Phục Sinh -Truyện tình bi thảm của Léon Tolstoi [1]

4
Lev Tolstoi

Tưởng nhớ ngày sinh lần thứ 191 nhà Văn hào Leon Tolstoi

Leon Tolstoi sinh 9-9-1828 theo lịch Nga cũ, tức 28-8 lịch mới, ông là nhà văn hào được coi như một trong những tác giả lớn nhất mọi thời đại…

Léon Tolstoi sinh 1828 tại Yasnaya Polyana, mất 1910, tác phẩm tiêu biểu gồm có : Chiến Tranh Và Hoà Bình viết trong khoảng 1863-1869, Anna Karénine viết 1875-1877 và Phục Sinh (Résurrection) viết 1889-1899. Ông được coi như một trong những nhà văn hào lớn nhất của nền văn chương Nga cũng như trên thế giới. Hai tiểu thuyết vĩ đại của ông Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karénine đã được coi là hai cuốn sách best seller trên thế giới. Ðối với người Việt mình , ông là một tác giả rất quen thuộc, trước 1975, tại cả hai miền Nam Bắc, tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt và được nhiều người ngưỡng mộ, họ cho rằng tư tưởng của ông gần với Ðông phương, có thể tại nước Nga nằm một nửa về phía Âu và một nửa về phía Á. Ðộc giả thấy ở như ông hình ảnh một nhà hiền triết Ðông phương, tư tưởng của ông gần với chữ từ của nhà Phật, chữ nhân của Khổng giáo cũng như tình thương của thánh Ghandi.

Phục Sinh là cuốn tiểu thuyết lớn sau cùng của ông, viết sau Anna Karénine hơn 20 năm, dầy khoảng trên 500 trang khổ chữ nhỏ, dài bằng một phần ba Chiến Tranh Và Hoà Bình, hoặc già nửa Anna Karénine. Hồi mới hoàn thành năm 1890, cuốn tiểu thuyết thứ ba này của Tolstoi đã được đón nhận nồng nhiệt tại Nga cũng như tại các nước Âu Mỹ nhưng nay nó là tác phẩm ít được biết tới so với hai cuốn tiểu thuyết vĩ đại kia. Cuốn tiểu thuyết lớn sau cùng của ông cũng cho ta thấy Tolstoi theo xã hội chủ nghĩa, là một nhà cách mạng tư tưởng. Ðể nghiên cứu tác phẩm chúng tôi dùng bản dịch tiếng Pháp truyện Résurrection của Édouard Beaux, có tham chiếu thêm bản tiếng Anh của Louise Maude do nhà xuất bản ngoại văn Mạc Tư Khoa ấn hành. Chúng tôi xin chia bài viết về tác phẩm này thành 7 phần cho tiện việc trình bầy:

1- Sự hình thành của tác phẩm
2- Khía cạnh văn chương
3- Nền tư pháp và Giáo Hội
4- Xã hội
5- Cách mạng
6- Ðiện ảnh
7- Kết luận.

1- Sự hình thành của tác phẩm- Dựa theo phần nhập đề trong bản dịch tiếng Pháp, dịch giả Edouard Beaux cho biết A. F. Kony, biện lý một toà án địa phương thuộc kinh thành Saint-Petersbourg có tiếp một chàng tuổi trẻ đến khiếu nại ông về việc người ta từ chối không chuyển một bức thư của anh ta gửi cho người nữ tù tên Rosalie Ony.

Kony cho điều tra sự việc được biết Rosalie, con gái một người tá điền, cha mất, bà chủ đất bèn đem về nuôi làm người ở. Lên 16 tuổi, nàng bị cậu ấm con bà chủ dụ dỗ cho đến khi mang bầu thì bị đuổi đi. Chẳng bao lâu nàng trở thành gái giang hồ mạt hạng, can tôi trộm một trăm bạc của khách và bị truy tố ra toà. Trong số các vị phụ thẩm lại có cả anh chàng sở khanh, người đã phá hoại cuộc đời cô gái và đẩy cô vào bước đường cùng. Chàng nhận ra cô nàng , rất bối rối, vô cùng ân hận nên đã xin kết hôn với nàng để chuộc lại tội lỗi xưa, nhưng việc chưa thành thì cô nàng đã bỏ mình trong ngục vì bệnh đậu lào chấy rận. (Theo Simmons, Introduction to Tolstoi’s writings, Koni cho biết hai người đã kết hôn, nhưng sau khi mãn tù một thời gian ngắn thì cô ta chết vì bệnh đâu lào).

Bi kịch này là nguồn gốc của truyện Phục Sinh, Résurrectiom. Mùa thu 1887, Kony đã kể lại câu chuyện thương tâm ấy cho Tolstoi khi ông ghé Poliana, nhà văn hào yên lặng nghe và xúc động, hôm sau ông đề nghị Kony đưa câu chuyện đầy nước mắt của nàng Rosalie đăng lên báo. Tolstoi không nghĩ rằng ông khai thác đề tài này. Mùa đông trôi qua, tới mùa xuân 1888 Kony vẫn chưa viết chuyện này, theo lời yêu cầu của Tolstoi, Kony vui vẻ nhường lại đề tài cho bạn. Nhưng trong suốt một năm rưỡi trời, nhà văn hào vẫn chưa đả động gì tới chuyện này cho tới tháng 12 năm 1889, khi viết xong truyện ngắn “Bản nhạc cho Kreutzer”, vào ngày 26 tháng 12 ông đã bắt đầu viết những dòng đầu tiên cho cuốn tiểu thuyết mà ông đặt tên là “Koneva”, và mười năm sau sẽ thành Résurrection. Dàn bài cho phần thứ nhất được viết ngày 11 -2 1890, nói chung nó đã bao hàm được những đoạn chính của tác phẩm.

Việc biên soạn tiếp tục cho tới tháng 6-1890 nhưng thất thường và rồi bỗng nhiên ngưng lại một nửa năm. Tới tháng 12 ông lại tiếp tục viết, ngày 15 ông ghi trong nhật ký đã viết lại từ đầu, viết rất đam mê. Ông đã chọn tên cho tác phẩm và dự tính đây sẽ là một tác phẩm lớn chứa đựng tổng hợp những niềm tin của mình rồi lại ngưng viết và không nói gì tới nó nữa.

Nhưng 1895 là năm quyết định cho tương lai của tác phẩm, tháng tư năm ấy nhờ có một người bạn tên Davydoff làm biện lý toà án tại Toula giúp nên ông đã đi thăm các nhà tù, trại tạm giam, phỏng vấn tù nhân, ghi chép sự kiện, ông cũng đã đi quan sát chặng đường chở tù từ kinh thành Saint Petersbourg tới Tây Bá Lợi Á để lấy dữ kiện viết cho sống động hơn. Tolstoi cũng nghiên cưú nhiều sách báo, chỉ riêng vấn đề mãi dâm ông đã đọc sáu cuốn sách, ông nghiên cứu thủ tục toà án, tư pháp, tham dự các phiên xử… Khi đã đầy đủ dữ kiện rồi ông mới bắt tay viết. Truyện do Kony kể là cảm hứng đầu tiên cho ông sáng tác, chính trong cuộc đời Tolstoi, ông cũng đã dụ dỗ một cô hầu tại nhà bà thím về sau cô ấy bị đuổi đi biệt tăm biệt tích. Tháng năm ông lại bắt đầu viết Résurrection và rồi ngày 1 tháng bẩy bản nháp đã xong, tháng tám ông đọc cho bạn bè nghe. Nhưng tác phẩm không dài lắm, nó chỉ được vài trăm trang . Tháng chín ông lại thất vọng, ngã lòng. Ông ghi trong nhật ký ngày 24 như sau
“Tôi đã cầm bút trở lại viết Résurrection nhưng tôi cho là dở, trọng tâm của tác phẩm chưa đặt đúng chỗ, vấn đề điền sản làm cho truyện mất hay nhiều. Chắc tôi bỏ cuốn này. Nếu phải viết tôi sẽ viết lại từ đầu”

Suốt năm 1896, không thấy ông đá động gì tới cuốn truyện đang viết dở. Ngày 5 tháng giêng năm 1897, Tolstoi ghi trong nhật ký ông đã đọc lại bản thảo đã viết dở rồi chán nản bỏ xó. Nhưng tháng 6 -1898 ông lại cầm bút viết tiếp và lần này viết miệt mài không nghỉ. Tác phẩm chưa chắc đã được hoàn tất nếu không có một biến cố tự nhiên sẩy đến: Chính phủ ngược đãi giáo phái Dukhobors, đạo Thiên Chúa giáo cộng sản, họ có tư tưởng gần giống với triết thuyết của Tolstoi, họ từ chối vào lính. Tolstoi và các đệ tử của ông bèn mở các cuộc lạc quyên để giúp những người bị ngược đãi này. Chính phủ Nga muốn trục xuất họ, trong khi ấy chính phủ Gia Nã Ðại chịu nhận 12 ngàn người. Vấn đề khó khăn là phải có tiền chuyên chở và định cư họ tại Canada, Tolstoi đi gây quĩ rồi quyết bán bản quyền một cuốn tiểu thuyết , từ đó ông nghĩ đến việc viết một cuốn tiểu thuyết lớn để lấy tiền giúp họ.

Thế là Phục Sinh, Résurrection lại được Tolstoi cầm bút biên soạn, sửa chữa. Tolstoi là nhà cải cách tôn giáo, nhà hiền triết, đạo đức đã được các nước Âu Mỹ ngưỡng một từ trước nên cuốn tiểu thuyết sau cùng này của ông cũng đã được chú ý rất nhiều. Năm 1899 nhà văn hào ra sức viết để sớm hoàn tất tác phẩm, truyện đã được đăng báo, họ đánh điện thúc dục ông viết…Tác giả đóng cửa viết suốt ngày, ông không tiếp khách, sửa chữa bản thảo, cho người nhà chép lại rồi lại có người dịch ra ngoại ngữ để đưa ra ngoại quốc in. Trong khi truyện được đăng báo tại Nga, nó cũng đã được dịch ra đăng trên các báo tại Pháp, Anh, Ðức, Mỹ. Tolstoi bán bản quyền tại Nga và cũng bán cho cả các nhà xuất bản ngoại quốc để lấy tiền giúp giáo phái Dukhobors di dân sang Gia Nã Ðại. Truyện cũng đã được in lậu tại Nga và tại ngoại quốc, năm 1900 riêng tại Ðức có 12 bản dịch khác nhau , tại Pháp có 15 ấn bản chính thức cũng như in lậu trong năm 1899 và 1900. Résurrection khi xuất bản tại Nga đã thể hiện sự vượt trội của nghệ thuật, tác phẩm đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt.Tại Anh Mỹ truyện bán chạy hơn tất cả những tác phẩm trước của Tolstoi. Phe bảo thủ chỉ trích tác giả coi thường tư pháp, xúc phạm Giáo Hội Nga nhưng phe cấp tiến ca ngợi ông can đảm dám nói lên những cái xấu của nước Nga. Kiểm duyệt đã cắt bỏ nhiều câu, nhiều chữ, dòng … của tác phẩm, các nhà xuất bản cũng đã tự ý sửa chữa câu văn của ông để tránh bị kiểm duyệt, tháng 12 chấm dứt viết, ông ghi trong hồi ký.

“Ðã viết xong Phục Sinh. Dở, chưa hoàn chỉnh, viết vội. Nhưng nó đã thoát ly khỏi tôi, không còn làm tôi quan tâm nữa “(Terminé Résurrection .Mauvais , mal corrigé, hâtif, mais le roman s’est détaché de moi et ne m’intéresse plus).

Các nhân vật trong truyện này mang nhiều cá tính của Tolstoi, của bạn hữu và thân nhân ông. Người ta thu thập, nghiên cứu, đối chiếu các bản thảo và bản in thử còn sót lại để khôi phục lại bản Résurrection nguyên vẹn không bị kiểm duyệt, cho tới 1935 ( có sách nói 1936) mới hoàn tất bản nguyên vẹn.

2- Khía cạnh văn chương – Khác với các cuốn tiểu thuyết trước của Tolstoi, Résurrection xuất hiện như một bản án nặng nề đối với nền tư pháp Nga, Giáo Hội chính thống và giai cấp quí tộc Nga . Tolstoi lên án giai cấp quí tộc ăn trên ngồi chốc hưởng thụ vinh hoa phú quí trong khi người dân ngày càng đói khổ, chết lần chết mòn vì thiếu ăn thiếu mặc, tác giả có nhiều thiện cảm với các nhà cách mạng … Nhưng Résurrection trước hết là một cuốn tiểu thuyết, một tác phẩm văn chương
Bi kịch cuộc đời nàng Rosalie là nguồn cảm hứng cho Tolstoi hoàn thành tác phẩm, nếu A.F.Kony không kể lại cho ông nghe đời người con gái bất hạnh này thì chắc chắn không thể có Résurrection, có nghĩa là câu chuyện ngăn ngủi, đầy nước mắt ấy chính là xương sống của cuốn tiểu thuyết vĩ đại bất hủ đã gây xúc động cho độc giả khắp nơi trên thế giới.

Sơ lược

“Katioucha là đứa con thứ sáu của một bà bần nông chăn bò, đẻ trong chuồng bò, cô bé may mắn sống sót vì hai bà chủ động lòng đem về nuôi, trong khi năm đứa trước đã bị mẹ bỏ chết đói. Ba tháng sau bà mẹ chết. Lớn lên được gọi Maslova, hai bà cho ăn học, biết cả tiếng Pháp, cô bé khâu vá, dọn dẹp các phòng , làm bếp… Năm 16 tuổi, cô mê cậu cháu Nekhlioudov của hai bà chủ. Cậu này sinh viên, gia đình quí tộc rất giàu, về quê thăm hai bà cô tại Panovo. Hai năm sau, chàng ta đã nhập ngũ, là sĩ quan theo tiểu đoàn đi qua vùng này, cậïu ghé nhà bà cô bốn ngày, trước hôm ra đi dụ dỗ phá hoại đời Katioucha. Khi ra đi Nehklioudov trao cho cô bao thư 100 đồng. Năm tháng sau nàng biết đã mang bầu, có lần nói hỗn với bà chủ rồi bị đuởi đi. Maslova (Katioucha) muốn tìm một cuộc sống lương thiện nhưng luôn bị đàn ông lợi dụng, bị xã hội xô đẩy tàn nhẫn, nàng hận đời, hút thuốc, uống rượu. Maslova phần vì trả thù đời, phần sa ngã nên đã sa chân vào một nhà chứa gái hạng sang trong bẩy năm trời.

Bị truy tố ra toà vì tội bỏ thuốc độc và trộm tiền một khách hàng. Nekhlioudov nay giải ngũ, tước vị ông hoàng nhận ra Maslova sau mười năm xa cách, vô cùng hối hận tội lỗi của mình.Tại phiên xử cuối, khi Hội đồng xử án thảo luận, Nekhlioudov và mấy vị phụ thẩm khác có thiện cảm với Maslova, nàng bị hàm oan, họ đề nghị Malova không chủ tâm lấy cắp được hưởng trường hợp giảm khinh nhưng vô tình lại quên ghi thêm câu “có tội nhưng không có ý cố sát” (coupable, mais sans intention de donner la mort), một câu rất quan trọng, Nekhlioudov vì quá xúc động cũng quên mất, nên khi công tố viên buộc tội Maslova lãnh án 4 năm khổ sai, nàng oà khóc “ tô vô tội”.

Nekhlioudov xin vào nhà tạm giam gặp Maslova để xin lỗi nàng, chàng vô cùng hối hận khóc lóc xin tha lỗi, gặp lại chàng, Maslova trong lòng thù ghét vì chàng đã gây lên tất cả thảm cảnh đời mình, Maslova xin chàng mười đồng để mua rượu uống. Khi ấy Nekhlioudov thấy rằng “nàng chỉ còn là một tấm thân xơ xác”. Lần gặp Maslova sau chàng lại năn nỉ xin lỗi và ngỏ lời xin kết hôn với nàng để chuộc lỗi xưa nhưng nàng từ chối và xỉ vả chàng.

Nekhlioudov tiếp xúc với chánh án, ông cho biết tại các vị phụ thẩm và chính Nekhlioudov đã không ghi thêm câu “ không có ý giết người”, nếu vậy thì nàng đã được tha bổng, nay chàng cần tìm luật sư để xin phá án. Nekhlioudov bèn chi một khoản tiền lớn thuê luật sư nổi tiếng Fanarine để lập hồ sơ xin phá án lên Thượng Viện. Chàng lên Saint Petersbourg nhờ bà dì có chồng làm cựu bộ trưởng, ông này viết thư giới hai ông lớn trong chính phủ, chàng lên Thượng viện gặp các viên chức cao cấp để xin họ giúp đỡ.

Tại Thượng Viện, ngày nghị án, luật sư bào chữa cho thân chủ Maslova lý luận rằng bản án không hợp lý, Trong số các vị Thượng nghị viên, có hai vị đồng ý phá án nại cớ các vị phụ thẩm sai lầm. Nhưng tiếng nói của ông Thượng Skovorodnikov là quyết định, ông có nghe nói về chuyện tình Nekhlioudov Maslova, nhận thấy họ vận động lo lót cho một cô gái điếm, thuê một luật sư danh tiếng bào chữa.. khiến ông ta khó chịu, ông vờ không biết chuyện này và nói không đủ lý lẽ để phá án và đồng ý với Chủ tịch y án. Thế là cơ hội cuối cùng để cứu một người đàn bà vô tội đã qua, nơi thẩm quyền cao nhất đã hợp thức hoá một việc sai trái.

Nekhlioudov thay đổi tính tình và lối sống, chàng lo cứu Maslova đồng thời cũng lo cho những người tù khác, từ bỏ cuộc sống hưởng thụ để sang cuộc sống vị tha. Nekhlioudov vẫn còn một cơ hội chót để cứu Maslova, chàng đưa đơn ân xá do luật sư soạn thảo để trình lên Nga Hoàng. Chàng giao nhà cho bà chị, giải quyết một số vấn đề tài sản chia đất cho nông dân rồi chuẩn bị đi theo Maslova, được biết đoàn tù sắp phải lên đường đi Tây Bá Lợi Á. Tháng bẩy đoàn tù đi bộ từ nhà giam tới nhà ga, gần bẩy trăm người dưới ánh nắng hè nóng bức, một vài người chết dọc đường vì không chịu nồi sức nóng.

Maslova theo đoàn tù lên xe hoả đi Tây Bá Lợi Á, Nekhlioudov mang theo hành lý mua vé tầu đi chuyến thứ hai theo đoàn tù. Maslova đi xe hỏa, tầu thuỷ hơn 5000 cây số tới tỉnh Perm , Nekhlioudov đi theo và xin gặp Maslova được hai lần, nàng được chuyển sang khu tù chính trị. Chàng thấy nàng thay đổi hơn, đi theo tù chính trị ăn ở tử tế hơn , được đối xử đàng hoàng hơn. Thấm thoắt đã tới tháng chín, trời mưa tuyết lạnh, Maslova nhận lãnh một đứa bé gái con một người tù, họ đi bộ một đoạn vài chục cây số. Maslova có cảm tình với những người hoạt động cách mạng và rồi từ từ thán phục họ, nàng cho rằng phải cám ơn trời đã cho mình cơ hội gặp những con người như thế. Một người tù chính trị tên Simonson trước là sinh viên, gia đình khá giả, bỏ nhà đi làm cách mạng. Anh chàng yêu Maslova, nàng cũng có nhiều cảm tình với anh. Hôm Nekhlioudov lại thăm Maslova và mấy người tù chính trị, Simonson có nói chuyện riêng với ông hoàng, anh ngỏ ý muốn lấy Maslova để làm dịu sư đau khổ của nàng và muốn chàng thoả thuận. Thảo luận hồi lâu, Nekhlioudov lưỡng lự và rồi ra chiều ưng thuận.

Ðoàn tù vào một tỉnh lỵ, Nekhlioudov thuê xe ngựa đi theo họ tới nơi thuê khách sạn ở, xin vào gặp ông tỉnh trưởng và được đón tiếp tử tế, ông mời tới ăn cơm. Chàng ra bưu điện lãnh một bưu kiện dầy do Sélénine người bạn làm phó tỉnh gửi tới, anh ta cho biết đơn xin ân xá gửi Nga Hoàng đã được chấp thuận, chính anh đã làm việc trong ủy ban ân xá và đã sửa lại sự sai lầm ấy và gửi chàng bản sao giấy ân xá, nội dung cho biết Maslova được giảm án từ khổ sai xuống án tù tại một địa phương gần hơn Tây Bá Lợi Á.

Nekhlioudov tới dự tiệc tại nhà ông Tỉnh trưởng rồi xin giấy phép vào thăm trại giam, chàng gặp Maslova báo tin đơn ân xá đã được chấp thuận, khi nào giấy chính thức gửi tới nàng sẽ được tự do, nhưng Maslova lại nói nàng sẽ đi theo Simonson, anh ấy là người hoàn toàn, nàng cám ơn và từ chối sự giúp đỡ của chàng.

Lúc chia tay Maslova cũng rớm lệ, nàng vẫn còn yêu Nekhlioudiov nhưng không muốn làm hỏng cuộc đời chàng, nàng trả Nekhlioudov trở về với giai cấp quí tộc của chàng.
Nekhlioudov về khách sạn, đọc kinh thánh rồi tìm ra một cuộc đời mới.”

Khi mới xuất bản Phục Sinh đã được các độc giả tại Nga cũng như tại các nước Âu Mỹ, đón nhận nồng nhiệt hơn các tác phẩm trước của Tostoi, có thể nói đây là một cuốn tiểu thuyết dài cảm động sâu sắc nhất của Tolstoi nhờ một đề tài quá đặc sắc. Như trên đã nói nếu không có tấn bi kịch đầy nước mắt cuộc đời nàng Rosalie chắc hẳn không thể có Phục Sinh, đề tài đặc sắc chưa đủ, chúng ta phải kể thêm ngòi bút tuyệt diệu của Tolstoi đã dựng lên cuốn tiểu thuyết bất hủ để đời. Ðọc xong tác phẩm người ta có cảm tưởng như được đi theo cuộc hành trình gian nan của đoàn tù qua các chặng đường vạn dặm đi Tây Bá Lợi Á xa xăm, phải nói rằng Tolstoi hơn ai hết ông đã là một nhà dàn cảnh, từ một câu chuyện ngắn ngủi, đơn sơ, nhà văn hào đã dựng lên một thiên tình sử đẵm lệ đầy mầu sắc, mang nhiều ý nghĩa hy sinh cao cả.

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của chữ Phục Sinh. Trong tiếng Pháp, Résurrection hoặc tiếng Anh Resurrection có nghĩa là sự sống lại, tái sinh. Vào ngày lễ Phục Sinh, con chiên đi lễ nhà thờ thường nói với nhau : Chúa đã sống lại.Trong truyện Résurrection, đoạn nói về ngày lễ Phục Sinh khi Nekhlioudov ghé nhà hai bà cô, chàng gặp Katioucha (sau này là Maslova) tại nhà thờ, họ ôm hôn nhau và nói Chúa đã sống lại( Christ est ressuscité). Trong ba tác phẩm lớn của Léon Tolstoi thì Phục Sinh là truyện có nội dung hoàn toàn phù hợp với danh xưng của tác phẩm hay nói khác đi đã có một tinh thần nhất quán giữa chủ đề và cốt truyện. Phục Sinh hay sống lại được thể hiện ở hai nhân vân vâït chính Nekhlioudov và Maslova.

Nekhlioudov, thuở còn sinh viên tâm hồn trong trắng về quê nghỉ hè nhà bà dì, gặp Katioucha (Maslova), một mối chân tình chớm nở. Hồi ấy chàng chịu ảnh hưởng học thuyết Henry George chủ trương chia đất cho nông dân, không công nhận quyền tư hữu đất đai, mang nhiều lý tưởng, trượng nghĩa khinh tài. Mấy năm sau vào quân đội, trở thành sĩ quan Ngự Lâm quân chỉ còn biết phục vụ cho lá cờ, danh dựï tiểu đoàn… được phép dùng bạo lực, bắn giết, con người trở nên ích kỷ. Nekhlioudov theo bạn đi ăn chơi sa hoa, xài tiền phung phí, tiệc tùng tại những nhà hàng sang trọng. Ðời nhà binh làm hư hỏng con người. Mấy năm sau ghé nhà bà dì, khi ấy con người của chàng đã hoàn toàn đổi khác, chàng đã dụ dỗ và phá hoại cuộc đời nàng Katioucha.

Rồi mười hai năm sau khi ngồi trên ghế phụ thẩm, chàng gặp lại nạn nhân của mình, nhận ra sự đê hèn của mình trong quá khứ, cái màn vô minh che mắt chàng được mở ra. Nekhlioudov nay đã thấy cuộc đời xấu xa phóng đãng mười mấy năm qua, chàng vô cùng xót xa ân hận, ra sức cứu Maslova thoát vòng tù tội và xin kết hôn với nàng để chuộc lỗi xưa. Chàng cũng sả thân ra sức làm việc nghĩa, tranh đấu cứu giúp nhiều người tù tội nạn nhân của chế độ phong kiến Nga Hoàng. Nekhlioudov nay đã trở thành con người cao thượng, chàng hy sinh tất cả, từ bỏ ruộng đất thừa hưởng gia tài của mẹ, của bà cô để chia cho nông dân… Chàng đã đi theo đoàn tù suốt cuộc hành trình để chăm lo cho Maslova và những người bạn mới. Cuối cùng khi Maslova từ chối sự hy sinh của chàng, Nekhlioudov đã tìm ra cuộc sống mới, một cuộc đời đạo đức qua Kinh thánh. Con ngườøi của chàng, tâm hồn chàng đã sống lại.

Maslova thuở còn ở nhà hai bà cô của Nekhlioudov chỉ là một thiếu nữ ngây thơ trong trắng, thế rồi tai hoạ ở đâu đưa tới, nàng bị chàng sở khanh phá hoại cuộc đời, năm tháng sau có thai bị hai bà chủ đuổi đi, nàng cố tìm một nghề lương thiện nhưng chỉ gặp toàn bọn lừa đảo bất lương. Maslova đi làm bồi phòng cho một ông cò được vài tháng phải bỏ đi vì tên già này định làm ẩu nàng. Maslova thuê nhà bà chủ quán, bụng bầu ngày một lớn, sinh được đứa con nhưng nó chết ngay, nàng hết tiền đi làm thuê cho một ông kiểm lâm nhưng bị lợi dụng rồi lại bỏ đi. Nàng yêu một anh công chức trẻ và lại bị lừa tình .. Dần dần cô ta hút thuốc, uống rượu.. cho quên cuộc đời bạc bẽo ba chìm bẩy nổi này, một hôm bị một bà chủ chứa gái hạng sang dụ dỗ, Maslova sa ngã trả thù đời, sống bẩy năm tại nhà chứa này thì vướng vào vòng tù tội. Hai người bồi khách sạn bỏ thuốc độc vào ly bảo Maslova đưa cho người khách uống, họ nói là thuốc ngủ, nàng tin vậy nên cuối cùng bị truy tố ra toà vì tội sát nhân.

Nekhlioudov tìm gặp Maslova tại nhà tạm giam, sau một hồi tiếp xúc nàng xin 10 để mua rượu uống, Nekhlioudov không tìm ra hình ảnh cô bé Katioucha dễ thương ngày nào mà thấy tâm hồn của nàng coi như đã chết, nàng chỉ còn một tấm thân xơ xác. Chàng vận động bạn bè, họ hàng những người có thế lực để cứu Maslova. Chàng không muốn gì ở nàng, mà chỉ muốn nàng tái sinh trở lại con người xa xưa (Il ne désirait rien d’elle pour lui–même, il désirait uniquement qu’elle cessât d’être ce qu’elle était à présent, qu’elle ressuscitât et redevint telle qu’elle était autrefois).

Sự hối hận chân thành của Nekhlioudov dần dần cảm hoá Maslova, nàng bắt đầu trở lại con người năm xưa. Trên đường đi Tây Bá Lợi Á xa xăm vạn dặm, nàng đi chung với tù chính trị và cảm phục họ.Nàng tự nhủ “ Thế mà ta đã khóc trước đây khi nghe tuyên án, thực ra phải cám ơn ông Trời cả trăm năm liên tiếp.Ta đã được biết những cái mà suốt đời ta chưa hề biết (Et moi qui pleurais parce qu’on m’avait condamnée! Je dois plutôt remercier Dieu cent ans durant. J’ai connu ainsi ce que, de toute ma vie, je n’aurais pu découvrir).

Cuối cùng được Nga Hoàng ân xá nhưng Maslova chấp nhận đi theo người bạn trai Simonson và từ chối trở về, tâm hồn Maslova đã hoàn toàn sống lại, lương tâm Maslova khiến nàng từ chối sự hy sinh cao cả của Nekhlioudov vì không muốn làm hỏng cuộc đời chàng, chính nàng đã chịu hy sinh để trả ông hoàng về với giai cấp của chàng.

Phục sinh theo Tolstoi mang một hàm ý đạo đức , hai tâm hồn đã chết nay sống lại, trở về con người cũ, trở lại con người lương thiện.

Chuyện đời nàng Rosalie bi thảm nếu không có ngòi bút thần sầu của Tolstoi cũng không thể làm lên tác phẩm. Tài dựng cảnh tuyệt vời của nhà văn hào đã khiến cho người đọc tưởng như đang được theo chàng và nàng trên những chuyến xe lửa vạn dặm về phương đông. Tolstoi đã thực hiện được một sự tiến bộ nghệ thuật lớn lao trong trước tác, ông đã thoát khỏi được nghệ thuật cổ điển để đi vào hiện thực xã hội cũng như tâm lý, thể hiện nhiều góc cạnh cái nghèo đói thê thảm của người nông dân dưới sự thống trị của giai cấp quí tộc , hơn bất cứ nhưng tác phẩm nào của ông trước đây, Résurrection đã phản ảnh trung thực một nước Nga đói khổ hậu quả của chế độ bóc lột của một thời phong kiến suy tàn.

Tâm lý nhân vật sâu sắc, Maslova, Nekhlioudov thành những nhân vật có hồn. Nekhlioudov quyết định đem ruộng đất chàng thừa hưởng để chia cho nông dân nhưng trong thâm tâm lại có tiếng nói phản kháng của lòng vị kỷ : “cho, phá thì dễ, làm ra tạo ra thật là khó, mai kia có gia đình vợ con, ta cũng phải có tài sản để lại cho con”. Khi Nekhlioudov đem hết thì giờ, cuộc sống của chàng vào việc cứu giúp Maslova thì một tiếng nói tự thâm tâm khuyên chàng đừng dây dưa với cô gái, nó sẽ là gánh nặng cho chàng. Khi ở chặng gần chót của cuộc viễn hành đi theo đoàn tù, chàng dự tiệc tại nhà ông tỉnh trưởng, chàng vô phòng thăm hai đứa trẻ nhỏ của con gái ông và cũng ao ước một cuộc đời hạnh phúc, trong thâm tâm có phân vân.

Mặc dù đã xin kết hôn với Maslova để chuộc lỗi xưa nhưng khi đơn ân xá đã được chấp thuận chàng cũng lưỡng lự không biết ngày mai hai người sẽ sống với nhau ra sao, nếu Maslova chấp thuận sự hy sinh của chàng. Nekhlioudov cũng phân vân do dự vì cho dù là người tội lỗi, chàng cũng vẫn thuộc thành phần quí tộc, tước vị ông hoàng, còn nàng chỉ là một cô gái giang hồ. Khi Nekhlioudov báo tin cho nàng biết đơn ân xá đã được chấp thuận Maslova ngỏ ý muốn đi theo Simonson, Nekhlioudov suy đoán chắc hẳn nàng vì hạnh phúc của chàng mà từ chối sự hy sinh, nàng khuyên Nekhlioudov phải sống, phải trở về giai cấp của chàng

“Xin lỗi anh, nếu em không chiều theo ý anh thì đó là số phận, anh cũng phải sống cho anh, đừng lưu luyến nơi này làm chi? anh đau khổ nhiều rồi”
“ Anh phải cám ơn em, em là người đàn bà tuyệt diệu”

Hai người bắt tay, Maslova ứa nước mắt quay mặt bước đi, Nekhlioudov bấy giờ mới biết nàng vẫn còn yêu mình, nàng đi theo Simonson để đưa chàng trở về cuộc đời lên xe xuống ngựa, không muốn làm hỏng cuộc đời chàng.

Tolstoi không kết thúc tác phẩm bằng lối happy ending, cuối cùng hai người chia tay, nàng từ chối sự hy sinh của chàng . Ðó là một kết thúc tuyệt vời nhất đã nâng giá trị tác phẩm lên thật cao, khiến cho thiên tình sữ đẫm lệ còn bi thiết hơn câu chuyện đầy nước mắt có thật của nàng Rosalie.

3 -Nền Tư Pháp và Giáo Hội – Lần đầu tiên trong văn nghiệp, Tolstoi đi vào hiện thực xã hội phơi bầy cho thấy bộ mặt trái của chế độ quí tộc phong kiến đã làm suy bại nước Nga mà trước hết nền tư pháp thối nát, nó đã dầy vò hành hạ giới bình dân và được cai quản bởi những công chức bất xứng ăn bám công quĩ quốc gia.

Tác giả cho thấy sự mâu thuẫn của toà án qua hình ảnh tiêu biểu mỉa mai của hai nhân vật chính. Maslova tượng trưng cho giai cấp bần nông, mẹ chăn bò, dê cho hai bà chủ, cô của Nekhlioudov. Bà mẹ này không có chồng, năm nào cũng đẻ một đứa con nhưng lại không nuôi, năm đứa đã sinh ra đời và bị bỏ chết đói. Ðứa thứ sáu cũng là con rơi như những đứa kia, được để trong chuồng bò, may mắn được bà chủ vào chuồng bò động lòng đem về nuôi, mấy tháng sau bà mẹ chết, bà chủ nuôi cô bé vừa như con nuôi, vừa là bồi phòng . Lớn lên chàng sở khanh Nekhlioudov phá hoại đời nàng, cô bé mang bầu bị đuổi đi, bị cuộc đời vùi dập, ba chìm bẩy nổi, xa chân vào chốn lầu xanh, một người đàn bà vô tội bị truy tố ra toà về tội cố sát.

Nekhlioudov tiêu biểu cho giai cấp quí tộc, một con người ích kỷ, ăn chơi hư hỏng .. chàng ta chính là kể gây nên tội, đã đưa cuộc đời Maslova xuống tận cùng đáy xã hội. Kẻ phạm tội như chàng nay lại ngồi ghế xử án người nạn nhân vô tội Maslova. Tác giả cũng cho thấy những hình ảnh xấu xa của các vị quan toà trong phiên xử này như như ông chánh án vội mở phiên toà cho sớm để còn đi gặp bà nhân tình Thụy Sĩ đang chờ ông ngoài khách sạn, trong khi xử án, ông chỉ mong cho nó chóng qua để còn gặp bà bạn. Ông biện lý tối qua đi đánh bạc, ăn chơi tại chốn lầu xanh tới trễ nên không kịp đọc hồ sơ…
Người ta xử tù một tên ăn cắp tấm thảm đáng giá mấy đồng bạc, họ cho nó là nguy hại cho xã hội nhưng chính họ là những kẻ hoang đàng, lừa dối. Người ta chỉ trừng phạt nó, đầy nó đi tù chứ không loại bỏ những nguyên nhân gây ra tội trạng, họ đã tạo ra hàng ngàn tên tội phạm nhưng chỉ bắt được một tên, đó chỉ là trò đạo đức giả. Nền tư pháp với cả một đạo quân nào công chức, thư ký, lính canh, phu trạm đưa thư… tại nước Nga, họ lãnh lương để làm cái trò hề này. Nếu chỉ dùng một phần trăm những chi tiêu ấy để giúp những kẻ bất hạnh bị xã hội bỏ rơi thì sẽ không có kẻ phạm tội, không cần phải xử tù, giam giữ họ. Những người cai trị giầu có, trí thức đã không biết tìm cách loại trừ những nguyên nhân gây ra tội mà chỉ xử tội họ.

Nekhlioudov vào thăm Maslova rồi được biết có người hiền lương vô tội bị tù oan, hằng trăm người bị bắt chỉ vì không có giấy thông hành, khi gửi trả về tỉnh nguyên quán thì nhà tù ở đó đã bị cháy nên đã giam giữ họ hai tháng như tội đại hình, họ nói bị đối xử như chó. Những kẻ gác tù phải làm việc ác như thế mà họ vẫn tự cho là mình quan trong.

Nekhlioudov sau nhiều lần viếng trại tù để lo cho Maslova và giúp đỡ những phạm nhân bất hạnh khác, chàng nhận thấy tù đại hình gồm có năm hạng.

Trước nhất là hạng vô tội, bị xử oan như Maslova, hạng này cũng ít vào khoảng bẩy phần trăm.
Những kẻ phạm tội trong khi nóng giận, ghen tuông, say rượu.. khoảng năm mươi phần trăm.

Những kẻ buôn lậu, bán rượu giả, trộm cây cối…

Những kẻ có trình độ cao hơn trung bình bị coi là đại hình như giáo phái ly khai, người Ba Lan, Tcherkess bảo vệ lãnh thổ của họ, tù chính trị, đình công… bọn này rất nhiều.

Những kẻ khốn cùng, bị xã hội bỏ rơi , áp bức nên phải đi trộm cắp .

Họ cũng là người, họ có tội với xã hội thì ít mà xã hội có tội với họ nhiều hơn, tác giả đặt câu hỏi “con người nhân danh gì, quyền gì để giam cầm hành hạ người khác, để đầy ải giết chóc họ” (de quel droit un home en punit-il d’autres?)

Tù được chuyển ra ga xe lửa để đi Tây Bá Lợi Á, họ bị dẫn đi bộ dưới ánh nắng hè gay gắt, mấy người yếu đuối lăn ra chết dọc đường. Bọn canh tù không đưa những kẻ yếu vào bóng mát, cho họ uống nước, nghỉ ngơi, họ không xót thương người tù, đặt trách nhiệm lên trên tình thương, nếu tình người chỉ hiện ra trong lương tâm họ một lúc thì đã không có những tội ác như vậy.

Tại một trai tạm giam tù trên đường đi Tây bá Lợi Á Nekhlioudov thấy chỗ giam tù hôi thối ghê tởm, tiếng xiềng xích và mùi hôi hám xông lên , phòng giam dành cho một trăm năm mươi người nhưng họ nhốt vào đó tới bốn trăm rưởi. Mấy tháng di chuyển đoàn tù đi về phương đông là những ngày tháng nhục nhằn đau khổ, hạ nhân phẩm con người, những kẻ làm ra cảnh tượng ghê tởm này cho rằng đó là cần thiết nhưng thật ra chỉ là một bọn điên khùng. Những kẻ tù tội mà họ cho là nguy hiểm nhưng thực ra còn ít nguy hiểm hơn là bọn nắm quyền chức trong uồng máy nhà nước và bộ tư pháp. Những kẻ tù đầy chịu nhiều nhục nhã vô ích, nào xiềng xích, áo quần dơ bẩn, đầu cạo trọc mất nhân phẩm… họ dễ sinh bệnh truyền nhiễm, dễ bị phạm tội ác, làm hư hỏng những người lương thiện khác, luật pháp cấm đánh nhưng chính phủ vẫn làm ngơ cho bọn cai tù dùng bạo lực. Hàng trăm, hằng ngàn người đã bị đưa tới chỗ hư hỏng rồi lại trả tự do về xã hội để bọn này lại reo rắc những mầm mống xấu xa cho xã hội. Nguyên tắc tư pháp là trừ tội ác, cải huấn tù nhưng thực ra lại là reo rắc tội ác, khuyến khích tội phạm, cải huấn họ nhưng thực ra là làm hư hỏng họ.

Trong các bộ phủ và toà án người ta trả lương cao cho các công chức để tham khảo luật lệ và để đầy ải hàng nghìn người đi Tây Bá Lợi Á, trong tay giám đốc trại, lính cai tù độc ác, hằng triệu người đã bị tiêu diệt về thể xác và tâm hồn. Từ người tuỳ phái tới ông bộ trưởng, không ai bận tâm tới công lý và hạnh phúc của người dân mà chỉ chú ý tới đồng lương để làm công việc tồi bại ấy. Họ là những kẻ xấu không thể cải huấn những người xấu khác, họ không làm giảm tội phạm mà còn làm cho nó tăng lên mãi, con người lấy tư cách gì để xử người khác trong khi chính họ cũng là những kể nhiều xấu xa khuyết điểm.

Theo Tolstoi nền tư pháp chỉ là một bộ máy hành chánh dùng để bảo vệ quyền lợi cho giai cấp quí tộc thống trị, toà án chỉ là để giữ vững cái trật tự hiện hữu này.

Tolstoi chỉ trích Giáo Hội Chính Thống Nga a dua cấu kết với chính quyền để đàn áp những giáo phái ly khai khỏi Giáo Hội . Những người tách rời Giáo hội bị tù đầy, gia đình ly tán, thế mà người ta nói đó là vì quyền lợi của quốc gia. Một giáo phái chống lại Chính Thống lại bị coi là có tội.

Ngày chủ nhật tù nhân được dẫn lại nhà thờ làm lễ, ông giáo sĩ thuyết giảng rồi lấy bánh mì cắt nhỏ nhúng vào rượu ăn, mời người ta ăn và nói rằng ăn thịt và uống máu của Chúa. Tolstoi cho đó là trò hề ăn bánh thánh và chỉ trích lễ nghi, Chúa Jésus không chấp nhận lễ nghi, không chấp nhận người này phải gọi người kía là thầy là cha. Ngài cấm cầu nguyện ở nhà thờ mà phải cầu ở nơi cô tịch, Ngài cấm con người xét xử nhau, giam cầm hành hạ trừng phạt nhau, Ngài đến để giải thoát cho những kẻ mất tự do, Tolstoi cho rằng lễ nghi ở đây phạm thượng. Ông thầy làm lễ từ năm mười tám tuổi đến nay để kiếm tiền nuôi gia đình ông sinh sống đầy đủ.

Những ông giám đốc, giám thị nhà tù tin vào những tín điều này vì họ cho rằng nghề nghiệp của mình là chính đáng, họ hành hạ tù nhân một cách thản nhiên. Ða số tù nhân cho rằng sự hành lễ tại nhà tù chỉ là trò bịp bợm. Sau khi Résurrection được xuất bản, Tolstoi đã bị trục xuất ra khỏi Giáo Hội.

(Còn nữa)

4 BÌNH LUẬN

  1. Hai ông nầy không biết có thù gì nhau ,nên bình tỉnh bài Viết Trong đạt rất hay , Leon Tolstoi là một người thấu hiểu Phật giáo và Thiên Chúa giáo vụ ăn thịt uống máu Chúa trong nghi thức nhà Thờ không biết ai bày ra ,mà các nhà Thờ VN cũng có , xin hai ông nên đọc và bình tâm lại

  2. Hồn quang con ơi , con hỡi , con trẻ người , non dạ , chỉ được cái hỗn hào , ngu xuẩn !! Câm mồm đi con !! Chóng ngoan , cháu ngoan của bác Hồ !!! Thương má con quá !!

    • Hỗn xược, ngu xuẩn là do nhà trường xhcn vn dạy cho tao đấy.
      Ông đây được giáo dục từ nhà trường xhcn

  3. Thằng chó già ba bia vong nô mất gốc, tụi nó ko hãnh diện tụi nó nói cho mày biết hả ?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên