Một sự kiện mang tính căn bản liên quan đến quan hệ Đức-Việt, mà có lẽ phần lớn người Việt không biết và cũng không để ý tới, là cả ba dân biểu Martin Patzelt, Marie-Luise Dött und Frank Schwabe đều được tái cử trong lần bầu Quốc hội Liên Bang Đức vừa qua, một cuộc bầu cử không những đánh dấu thay đổi chính trị lớn tại Đức sau chiến tranh mà còn được cho là có ý nghĩa quyết định số phận của Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai.
Ông M.Patzel và bà M.L.Dött ( đảng CDU /Dân chủ Cơ đốc) cũng như ông F.Schwabe (đảng SPD/ Dân chủ Xã hội) là những thành viên của Ủy ban Nhân quyền và Nhân đạo tại Quốc hội Liên bang Đức và là những người bảo trợ trong khuôn khổ chương trình “Dân biểu bảo vệ dân biểu” cho những nhà bảo vệ nhân quyền VN đang bị ức chế, tù tội: Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, LS Nguyễn Văn Đài, và Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Sau màn bắt cóc giật gân tại thủ đô Berlin.
Màn bắt cóc công dân VN Trịnh Xuân Thanh tại thủ đô Berlin của Cộng Hoà Liên Bang Đức (CHLBĐ) mà chính phủ Đức chính thức tuyên bố trong nhiều buổi họp báo là có bằng chứng chắc chắn về sự kiện và thủ phạm, đã đưa đến việc trục xuất tiếp nối hai nhân viên toà đại sứ VN, đẩy nhà cầm quyền VN vào tình trạng câm lặng trước công chúng, không dám nhúc nhích phản đối, dù bằng hành động hay lời nói. Cao điểm cho tới nay đối với đôi bên là việc Đức đơn phương tuyên bố tạm đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam với lý do VN chưa xin lỗi, chưa chấp nhận điều kiện giải quyết vụ việc và chưa cam kết không tái phạm.
Tuyên bố vừa ra, Bộ Ngoại Giao và Toà Đại sứ Đức vừa đăng trên mạng chính thức của họ, thì các tờ báo VN “lề phải” từ hai tháng nay không hề đăng tin liên quan đến vụ bắt cóc, nói chi đến đối tác chiến lược bị Đức đình chỉ, bỗng đồng loạt đăng tin và chụp hình những gặp gỡ giữa những quan chức Việt Nam với những nhân viên cao cấp của toà đại sứ Đức tại VN, và loan truyền những lời đôi bên hứa hẹn nồng nhiệt sẽ hợp tác với nhau, điều không hề được các trang mạng chính thức Đức nói trên nhắc tới, sau tin đình chỉ đối tác.
Những thông tin chính thức nào cho biết tình hình thật hiện nay?
Từ phía nhà cầm quyền VN hoàn toàn không có một thông tin chính thức nào.
Từ phía Đức có những lời tuyên bố của ngoại trưởng Sigmar Gabriel, những cuộc họp báo, những thông cáo báo chí và một số hành động cụ thể: bắt và nhờ sự trợ giúp của nước láng giềng bắt những công dân VN liên quan đến vụ bắt cóc (tội hình sự) , trục xuất nhân viên cao cấp của toà đại sứ VN ( vì có bằng chứng họ liên quan tới tội hình sự) và thông báo chính thức tạm dừng đối tác (một bước nghiêm trọng trong quan hệ ngoại giao tuy không có nghĩa là cắt đứt quan hệ giữa hai quốc gia).
Do đó, để có thể đóan biết tình hình chính xác hiện nay và chiều hướng tiến triển của quan hệ Đức-Việt, chỉ có thể dựa vào một số dữ kiện từ phía Đức, vì nhất là Đức là phía buộc tội, và cũng vì tình thế đặc biệt thay đổi chính phủ của Đức trong giai đoạn hiện tại.
Khó khăn: ký kết với nhà cầm quyền, nhưng hợp tác là với dân.
Khi tin phạm pháp trầm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam trên lãnh thổ CHLBĐ vừa nổ ra vào cuối tháng bảy, thì sự quan tâm của phía Đức rõ ràng vẫn là số phận của người dân Việt.
Bên cạnh những câu hỏi của người dân Đức đặt ra trên trang mạng của Bộ Ngoại giao, lưu ý chính phủ tránh để vụ việc cuối cùng lại gây tổn hại cho dân nghèo tại Việt Nam, hai vị dân biểu phát ngôn viên của hai đảng lớn CDU/CSU và SPD cũng đã lên tiếng đề nghị những biện pháp cứng rắn : dân biểu Burkhard Lischka, người phát ngôn về chính sách nội địa của đảng SPD phát biểu: “Theo tôi, cần phải tiếp tục trục xuất các nhân viên tình báo Việt Nam đã bị xác định (có liên quan tới vụ bắt cóc) và đóng băng các ngân quỹ liên quan đến một số dự án trong khuôn khổ hợp tác phát triển. Người phát ngôn về chính sách đối ngoại của liên đảng CDU/CSU, dân biểu Jürgen Hardt (CDU), chủ trương tìm sự đồng tình của Âu Châu (EU) để cùng tỏ thái độ và tiếp tục tiến hành trục xuất cũng như có một số biện pháp trừng phạt không nhắm vào người dân.
Cả hai vị dân biểu này cũng đều tái cử vào quốc hội mới.
Phiên họp báo chính phủ ngày 22/09/2017, hai ngày trước cuộc bầu cử quốc hội Đức, cho thấy một số điểm quan trọng căn bản:
1/ Ông Steffen Seibert, phát ngôn viên chính phủ, đã nhắc đến điều 39, khoản 2 của hiến pháp CHLBĐ, ghi rõ nhiệm kỳ của thủ tướng nước và các bộ trưởng liên bang sẽ chính thức chấm dứt ngày quốc hội (mới được bầu) nhóm họp lần thứ nhất, đã được qui định vào ngày 26/10/2017. Tuy nhiên ngay sau đó tổng thống Đức sẽ có thủ tục mời thủ tướng và tất cả các các bộ trưởng tiếp tục gánh vác công việc cũ cho đến ngày chuyển giao cho những người kế nhiệm: sẽ không có gián đoạn trong sự điều hành việc nước.
2/ Ông Breul, phát ngôn viên bộ ngoại giao, xác nhận chính phủ Đức có nhận thư trả lời của phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao Phạm Bình Minh với lập luận ông TXThanh tự ý về nước đầu thú. Ông Breul không nêu rõ những chi tiết trong thư mà chỉ cho biết chính phủ Đức, sau khi họp nội bộ, quyết định “không thể chấp nhận” và phải tỏ thái độ quyết liệt hơn. Kết qủa cho thấy những biện pháp hai vị dân biểu B. Lischka và J. Hardt đề nghị đã được thi hành: tiếp tục trục xuất nhân viên toà đại sứ Việt Nam và tạm dừng đối tác chiến lược, và cũng cho thấy sự đồng thuận giữa chính phủ và các dân biểu Đức trong cách ứng xử với sự vi phạm pháp luật Đức và quốc tế của nhà cầm quyền Việt Nam
Đáp lại câu hỏi của một nhà báo, ông Breul nhấn mạnh, chính phủ Đức rất tiếc phải có biện pháp cứng rắn, rất mong muốn nhà cầm quyền VN nhận lỗi, đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của Đức, chấp nhận điều kiện giải quyết vụ việc cũng như cam kết không tái phạm, để tránh việc phía Đức phải tiếp tục trục xuất thêm nhân viên toà đại sứ VN đưa đến tình trạng toà đại sứ nghiễm nhiên (de facto) phải ngưng hoạt động vì không còn nhân viên. Nhưng đây là một sự phạm pháp nặng nề, ông Breul nói tiếp, ông Seibert cũng như tôi xin nói rõ, sự phạm pháp này sẽ không thể cố tình được lờ đi trong im lặng. Chúng tôi sẽ không bỏ qua.
Để tô đậm tình hình vụ việc không thể được vùi trong quên lãng, trong bản thông cáo báo chí mới nhất ngày 22/9/2017 , bộ ngoại giao Đức cũng đã nhắc lại vụ phạm pháp đang nằm trong vòng điều tra của Viện Công tố Liên bang từ ngày 10/08/2017 vì nghi vấn hoạt động gián điệp nước ngoài (điều 99 Luật Hình sự) và tước đoạt tự do của con người (điều 239 Luật Hình sự).
Cần biết vị thế pháp lý của Tổng công tố viên tại Toà án Tư pháp Liên bang được ghi rõ trên mạng chính thức của Viện Công tố Liên Bang: Các cuộc điều tra của Tổng công tố viên tại Toà án Tư pháp liên bang có thể ảnh hưởng đến các mối quan tâm quan trọng về an ninh nội bộ của Cộng hoà Liên bang Đức và có tác động lâu dài trên quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác
Đường lối hành xử của CHLBĐ liệu có thay đổi với quốc hội và chính phủ mới?
Không ai có thể biết trong thời điểm này vì chính phủ mới chưa thành lập.
Tuy nhiên thành phần quốc hội mới cũng như người đứng đầu chính phủ mới thì đã rõ.
Nữ thủ tướng Merkel, đứng đầu chính phủ cũ và tiếp tục đứng đầu chính phủ mới, là người đã ký “Công bố Hà Nội” (Hanoier Erklärung) ngày 11/10/2011 với Việt Nam (lúc đó đại diện bởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) gồm 5 khoản, tổng cộng 30 điều mô tả những hợp tác giữa hai nước (đối tác chiến lược) nhằm tăng cường kinh tế, thương mại và đầu tư, nhưng tiên quyết phải là các điều kiện pháp lý bảo đảm an toàn.
Mới vừa qua, ngày 20/09/2017, trong buổi tiếp tân mừng năm mới của người Đức gốc Do Thái , bà Merkel đã một lần nữa nhắc lại điều mà suốt 12 năm qua bà luôn khẳng định:
Tự do tín ngưỡng là nền tảng của dân chủ.
Những thành tựu như hòa bình và thịnh vượng là kết quả của các quá trình dài dựa trên tự do, nhân quyền, pháp quyền và dân chủ.
Không khó để đoán biết với bà Merkel vấn đề pháp lý luôn luôn sẽ phải là then chốt.
Sau cuộc bầu cử quốc hội Đức 2017, khóa 19, mặc dù bị mất phiếu trầm trọng, hai chánh đảng lớn trúng cử vẫn là liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc -Liên minh Xã hội Cơ đốc (CDU/CSU) và đảng Xã hội Dân chủ. Ngoài ra còn có 3 đảng nhỏ cũng có đại biểu trong quốc hội, đó là đảng cực hữu AfD, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh (Grüne)
Hiện nay, đảng về nhì SPD tuyên bố từ chối không liên hiệp với Liên minh CDU/CSU thành lập chính phủ, nên chính quyền tương lai của thủ tướng Merkel sẽ phải là liên hiệp giữa CDU/CSU, với hai đảng nhỏ FDP và Grüne để đạt đa số. Do đó, với liên minh cầm quyền mới, có sự chờ đợi là sẽ có nhiều thay đổi về chính sách, và cũng sẽ có những biến chuyển trong quan hệ Đức-Việt?
Một điều đồng thuận chắc chắn giữa ba đảng là chỗ đứng của nhân quyền.
Giống như liên đảng CDU-CSU, hai đảng FDP/ Dân chủ tự do và đảng Grüne/ Đảng Xanh đều đặt vấn đề bảo vệ nhân quyền lên hàng đầu trong chương trình của họ.
Theo đảng FDP, một trong những phương cách quan trọng nhất để góp phần bảo vệ nhân quyền là công nhận tính hợp pháp của những hoạt động của các nhà tranh đấu nhân quyền cũng như của các tổ chức nhân quyền. Cần có sự bảo vệ cụ thể khi các nhà hoạt động nhân quyền bị quấy rối, đe dọa, truy tố, bỏ tù, lạm dụng hoặc bị tra tấn.
đối xử với các nhà bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự ở mỗi nơi phải là một nhân tố quan trọng trong các cuộc đàm phán của chính phủ và hình thành quan hệ song phương với các nước khác.
Dù chưa thể đoán biết quan hệ Đức-Việt sẽ tiến triển theo chiều hướng nào, khó có thể tưởng tượng một vấn đề phạm pháp, bắt cóc người, vi phạm chủ quyền của CHLBĐ, có thể đựơc pháp luật và quốc hội Đức bỏ qua. Gần như tất cả những vị dân biểu, những vị bộ trưởng trong chính quyền cũ ( tại chức cho tới khi có người kế nhiệm) có liên quan chặt chẽ với những vấn đề Việt Nam, đều tái cử dân biểu trong quốc hội mới: Bộ trưởng bộ ngoại giao Sigmar Gabriel (SPD), bộ trưởng bộ tư pháp Heiko Maas (SPD), Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere (CDU), dân biểu Frank Heinrich (CDU/từng đỡ đầu và vào nhà tù thăm Đỗ thị Minh Hạnh), dân biểu Dr. Bernd Fabritius (CDU/vừa thăm gặp ông Trương Minh Đức tại VN tháng tư vửa qua), cũng như những vị dân biểu đã được nhắc tên trong phần trên của bài.
Trong khi chờ đợi một chính phủ mới của CHLBĐ hình thành, toà đại sứ Đức tại Việt Nam với chức năng đại diện vẫn phải thi hành đúng theo những quyết định của bô ̣ngoại giao.
Quyết định mới nhất là một quyết định đơn phương của Đức, đình chỉ Hiệp định (Đức-Việt) miễn visa cho tất cả những người mang hộ chiếu ngoại giao.
Thục Quyên