Bắt đầu tuần này, hầu hết cư dân California lại phải ở nhà cho đến ngày 5/1/2021. Đây là lần thứ hai lệnh cấm túc – Stay At Home – được ban hành để phòng lây lan Covid-19 trên diện rộng.
Sau Lễ Tạ ơn 26/11 chính quyền và giới chức y tế quan ngại số ca nhiễm và người nhập viện sẽ tăng vì dân chúng chủ quan, dù đã được khuyến cáo không nên về thăm gia đình hay tụ họp mừng lễ.
Nhiều người dường như không nghe lời khuyến cáo nên một tuần sau kỳ nghỉ số nhiễm Covid-19 tăng vọt trên toàn nước Mỹ. Giới chức y tế quan ngại nhất là người phải vào bệnh viện cũng tăng nhanh, số giuờng cấp cứu ICU (Intensive Care Unit) không có đủ để đáp ứng nhu cầu trong những ngày mùa đông trước mặt.
Hôm Lễ Tạ ơn, gia đình tôi cũng dự dịnh xum họp anh em, con cháu như mọi năm, nhưng sẽ làm ngoài vườn sau vào giờ trưa, không quá 20 người và trong vòng hai tiếng đồng hồ, như khuyến cáo của chính quyền tiểu bang và quận hạt. Nhưng rồi các em nói thôi, vì không biết thời tiết ngày đó sẽ ra sao.
Thế là năm nay gia đình tôi đón lễ vỏn vẹn chỉ có 3 người, không gà tây mà chỉ có món thịt heo dăm bông (baked ham) và thịt bò nướng.
Trong khi khuyến cáo dân không tụ họp trong nhà thì lãnh đạo lại làm khác, bị phát hiện, đưa lên truyền hình và bị dân om sòm phê bình.
Thống đốc Gavin Newsom dự tiệc trong một nhà hàng sang trọng với hơn chục người quen. Thị trưởng San Francisco London Breed cũng đi nhà hàng ăn mừng sinh nhật với bạn. Thị trưởng San Jose Sam Liccardo quây quần tại nhà với bố mẹ và gia đình người thân.
Ba vị đã lên tiếng xin lỗi nhưng có nhiều người dân không tin các chính sách của chính phủ đưa ra nhằm giới hạn sinh hoạt thương mại, ăn uống, giải trí.
Trên diện rộng toàn nước Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, tiếng nói có thẩm quyền về dịch tễ, khi thấy con số lây nhiễm và tử vong tăng nhiều sau Lễ Tạ ơn, ông đã báo động là nếu không có những biện pháp phòng chống nghiêm ngặt hơn thì sau kỳ nghỉ Giáng Sinh và Tết Tây số người nhiễm Covid-19 và số tử vong sẽ tăng vọt hơn nữa.
Sau Lễ Độc lập 4/7 số ca nhiễm đã tăng vọt. Lễ Tạ ơn là đợt tăng thứ hai. Bác sĩ Fauci cảnh báo một mùa đông u ám đang chờ đợi nước Mỹ.
Tính đến ngày 8/12 số ca nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ là 15,4 triệu và số tử vong 286 nghìn.
California có 1,42 triệu ca nhiễm và hơn 20 nghìn tử vong, nhiều nhất là vùng Los Angeles, vùng Vịnh San Francisco và Quận Cam là những nơi có đông người Việt sinh sống. Vùng Vịnh San Francisco hiện có 137 nghìn ca nhiễm và 1900 tử vong.
Tuần trước Thống đốc California Gavin Newsom họp báo và đề xuất chia California thành 5 khu vực, nơi nào số giường cấp cứu ICU trong các bệnh viện còn dưới 15%, khu vực đó sẽ ban hành lệnh cấm dân ra đường nếu không có việc gì cần.
Với lệnh mới, nhà hàng chỉ được bán thức ăn mang về. Các tiệm tóc, tiệm làm móng tay phải đóng cửa. Nơi thờ phượng không được cầu nguyện bên trong, ra ngoài trời cũng giới hạn số tín đồ không quá 100.
Gia đình nhà nào ở nhà đó, không được thăm nhau hay tụ họp sinh hoạt.
Vùng Vịnh San Francisco tuần qua số giường ICU còn hơn 20% nhưng hôm Thứ Sáu chính quyền địa phương đã ban hành lệnh ở nhà bắt đầu từ thứ Hai tuần này. Các khu vực miền trung và nam California cũng đã theo sau với lệnh cấm túc.
Tháng Ba đầu năm, vùng Vịnh San Francisco cũng là khu vực đã có lệnh cấm túc đầu tiên ở Mỹ.
Trước tình hình không được ra khỏi nhà lần nữa và mùa đông mưa lạnh đang về, cuối tuần qua chúng tôi đi mua đồ ăn khô, nước uống phòng ngừa bất trắc cho tháng ngày trước mặt.
Siêu thị Costco không còn cảnh xếp hàng dài như hồi tháng Tư, tháng Năm. Mở cửa 9 giờ sáng mà khi chúng tôi đến lúc 10 giờ thì cũng không còn giấy vệ sinh, không còn giấy sát trùng lau tay.
Lần trước có lệnh cấm túc vào tháng Ba. Tháng Tư đường phố, xa lộ thật vắng xe. Người dân lo lắng nhiều, đổ sô đi mua các thứ cần thiết phòng chống Covid-19 và trữ thực phẩm nên các siêu thị với hàng dài người xếp hàng.
Hè đến có nới lỏng sinh hoạt. Nhà hàng được phép phục vụ khách ngoài trời. Rồi các trung tâm thương mại, các tiệm tóc, làm đẹp móng tay, phòng tập thể dục mở cửa với số khách giới hạn 20% và phải tuân thủ giãn cách xã hội, mang khẩu trang. Nhiều nơi còn đo thân nhiệt khách hàng trước khi phục vụ.
Hai tháng qua phố xá đã đông xe qua lại. Sinh hoạt các nơi sinh động hơn. Mức thất nghiệp tại Mỹ từ hơn 10% vào tháng Tư, nay còn trên 6%. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng với những con số kỷ lục.
Kỳ bầu cử tháng 11 vừa qua khu thương mại Grand Century ồn ào không khí vận động tranh cử. Các tiệm ăn đông khách ngồi bên ngoài vào cuối tuần.
Hai tháng sau, Chủ Nhật vừa qua trở lại San Jose thì nơi đây không còn ồn ào nữa. Quán càphê Paloma thường đông khách nay vắng vẻ. Nhà hàng Dynasty phục vụ chừng hai chục bàn điểm sấm trong lều trước tiệm cũng thưa khách. Bên trong Grand Century ít người qua lại, hầu hết các tiệm đóng cửa.
Khu Vietnam Town bên cạnh có Phở 90 Degrees đông khách bên ngoài. Nhiều tiệm trong khu này đóng cửa. Cạnh đài phát thanh Tiếng Mõ Bắc Cali là Bánh Cuốn Ông Tạ có khách ngồi ngoài ăn, nhìn qua bên kia có quán ăn Hàn quốc mới mở thì vắng.
Bên Lion Plaza cũng vắng vẻ. Nhà hàng Nha Trang quây lưới phía trước cho khách ngồi ngoài. Khu ăn uống cạnh tiệm bò bảy món Ánh Hồng nay kê bàn trong khuôn viên hình tròn ngoài trời, lưa thưa khách.
Giò chả Đức Hương là hàng quán đông khách nhất trong ngày Chủ Nhật. Hai tiệm, một ở gần Lion Plaza và một gần Grand Century Mall, giờ trưa khách xếp hàng dài chờ vào mua. Ai cũng đeo khẩu trang, đứng cách nhau hai mét.
Theo số liệu từ Hiệp hội Nhà hàng (National Restaurant Association) và Yelp thì mùa hè qua, thời gian cao điểm đón khách du lịch, đã có 16 nghìn nhà hàng đóng vĩnh viễn trên toàn quốc. Một khảo sát trong tháng Chín cho thấy 17% nhà hàng tại Mỹ đã phải đóng cửa dài hạn hay dẹp tiệm luôn, con số này là gần 100 nghìn cơ sở thương mại dịch vụ ăn uống.
Tháng Sáu vừa qua có bạn học cũ từ nam California lên chơi, chúng tôi ăn phở 90 rồi qua Paloma uống cà phê. Hỏi chuyện, anh bạn nhận xét trên đây hầu hết dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội, trong khi dưới Quận Cam nhiều người xem thường những việc này.
Tuần trước có bạn cũng từ Quận Cam lên thăm. Mua bánh mì hẹn nhau ra Jack London Square ở bến cảng Oakland ngồi ăn. Bạn cũng có nhận xét người dân vùng San Francisco tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19 hơn dân Quận Cam.
Dư luận cho thấy trong chín tháng qua nước Mỹ có hai khuynh hướng. Những nơi đông người ủng hộ cộng hoà, theo Tổng thống Trump thì xem nhẹ việc phòng Covid-19 lây lan, không thích mang khẩu trang khi ra đường, không quan tâm đến giãn cách xã hội.
Nơi đông người theo khuynh hướng dân chủ, ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nay coi như đắc cử tổng thống, xem việc mang khẩu trang, cách giãn xã hội là điều phải làm.
Ông Biden có chủ trương là khi nhận chức tổng thống sẽ ban hành biện pháp buộc mọi người đeo khẩu trang khi ra đường để phòng chống Covid-19.
Hai vùng đông dân cư nhất California cũng là hai nơi với khuynh hướng khác nhau trong việc phòng Covid-19 lây lan.
Với lệnh cấm túc mới ở California, lần ngày còn giới hạn hơn trước. Chẳng hạn như không cho tụ họp những người không ở chung một nhà.
Trong tháng tới cũng không ai được đi xa. Khách sạn chỉ đón khách đến khu vực vì có công việc cần thiết. Quận hạt Santa Clara, với San Jose là thủ đô của vùng thung lũng điện tử, có lệnh nếu di chuyển xa hơn 150 dặm đường, khi trở về phải tự cách ly hai tuần.
Các tiệm hớt tóc, làm đẹp móng tay lại phải đóng cửa một tháng. Trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, bán lẻ chỉ được đón 20% số khách thường có.
Lần trước ngồi quán cà phê ở San Jose nghe nhiều người hỏi nhau có nhận 1200 đôla trợ giúp của chính phủ chưa. Hôm rồi không nghe nói gì vì Quốc hội vẫn chưa thông qua luật cứu trợ mới. Lãnh đạo hai đảng vẫn chưa đồng ý với nhau.
Số giường ICU trong các bệnh viện quận hạt Santa Clara tuần trước còn ở mức trên 20%, hôm nay đã xuống 14%.
Dịch Covid-19 vẫn lan nhanh, trong khi nhiều người nay đã cạn tiền trợ cấp của chính phủ, tiền thất nghiệp cũng sắp hết. Mùa đông năm nay người dân và nước Mỹ đang chờ đợi những thử thách lớn trước mặt.
Bùi Văn Phú