .

Đảng « Cộng hòa tiến bước » hùng hậu ra quân chiếm đa số gần tuyệt đối Dân biểu, nhưng lại trên 49, 71% cử tri vòng I và 42, 60% vòng II tín nhiệm mình . Tức đa số trên thiểu số cử tri. Dưới triều đại T.T. Macron, chánh trường Pháp lần đầu tiên thay đổi sâu xa, nhưng cái tỷ lệ thành công này cũng là lần đầu tiên trong nền ĐỆ V Cộng hòa nữa .

Các chánh đảng lớn thay phiên nhau cầm quyền từ nửa thế kỷ qua nay bị một người mới, chánh giới chỉ mới biết hơn một năm qua, và tổ chức của ông cũng chỉ là một tập họp rộng rãi, lỏng lẻo cho mục đích tham dự bầu cử, đã có sức mạnh hạ gục sát ván đối phương trong các cuộc bầu cử vừa qua. Người ta gọi hiện tượng này là một cuộc « Cách mạng Pháp không máy chém » (Frank-Olivier Giesbert, Le Point, 19/6/17, Paris) .

Ở đời xưa nay, thường cái thành công không tránh khỏi mầm khó khăn trong đó . Với tỷ lệ dưới 1 trên 2 người không đi bầu, liệu chánh phủ của ông T.T. Macron, với đa số trong Quốc hội, sẽ đem lại khởi sắc cho nước Pháp một cách ngoạn mục, chấm dứt tình trạng bết bát (công nợ, không tăng trưởng, thất nghiệp tăng, an ninh không có, …) từ nhiều năm qua chăng ?

Nói « Cuộc Cánh mạng không máy chém » vì từ lâu, nước Pháp sống trong cảnh bi quan chưa từng có, nay bỗng dưng trở thành lạc quan . Trở thành cái phòng thí nghiệm tương lai Pháp ! Sau những cuộc bầu cử, người ta có cảm tưởng là dân Pháp bắt đầu tự tin, bắt đầu thương yêu đất nước mình .

Ông Emmanuel Macron là tay trắng, không thành tích chánh trị, lực lượng cơ bản để ủng hộ tranh cử chưa phải là chánh đảng đúng nghĩa, có thể hình dung ông như « dân không quần xà-lỏn » (sans-culotte) trên chánh trường, thế mà ông đã đưa lên đoạn đầu đài các « ông hoàng, các nhà quí tộc » như Benoit Hamon, Martine Aubry, Cambadélis, …

Nói hiện tượng Macron như là một cuộc cách mạng vì khi nhìn kết quả người ta có thể so sánh với kết quả của Cách mạng 1789 : một lớp người thay thế một lớp người . Nay thành công thì trọn vẹn nhưng khi bắt tay vào bột để làm bánh, không biết bánh sẽ ngon, đẹp, vuông tròn hay không ? Chờ mùa thu để coi đường phố sẽ có tiếng nói hay không ?

Phụ nữ đông đảo vào Quốc hội

Quốc hội Pháp, cả xí nghiệp, chưa bao giờ có được số phụ nữ gần bằng số nam giới . Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chánh trị Pháp . Có thể nói đây thật sự là một cuộc cách mạng văn hóa xã hội-chánh trị đầu tiên . Hay thay đổi não trạng của những người làm chánh trị Pháp .

Quốc hội nhiệm kỳ Macron có 223 nữ dân biểu, non 40% nên chưa thật sự đạt được nguyên tắc nam/nữ bình đẳng như luật định . Tuy nhiên vẫn là một tiến bộ quan trọng . Trước đây, Quốc hội có tỷ lệ nam/nữ lúc cao nhứt chỉ có 25, 8% nên Pháp đứng hạng 63 trên thế giới trong lúc đó Islande có 47, 6% nữ dân biểu, Suède, 43, 6% .

Sự chênh lệch nam/nữ do nguồn gốc văn hóa, Pháp chịu ảnh hưởng văn hóa La-mã nặng nề và triền miên. Cánh Hữu, như đảng Cộng hòa, chấp nhận vi phạm qui định nam/nữ bình đẳng trong chánh trị và chịu phạt tiền nên còn mắc nợ chánh phủ, giới thiệu không đủ số nữ ứng cử viên . Nếu phải giới thiệu lại chọn những đơn vị khó thắng cử . Nay Cộng hòa Tiến bước chọn và giới thiệu nữ ứng cự viên bình thường theo luật định . Chuyện rất đơn giản nếu thay đổi cách ứng xử cố hữu . Đồng thời trong chánh phủ mới, nam/nữ cũng bằng nhau tuy nữ không nắm giử chức vụ quan trọng . Chỉ có Thứ trưởng (ngoại trừ Tổng trưởng Quốc phòng nhưng vừa từ chức), ít phụ nữ làm Giám đốc, Đổng lý văn phòng . Chờ coi Quốc hội sẽ bầu một ông hay một bà làm Chủ tịch ? Một ông hay một bà làm các Trưởng nhóm, Chủ tịch Ủy ban?

Điều đáng chú ý trong 223 nữ Dân biểu, có Bà Stéphanie Đỗ đắc cử với 56, 31% phiếu bầu. Bà được đảng Cộng hòa Tiến bước giới thiệu ứng cử và đặc biệc được T.T. Macron nhiệt tình ủng hộ . Bà là Dân biểu gốc Việt nam đầu tiên . Đây cũng là một sự đổi mới của chánh sách T.T. Macron . Stéphanie Đỗ là cháu nội của Cụ Đỗ Quang Huê, làm Chủ tịch Viện Bảo Hiến thời Đệ I Cộng hòa . Bà qua Pháp năm 10 tuổi theo diện đoàn tụ gia đình, hiện cư ngụ tại tỉnh Seine et Marne (77), ngoại ô phía Đông Paris . Stéphanie Đỗ sanh năm 1979, học giỏi, nói tiếng việt lưu loát, hiện làm việc tại Bộ Kinh tế Pháp .

Có thể xem đây là một dấu hiệu khởi đầu tích cực khuyến khích lớp trẻ người việt cố gắng tham gia sanh hoạt chánh trị Pháp, gia nhập đảng phái, mạnh dạng ứng cử các cấp và cả tham gia chánh phủ nữa .

Xin nhiệt tình chúc mừng Dân biểu Stephanie Đỗ .

Dân biểu mới, bộ mặt mới

Mới, trẻ là điều hay nhưng đàng sau vẫn thường gặp phải điều không mấy hay . Có một số Dân biểu vừa đắc cử lần đầu tiên của Cộng hòa Tiến bước bị phê bình (AFP, 19/06/2017) là không thật sự gương mẫu . Ông Macron, cựu đảng trưởng, chủ trương tính gương mẫu phải là ưu tiên cho người làm chánh trị, nhứt là người đại diện nhân dân . Chánh phủ của ông soạn thảo dự luật về đạo đức hóa chánh trị, đã đưa qua Hội Đồng Tổng trưởng thảo luận . Đảng Cộng hòa Tiến bước đã kiểm soát trước người được đảng đưa ra ứng cử, đắc cử, để sẽ không bị tỳ vết. Phải trong suốt như pha-lê . Người chuẩn bị ứng cử của Cộng hòa Tiến bước đều được đảng xem xét kỹ lý lịch, phỏng vấn, Họ khi được chọn đều đã phải qua ống kính hiển vi soi rọi nhiều lần, nhiều góc cạnh . Để không có một bất ngờ nào cả .

Tuy nhiên ánh nắng vẫn không thể soi sáng tới hết các ngỏ ngách được. Đảng Cộng hòa Tiến bước có đầy thiện chí nhưng một số dân biểu vừa đắc cử đã có vấn đề về đạo đức . Họ bị chỉ trích khinh người, gian lận, hoặc lợi dụng chức quyền cho quyền lợi cá nhân … .

Như trường hợp ông Alain Tourret, cựu dân biểu cánh Tả, nay được ông Macron giới thiêu dưới bóng cây dù Cộng hòa Tiến bước, vừa đắc cử ở Calvados . Ông thành lập Viện Quốc tế Nhơn quyền và Hòa bình ở Calvados và làm Chủ tịch và vẫn duy trì chức Chủ tịch . Chính với danh nghĩa này ông được ông Macron kết nạp, nhờ đó ông đắc cửa với 66, 34% phiếu . Ông Alain Tourret đã sử dụng phụ cấp dân biểu cho những nhu cầu rất cá nhân . Chuyện của ông Alain Tourret chi tiêu phụ cấp dân biểu không rỏ ràng suốt nhiều năm bị nhiều người biết do chương mục ngân hàng của ông (Médiapart) .

Ông Olivier Serva, Phó Chủ tịch Hội Đồng Địa phương của Guadeloupe, phát ngôn viên chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Mcron, được ông Macron giới thiệu ứng cử Quốc hội và đắc cử với 61, 74% phiếu bầu . Ông bị tố cáo là ở chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Địa phương, ông đã chửi những người đồng tính và sau đó ông 2 lần xin lỗi (AFP), ông nhìn nhận đã có những lời không phải với những người này . Ông xin rút lại . Người ta phê phán là con người như vậy mà nay ông Macron còn cương quyết kết nạp và giới thiệu ứng cử ở Guadeloupe, lẽ ra, với chủ trương đạo đức hóa chánh trị, ông Macron đã phải tránh ông Serva .

Còn nhiều trường hợp tai tiếng nữa khó tránh ảnh hưởng xấu tới uy tín phe cầm quyền . Dân biểu vừa đắc cử do đảng ông Macron giới thiệu bị tố cáo xách nhiểu tinh thần công nhân trong xí nghiệp, có ông Romain Grau ; bi thưa về gian lận trị giá cổ phiếu của Công ty do ông làm Chủ tịch, có ông Bruon Bonnell ở Villeurbanne ; về biển lận tài chánh 2 lần 3000€ và 13 500€ của Hội Ái hữu Á châu, hội bóng bàn và hội văn hóa, có Buon-Huong Tân, người Tàu, hội viên Hội đồng thành phố thị xả Paris XIII (khu chợ Tàu), gian lận An ninh xã hội (Sécurité Sociale pháp), có Émelie Guerel, giáo sư Anh văn trung học Eucalyptus Ollioules, bị Jean-Pierre colin tố cáo trên nhựt báo Le Parìsien, … (Theo nhà báo Chloé Gaborit, Le Point) .

Thất cử, không buồn

Trong nhiệm kỳ cuối của T.T. Chirac, ông Jean-Louis Debré làm Chủ tịch quốc hội, đã cho thông qua một cách vô cùng bí mật một đạo luật cho phép các dân biểu thất cử được hạ cánh hoàn toàn an toàn . Đạo luật này được dân biểu của tất cả các đảng phái, cả đảng xã hội chủ nghĩa và cộng sản (thường khi phe Hữu đưa ra điều gì để biểu quyết đều bị họ chống kịch liệt, không cần suy nghĩ đúng sai), nhiệt tình biểu quyết OK . Không thắc mắc, không một lời phản đối . Lần đầu tiên suốt chiều dài lịch sử đảng Tả pháp !

Điều làm cho mọi người hài lòng là Dân biểu thất nghiệp được lảnh trợ cấp 5200 € tháng, suốt 60 tháng thay vì chỉ có 6 tháng như trước kia . Bằng lương chánh thức dân biểu chưa trừ đóng góp an ninh xã hội (6950€/tháng) . Và thoải mái hơn công nhơn hay công chức thất nghiệp là khỏi trình báo với Cơ quan lao động (ANPE – Pôle d’Emploi) và không bị Cơ quan này kiểm soát hằng tháng .

Và để dân biểu thất nghiệp thấy hài lòng thêm, luật cho phép họ tiếp tục hưởng 1400 € tháng suốt đời . Nhưng đạo luật này đã bị thay đổi . Nay, dân biểu thất nghiệp lãnh phụ cấp 6000 € cho 6 tháng đầu, sau đó phụ cấp bị giảm lần cho mổi 6 tháng cho tới kỳ 6 tháng cuối cùng thì chỉ còn 1200 € .

Hiểu sao hiện tượng cử tri vắng mặt?

Hiện tượng cử tri vắng mặt quá nhiều đã làm cho nhiều người phải suy nghĩ . Thực tế là đảng cầm quyền không có một lực lượng chánh trị lớn, mạnh làm đối lập như trong phần lớn các nền dân chủ tự do bình thường . Nay đảng cầm quyền một mình một chợ . Tuy 2 người cực Hữu, bà Marine Le Pen, và cực Tả (ông Mélenchon) tuyên bố là chống ông Macron tới cùng .

Có người cắt nghĩa sự vắng mặt đáng ngại như vậy do những cuộc bầu cử quan trọng được tổ chức kế tiếp nhau làm cho cử tri thấy ngán ngẩm nên không đi bầu đông đảo . Còn những người chánh trị học thì cho rằng không có một lực lượng lớn đối lập vì họ chưa có ý kiến hoặc chương trình đề nghị hoặc chống đối phe đa số, đòi thay đổi đường lối . Người không chấp nhận đường lối của ông Macron hiện vẫn chờ xem .

Vậy Quốc hội với đa số của phe cầm quyền không có đối lập có chánh đáng không? Chắc chắn là chánh đáng. Nhưng người ta thấy không đại diện đầy đủ dân Pháp mà chỉ đại diện nước mặt mủi một nước Pháp mà thôi!

Nguyễn thị Cỏ May

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên