S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thằng bất hảo

6

Nhiều người cho rằng, Cambodia đã đi trước Việt Nam một bậc về mặt dân chủ, rằng xã hội dân sự đã nở hoa, rằng quốc gia này sẽ là người tiên phong của vùng Đông Dương về tự do, dân chủ và sự phát triển kinh tế – kinh trị. Vài năm sau, chúng ta bắt đầu khóc than về một nền dân chủ kiệt sức và hấp hối. Điều gì đã xảy ra?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Bởi tính hà tiện (và cũng vì thói quen luôn thức sớm) tôi hay rời Bangkok lúc trời còn tối, và đến Phnom Penh khi vừa sáng bạch. Chuyến bay đầu ngày bao giờ cũng rẻ, ít ra thì cũng rẻ hơn được năm/bẩy Mỹ Kim. Đỡ được đồng nào hay đồng đó.

Phi đạo vắng ngắt nhưng phi trường thì ồn ào hơn thường lệ vì có nguyên cả một đoàn du khách Trung Hoa (gần cả trăm người) đang lào xào trò chuyện hơi lớn tiếng. Tôi gặp họ hoài, ở khắp mọi nơi, nghe riết cũng quen nên không có gì để phàn nàn cả. Hơn nữa – tự thâm tâm – tôi tận tình chia sẻ với nỗi “hạnh phúc vỡ oà thành tiếng” của hằng tỉ con người (vừa được xổ lồng) sau hơn nửa thế kỷ bị giam cầm, trong bức màn sắt

Khác với Lào hay Thái, tuk tuk ở xứ Cao Miên nhiều quá – tá lả khắp nơi – nên tiếng mời chào (khẩn thiết) nghe mà thương cảm. Tôi phóc đại lên cái xe gần nhất, nói nhỏ:

– River side! Ra mé sông!

Gọn ghẽ vậy thôi nhưng cũng đủ cho chú em tài xế biết rằng tuy khách hàng bộ dạng hơi lớ ngớ nhưng là dân bụi đời chuyên nghiệp, khỏi cần phải ra giá (hay mặc cả) lôi thôi. Ngoài Việt Nam và California ra, Phnom Penh – có lẽ – là nơi tôi chôn chân lâu nhất, đủ lâu để biết về phố xá (gần) như dân bản xứ.

Nam Vang đi dễ khó về

Trai đi có vợ, gái về có con

Tui đã quá cái tuổi vợ con từ lâu lắm rồi nhưng vẫn lui/tới đây hoài hoài vì người Việt của mình ở đây đông quá, và khổ lắm. Nước sạch nhiều người cũng không có mà uống nữa, chớ đừng nói chi đến chuyện xa xôi như ăn chơi hay ăn học. Đến với họ, đôi lúc, cho nó có cái tình – tình đồng bào – chớ tôi đã ớn thức ăn của Miên (cũng như của Lào và của Thái) tới tận ngón chân út luôn rồi!

Tuy hơi mất công (chút xíu) nhưng tôi buộc phải tìm cho ra thức ăn Việt Nam, bằng mọi cách và mọi giá. Trên đường Preah Sisovath, dọc bờ sông, tiệm Chiang Mai Riverside có món Vietnamese Sour Soup (bảo đảm là không dở) dù cả chủ nhân lẫn đầu bếp đều không phải là người Việt. Tuy còn hơi sớm, tôi vẫn gọi một tô canh chua cá (sao tui không ưa canh chua tôm nha) với lời căn dặn “cho nhiều rau ngổ, càng nhiều càng tốt.”  Thực đơn chiều tui cũng tính luôn rồi: cá rô kho tộ của Ngon Restaurant (trên đại lộ Sihanouk Boulevard) tiêu rắc lấm chấm như mè, cay suýt xoa, thơm đậm đà, và ngon thấm thía.

Sáng thì tôi có chuyện phải vô làng nổi Kampong Luong, nằm cuối Biển Hồ, thuộc tỉnh Pursat. Từ Phnom Penh đến đây chỉ cỡ chừng 150KM nhưng dám có tới cả trăm bức hình của Hun Sen: khi ngồi, lúc đứng. Xen giữa là những bảng hiệu của Cambodian People’s Party (Đảng Nhân Dân Cam Bốt) với ảnh phóng lớn của đảng phó, và đảng trưởng. Lại cũng chính là cái bản mặt của thằng chả luôn, chớ còn ai vô đó nữa!

Không thấy vua cha Norodom Sihanouk, hoàng hậu Norodom Monineath hay vua con Norodom Sihamoni đâu ráo trọi. Trên thế giới này – có lẽ – chưa bao giờ, và không nơi đâu, có một quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến nào khác mà hoàng gia lại mờ nhạt (và thủ tướng lộng hành) như thế cả.

Hồi đầu năm ngoái, ở những tỉnh lỵ heo hút – lâu lâu – tôi còn thấy lưa thưa vài tấm bảng trưng Cambodia National Rescue Party. Nay thì hết nhẵn, cái đảng này đã bị Hun Sen “giải thể” hồi tháng 11 năm ngoái. Tờ Cambodia Daily cũng vậy, cũng bị đánh (thuế) cho “sụp tiệm luôn rồi. Phnom Penh Post thì đã sang tay qua một ông chủ mới (nghe đâu) cũng là chỗ quen biết, và thân thiết, với Hun Sen.

Thiệt là quá đáng nhưng … chưa hết!

Tất cả 125 dân biểu quốc hội đều là người của Đảng Nhân Dân Cam Bốt, 58 trong số 62 thượng nghị sỹ cũng vậy, cũng đều nằm trong túi áo của Hun Sen ráo trọi. Còn chính Hun Sen thì đã chui gọn trong túi quần của Tập Cận Bình.

Photo: AFP/Tang Chhin Sothy

Coi như là tiêu tan một giấc mơ dân chủ.

Nguyễn Quốc Tấn Trung, bỉnh bút của tạp chí Luật Khoa, nhận xét:

“Nhiều người cho rằng, Cambodia đã đi trước Việt Nam một bậc về mặt dân chủ, rằng xã hội dân sự đã nở hoa, rằng quốc gia này sẽ là người tiên phong của vùng Đông Dương về tự do, dân chủ và sự phát triển kinh tế – kinh trị. Vài năm sau, chúng ta bắt đầu khóc than về một nền dân chủ kiệt sức và hấp hối.”

Tới bữa nay thì, cái “nền dân chủ” này đã chết (“ngắc”) rồi, tôi thầm nghĩ vậy khi đi tà tà ngang qua Court of Appeal Office of the Prosecutor General – nằm cạnh bờ sông Tonle Sap. Mới vài ba năm trước (chính xác là ngày 10 tháng 12 năm 2014, Ngày Quốc Tế Nhân Quyền) tôi chứng kiến cả chục ngàn người dân Cam Bốt – sau khi tuần hành – đã tụ tập nơi đây để đòi hỏi chính quyền phải phóng thích những tù nhân lương tâm của xứ sở họ.

Cũng chính tôi –  ngay chiều hôm đó – đã vui sướng viết bài tường thuật (“Dư Âm Của Một Ngày Lễ Lớn”) cho RFA, với những lời có cánh: “Ai mà dè cái xứ Chùa Tháp này lại đàng hoàng và văn minh dữ dội vậy, Trời?”

Ảnh: TNT (chụp ngày 10/12/2014)

Những ngày vui, cũng như niềm vui, thường ngắn. Riêng nỗi hân hoan vui mừng mà tôi dành cho nước Cambodia e hơi quá ngắn. Tôi cay đắng (nghĩ thêm) như thế, sau khi đọc xong bài báo (“Thái Lan Hành Trình Dân Chủ Gập Ghềnh”) của L.S Nguyễn Văn Thân.

Tuy gập ghềnh và với nhiều sóng gió nhưng nước Thái Lan vẫn kiên tâm đi tới. Còn Hun Sen thì dẫn đất nước Cambodia bước lùi, theo lộ trình chuyên chế, cùng với Trung Hoa Lục Địa của Tập Cận Bình.

Nguyễn Quốc Tấn Trung, tác giả bài báo “Nền Dân Chủ Cambodia Hấp Hối” còn viết thêm: “Bắt đầu những năm 2010, Trung Quốc trỗi dậy như một thế lực có tầm ảnh hưởng quốc tế, và Cambodia trở thành một trong những ‘chư hầu’ nhận viện trợ đều đặn từ Bắc Kinh. Giới lãnh đạo Cambodia dần được tháo bỏ xiềng xích phương Tây, và trở mặt.”

Đoạn văn thượng dẫn khiến tôi chợt nhớ đến bức thư của Thủ Tướng Sirik Matak, gửi đại sứ Hoa Kỳ John Gunther Dean, hồi cuối thế kỷ trước:

Nam Vang, ngày 16 tháng 4, năm 1975.

Thưa Quý Ngài và Ông Bạn,

Tôi thành thật cảm tạ ngài đã viết thư và còn đề nghị giúp tôi phương tiện đi tìm tự do. Than ôi! Tôi không thể bỏ đi một cách hèn hạ như vậy! Đối với Ngài và nhất là đối với xứ sở vĩ đại của Ngài, không bao giờ tôi lại có thể tin rằng quý vị đã nhẫn tâm bỏ rơi một dân tộc đã lựa chọn tự do. Quý vị từ chối bảo vệ chúng tôi và chúng tôi chẳng thể làm được gì hết. Ngài ra đi, tôi cầu chúc Ngài và xứ sở của Ngài được hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng xin Ngài nhớ cho rằng nếu tôi phải chết ngay đây và trên đất nước tôi yêu dấu thì tuy đó là điều đáng tiếc, nhưng tất cả chúng ta đều sinh ra và cũng sẽ chết vào một ngày nào đó. Tôi chỉ ân hận một điều là đã lỡ lầm đặt niềm tin quá lớn ở nơi quý vị, những người bạn Hoa Kỳ!

Thành tín,

Sirik Matak

Bằng vào kinh nghiệm máu xương của người tiền nhiệm thì Hun Sen có thể “trở mặt” với cứ phương nào (bất kể Đông/Tây) khi cần, nếu vì quyền lợi của đất nước Cambodia. Đương sự, tiếc thay, lại “trở mặt” ngay với chính đồng bào và dân tộc của mình, chỉ để bảo vệ cho tài sản của gia đình và phe nhóm. Đó mới là chuyện đáng buồn, và đáng nói: thằng khốn nạn!

6 BÌNH LUẬN

  1. Tháng 6 27, 2018: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nêu rõ trong một bản phúc trình mới rằng nhiều tướng lĩnh trong lực lượng an ninh, là trụ cột của chế độ ngày càng độc tài, độc đảng ở Campuchia, phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có tính hệ thống. Thủ tướng Hun Sen và đảng cầm quyền CPP (Đảng Nhân dân Campuchia) được hưởng lợi từ sự ủng hộ của các sĩ quan cao cấp trong quân đội, quân cảnh và cảnh sát để loại bỏ hữu hiệu tất cả các đối thủ chính trị và giải tán đảng đối lập lớn nhất.

    “Trong những năm qua, Hun Sen đã tạo dựng và phát triển được một dàn sĩ quan an ninh cốt cán để thực thi các mệnh lệnh của mình một cách tàn nhẫn và bạo liệt,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận xét rằng Hun Sen đã điều khiển chế độ hà khắc của mình bằng cách thăng chức cho người dưới quyền dựa trên lòng trung thành với ông ta chứ không phải với các định chế quân sự, quân cảnh và cảnh sát mà những người này đang phục vụ chính thức.

    Ông Lee Morgenbesser – một chuyên gia về các chế độ chuyên chế ở đông nam Á – nói thêm trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump không còn quan tâm đến những vi phạm nhân quyền ở những quốc gia như Campuchia hay Việt Nam như dưới thời của Tổng thống Barack Obama .

  2. Lạm phát tướng ! Bạo quyền Cộng sản Hà nội thả dàn phong tướng , phong chức cho nhau để kết bè gây cánh củng cố chế độ:

    Hiện thời có hơn 300 tướng công an- so sánh với thời chiến tranh Việt nam, ngoài bộ trưởng công an, chỉ có 3 tướng.

    Theo cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang thì vào ngày 30/4/1975, chỉ có 36 tướng. Hiện tại có đến 489 tướng. Đó là chưa nói đến số “thiếu tướng chìm” hay gọi nôm na là “đại tá nhô”, tức số sĩ quan cấp đại tá không được phong thiếu tướng nhưng lại được hưởng lương thiếu tướng! Con số này là bao nhiêu, hiện chưa có thống kê chính thức.

    Năm 1975 , có vào khoảng 1,2 triệu lính . Còn ngày nay , chỉ có khoảng hơn 400000 lính. Chỉ riêng trong 8 năm qua, đã có khoảng 232 sĩ quan cấp tướng được thụ phong – bao gồm 10 thượng tướng, 65 trung tướng và 157 thiếu tướng.

    Theo Tân Hoa Xã Trung quốc, tính đến tháng 7/2013 , Trung Quốc có cả thẩy 191 tướng trong quân đội.

    Việt nam có 18 bộ với 18 bộ trưởng, thế mà có đến 120 thứ trưởng, bộ Quốc Phòng có 10 thứ trưởng.

  3. Hunsen thằng khốn nạn. chính xác! Thế thì Trọng Lú là thằng gì ??Đây
    là sự thật để bà con so sánh. NĂm 2008(?) tôi có qua Úc thăm bà
    con ở Melburne,sau đó đi thăm Sydney.Khi đến phi trường Sydney,tôi ngở ngàng về việc tiễn đưa vơ chồng Hunsen về nước,sau khi đả thăm Úc.
    Cảnh sát và quan chức Úc dày đặt. Kiều dân Cam-bốt khá đông tề tựu chấp tay. Máy bay lên -xuống đều ngưng hẳn,chờ khi máy bay của Hunsen đi khỏi. Còn Trọng Lú sau khi thăm Cuba bay đến Brasil để có chuyến thăm cấp nhà nước.Nhưng máy bay bay nửa đường bị Brasil từ chối ,không tiếp. Thăm Mỹ thì đi cửa hậu. Đi đến đâu thì kiều dân Việt biểu tình phản đối đến đó ! Rỏ ràng , ngoài chữ “khốn nạn” mà Tưởng tiên
    sinh gán cho Hunsen,thì Trọng Lú phải thêm chữ “chó đẻ”,mới phải đạo ??

  4. Các “chính trị gia” Campuchia luôn luôn dựa vào Tàu để gây sức mạnh. Kinh nghiệm xương máu từ những năm 1960 của vua hèn Sihanouk không bao giờ được người Cam học hỏi, rút kinh nghiệm.
    Pol Pot cũng dựa vào Tàu để rồi giết 2 triệu dân Cam và rồi bản thân cũng chết thê lương trong rừng.
    Sau này các phe đối lập ở Cam như Sam Rainsy cũng quyết tâm bám giày Tàu, chống Việt Nam để gây thế lực chống Hun Sen. Cái ngu của Sam Rainsy là Hun Sen khôn ngoan, quỷ quyệt, cũng biết lên chiến lược tôn Tàu làm minh chủ. Như vậy rồi Sam tiêu tùng. Sau này đảng cứu nguy dân tộc Cam do Kem Sokha tiếp nối Sam cũng chống Việt thờ Tàu, rồi cũng bị Hunsen triệt tiêu.
    Luôn dựa vào 1 thế lực ngoại bang để tồn tại, không theo 1 nguyên tắc nào cả. Đó là điểm yếu chết người của người Cam.
    Sau này khi Tàu yếu thế thì Hun Sen làm sao tồn tại đây ?

    • Ngài Nguyễn Kim Nên đúng là người hiểu chuyện.
      Ngài là một vị Trưởng Thượng chính trị qua những nhận xét trong còm này!
      Xin cho em tung hô quan bác là đàn anh chính trị thứ thiệt!
      Em Tony trọng kính!

  5. Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá!
    Ví dụ:
    Trên đất Mỹ; Chống cụ Trump-Cộng Hòa, không sao! Chê cụ bà Hillary Clinton-Dân Chủ, cũng chảng có ngài FBI nào sờ gáy.
    Thế nhưng chửi CHẾ ĐỘ “Tư Bản Dân Quyền, Dân Túy” là bỏ mẹ!
    Trong nước:
    Chửi đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, chắc không đến nỗi! Tuy nhiên; chửi chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa hoặc đồng chí Chủ Tịch kiêm Tổng Bí Thư, Nguyễn Phú Trọng là bỏ bố!
    Sách có câu:
    Đi nước Lào ăn mắm ngóe.
    Chớ có lên mạng chơi dại.
    Kính qúi Còm Sĩ!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên