Rodrigo Duterte – Ông là ai

2
Rodrigo Duterte, đeo kính bên phải, Phó thị trưởng Davao trong cuộc họp chống tội phạm 1987
Rodrigo Duterte, đeo kính bên phải, Phó thị trưởng Davao trong cuộc họp chống tội phạm 1987

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines ví mình như là Đấng Cứu Độ. Ông bảo: Đức Chúa Trời ban phép lạ để ông trở thành tổng thống của một quốc gia toàn dân Công giáo.

Thế nhưng, ông lại hiện lên như một trùm băng đảng. Ông ném tên buôn bạch phiến từ trực thăng xuống biển. Ông dí súng vào thái dương của một du khách, bắt phải ăn hết những mẩu thuốc lá của ông vừa hút. Ở đâu, ông cũng khuyến khích: Giết! Giết thoải mái không bận tâm đến đạo đức, tôn giáo hay luật pháp.

Ông coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế The Hayes. Ông bỏ ngỏ bãi cạn Scaborough, bắt tay với Trung Quốc để chống Mỹ. Ông chửi Obama: “Con của một con điếm!” Ông mắng Đức Giáo hoàng Francis trong lúc Ngài qua thăm Philippines: “Tên khốn kiếp! Cút mẹ mày về nước đi! Qua đây chỉ gây ra tắc đường!”

Tìm lại con đường đã đưa ông lên đỉnh quyền lực để chúng ta hiểu thêm về con người phức tạp này.

Thời trẻ
Rodrigo Duterte sinh 28/3/1945 tại Davao, một thành phố miền Nam Philippines nơi đã bị tàn phá khốc liệt bởi Thế chiến II. Ông là con trai lớn của vị quan tỉnh.

Em trai ông kể: Thời niên thiếu, Rodrigo giao du với đám du côn bụi đời, cao thủ võ lâm trong cuộc đánh lộn, rành rọt thứ ngôn ngữ băng đảng mà ông vẫn còn dùng cho đến hôm nay. Đến tuổi 15, ông luôn mang súng bên mình.

Tại trường trung học Ateneo de Davao, khi bị phạt, ông đã trả thù bằng cách phun thẳng một bình mực vào áo dòng trắng của vị linh mục giáo viên. Trốn học, đuổi học với ông là chuyện cơm bữa. Khi vận động tranh cử, ông tự hào khoe: Ông đã mất đến bảy năm mới xong ba năm trung học.

Chị gái Jocellyn Duterte kể: Ở tuổi 16, Rodrigo học lái máy bay. Ông đã để bánh xe máy bay quẹt vào mái nhà, rồi đâm gãy ngọn cây. Sau đó, ông bị tai nạn xe hơi, hôn mê ba ngày liền, tưởng không qua khỏi.

Ở tuổi 17, Rodrigo giết người trong cơn say. Ông kể: Ông đã đâm người, đâm mãi cho đến khi hắn chết hẳn mới thôi.

Mẹ nhường cho con

Cha ông đoán: Sớm muộn gì thì Rodrigo Duterte cũng gặp kiện tụng, phiền toái. Để đỡ tốn tiền thuê luật sư, Rodrigo nên học luật để biết cách bảo vệ mình. Học luật, nhưng ông không dùng luật, mà dùng súng để giải quyết vấn đề. Ông bắn trọng thương một sinh viên luật khi anh ta tố cáo ông bắt nạn người khác. Dẫu sao thì ông cũng tốt nghiệp luật và được bổ nhiệm làm thẩm phán.

Cuối thập kỷ 1980s, mẹ ông, bà Soledad Duterte, có thành tích phản đối chính sách độc tài và tham gia lật đổ Tổng thống Marcos. Tổng thống kế nhiệm Corazon Aquino ban cho bà chức phó thị trưởng Davao. Ở tuổi trên 70, bà không nhận, nhưng nhường lại cho con trai.

Rodrigo Duterte chính thức bước vào sự nghiệp chính trị ở tuổi 40. Hai năm sau, 1988, ông trở thành thị trưởng. Từ đó, ông chưa bao giờ nếm mùi thất bại trong mọi kỳ tranh cử.

Trung đội Tử thần Davao

Ông bước vào văn phòng thị trưởng. Davao là bãi chiến trường. Nhiều nhóm kháng chiến quân có võ trang hoạt động ngang nhiên. Bắt cóc, thủ tiêu, ám sát, hiếp dâm như cơm bữa. Ông dấn thân vào công cuộc lập lại trật tự cho thành phố.

Ông thành lập Trung đội Tử thần để quyét dọn tội phạm. Dư luận và Hội đồng Thành phố Davao không đồng ý, nhưng ông vẫn làm.

Tháng Chín vừa rồi, Edgar Matobato, 57 tuổi, trình bày với Hội đồng Thành phố: Ông là một trong các chiến sỹ của Trung đội, 24 năm, đã giết khoảng 50 người.

Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, ông kể: Trung đội này được thành lập vào năm 1988 tại Khách sạn Menseng, gồm vài cảnh sát, và sáu người khác vừa tuyển dụng. Họ ăn trưa, và được ông Duterte giao nhiệm vụ: Săn lùng tội phạm. Cứ việc giết. Chẳng cần bắt bớ, giam giữ, truy tố hay xét xử.

Viên sỹ quan quăng ra một bọc lớn. Mọi người thò tay vào, nắm lấy một thứ. Matobato kể: Thật may mắn, ông vớ được khẩu .45.

“Người chỉ huy Trung đội Tử thần duy nhất là Thị trưởng Duterte,” Matobato kể cho Tạp chí Times. “Khi Thị trưởng Duterte ra lệnh, chúng tôi thực hiện. Không có lệnh của Duterte, chúng tôi không giết ai.”
Ông Matobato nhớ lại vào năm 2007, Duterte đã tham gia trực tiếp vào vụ giết Vicente Amisola.

Trận đấu súng dữ dội nổ ra giữa Trung đội và Vicente Amisola. Khi Amisola hết đạn, Thị trưởng Duterte lao lên, tay ôm khẩu Uzi nã cho hết hai băng vào Amisola. Khi lục soát thi thể Amisola mới té ngửa ra ông là nhân viên của Cục Điều tra Quốc gia.

Sau này mới biết đó là sự hiểu lầm giữa hai lực lượng an ninh địa phương và quốc gia. Không ai bị truy tố, nhưng Vicente Amisola đã chết oan.

Tháng Hai vừa rồi, một cựu sỹ quan cảnh sát Arthur Lascanas, 56 tuổi, đã thú nhận ông là người của Trung đội Tử thần, đã ám sát 200 người. “Tất cả các nạn nhân đều bị giết tại Davao. Xác của họ hoặc chôn, hoặc vứt xuống biển, và được Thị trưởng Duterte thưởng tiền.

Khoảng 1,400 người đã bị giết bởi Trung đội Tử thần Davao mà trong đó có những người không hề bị nghi ngờ là tội phạm. Nhà báo Jun Pala bị bắn chết ở gần nhà vì đã viết bài phê bình gay gắt Thị trưởng Duterte. Ông Lascanas là người đã bắn Jun Pala kể: Ông nhận lệnh thủ tiêu nhà báo Jun Pala trực tiếp từ Thị trưởng.

Giản dị
Rodrigo Duterte đã 71 tuổi. Bước vào Phủ Tổng thống ngón năm trời, nhưng ông vẫn tưởng mình đang là Thị trưởng Davao. Ông thích về lại thành phố quê hương. Ông chẳng thiết tha gì với cái Cung điện Malacanang hào nhoáng và gó bó ở Manila.

Nơi tỉnh lẻ, tham nhũng lan tràn, công chức cấp tỉnh như những ông vua cát cứ một vùng. Nhưng, Rodrigo Duterte sống trong căn nhà nhỏ hai tầng, kiêm tốn, thiếu tiện nghi.

Bà hàng xóm Pomilda Daniel kể: Ông Duterte khen nhà bà có chiếc TV to đẹp quá. Khi nào bỏ, thì cho ông xin, đem sửa để dùng tạm.

Khi ông thăm Căn nhà Hy vọng – trung tâm điều trị ung thư cho trẻ em tại Davao – ông không thấy có TV. Ngay lập tức, ông bê tới chín bộ. Bác sỹ Mae Dolendo kể: “Duterte là người tình cảm. Chúng tôi đã có những tổng thống cư xử đúng mực, nhưng họ chẳng làm lên cơm cháo gì. Duterte không hoàn hảo. Ông ấy chửi thề, nói tục nhưng ông ấy làm được nhiều việc.

Hai vợ hai bồ
Rodrigo Duterte bước vào Phủ Tổng thống mà không có đệ nhất phu nhân. Tuy vậy, trong lúc tranh cử, hai người vợ cũ, hai cô bồ, và tám người con cùng xuất hiện, vận động tranh cử cho ông. Ông từng tuyên bố: Ông phải tặng thưởng cho công ty dược Pfizer đã bào chế ra thuốc cường dương Viagra.

Chị gái Jocellyn Duterte kể: Khi còn trẻ, Rodrigo nổi tiếng là máu gái. Hơn nữa, ông là con trai của quan tỉnh, nên đàn bà con gái cứ lăn xả vào.

Vào năm 1973, ông phải lòng cô Elizabeth Zimmerman, chiêu đãi viên hàng không. Hôn phối của họ kéo dài đến năm 2000.

Trong hồ sơ khám sức khỏe tâm thần trước hủy hôn của ông có ghi: Có dấu hiệu hoang tưởng. Trạng thái tâm thần không ổn định. Ngoại tình mãn tính. Đưa bồ tới trước mặt vợ trong tiệc chiêu đãi để thách đố.
Năm 1998, Duterte khám sức khỏe tâm thần chuẩn bị cho hôn lễ: Trong hồ sơ viết: “Rối loạn nhân cách thể hoang tưởng”, “có khuynh hướng coi thường, sỉ nhục người khác.”

Trong lúc đã kết hôn, ông Duterte gặp cô Cielito Avancena, trẻ hơn ông 25 tuổi, tại một hội thi sắc đẹp. Hai người liền sống với nhau, không hôn phối. Ông coi bà là người vợ thứ hai, có một con gái.

Duterte là hiện thân của những nghịch lý. Cạnh những hình ảnh vũ phu, ngổ ngáo, băng đảng, người ta cũng thấy ở ông lòng nhân từ, tốt với bạn bè, và rất quyến rũ phụ nữ.

Trong khi tranh cử, ông nổ: Ông từng có hai người vợ và hai cô bồ. Một cô tính tiền tại siêu thị. Cô kia đứng bán mỹ phẩm ngoài chợ. Tất cả, phải tự kiếm sống. Nếu có sự giúp đỡ tài chính từ ông thì đó là tiền riêng. Chưa bao giờ ông lấy một xu tiền công cho phụ nữ. Họ đều sống trong những căn hộ bình dân. Ông tuyên bố những công chức trong chính phủ của ông có thể mê gái, nhưng không có chỗ cho tham nhũng.

Chín tháng giết 7000 người
Khi còn làm thị trưởng Davao, ông rất nổi tiếng với hình ảnh thọc tay vào túi, moi ví, móc tiền cho những người ăn mày. Người ta cho rằng cách đùa giỡn, suồng sã, xô bồ của ông bộc lộ ra sự thành thật. Nên ông vẫn gặt hái được sự hâm mộ của rất nhiều người.

Nhưng xác chết cứ tăng lên mỗi ngày. Tháng Sáu 2016, Duterte nhậm chức. Ông tuyên chiến với bạch phiến. Cảnh sát và đội hành quyết được bí mật danh tính đã giết khoảng 7,000 người.

Chín tháng cầm quyền, ông đã vượt xa thành tích giết người của Tổng thống Ferdinand Marcos, giết 3,300 đấu thủ trong 20 năm.

Thượng nghị sỹ Antonio Trillanes kể lại: Năm 2015, ông đến gặp Rodrigo Duterte để thành lập liên minh chính trị. Ông Duterte không bàn chuyện gì, ngoài chuyện thanh toán nhau bằng súng bằng dao “phủ tạng lòi ra, não bắn tung toé, máu lênh láng, một phong cách bố già.”

Ông bị hai bệnh về thực quản và mạch máu. Ông rất ghét ai hỏi về bệnh tình của ông. Năm ngoái, một nhà báo xin ông cho coi giấy khám sức khỏe định kỳ. Giữa muôn vàn ống kính truyền hình, ông điên lên hỏi lại: “Còn cái âm đạo của con vợ mày thì sao?”

Tiêu diệt băng đảng bằng phong cách băng đảng đã làm cho những nạn nhân và gia đình của họ rất hả dạ. Nhưng đó nhất định không phải là phương pháp tối ưu của một chính phủ văn minh.

Thật khó để đưa ra một hình ảnh đúng về ông khi phải trộn lòng nhân ái với sự độc ác.

Có lần, ông ví mình với Hitler. Tháng Giêng vừa rồi ông tuyên bố: “Rồi, lịch sử sẽ ghi nhận tôi như một tên đồ tể.”

Calgary, Canada
Chủ Nhật Lễ Lá, 9 tháng Tư, 2017

Trần Gia Huấn

2 BÌNH LUẬN

  1. Ông Rodrigo Duterte nay đã đứng đầu một nước thì có thể nói là ông ta có chân mạng đế vương. Chân mạng đế vương của Trung Hoa thời xưa có Lưu Bang dựng nên nhà Hán, có Triệu Khuôn Dẫn dựng nên nhà Tống, có Chu Nguyên Chương dựng nên nhà Minh. Những ông vua này là người từng xông pha chiến trận thì ông ta cũng không nho nhã và văn minh hơn ông Duterte bao nhiêu. Lưu Bang thì chẳng học hành giỏi giang gì. Đánh nhau với Hạng Vũ được Trương Lương giúp kế dùng đủ mọi loại mưu chước lừa dối Hạng Vũ. Khi Lưu Bang già, nhường ngôi cho con, có ba ông già có tiếng tăm đạo đức ra giúp con của Lưu Bang. Lưu Bang hỏi sao lúc trước Lưu Bang mời mà ba ông không ra giúp, nay lại ra giúp con Lưu Bang. Ba ông này nói: vì bệ hạ hay chửi tục chúng tôi không chịu được nhục nên chúng tôi không thể phục vụ bệ hạ được, nay thái tử đối xử với tôi tử tế nên chúng tôi ra giúp. Thế thì ông Duterte cũng chẳng tệ hơn Lưu Bang đâu. Chẳng qua mấy nhà Nho muốn đánh bóng cho Lưu Bang nên mới kể Lưu Bang là người nhân đức, thương dân này nọ. Chu Nguyên Chương thì được mô tả là mặt xấu như mặt heo. Không lo đánh quân Mông Cổ mà đợi chỉ lo đánh các phe Hán khác để giành quyền lên làm vua. Thời xưa người Trung Hoa nói vua là người được trời cho xuống để làm vua. Nói theo nghĩa thực tế thì vua là người được trời cho các đức tính như mưu mô, thủ đoạn, dám làm, giỏi lôi kéo người để mà thắng trong cuộc tranh giành quyền lực đầy bạo lực và gian trá. Không phải là người nhờ nhân từ, đạo đức, yêu dân mà thắng. Ông Duterte này có các đức tính đó, chỉ tiếc là ông ta sinh ra trong thời bình và trong thời đại dân chủ.

    • CHÂN MẠNG ĐẾ VƯƠNG

      Được vua thua giặc ở đời mà
      Hễ thắng thì lên chủ sơn hà
      Còn thua bị xử coi là giặc
      Thiên hạ nhào vô bôi bát ra

      Thế thì đâu chân mạng Đế vương
      Chỉ khi sự nghiệp đã tỏ tường
      Ích quốc lợi dân người thán phục
      Nếu không cũng chỉ có tầm ruồng

      Đó là thuở phong kiến đời xưa
      Thắng lợi nhiều khi bởi lọc lừa
      Ngôn chính mới nên thành danh thuận
      Còn mà bá đạo chỉ mu rùa

      Nhưng trong thời hiện đại ngày nay
      Danh tiếng nhiều khi bởi tuyên truyền
      Thành đạt chẳng qua nhờ dân tối
      Khiến đời thành lắm chuyện kinh thiên

      TẾU NGÀN
      (15/4/17)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên