Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi.
Joshua Wong (Hoàng Chi Phong)
Tôi đi xe buýt – lần đầu – khi còn là một chú nhóc tì, không một đồng xu dính túi. Cứ nhẩy đại lên xe, rồi phóc ngay xuống trạm kế vì sợ lạc, và sợ bị người xét vé cú đầu. Nóng bức, chật chội, và hồi hộp… thấy bà luôn. Toàn là những cảm giác không thích thú gì nên tôi từ biệt luôn loại phương tiện di chuyển (thổ tả) này mãi cho đến tuần rồi.
Tuần rồi, đang đi lơ ngơ ở Hồng Kông thì chợt thấy cái xe buýt hai tầng (ngộ thiệt) nên tôi lại nổi máu trẻ con, nhào lên chơi thử. Xe chật nên tôi phải đứng nhưng không bao lâu thì có người lịch sự, chỉ vào cái ghế trống mà họ có ý nhường. Tôi lắp bắp nói cảm ơn nhưng không ngồi xuống vì không biết tại sao. Phải mất mươi, mười lăm giây (với đôi chút “ngỡ ngàng”) tôi mới chợt hiểu ra rằng mình đã trở thành một công dân lão hạng nên được đời dành cho chút … ưu tiên.
ƯU TIÊN CHO NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI TÀN TẬT!
Ủa, chớ tôi già hồi nào cà? Đâu mà lẹ dữ vậy hà? Chỉ cần khoảng cách thời gian giữa hai chuyến xe buýt (Sài Gòn – Hồng Công) là kể như xong một kiếp nhân sinh. Mấy chục năm qua một cái vèo, kiếp người ngắn ngủi và lảng xẹt rứa sao?
Không dưng mà thấy nhớ, và thương, ông già Tản Đà hết sức:
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế cũng ngần ấy thôi
Tất nhiên, không phải đối với ai thời gian cũng đều “lạnh lùng” trôi (cái vèo) như thế cả. Cũng không ít kẻ công thành danh toại, trải một cuộc sống thú vị, ý nghĩa, và đáng nhớ chớ nhưng tôi không thuộc vào cái số ít may mắn đó. Tôi phí phạm đời mình vào rất nhiều chuyện chả đâu vào đâu chỉ vì thường xuất hiện không đúng lúc, và không đúng chỗ, hoài à.
Tuần rồi cũng thế. Không quen biết ai, chả hẹn hò gì, cũng chẳng có dự tính chi mà chỉ vì Phnom Penh quá (mưa xối xả, mưa tầm tã, mưa dầm dề, và mưa thê thảm) nên tôi bay đại qua Hồng Kông cho nó đỡ cuồng chân. Xuống phi trường, ngó màn ảnh truyền hình mới biết là mình đến cùng ngày với Tập Cận Bình.
Ổng Chủ Tịch Nước Trung Hoa tới để dự lễ kỷ niệm Hai Mươi Năm Trao Trả Hồng Kông (Hong Kong Handover 20th Anniversary) vào ngày 1 tháng 7 năm 2017. Còn tôi, tự nhiên cái tôi vác xác đến Hương Cảng làm chi, vào cái thời điểm vô cùng lộn xộn này – hả Trời?
Thiệt là lôi thôi lớn và lôi thôi lắm, chớ không phải giỡn. Trực thăng vần vũ đầy trời. Cảnh sát xuất hiện khắp nơi. Một phần ba lực lượng an ninh Hồng Kông – nghĩa là gần mười ngàn nhân viên công lực – được huy động để bảo vệ an toàn cho Tập Cận Bình trong khi dân tràn xuống đường biểu tình hô hào đòi hỏi quyền tự quyết, phổ thông đầu phiếu, phóng thích nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba … Tất nhiên là đàn áp thẳng tay, và bắt bớ tùm lum. Cộng sản thì ở đâu mà chả vậy!
Thiệt là mất vui thấy rõ. Biết vậy, tôi thà cứ nằm lì ở Cambodia mà nghe mưa cho nó an lành. Họ Tập, rõ ràng, vô duyên thấy mẹ. Thiên hạ đã không ưa mình thì vác cái mặt (mẹt) tới đây làm chi, cho má nó khi, cha nội? Đã thế, còn bầy đặt nói chuyện văn hoa (cho chúng ghét) nữa: “Hong Kong has always been in my heart.”
Nghe thiệt muốn ứa gan, cứ y như cái giọng của “bác mình” hồi đó: “Miền Nam yêu qúi luôn ở trong trái tim tôi.” Tổ cha mấy cái thằng đĩ miệng!
Hổng ai biết trong trái tim của Tập Cận Bình có Hồng Kông (thiệt) hay không nhưng công luận đều rõ là trong quả tim của người dân ở đây thì không hề có ông lãnh tụ cộng sản nào ráo trọi, và họ cũng chả có chút xíu thiện cảm hay gắn bó gì với Trung Hoa Lục Địa:
- Reuter: Người trẻ Hong Kong muốn tất cả biết họ là người Hong Kong, không phải Trung Quốc
- Le Monde: Thất bại của một đất nước, hai chế độ
- Người Việt: Chúng tôi không muốn Tập Cận Bình, chúng tôi muốn Lưu Hiểu Ba.
- RFI: Hồng Kông trong bàn tay thép của Trung Quốc
- BBC: Đừng ảo tưởng rập đầu trước Trung Quốc
- RFA: Người Hong Kong xin hộ chiếu Anh quốc vì lo sợ tương lai
Sợ là phải!
Trước bá quan văn võ mà Tập Cận Bình vẫn dọa nạt thẳng thừng:
“Any attempt to endanger China’s sovereignty and security, challenge the power of the central government and the authority of the Basic Law, ‘or use Hong Kong to carry out infiltration and sabotage activities against the mainland is an act that crosses the red line, and is absolutely impermissible.” (“Mọi âm mưu làm phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia, thách thức chính quyền trung ương và Luật Căn Bản, hay dùng Hồng Kông để xâm nhập Hoa Lục và thực hiện những hoạt động phá hoại đều bị coi là hành vi vượt làn ranh đỏ, và tuyệt đối không được chấp nhận.”)
Họ Tập ăn nói ngạo ngược như vậy mà ngay sau đó chỉ có hơn sáu chục ngàn người dân xuống đường phản đối. Đây là con số người biểu tình thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay, theo ghi nhận của South China Morning Post.
Dân Hồng Kông bắt đầu có khuynh hướng xuôi xị và qui thuận rồi chăng?
Có thể như vậy lắm vì xét về “tương quan lực lượng” thì đây rõ ràng là tình cảnh trứng trọi đá mà. Những hình ảnh đẫm máu ở Thiên An Môn chắc chắn vẫn còn ghi đậm trong tâm trí nhiều người. Hơn nữa, không ít kẻ còn nghĩ rằng mình sẽ không còn sống đến tận năm 2047 (thời điểm chấm dứt cam kết chính sách “một quốc gia hai chế độ” giữa Hồng Kông và Trung Cộng) nên chả việc gì mà phải bận tâm.
Đây là số đông nhưng không phải là tất cả. Lớp trẻ Hồng Kông có cách suy nghĩ khác:
- Lester Shum: “Chúng tôi đấu tranh cho tương lai, cho một hệ thống dân chủ.”
- Joshua Wong: “Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi.”
Nhà báo Kent Ewing (Hong Kong Free Press) đặt câu hỏi: “Liệu Joshua Wong sẽ sống qua năm 2047 để chứng kiến dân chủ toàn diện ở Kồng Kông không?” (“Beyond 2047: Will Joshua Wong live to see full democracy in Hong Kong?”)
Hoàng Chí Phong sinh năm 1996. Tập Cận Bình sinh năm 1953. Đến năm 2047 thì Phong sẽ 50 tuổi, Bình 94 tuổi, và đảng cộng sản Trung Hoa 126 tuổi. Những con số này có thể dùng để trả lời cho câu hỏi thượng dẫn mà khỏi cần phải biện luận dài dòng.
Còn nếu “lỡ” đến thời điểm 2047 mà họa cộng sản vẫn tồn tại (ở bất cứ nơi đâu) thì hành tinh này không còn là một nơi đáng sống – đối với bất cứ ai – chứ chả riêng chi với người dân Trung Hoa, Việt Nam hay Bắc Hàn!