S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Cái quần & cái luật an ninh mạng

2
Ảnh: FB: Nguyễn Xoan

Tôi chẳng tin cái đảng ăn tàn phá hại này và bộ máy công an của nó sẽ bịt được miệng chúng tôi.

Phạm Đoan Trang

Ngày 6 tháng 12 năm 2018, trên trang nhà VOA xuất hiện một bài viết (“Chuyện Cái Quần”) thú vị của blogger Trân Văn. Câu chuyện đã được phổ biế́n khá rộng rãi nên chỉ xin ghi lại tóm tắt, đôi đoạn:

“Ông Nguyễn Quốc Hùng – chồng bà Dương Ngọc Ánh – đã thay mặt vợ xin lỗi thầy giáo Hồ Văn Khánh, giáo viên trường Trung học cơ sở (THCS) Trần Huỳnh, tại một buổi họp với đầy đủ các bên được cho là có liên quan … Sở dĩ ông Hùng phải thay mặt vợ đứng ra xin lỗi … vì bà Ánh – vợ ông Hùng nhận thức sai, hành xử không đúng đối với một… cái quần!

Ông Hùng và bà Ánh có một cô con gái đang là học sinh lớp 9 trường THCS Trần Huỳnh. Sau buổi học sáng 30 tháng 11, ái nữ của họ để quên một cái quần trong hộc bàn. Buổi chiều, học sinh nào đó đem cái quần bị bỏ quên ấy đặt lên bàn giáo viên. Khi thầy giáo Khánh vào lớp, nhìn thấy cái quần, không xác định được chủ, ông yêu cầu học sinh bỏ nó vào thùng rác.

Chiều hôm sau, ái nữ của ông Hùng, bà Ánh tìm thầy giáo Khánh để hỏi thăm về cái quần của cô. Nghe thầy giáo Khánh trả lời ông đã ra lệnh cho học sinh bảo nó vào thùng rác, cô lẳng lặng bỏ về… Chỉ một tiếng sau, ông Hùng gọi điện thoại cho thầy giáo Khánh, yêu cầu thầy giáo Khánh hạ một bậc hạnh kiểm của học sinh đã đem quần của con gái ông đặt lên bàn giáo viên và buộc cha mẹ học sinh đó… đền quần! Thầy giáo Khánh từ chối vừa vì yêu cầu đó thái quá, vừa vì chính ông là người yêu cầu học sinh đem quần của ái nữ ông Hùng, bà Ánh bỏ vào thùng rác.

Bởi thầy giáo Khánh không đáp ứng yêu cầu của mình, ông Hùng yêu cầu thầy giáo Khánh ra quán cà phê nói chuyện. Phải sinh hoạt với lớp mà mình làm chủ nhiệm, thầy giáo Khánh hẹn ông Hùng uống cà phê vào trưa 3 tháng 12… Trưa hôm ấy, ông Hùng không đến như đã hẹn, vợ ông thay chồng nói chuyện phải trái với thầy giáo Khánh. Sau cuộc nói chuyện, bà Ánh đưa lên trang facebook của mình một video clip ghi lại bốn phút trò chuyện với thầy giáo Khánh – người mà bà nhận định là… ‘thầy giáo biến chất’.

Ngay sau đó, người ta chuyển cho nhau xem clip ấy, mạng xã hội tiếng Việt sôi lên sùng sục nhưng thiên hạ không chỉ trích thầy giáo Khánh như bà Ánh… mong. Bà Ánh không dè chính bà trở thành tâm của trận bão mà mức độ cuồng nộ càng lúc càng lớn. Trong vòng chưa đầy một ngày, có tới 18.000 người vào trang facebook của bà Ánh chỉ trích bà vô giáo dục, thậm chí không ít người dọa sẽ trừng trị bà nếu bà không xin lỗi thầy giáo Khánh… Bà Ánh vội vàng rút clip xuống nhưng sự cuồng nộ không giảm.

Chi nhánh Bạc Liêu của Vinaphone (doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT) – chỗ mà bà Ánh tự giới thiệu trên facebook là nơi làm việc của mình – vội vàng thông báo: Nhân viên Dương Ngọc Ánh đã chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 20/10/2017 với Trung Tâm Kinh Doanh VNPT – Bạc Liêu theo quyết định số 178/QĐ –TTKD –BLU-THNS. Mọi vấn đề liên quan VNPT Vinaphone – Bạc Liêu không quản lý.

Ngoài việc kêu gọi nhau tẩy chay Vinaphone, người sử dụng mạng xã hội còn thông báo với nhau gốc gác của bà Ánh. Hóa ra bà Ánh không phải thường dân, bà là ái nữ của ông Dương Ngọc Ẩn, cựu Tỉnh ủy viên, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu – nhân vật vốn chẳng xa lạ gì với công chúng vì liên tục vi phạm pháp luật từ năm này đến năm khác nhưng vẫn ung dung tại vị cho đến ngày nghỉ hưu, hưởng nhàn.”

Thiệt là trật một ly mà đi chục dặm … Sự việc sẽ không đi quá xa như vậy nếu như đừng có internet. Mấy trang mạng xã hội (MXH) đã khiến cho đại gia đình ông Hùng, kể cả vị nhạc gia – cựu Tỉnh Ủy Viên, cựu Giám Đốc Sở Xây Dựng Bạc Liêu – phải một phen điêu đứng.

Họ là nạn nhân mới nhất (chứ không phải là duy nhất) của Thời Đại Thông Tin. Trước đây, ông Vương Bình Thạnh, Chủ Tịch Tỉnh An Giang, cũng đã có lần nói như mếu rằng: “Những ngày qua mình rất khổ sở vì trở thành tâm điểm của dư luận. Nhiều người còn cho rằng ông chỉ đạo xử nặng các cá nhân nói xấu mình trên Facebook vì mâu thuẫn với người trong cuộc.” Sau đó, theo Vnexpress: “An Giang xin lỗi cô giáo chê chủ tịch trên Facebook.”

Sau đó, vào ngày 5 tháng 10 năm 2017, ông Lê Tấn Thịnh (trưởng công an xã Quảng Điền, huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk) làm náo loạn một khu chợ chồm hổm bằng nhiều cú đá hung bạo vào thúng mẹt rau cải, tôm cá … của bạn hàng ở địa phương. Chỉ vài phút sau, màn biểu diễn quyền cước của ông Thịnh được cả nước “chiêm ngưỡng” và đương sự cũng “trở thành tâm điểm của dư luận” nên đã bầy tỏ sự ân hận bằng một câu xin lỗi (nghe) rất … dễ thương: “Tôi chưa lường trước sự việc.”

Tình trạng qúi vị lãnh tụ ở cấp trung ương cũng thế, cũng thảm hại không kém –  theo ghi nhận của tác giả Nguyễn Thanh Anh:

“Đơn cử như tháng 5/2016 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng thống Mỹ Obama cho cá ăn tại khu nhà sàn của Hồ Chủ Tịch. Hành động hất cả xô cám một cách thô lỗ xuống ao cá khiến cho vị Tổng thống Mỹ cũng phải tỏ ra hơi hốt hoảng được truyền thông ghi lại trọn vẹn và là đề tài đàm tiếu suốt một thời gian.

Cũng là bà Ngân khi chào đón đội tuyển U23 vào đầu năm nay (01/2018) cũng có những hành vi suồng sã như dúi đầu cầu thủ để vừa bắt tay vừa xoa đầu, hay vừa mới đây trong buổi lễ trao cúp vàng AFF cho đội tuyển bóng đá Việt Nam bà Ngân đã cố gắng kéo tấm bảng phần thưởng để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể ghé tay cầm vào nhưng thất bại. Những hành động đó đều được ghi hình và chia sẻ thông qua các phương tiện truyền thông (youtube) và mạng xã hội (facebook).

FB Nguyễn Đức Hiền nhận xét: “Ngày xưa, khi không có phê-tê-bốc hay bờ lốc bờ leo gì, tất cả bạn bè thời niên thiếu và đại học đều có chung một chí hướng: Phò bác, phò đảng !!! Kể từ khi có mạng XH thì nhận thức mỗi người bắt đầu khác đi.” Nói cách khác là vì “bờ lốc bờ leo” nên “bác” và “đảng” không còn cửa (độc quyền) múa gậy vườn hoang như “ngày xưa” nữa.

 

Top ten Câu nói ấn tượng 2018. FB: Trương Duy Nhất

FB Nguyễn Thọ cho biết thêm: “Người dân ở các nước XHCN đang mất dần thói quen nghe loa phường và đọc báo đảng. Họ bắt đầu cắm mặt vào màn hình tý hon cuả máy Smartphone để chat chit hàng giờ.” Chả những thế, tác giả Trần Đĩnh còn “đế” thêm: “Tao vui vì luôn nhìn thấy Đảng loạng choạng lùi, trước thằng … Thời Đại.”

Lùi là thấy mệt rồi. Loạng choạng lùi thì sắp té đến nơi. Bởi thế cần phải có Luật An Ninh Mạng để chống cho chế độ hiện hành, may ra, khỏi ngã – theo như lời xác nhận Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Cần Luật này để bảo vệ chế độ.”

Được bao lâu?

Thì được lúc nào hay lúc đó thôi, chớ hỏi khó như vậy sao (nghe) bất an và bất nhơn quá hà!

2 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả cuốn ”Chính Trị Bình Dân,” bà Phạm Đoan Trang : “Không kẻ độc tài nào có thể kiểm soát 100% đời sống của nhân dân, kể cả trong chế độ toàn trị như Việt Nam. Đơn giản là chúng không đủ nguồn lực, nhất là trong tình trạng kinh tế sa sút, ngân sách thâm hụt, lòng dân đổ vỡ ở Việt Nam hiện nay”.

  2. ( Trích) Internet đã chính thức mở cửa ở Việt Nam vào ngày 19/11/1997 . Năm 2000, chỉ có 0.2% người Việt có Internet, ngày nay, có hơn 50 triệu người dùng mạng Internet, chiếm 53% tổng dân số có thể truy cập mạng thường xuyên. Facebook và Youtube là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam với 51% người dùng Internet sử dụng hai mạng xã hội này.

    BBC 16 tháng 11 2017 -: Sau đúng 20 năm mở cửa cho Internet, cánh cửa tự do thông tin mạng vẫn đóng chặt ở Việt Nam, theo báo cáo của Freedom House. Freedom House – tổ chức đánh giá dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ – xếp hạng Việt Nam 76/100 trên mức thang tự do Internet.

    ( ” Tài hèn trí thiễn” mỗ tui tình cờ lại trùng tên với nhân vật Trần Văn của Blog VOA )

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên