Hồi trước 1975, một Giáo Sư Văn Khoa Sài gòn nói Résurrection hay hơn Chiến Tranh và Hòa Bình, Anna Karénine. Ông khen tác phẩm này là hay nhất, nhưng tôi nghĩ không hẳn là như vậy, Chiến Tranh và Hòa Bình (viết 1863-1869), Anna Karénine (1875-1877) thể hiện lối sống của giới quí tộc Nga, Résurrection nghiêng về phía người nghèo nhiều hơn.
Phục Sinh một trong ba tác phẩm tiêu biểu của Léon Tolstoi. Nó cũng là cuốn tiểu thuyết lớn sau cùng, viết sau Anna Karénine hơn 20 năm, sách dầy khoảng trên 500 trang, dài bằng một phần ba Chiến Tranh Và Hoà Bình, hoặc già nửa Anna Karenine. Các rạp hát hồi trước 1975 tại Sài Gòn có chiếu phim này và họ dịch là Bừng Sống, mặc dù nghe hay hơn nhưng lại không sát nghĩa. Một ông GS người Pháp có giảng cho tôi ý nghĩa chữ Résurrection, ông nói nó chỉ có nghĩa là sự Sống lại, vào ngày Phục Sinh người ta thường nói Chúa Đã Sống Lại “Christ est ressuscité ”
Hoàn thành năm 1890, truyện tình đẫm lệ này đã được đón nhận nồng nhiệt tại Nga cũng như tại các nước Âu Mỹ nhưng nay là tác phẩm ít được biết tới so với hai cuốn kể trên. Phục Sinh cho ta thấy Tolstoi theo Xã hội chủ nghĩa, là một nhà Cách mạng tư tưởng. Để nghiên cứu tác phẩm tôi dùng bản dịch tiếng Pháp truyện Résurrection của Édouard Beaux, có tham chiếu thêm bản tiếng Anh của Louise Maude do nhà xuất bản ngoại văn Mạc Tư Khoa ấn hành. Tôi xin chia thành bẩy phần: Sự hình thành của tác phẩm, Khía cạnh văn chương, Nền tư pháp và Giáo Hội, Xã hội, Cách mạng, Điện ảnh, Kết luận.
1- Sự hình thành của tác phẩm.
Dựa theo phần nhập đề trong bản dịch tiếng Pháp, dịch giả Edouard Beaux cho biết A. F. Kony, biện lý một toà án địa phương thuộc kinh thành Saint-Petersbourg có tiếp một chàng tuổi trẻ đến khiếu nại ông về việc người ta từ chối không chuyển một bức thư của anh ta gửi cho người nữ tù tên Rosalie Ony. Kony cho điều tra sự việc được biết Rosalie, con gái một người tá điền, cha mất, bà điền chủ bèn đem về nuôi làm người ở. Lên mười sáu tuổi, nàng bị cậu ấm con bà chủ dụ dỗ cho đến khi mang bầu thì bị đuổi đi. Chẳng bao lâu nàng trở thành gái giang hồ mạt hạng, can tội trộm một trăm bạc của khách và bị truy tố ra toà. Trong số các vị phụ thẩm lại có cả anh chàng sở khanh, người đã phá hoại cuộc đời cô gái và đẩy cô vào bước đường cùng. Chàng nhận ra cô nàng, rất bối rối, vô cùng ân hận nên đã xin kết hôn với nàng để chuộc lại tội lỗi xưa, nhưng việc chưa thành thì cô nàng đã bỏ mình trong ngục vì bệnh đậu lào chấy rận. (nhưng theo Simmons trong Introduction to Tolstoi’s writings, Koni cho biết hai người đã kết hôn, sau khi mãn tù một thời gian ngắn thì cô ta chết vì bệnh đâu lào).
Bi kịch này đã là nguồn gốc của truyện Phục Sinh. Mùa thu 1887, Kony đã kể lại câu chuyện cho Tolstoi khi ông ghé Poliana, nhà văn hào yên lặng nghe và xúc động, hôm sau ông đề nghị Kony đưa bi kịch của nàng Rosalie đăng lên báo. Tolstoi không nghĩ ông sẽ khai thác đề tài này. Mùa đông trôi qua, tới mùa xuân 1888 Kony vẫn chưa viết chuyện này, theo lời yêu cầu của Tolstoi, Kony vui vẻ nhường lại đề tài cho bạn. Nhưng trong suốt một năm rưỡi trời, nhà văn hào vẫn chưa đả động gì tới đề tài này cho tới tháng 12 năm 1889, khi viết xong truyện ngắn Cầm Tấu Khúc Kreutzer, vào ngày 26 tháng 12 ông đã bắt đầu viết những dòng đầu tiên cho cuốn tiểu thuyết mà ông đặt tên là Koneva, và mười năm sau sẽ thành Résurrection. Dàn bài cho phần thứ nhất được viết ngày 11/2/1890, nói chung nó đã bao hàm được những đoạn chính của tác phẩm.
Việc biên soạn tiếp tục cho tới tháng 6/1890 nhưng thất thường và rồi bỗng nhiên ngưng lại một nửa năm. Tới tháng 12 tác giả lại tiếp tục viết, ngày 15 ông ghi trong nhật ký đã viết lại từ đầu, viết rất đam mê. Nhà văn hào đã chọn tên cho tác phẩm và dự tính đây sẽ là một tác phẩm lớn chứa đựng tổng hợp những niềm tin của mình rồi lại ngưng viết và không nói gì tới nó nữa.
Nhưng 1895 là năm quyết định cho tương lai của tác phẩm, tháng tư năm ấy nhờ người bạn Davydoff làm biện lý toà án tại Toula giúp nên Tolstoi đã đi thăm các nhà tù, trại tạm giam, phỏng vấn tù nhân, ghi chép sự kiện, ông cũng đã đi quan sát chặng đường chở tù từ kinh thành Saint Petersbourg tới Tây Bá Lợi Á để lấy dữ kiện viết cho sống động hơn. Tác giả cũng đã nghiên cưú nhiều sách báo, chỉ riêng vấn đề mãi dâm ông đã đọc sáu cuốn sách, rồi nghiên cứu thủ tục toà án, tư pháp, tham dự các phiên xử… Khi đã đầy đủ dữ kiện rồi Tolstoi mới bắt tay viết.
Truyện do Kony kể là cảm hứng đầu tiên cho ông sáng tác, chính tác giả kể lại ông đã dụ dỗ một cô hầu tại nhà bà thím, người con gái bất hạnh ấy đã bị đuổi đi biệt tăm biệt tích. Tháng năm ông lại bắt đầu viết Phục Sinh và rồi ngày 1 tháng bẩy bản nháp đã xong, tháng tám ông đọc cho bạn bè nghe. Nhưng tác phẩm không dài lắm, nó chỉ được vài trăm trang. Tháng chín ông lại thất vọng, ngã lòng và rồi ghi trong nhật ký ngày 24 như sau
“Tôi đã cầm bút trở lại viết Résurrection nhưng tôi cho là dở, trọng tâm của tác phẩm chưa đặt đúng chỗ, vấn đề điền sản làm cho truyện mất hay nhiều. Chắc tôi bỏ cuốn này. Nếu phải viết tôi sẽ viết lại từ đầu”
Suốt năm 1896, không thấy ông đá động gì tới cuốn truyện đang viết dở. Ngày 5/1/1897, Tolstoi ghi trong nhật ký ông đã đọc lại bản thảo đã viết dở rồi chán nản bỏ xó. Nhưng tháng 6/1898 ông lại cầm bút viết tiếp và lần này viết miệt mài không nghỉ. Tác phẩm chưa chắc đã được hoàn tất nếu không có một biến cố tự nhiên sẩy đến: Chính phủ ngược đãi giáo phái Dukhobors gốc Thiên Chúa Giáo, họ có tư tưởng gần giống với triết thuyết của Tolstoi, họ từ chối vào lính. Tolstoi và các đệ tử của ông bèn mở các cuộc lạc quyên để giúp những người bị ngược đãi này. Chính phủ Nga muốn trục xuất họ, trong khi ấy chính phủ Gia Nã Đại chịu nhận 12 ngàn người. Vấn đề khó khăn là phải có tiền chuyên chở và định cư họ tại Canada, Tolstoi đi gây quĩ rồi quyết bán bản quyền một tác phẩm, từ đó ông nghĩ đến việc viết một cuốn tiểu thuyết lớn để lấy tiền giúp họ.
Rồi Phục Sinh lại được tiếp tục viết và sửa chữa. Léon Tolstoi là nhà cải cách tôn giáo, nhà hiền triết, đạo đức đã được các nước Âu Mỹ ngưỡng mộ từ trước nên cuốn này đã được chú ý rất nhiều. Năm 1899 nhà văn hào ra sức viết để sớm hoàn tất tác phẩm, truyện đã được đăng báo, họ đánh điện thúc dục ông viết. Tác giả đóng cửa viết suốt ngày, ông không tiếp khách, sửa chữa bản thảo, cho người nhà chép lại rồi có người dịch ra ngoại ngữ để đưa ra in tại ngoại quốc. Trong khi truyện được đăng báo tại Nga, nó cũng được dịch ra đăng trên các báo tại Pháp, Anh, Đức, Mỹ.
Nhà văn hào bán bản quyền tại Nga và bán cho cả các nhà xuất bản ngoại quốc để lấy tiền giúp giáo phái Dukhobors. Truyện cũng đã được in lậu tại Nga và tại ngoại quốc, năm 1900 riêng tại Đức có 12 bản dịch khác nhau, tại Pháp có 15 ấn bản chính thức cũng như in lậu trong năm 1899 và 1900. Khi xuất bản tại Nga tác phẩm đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Tại Anh Mỹ truyện bán chạy hơn tất cả những tác phẩm trước của Tolstoi. Phe bảo thủ chỉ trích tác giả coi thường tư pháp, xúc phạm Giáo Hội Nga nhưng phe cấp tiến ca ngợi ông can đảm dám nói lên những cái xấu của nước Nga. Kiểm duyệt đã cắt bỏ nhiều câu, nhiều chữ, dòng của truyện Phục Sinh, các nhà xuất bản cũng đã tự ý sửa chữa câu văn của ông để tránh bị kiểm duyệt, tháng 12 chấm dứt viết, ông ghi trong hồi ký.
“Đã viết xong Phục Sinh. Dở, chưa hoàn chỉnh, viết vội. Nhưng nó đã thoát ly khỏi tôi, không còn làm tôi quan tâm nữa”
(Terminé Résurrection . Mauvais , mal corrigé, hâtif, mais le roman s’est détaché de moi et ne m’intéresse plus).
Các nhân vật trong truyện mang nhiều cá tính của Tolstoi, của bạn hữu và thân nhân ông. Người ta thu thập, nghiên cứu, đối chiếu các bản thảo và bản in thử còn sót lại để khôi phục bản Résurrection nguyên vẹn trước khi bị kiểm duyệt, cho tới 1935 (có sách nói 1936) mới hoàn tất bản nguyên vẹn.
2- Khía cạnh văn chương
Khác với hai cuốn tiểu thuyết lớn trước của ông, Phục Sinh là một bản án nặng đối với nền Tư pháp, Giáo Hội chính thống và giai cấp quí tộc Nga. Tác giả cho người ta thấy giai cấp quí tộc ăn trên ngồi chốc hưởng thụ vinh hoa phú quí trong khi người dân ngày càng đói khổ, chết lần chết mòn vì thiếu ăn thiếu mặc, ông có nhiều thiện cảm với các nhà cách mạng. Nhưng trước hết nó là một cuốn tiểu thuyết, một tác phẩm văn chương.
Bi kịch cuộc đời nàng Rosalie là nguồn cảm hứng cho Tolstoi hoàn thành tác phẩm, nếu A. F. Kony không kể lại cho ông nghe đời người con gái bất hạnh thì chắc không thể có Résurrection, có nghĩa là câu chuyện ngăn ngủi, đầy nước mắt ấy chính là xương sống của cuốn tiểu thuyết vĩ đại bất hủ đã gây xúc động cho độc giả khắp nơi trên thế giới.
Sơ lược truyện.
“Katioucha là đứa con thứ sáu của một bà bần nông chăn bò, đẻ trong chuồng bò, cô bé may mắn sống sót vì hai bà chủ động lòng đem về nuôi, trong khi năm đứa trước đã bị mẹ bỏ chết đói. Ba tháng sau bà mẹ chết, lớn lên được gọi Maslova, hai bà cho ăn học, biết cả tiếng Pháp, cô bé khâu vá, dọn dẹp các phòng, làm bếp… Năm 16 tuổi, cô mê cậu cháu Nekhlioudov của hai bà chủ. Cậu này sinh viên, gia đình quí tộc rất giàu, về quê thăm hai bà cô tại Panovo. Hai năm sau, chàng ta đã nhập ngũ, là sĩ quan theo tiểu đoàn đi qua vùng này, cậu ghé nhà bà cô bốn ngày, trước hôm ra đi dụ dỗ phá hoại đời Katioucha. Nehklioudov ra đi để lại cho cô bé bao thư 100 đồng. Năm tháng sau nàng biết đã mang bầu, có lần nói hỗn với bà chủ rồi bị đuổi đi. Maslova (Katioucha) muốn tìm một cuộc sống lương thiện nhưng luôn bị đàn ông lợi dụng, bị xã hội xô đẩy tàn nhẫn, nàng hận đời, hút thuốc, uống rượu. Maslova phần vì trả thù đời, phần sa ngã nên đã sa chân vào một nhà chứa gái hạng sang trong bẩy năm trời.
Bị truy tố ra toà vì tội bỏ thuốc độc và trộm tiền một khách hàng. Nekhlioudov nay giải ngũ với tước vị ông hoàng, chàng nhận ra Maslova sau mười năm xa cách, vô cùng hối hận tội lỗi của mình. Tại phiên tòa cuối, khi Hội đồng xử án thảo luận, Nekhlioudov và mấy vị phụ thẩm khác có thiện cảm với Maslova, nàng bị hàm oan, họ đề nghị Maslova không chủ tâm lấy cắp được hưởng trường hợp giảm khinh nhưng vô tình lại quên ghi thêm câu “có tội nhưng không có ý cố sát” (coupable, mais sans intention de donner la mort), một chi tiết rất quan trọng, Nekhlioudov vì quá xúc động cũng quên mất, nên khi công tố viên buộc tội Maslova lãnh án bốn năm khổ sai, nàng oà khóc “ tôi vô tội”.
Nekhlioudov xin vào nhà tạm giam gặp Maslova để xin lỗi nàng, chàng vô cùng hối hận khóc lóc xin tha lỗi, gặp lại chàng, Maslova trong lòng thù ghét vì hắn đã gây lên tất cả thảm cảnh đời mình, Maslova xin chàng mười đồng để mua rượu uống. Khi ấy Nekhlioudov thấy rằng “nàng chỉ còn là một tấm thân xơ xác”. Lần gặp Maslova sau chàng lại năn nỉ xin lỗi và ngỏ lời xin kết hôn với nàng để chuộc lỗi xưa nhưng nàng từ chối và xỉ vả chàng.
Nekhlioudov tiếp xúc với chánh án, ông cho biết tại các vị phụ thẩm và chính Nekhlioudov đã không ghi thêm câu “không có ý giết người”, vì thế nàng đã không được tha bổng, nay chàng cần tìm luật sư để xin phá án. Nekhlioudov bèn chi một khoản tiền lớn thuê luật sư nổi tiếng Fanarine để lập hồ sơ xin phá án lên Thượng Viện. Chàng lên Saint Petersbourg nhờ bà dì có chồng làm cựu Bộ trưởng, ông này viết thư giới thiệu hai ông lớn trong Chính phủ, chàng lên Thượng viện gặp các viên chức cao cấp để xin họ giúp đỡ.
Ngày nghị án tại Thượng Viện, luật sư bào chữa cho thân chủ Maslova lý luận rằng bản án không hợp lý. Trong số các vị Thượng nghị viện, có hai vị đồng ý phá án nại cớ các vị phụ thẩm sai lầm nhưng tiếng nói của ông Thượng Skovorodnikov là quyết định. Ông này có nghe nói về chuyện tình Nekhlioudov- Maslova và thấy người ta vận động lo lót cho một cô gái giang hồ, thuê một luật sư danh tiếng bào chữa nên trong lòng khó chịu. Ông Thượng giả vờ không biết chuyện này và nói không đủ lý lẽ để phá án và đồng ý với Chủ tịch y án. Thế là cơ hội cuối cùng để cứu một người đàn bà vô tội đã qua, nơi thẩm quyền cao nhất đã hợp thức hoá một việc sai trái.
Nekhlioudov thay đổi tính tình và lối sống, chàng lo cứu Maslova đồng thời cũng lo cho những người tù khác, từ bỏ cuộc sống hưởng thụ để sang cuộc sống vị tha. Nekhlioudov vẫn còn một cơ hội chót để cứu Maslova, chàng đưa đơn xin ân xá do luật sư soạn thảo để trình lên Nga Hoàng. Chàng giao nhà cho bà chị, giải quyết một số vấn đề tài sản chia đất cho nông dân rồi chuẩn bị đi theo Maslova vì được biết đoàn tù sắp phải lên đường đi Tây Bá Lợi Á. Tháng bẩy đoàn tù đi bộ từ nhà giam tới nhà ga, gần bẩy trăm người dưới ánh nắng hè oi ả, một vài người chết dọc đường vì không chịu nồi sức nóng.
Maslova theo đoàn tù lên xe lửa đi Tây Bá Lợi Á, Nekhlioudov mang theo hành lý mua vé tầu đi chuyến thứ hai theo đoàn tù. Maslova đi xe hỏa, tầu thuỷ hơn 5,000 cây số tới tỉnh Perm, Nekhlioudov đi theo và xin gặp Maslova hai lần, nàng được chuyển sang khu tù chính trị. Chàng thấy nàng thay đổi hơn, đi theo tù chính trị ăn ở tử tế hơn, được đối xử đàng hoàng hơn. Thấm thoắt đã tới tháng chín, trời mưa tuyết lạnh, Maslova nhận lãnh một đứa bé gái con một người tù, họ đi bộ một đoạn vài chục cây số. Maslova có cảm tình với những người hoạt động cách mạng và rồi từ từ thán phục họ, nàng cho rằng phải cám ơn trời đã cho mình cơ hội gặp những con người như thế. Một người tù chính trị tên Simonson trước là sinh viên, gia đình khá giả, bỏ nhà đi làm cách mạng. Anh chàng yêu Maslova, nàng cũng có nhiều cảm tình với anh. Hôm Nekhlioudov lại thăm Maslova và mấy người tù chính trị, Simonson có nói chuyện riêng với chàng, anh ngỏ ý muốn lấy Maslova để làm dịu sư đau khổ của nàng và muốn chàng thoả thuận. Thảo luận hồi lâu, Nekhlioudov lưỡng lự và rồi ra chiều ưng thuận.
Đoàn tù vào một tỉnh lỵ, Nekhlioudov thuê xe ngựa đi theo họ tới nơi thuê khách sạn ở, xin vào gặp ông tỉnh trưởng và được đón tiếp tử tế, ông mời tới ăn cơm. Chàng ra bưu điện lãnh một bưu kiện dầy do Sélénine người bạn làm Phó tỉnh gửi tới, anh ta cho biết đơn xin ân xá gửi Nga Hoàng đã được chấp thuận, chính anh đã làm việc trong ủy ban ân xá và đã sửa lại sự sai lầm ấy và gửi chàng bản sao giấy ân xá, nội dung cho biết Maslova được giảm án từ khổ sai xuống án tù tại một địa phương gần hơn Tây Bá Lợi Á.
Nekhlioudov tới dự tiệc tại nhà ông Tỉnh trưởng rồi xin giấy phép vào thăm trại giam, chàng gặp Maslova báo tin đơn ân xá đã được chấp thuận, khi nào giấy chính thức gửi tới nàng sẽ được tự do, nhưng Maslova nói nàng sẽ đi theo Simonson, anh ấy là người hoàn toàn, nàng cám ơn và từ chối sự giúp đỡ của chàng.
Lúc chia tay Maslova cũng rớm lệ, nàng vẫn còn yêu Nekhlioudiov nhưng không muốn làm hỏng cuộc đời chàng, nàng trả Nekhlioudov trở về với giai cấp quí tộc.
Nekhlioudov về khách sạn, đọc kinh thánh, chàng tìm ra một cuộc đời mới.”
Khi mới xuất bản Phục Sinh đã được các độc giả tại Nga cũng như tại các nước Âu Mỹ đón nhận nồng nhiệt hơn các tác phẩm trước của Tolstoi, có thể nói nó là cuốn tiểu thuyết dài cảm động sâu sắc nhất của nhà văn hào nhờ một đề tài quá đặc sắc. Như đã nói trên nếu không có tấn bi kịch cuộc đời nàng Rosalie chắc hẳn không thể có Phục Sinh, đề tài đặc sắc chưa đủ, ta phải kể thêm ngòi bút tuyệt diệu của Tolstoi đã dựng lên cuốn tiểu thuyết bất hủ để đời. Đọc xong tác phẩm người ta có cảm tưởng như được đi theo cuộc hành trình vạn dặm gian nan của đoàn tù qua các chặng đường đi Tây Bá Lợi Á xa xăm, Tolstoi khác nào nhà dàn cảnh, từ một câu chuyện ngắn ngủi, đơn sơ, nhà văn hào đã dựng lên một thiên tình sử đẵm lệ đầy mầu sắc, mang nhiều ý nghĩa hy sinh cao cả.
Trước hết ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của chữ Phục Sinh. Trong tiếng Pháp, Résurrection hoặc tiếng Anh Resurrection có nghĩa là sự sống lại, tái sinh. Vào ngày lễ Phục Sinh, con chiên đi lễ nhà thờ thường nói với nhau: Chúa đã sống lại.Trong truyện Résurrection, đoạn nói về ngày lễ Phục Sinh khi Nekhlioudov ghé nhà hai bà cô, chàng gặp Katioucha (sau này là Maslova) tại nhà thờ, họ ôm hôn nhau và nói Chúa đã sống lại (Christ est ressuscité). Trong ba cuốn tiểu thuyết lớn của Léon Tolstoi thì Phục Sinh là truyện có nội dung hoàn toàn phù hợp với danh xưng của tác phẩm hay nói khác đi đã có một tinh thần nhất quán giữa chủ đề và cốt truyện. Phục Sinh hay sống lại được thể hiện ở hai nhân vân vật chính Nekhlioudov và Maslova.
Nekhlioudov, thuở còn sinh viên tâm hồn trong trắng về quê nghỉ hè nhà bà dì, gặp Katioucha (Maslova), một mối chân tình chớm nở. Hồi ấy chàng chịu ảnh hưởng học thuyết Henry George chủ trương chia đất cho nông dân, không công nhận quyền tư hữu đất đai, mang nhiều lý tưởng, trọng nghĩa khinh tài. Mấy năm sau vào Quân đội, trở thành sĩ quan Ngự Lâm quân chỉ còn biết phục vụ cho lá cờ, danh dựï tiểu đoàn, được phép dùng bạo lực, bắn giết, con người trở nên ích kỷ. Nekhlioudov theo bạn đi ăn chơi xa hoa, xài tiền phung phí, tiệc tùng tại những nhà hàng sang trọng. Đời nhà binh làm hư hỏng con người. Mấy năm sau ghé nhà bà dì, khi ấy con người của cậu ấm đã hoàn toàn đổi khác, chàng đã dụ dỗ và phá hoại cuộc đời nàng Katioucha.
Rồi mười hai năm sau khi ngồi trên ghế Phụ thẩm, chàng gặp lại nạn nhân của mình, nhận ra sự đê hèn của chàng trong quá khứ, màn vô minh che mắt chàng được mở ra. Nekhlioudov nay đã thấy cuộc đời xấu xa phóng đãng mười mấy năm qua, chàng vô cùng xót xa ân hận, ra sức cứu Maslova thoát vòng tù tội và xin kết hôn với nàng để chuộc lỗi xưa. Nekhlioudov cũng sả thân làm việc nghĩa, tranh đấu cứu giúp nhiều người tù tội nạn nhân của chế độ Nga Hoàng. Chàng nay đã trở thành con người cao thượng, hy sinh tất cả, từ bỏ ruộng đất thừa hưởng gia tài của mẹ, của bà cô để chia cho nông dân. Chàng đã đi theo đoàn tù suốt cuộc hành trình để chăm lo cho Maslova và những người bạn mới. Cuối cùng khi Maslova từ chối sự hy sinh của Nekhlioudov, chàng đã tìm ra cuộc sống mới, một cuộc đời đạo đức qua Kinh thánh. Con người của chàng, tâm hồn chàng đã sống lại.
Maslova thuở còn ở nhà hai bà cô của Nekhlioudov chỉ là một thiếu nữ ngây thơ trong trắng, thế rồi tai hoạ tới, nàng bị chàng sở khanh phá hoại cuộc đời, năm tháng sau có thai bị hai bà chủ đuổi đi, nàng cố tìm một nghề lương thiện nhưng chỉ gặp toàn bọn lừa đảo bất lương. Maslova đi làm bồi phòng cho một ông cò được vài tháng phải bỏ đi vì tên già này định làm ẩu nàng. Maslova thuê nhà bà chủ quán, bụng bầu ngày một lớn, sinh được đứa con nhưng nó chết ngay, nàng hết tiền đi làm thuê cho một ông kiểm lâm nhưng bị lợi dụng rồi lại bỏ đi. Nàng yêu một anh công chức trẻ và lại bị lừa tình. Dần dần cô ta hút thuốc, uống rượu cho quên cuộc đời bạc bẽo ba chìm bẩy nổi này, một hôm bị một bà chủ chứa gái hạng sang dụ dỗ, Maslova sa ngã trả thù đời, sống bẩy năm tại nhà chứa này thì vướng vào vòng tù tội. Hai người bồi khách sạn bỏ thuốc độc vào ly bảo Maslova đưa cho người khách uống, họ nói là thuốc ngủ, nàng tin vậy nên cuối cùng bị truy tố ra toà tội giết người.
Nekhlioudov tìm gặp Maslova tại nhà tạm giam, sau một hồi tiếp xúc nàng xin 10 đồng để mua rượu uống, Nekhlioudov không tìm ra hình ảnh cô bé Katioucha dễ thương ngày nào và chỉ thấy tâm hồn của nàng như đã chết, nàng chỉ còn một tấm thân xơ xác. Chàng vận động bạn bè, họ hàng những người có thế lực để cứu Maslova.
“Chàng không muốn gì ở nàng, mà chỉ muốn nàng tái sinh trở lại con người xa xưa”
(Il ne désirait rien d’elle pour lui–même, il désirait uniquement qu’elle cessât d’être ce qu’elle était à présent, qu’elle ressuscitât et redevint telle qu’elle était autrefois).
Sự hối hận chân thành của Nekhlioudov dần dần cảm hoá Maslova, nàng bắt đầu trở lại con người năm xưa. Trên đường đi Tây Bá Lợi Á xa xăm vạn dặm, nàng đi chung với tù chính trị và cảm phục họ. Nàng tự nhủ.
“Thế mà ta đã khóc trước đây khi nghe tuyên án, thực ra phải cám ơn Thượng Đế cả trăm năm liên tiếp.Ta đã được biết những cái mà suốt đời ta chưa hề biết”
(Et moi qui pleurais parce qu’on m’avait condamnée! Je dois plutôt remercier Dieu cent ans durant. J’ai connu ainsi ce que, de toute ma vie, je n’aurais pu découvrir).
Cuối cùng được Nga Hoàng ân xá nhưng Maslova chấp nhận đi theo người bạn trai Simonson và từ chối trở về, tâm hồn nàng đã hoàn toàn sống lại, lương tâm đã khiến nàng từ chối sự hy sinh cao cả của Nekhlioudov vì nàng không muốn làm hỏng cuộc đời chàng, chính nàng đã chịu hy sinh để trả ông hoàng về với giai cấp quí tộc của chàng.
Phục Sinh theo Léon Tolstoi mang một hàm ý đạo đức, hai tâm hồn đã chết nay sống lại, trở về con người cũ, con người lương thiện. Chuyện đời nàng Rosalie bi thảm nếu không có ngòi bút thần sầu của ông cũng không thể làm lên tác phẩm. Tài dựng cảnh tuyệt vời của tác giả đã khiến cho người đọc tưởng như đang được theo chàng và nàng trên những chuyến xe lửa vạn dặm về phương đông. Tolstoi đã thực hiện được một sự tiến bộ nghệ thuật lớn lao trong trước tác. Ông đã vượt qua khỏi nghệ thuật cổ điển để đi vào hiện thực xã hội cũng như tâm lý, thể hiện nhiều góc cạnh sự nghèo đói thê thảm của người nông dân dưới sự thống trị của giai cấp quí tộc. Hơn bất cứ những tác phẩm nào của Tolstoi trước đây, Phục Sinh đã phản ảnh trung thực một nước Nga đói khổ hậu quả của chế độ bóc lột của thời phong kiến suy tàn.
Tâm lý nhân vật sâu sắc, Maslova, Nekhlioudov những nhân vật có linh hồn. Nekhlioudov quyết định đem ruộng đất chàng thừa hưởng để chia cho nông dân nhưng trong thâm tâm lại có tiếng nói phản kháng của lòng vị kỷ:
“cho, phá thì dễ, làm ra tạo ra thật là khó, mai kia có gia đình vợ con, ta cũng phải có tài sản để lại cho con”.
Khi Nekhlioudov đem hết thời giờ của chàng vào việc cứu giúp Maslova thì một tiếng nói tự thâm tâm khuyên chàng đừng dây dưa với cô gái, nó sẽ là gánh nặng cho chàng. Khi ở chặng gần chót của cuộc viễn hành đi theo đoàn tù, Nekhlioudov dự tiệc tại nhà ông Tỉnh trưởng, chàng vô phòng thăm hai đứa trẻ nhỏ của con gái ông và ao ước một cuộc đời hạnh phúc, trong thâm tâm có phân vân.
Mặc dù đã xin kết hôn với Maslova để chuộc lỗi xưa nhưng khi đơn ân xá được chấp thuận chàng cũng lưỡng lự không biết ngày mai hai người sẽ sống với nhau ra sao, nếu Maslova chấp thuận sự hy sinh của chàng. Nekhlioudov cũng phân vân do dự vì dù là người tội lỗi, chàng vẫn thuộc giới quí tộc còn nàng chỉ là một cô gái giang hồ. Khi Nekhlioudov báo tin cho nàng biết đơn ân xá đã được chấp thuận Maslova ngỏ ý muốn đi theo Simonson, Nekhlioudov suy đoán chắc hẳn nàng vì hạnh phúc của chàng mà từ chối sự hy sinh, cô ta khuyên Nekhlioudov phải sống, phải trở về giai cấp của chàng:
– Xin lỗi anh, nếu em không chiều theo ý anh thì đó là số phận, anh cũng phải sống cho anh, đừng lưu luyến nơi này? anh đau khổ nhiều rồi.
– Anh phải cám ơn em, em là người đàn bà tuyệt diệu.
Hai người bắt tay nhau, Maslova ứa nước mắt quay mặt bước đi, Nekhlioudov bấy giờ mới biết nàng vẫn còn yêu mình, nàng đi theo Simonson để đưa chàng trở về cuộc đời lên xe xuống ngựa.
Tolstoi không chấm dứt tác phẩm bằng lối happy ending, cuối cùng hai người chia tay, nàng từ chối sự hy sinh của chàng. Một kết thúc tuyệt vời đã nâng giá trị tác phẩm lên cao, khiến cho thiên tình sữ còn bi thiết hơn câu chuyện đầy nước mắt có thật của nàng Rosalie.
3- Nền tư pháp và Giáo hội
Lần đầu tiên trong văn nghiệp, Tolstoi đi vào hiện thực xã hội phơi bầy bộ mặt trái của chế độ quí tộc phong kiến đã làm suy bại nước Nga. Nền tư pháp thối nát dầy vò hành hạ dân lành và được cai quản bởi những công chức bất xứng ăn bám công quĩ quốc gia.
Ông cho thấy sự mâu thuẫn của toà án qua hình ảnh tiêu biểu mỉa mai của hai nhân vật chính. Maslova tượng trưng cho giai cấp bần nông, mẹ chăn bò, dê cho hai bà chủ, cô của Nekhlioudov. Bà mẹ này không có chồng, năm nào cũng đẻ một đứa con nhưng không nuôi, năm đứa đã sinh ra đời và bị bỏ chết đói. Đứa thứ sáu cũng là con rơi như những đứa kia, được để trong chuồng bò, may mắn được bà chủ vào chuồng bò thấy rồi động lòng đem về nuôi, mấy tháng sau bà mẹ chết, bà chủ nuôi cô bé vừa như con nuôi, vừa là bồi phòng. Lớn lên chàng sở khanh Nekhlioudov phá hoại đời nàng, cô bé mang bầu bị đuổi đi, bị cuộc đời vùi dập, ba chìm bẩy nổi, xa chân vào chốn lầu xanh, một người đàn bà vô tội bị truy tố ra toà về tội cố sát.
Nekhlioudov tiêu biểu cho giai cấp quí tộc, một con người ích kỷ, ăn chơi hư hỏng, đã đưa cuộc đời cô nàng xuống tận cùng đáy xã hội. Kẻ phạm tội như chàng nay lại ngồi ghế xử án người nạn nhân vô tội Maslova. Tác giả cũng cho thấy những hình ảnh xấu xa của các vị Quan toà trong phiên xử như ông Chánh án vội mở phiên toà cho sớm để còn đi gặp bà nhân tình Thụy Sĩ đang chờ ông ngoài khách sạn, trong khi xử án, ông chỉ mong cho nó chóng qua để còn gặp bà bạn. Ông biện lý tối qua đi đánh bạc, ăn chơi tại chốn lầu xanh tới trễ nên không kịp đọc hồ sơ.
Người ta xử tù một tên ăn cắp tấm thảm đáng giá mấy đồng bạc, họ cho nó là nguy hại cho xã hội nhưng chính họ là những kẻ hoang đàng, lừa dối. Người ta chỉ đầy nó đi tù chứ không loại bỏ những nguyên nhân gây ra tội trạng, họ đã tạo ra hàng ngàn tên tội phạm nhưng chỉ bắt được một tên, đó chỉ là trò đạo đức giả. Nền Tư pháp với cả một đạo quân nào Công chức, Thư ký, Lính canh, Phu trạm đưa thư… tại nước Nga, họ lãnh lương cao để làm cái trò hề này. Nếu chỉ dùng một phần trăm những chi tiêu ấy để giúp những kẻ bất hạnh bị xã hội bỏ rơi thì sẽ không có kẻ phạm tội, không cần phải xử tù, giam giữ họ. Những người cai trị giầu có, trí thức đã không biết tìm cách loại trừ những nguyên nhân gây ra tội mà chỉ xử tội họ.
Nekhlioudov vào thăm Maslova rồi được biết có người hiền lương vô tội bị tù oan, hằng trăm người bị bắt chỉ vì không có giấy thông hành, khi gửi trả về Tỉnh nguyên quán thì nhà tù ở đó đã bị cháy nên đã giam giữ họ hai tháng như tội đại hình, họ nói bị đối xử như con chó. Những kẻ gác tù phải làm việc ác như thế mà họ vẫn tự cho là mình quan trong.
Nekhlioudov sau nhiều lần viếng trại tù để lo cho Maslova và giúp đỡ những phạm nhân bất hạnh khác, chàng nhận thấy tù đại hình gồm có năm hạng:
Trước nhất là hạng vô tội, bị xử oan như Maslova, hạng này cũng ít vào khoảng bẩy phần trăm.
Những kẻ phạm tội trong khi nóng giận, ghen tuông, say rượu.. khoảng năm mươi phần trăm.
Những kẻ buôn lậu, bán rượu giả, trộm cây cối…
Những kẻ có trình độ cao hơn trung bình bị coi là đại hình như giáo phái ly khai, người Ba Lan, Tcherkess bảo vệ lãnh thổ của họ, tù chính trị, đình công… bọn này rất nhiều.
Những kẻ khốn cùng, bị xã hội bỏ rơi, áp bức nên phải đi trộm cắp.
Họ cũng là người, họ có tội với xã hội thì ít mà xã hội sai phạm với họ nhiều hơn, tác giả đặt câu hỏi.
“Con người nhân danh gì, quyền gì để giam cầm hành hạ người khác, để đầy ải giết chóc họ”
(de quel droit un home en punit-il d’autres?)
Tù được chuyển ra ga xe lửa để đi Tây Bá Lợi Á, họ bị dẫn đi bộ dưới ánh nắng hè gay gắt, mấy người yếu đuối lăn ra chết dọc đường. Bọn canh tù không đưa những kẻ yếu vào bóng mát, cho họ uống nước, nghỉ ngơi, họ không xót thương người tù, đặt trách nhiệm lên trên tình thương, nếu tình người chỉ hiện ra trong lương tâm họ một lúc thì đã không có những tội ác như vậy.
Tại một trai tạm giam tù trên đường đi Tây bá Lợi Á, Nekhlioudov thấy chỗ giam tù hôi thối ghê tởm, tiếng xiềng xích và mùi hôi hám xông lên, phòng giam dành cho một trăm năm mươi người nhưng họ nhốt vào đó tới bốn trăm rưởi. Mấy tháng di chuyển đoàn tù đi về phương đông là những ngày tháng nhục nhằn đau khổ, hạ giá nhân phẩm con người, những kẻ làm ra cảnh tượng ghê tởm này cho rằng đó là cần thiết nhưng thật ra chỉ là một bọn điên khùng.
Bọn tù tội mà họ cho là nguy hiểm nhưng thực ra còn ít nguy hiểm hơn là kẻ nắm quyền chức trong guồng máy Chính phủ và Bộ tư pháp. Tù nhân chịu nhiều nhục nhã vô ích, nào xiềng xích, áo quần dơ bẩn, đầu cạo trọc mất nhân phẩm. Họ dễ sinh bệnh truyền nhiễm, dễ bị phạm tội ác, làm hư hỏng những người lương thiện khác, luật pháp cấm đánh nhưng chính phủ vẫn làm ngơ cho bọn cai tù dùng bạo lực. Hàng trăm, hằng ngàn người đã bị đưa tới chỗ hư hỏng rồi lại trả tự do về xã hội để bọn này lại reo rắc những mầm mống xấu xa cho xã hội. Nguyên tắc tư pháp là trừ tội ác, cải huấn tù nhưng thực ra lại là reo rắc tội ác, khuyến khích tội phạm, cải huấn họ nhưng thực ra là làm hư hỏng họ.
Trong các bộ phủ và toà án người ta trả lương cao cho các công chức để tham khảo luật lệ và để đầy ải hàng nghìn người đi Tây Bá Lợi Á, trong tay giám đốc trại, lính cai tù độc ác, hằng triệu người đã bị tiêu diệt về thể xác và tâm hồn. Từ người tuỳ phái tới ông Bộ trưởng, không ai bận tâm tới công lý và hạnh phúc của người dân mà chỉ chú ý tới đồng lương để làm công việc tồi bại ấy. Họ là những kẻ xấu không thể cải huấn những người xấu khác, họ không làm giảm tội phạm mà còn làm cho nó tăng lên mãi, con người lấy tư cách gì để xử người khác trong khi chính họ cũng là những kẻ xấu xa đầy khuyết điểm.
Theo Tolstoi nền Tư pháp chỉ là một bộ máy hành chánh dùng để bảo vệ quyền lợi cho giai cấp Quí tộc thống trị, Toà án chỉ là để giữ vững cái trật tự hiện hữu này.
Nhà văn hào chỉ trích Giáo Hội Chính Thống Nga a dua cấu kết với chính quyền để đàn áp những giáo phái ly khai khỏi Giáo Hội. Những người tách rời Giáo hội bị tù đầy, gia đình ly tán, thế mà người ta nói đó là vì quyền lợi của Quốc gia. Một giáo phái chống lại Chính Thống lại bị coi là có tội.
Ngày chủ nhật tù nhân được dẫn lại nhà thờ làm lễ, ông giáo sĩ thuyết giảng rồi lấy bánh mì cắt nhỏ nhúng vào rượu ăn, ông mời mọi người và nói ta ăn thịt và uống máu của Chúa. Tác giả cho đó là trò hề ăn bánh thánh và chỉ trích lễ nghi, Chúa Jésus không chấp nhận lễ nghi, không chấp nhận người này phải gọi người kía là thầy là cha. Ngài cấm cầu nguyện ở nhà thờ mà phải cầu ở nơi cô tịch, Ngài cấm con người xét xử, giam cầm hành hạ trừng phạt nhau, Ngài đến để giải thoát cho những kẻ mất tự do, Tolstoi cho rằng lễ nghi ở đây phạm thượng. Ông thầy làm lễ từ năm mười tám tuổi đến nay để kiếm tiền nuôi gia đình ông sinh sống đầy đủ.
Những ông Giám đốc, Giám thị nhà tù tin vào những tín điều này vì họ cho rằng nghề nghiệp của mình là chính đáng, họ hành hạ phạm nhân một cách thản nhiên. Đa số tù nhân cho rằng sự hành lễ tại nhà tù chỉ là trò bịp bợm.
Sau khi xuất bản Phục Sinh, tác giả đã bị trục xuất ra khỏi Giáo Hội..
4- Xã hội
Truyện tình dựa trên khung cảnh một xã hội Nga mục nát với các Ông hoàng Bà chúa, những toà lâu đài lộng lẫy, những người nông dân bần hàn, đói khổ, những túp lều tồi tàn dơ bẩn. Nekhlioudov tiêu biểu cho giai cấp thống trị, Maslova hình ảnh biểu tượng của giai cấp bị trị, Tolstoi đã kết án giai cấp quí tộc của ông qua hình ảnh hai nhân vật chính..
Nhà văn hào đã vẽ lên bức tranh đầy mầu sắc ảm đạm cảnh thôn tranh qua nhãn quan Nekhlioudov. Khi vào làng chàng thấy những người nông dân đi làm lam lũ ngoài đồng trở về, vào thăm một gia đình nghèo, một đống phân hôi thối nằm giữa sân, nhà cửa siêu vẹo, người dân ăn uống kham khổ. Chàng tiếp tục vào làng để tìm hiểu đời sống nông dân nhưng chỉ thấy toàn là cảnh bần hàn đói rách, trẻ con nheo nhóc. Họ xúm lại xin ông Hoàng bố thí, chàng nghĩ người dân chết lần chết mòn, đang hấp hối. Trước hết là trẻ con, đàn bà làm việc quá sức, thiếu thốn lương thực, người già khốn khổ nhất. Ấy thế mà chính quyền cứ thản nhiên coi như không vậy.
Lên Saint Petersbourg chàng thấy những người bán hàng ở tỉnh mập mạp, những anh đánh xe ngựa, bồi phòng trông khoẻ mạnh có da thịt. Những người dân quê lên tỉnh làm ăn cũng nghèo khổ trông còn tồi tệ hơn ở nhà quê. Chàng ghê tởm cái xã hội giầu có mà chính mình đã sống trong đó, nó đã che dấu những nỗi khổ đau của hàng triệu người để bảo đảm cho một thiểu số được sung túc, chàng ghê tởm cho cái giới người đã không thấy và không muốn thấy sự đau khổ của kẻ khác.
Tất cả những người bị giam cầm không phải vì phạm luật mà vì họ đụng chạm tới các Quan chức Chính phủ và bọn nhà giầu đang hưởng thụ sự phong lưu, phú quí bóc lột dân nghèo. Tất cả những công chức từ ông chú Nekhlioudov, các ông nghị sĩ đến các thư lại chững chạc trong các văn phòng bộ phủ không bao giờ quan tâm tới những nỗi khổ đau của những người vô tội và chỉ tìm cách giam cầm người ta khi cho bọn này nguy hiểm, họ chủ trương bắt lầm còn hơn bỏ sót. Tất cả những từ đẹp đẽ như công bình, bác ái, luật pháp, Thượng đế… chỉ để che dấu quyền lợi thô bỉ và những tội ác ghê tởm của họ.
Sinh trưởng trong lòng giới quí tộc nhưng nhà văn hào phủ nhận giai cấp của mình cho rằng sự cai trị của tầng lớp phong kiến là nguyên nhân gây nên cảnh khốn cùng.
5- Cách mạng
Theo Tolstoi nguyên do chính của sự nghèo đói là đất đai, nguồn sống của họ đã bị địa chủ tước đoạt. Người già trẻ nít chết vì thiếu sữa, thiếu sữa vì không có đất để trồng trọt, chăn nuôi bò, vấn đề là sự nghèo đói do ở chỗ đất nuôi sống người dân nhưng họ không có đất để trồng trọt. Đất nằm trong tay bọn điền chủ, bọn này sống bằng sức lao động của kẻ khác. Người nông dân trồng trọt, cấy cầy cật lực làm ra lúa mì rồi được đem xuất cảng ra ngoại quốc để các ông chủ mua mũ áo, xe ngựa xênh xang.
Nekhlioudov nghĩ ra cách để chấm dứt tình trạng này, chàng đã biết qua những nguyên tắc căn bản của Henry George, đất cũng như không khí, như nước không thể là của riêng ai. Thời còn là sinh viên Nekhlioudov chịu ảnh hưởng học thuyết Henry George, chàng đã từ bỏ đất thừa hưởng của cha để đem chia cho nông dân cho rằng sở hữu đất đai là có tội. Trước khi theo Maslova đi Tây Bá Lợi Á chàng về Kouzminskoé chia đất thừa hưởng của mẹ cho nông dân nhưng bị họ nghi ngờ nên việc không thành. Nekhlioudov về Panovo, tụ tập nông dân để chia đất đai của hai bà cô, họ hiểu và thoả thuận. Nekhlioudov nay theo xã hội chủ nghĩa, không công nhận quyền tư hữu.
Tolstoi ca ngợi những nhà cách mạng dấn thân qua nhận xét của nhân vật Maslova khi được đi chung với tù chính trị, nàng cho rằng không ngờ trên đời có những con người cao thượng như thế. Khi bị tuyên án tù nàng khóc nức nở nhưng bây giờ nàng lại cám ơn Trời mãi mãi vì đã cho nàng gặp những con người phi thường như Maria, Simonson, những nhà cách mạng đã hy sinh bản thân để chống lại giới chủ nhân. Chính họ cũng đã từng là chủ nhưng lại từ bỏ quyền lợi, tự do cho lý tưởng cao đẹp, Maslova yêu thương, kính trọng họ. Họ là những người có trình độ văn hoá, xuất thân gia đình giầu có, quyền quí nhưng đã từ bỏ tất cả cho sự nghiệp cách mạng.
Lần đầu tiên trong văn nghiệp, Léon Tolstoi đã thoát ra khỏi nghệ thuật cổ điển sang tả chân hiện thực bằng những nét khách quan cho người đọc thấy một đất nước bần hàn khốn khổ đang chờ đợi những nhà cách mạng dấn thân. Ta thấy Tolstoi là một trong những nhà xã hội chủ nghĩa tiên phong, kết án Nga Hoàng bóc lột. Những nhân vật cách mạng, xã hội chủ nghĩa của tác giả có người là Cộng sản như Kondratiev, có nhiều người thuộc những khuynh hướng khác như Maria, Vera. Mặc dù có khuynh hướng xã hội, không công nhận quyền tư hữu nhưng Xã hội chủ nghĩa của Tolstoi trái ngược đường lối của Lénine ở điểm ông là nhà hiền triết. Con người phải đặt tình thương lên trên trách nhiệm. Gandhi người chủ trương bất bạo động đã tự nhận mình là môn đệ của Tolstoi.
Ông nghĩ những người làm cho chính phủ không hề mảy may xúc động vì họ là công chức. Tình thương không thấm vào lòng họ được giống như một cái sườn dốc được lát bằng gạch đá khiến cho nước mưa không thể thấm xuống. Thật đáng buồn khi thấy cái sườn dốc không hoa mầu cây cỏ cũng như thấy những người như ông Tỉnh trưởng, Giám đốc nhà giam, cai tù… thiếu tình thương y như vùng đất khô cằn sỏi đá không có cỏ hoa tươi tốt. Họ thi hành luật pháp nhưng thật ra đó không phải là luật, luật vĩnh cửu bất di bất dịch do Thượng đế đã in sâu trong tim con người. Họ tự nhận mình làm việc cho chính phủ phải coi con người như đồ vật không một chút tình thương, con người không thể vô tình với đồng loại như thế.
Lénine lãnh đạo cuộc cách mạng cướp chính quyền Nga năm 1917 chủ trương bạo lực cách mạng triệt để, so với Tostoi như ta đã thấy một bên lấy bạo lực làm sức mạnh, một bên lấy tình thương, nhân bản làm đầu. Mặc dầu hai chủ trương khác biệt nhưng Léon Tolstoi cũng được Cộng Sản Nga ca tụng và phổ biến công trình văn học của ông vì ông đứng về phía nông dân và vì địa vị của ông quá lớn. Tiến sĩ giáo dục Nga Semion Filippovitch Egorov trong bài viết về Tolstoi đã trích lời của Lénine viết năm 1910, một thời gian ngắn sau khi Tolstoi mất.
“Tolstoi đã đề cập trong tác phẩm của ông biết bao vấn đề, ông đã đưa nghệ thuật của mình lên tới đỉnh cao khiến công trình trước tác của ông được xếp trong số những cuốn sách tuyệt diệu nhất trên văn đàn thế giới”
(Tolstoi a su poser dans ses ecrits un si grand nombre d’immenses problèmes, il a su attteidre à une telle puissance artistique que ses oeuvres se classent parmi les meilleures de la litérature mondiale).
Và
“Di sản của ông không thuộc về quá khứ mà nó thuộc về tương lai”
(Il y a dans son héritage ce qui se nombre pas dans le passé, mais appartient à l’avenir)
(Trích trong Lénine Toàn Tập)
Con người và tác phẩm của Tolstoi đã trở thành di sản cho nhân dân Nga, sách của ông đã được in ra những số lượng rất lớn bằng tất cả các thứ tiếng trong Liên Bang Sô Viết. Công trình văn học của ông đã được ghi vào chương trình giáo khoa tại các trường học, các trường sư phạm cũng như các trường cao đẳng.
6- Điện Ảnh
Phục Sinh, Résurerection đã được quay thành phim ba lần.
-Lần thứ nhất năm 1958, phim mầu dưới sự hợp tác của ba nền điện ảnh Đức – Pháp –Ý. Theo lời một ông bạn du học ở Đức từ trước 1975 trong đó Tây Đức là chính, tên tiếng Đức Auferstehung, dài 106 phút. Cuốn phim này lại là phim hay nhất, tân tiến nhất
Đạo diễn: Rolf-Hansen
Truyện phim: Renato Castellani, Juliane Kay.
Các tài tử chính.
Horst Buchholz: Vai ông hoàng Nekhlioudov.
Myriam Bru: Vai nàng Maslova (Katioucha)
Edith Mill: Vai Fedosia.
Ruthniehaus: Vai Missy.
Hãng Phim Bavariafimkunst (phim trường Bavaria)
Nhà sản xuất: Franz Wagner.
Quay phim: Franz Weihmayer.
Phim trường: Bavaria/Rizzoli/Francinex
Chiếu lần đầu tiên ngày 21-10-1958.
-Lần thứ hai năm 1961, Résurrection được Nga quay thành phim đen trắng lấy tên Woskresenje, hãng phim Mosfilm dài 115 phút.
Đạo diễn: Michail Schweizer.
Các tài tử chính.
JewgeniJ Matwejew: vai ông hoàng Nekhlioudov
Tamara Sjomina: Vai nàng Maslova-
-Lần thứ ba năm 2001, dưới sự hợp tác của ba nền điện ảnh Pháp – Đức – Ý, trong đó Ý là chính, tên phim là Resurreczione
Nhà sản xuất Grazia Volpi, phim dài 180 phút.
Đạo diễn Paolo-Taviani, Vittorio Taviani.
Các tài tử.
Timothy Peach: Vai Nekhlioudov
Stefania Rocca: Vai Maslova.
Được giải thưởng ưu hạng Đại Hội Điện Ảnh Mạc Tư Khoa năm 2002.
Trong ba phim kể trên, Résurrection quay 1958 do Đức-Pháp-Ý hợp tác được phát hành đi nhiều nước, hai cuốn quay năm 1961 và 2001 không thấy được phổ biến. Tôi đã được xem phim của Tây Đức Pháp Ý (quay 1958) hồi xưa tại Sài Gòn và mới được xem phim do Nga quay 1961 qua đĩa DVD.
Cuốn phim do người Nga quay sát truyện hơn nhưng nói chung thua kém cuốn phim của Tây Đức nhiều, đây là một cuốn phim đen trắng dàn cảnh sơ sài nghèo nàn, cách lựa chọn tài tử của họ không được chu đáo cẩn thận như điện ảnh Tây phương. Trong truyện Maslova là một cô gái xinh đẹp có nét sang trọng quí phái nhưng họ chọn tài tử Tamara Sjomina thủ vai này là một cô gái trông quê mùa giản dị. Lẽ ra phải chọn một người thanh lịch, hào hoa để đóng vai ông hoàng Nekhlioudov như trong truyện đã mô tả nhưng nhà đạo diễn chọn tài tử (Jewgeni) không được thanh nhã cho lắm, anh này nếu đóng vai vua quan, tướng lãnh thì thích hợp hơn.
Phim không diễn tả được tính cảm động lãng mạn của cuốn tiểu thuyết. Diễn xuất của các vai chính cũng như vai phụ không nổi lắm, nghệ thuật của toàn bộ cuốn phim trung bình, đó là một nghệ thuật cổ lỗ sĩ không theo kịp đà tiến bộ của điện ảnh Tây phương. Điều này đễ hiểu, điện ảnh Nga chỉ là một nền nghệ thuật trung bình, người ta chưa thấy họ có được phim nào xuất sắc nổi tiếng như điện ảnh Nhật, Trung Hoa và Tây phương.
Cuốn Résurrection quay năm 1958 nói chung rất thành công và được khen ngợi, chú ý rất nhiều, có chiếu ở Sài Gòn ngay, nói tiếng Pháp phụ đề Việt Ngữ. Trong số những tác phẩm của Tolstoi được quay thành phim, Résurrection được khán giả, dư luận phê bình chú ý và hoan nghênh hơn cả. Khoảng năm 1959, 1960 tại Sài Gòn khán giả nô nức đi xem phim và trầm trồ khen ngợi, truyện phim cảm động, dàn cảnh vĩ đại, mầu sắc lộng lẫy, tài tử diễn xuất điêu luyện.
Bên Đức một nhà phê bình đã cho rằng phim không quay sát truyện, điều này dễ hiểu vì trước khi quay thành phim người ta phải viết lại truyện phim, không thể quay theo y như tác phẩm. Trong truyện tiểu thư Missy chỉ là bạn của Nekhlioudov nhưng trong phim nàng là ý trung nhân của ông hoàng. Người ta bỏ bớt những đoạn tả cảnh đoàn tù trong cuộc hành trình gian nan vất vả đi Tây bá Lợi Á. Điện ảnh không thể diễn tả ngọn nguồn những khía cạnh của xã hội như văn chương mà chỉ diễn tả được cốt truyện.
Nhà đạo diễn Roff-Hansen đã gây nhiều xúc động sâu xa, đã thực hiện được những cảnh thương tâm không kém ngòi bút tuyệt diệu của Tolstoi nhất là khi Maslova bụng chửa lên nhà ga vào một đêm trời tối mù mịt để tìm Nekhlioudov khi chàng đáp tầu ngang qua gần nhà hai bà cô. Nàng chạy ngược chạy xuôi trên đường rầy một cách tuyệt vọng khi tầu chuyển bánh. Hoạt cảnh đầy nước mắt và tàn nhẫn ấy đã được văn chương cũng như điện ảnh diễn tả phong phú gợi hình.
Điện ảnh không thể diễn tả tâm lý nhân vật sâu sắc như văn chương, cũng không diễn tả được những tư tưởng hiện thực xã hội như ngòi bút của nhà văn hào nhưng nó cũng có sở trường riêng. Nhà văn diễn tả tỉ mỉ tâm lý chàng và nàng trong cảnh biệt ly, nhà làm phim diễn tả lại bằng hình ảnh ngắn gọn cảm động tuyệt vời: Nekhlioudov từ nhà trọ lên xe trượt tuyết ra roi, con ngựa kéo chàng thẳng tới bến sông nơi Maslova và đoàn tù lên tầu tiếp tục cuộc hành trình đi Tây Bá Lợi Á. Nàng từ chối tự do khi được ân xá, Maslova ôm một đứa trẻ giã từ chàng nói.
“Em chỉ yêu có một mình anh thôi’.
Rồi nàng lại nói
“Em chỉ yêu có một mình anh thôi”
Nàng nói như thế cho vừa lòng Nekhlioudov, nàng không muốn làm hỏng cuộc đời chàng.
Con tầu rời bến, Nekhlioudov với đôi mắt nhoà lệ trông theo, khán giả tưởng như không cầm được nước mắt khóc theo chàng.
Sự hình thành của cuốn tiểu thuyết dựa trên câu chuyện có thật, định mệnh cay nghiệt đời nàng Rosalie, cuốn phim thành công phần lớn cũng là nhờ nội dung bi thảm và những tình tiết lâm li của tác phẩm. Ngoài ra nhờ tài dựng cảnh lành nghề của nhà đạo diễn cũng như diễn xuất tuyệt vời của các vai chính, họ đã làm sống lại nước Nga thế kỷ 19, cả một xã hội phong kiến xa xưa đã hiện ra trên màn bạc.
Horst Buchholz, tài tử Tây Đức nổi tiếng quốc tế thật xuất sắc trong vai ông hoàng Nekhlioudov, người ta cho đây là cuốn phim thành công nhất trong sự nghiệp điện ảnh của anh. Myriam Bru, cô đào Pháp gốc Do Thái trong vai Maslova đã diễn tả chân thực cuộc đời khốn khổ một người đàn bà vô tội giới bình dân. Quá say mê với nghệ thuật Horst Buchholz và Myriam Bru đã nhập vào các nhân vật thành Nekhlioudov và Maslova. Trong phim chàng và nàng biệt ly tại bờ sông nhưng ngoài đời anh chị sống bên nhau mãi mãi, Horst Buchholz và Myriam Bru làm lễ thành hôn sau khi cùng đóng xong cuốn phim bất hủ.
7- Kết Luận
Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nga đánh giá Phục Sinh thấp hơn Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karénine.
Trong cuốn Introduction to Tolstoy’s writings trang 196, tác giả Ernest J.Simmons có vài nhận xét về Résurrection.
“Ở đây trong sự giằng co giữa nghệ thuật và đạo đức trong con người Tolstoi, nghệ thuật đã thắng. Ông không theo lối kết thúc happy ending mang tính đạo đức, nhưng Katusha (hay Maslova) sau cùng từ chối lấy ông hoàng Nekhlioudov”.
(Here, in the struggle between the truth of the moralist and the truth of the artist in Tolstoy, the artist prevails. He makes no concession to the conventional happy-ending of virtue rewarded, for Katusha ultimately refuses to marry Nekhlyudov)
Và
“Tác giả diễn tả chân thành cảm xúc của mình trong tác phẩm và đã truyền đạt một cách nghệ thuật tới người đọc, gây xúc động và khiến họ chia xẻ những xúc cảm ấy với nhau và với tác giả. Và dĩ nhiên hơn bất cứ cuốn tiểu thuyết nào khác của ông, Resurrection thể hiện định nghĩa về nghệ thuật siêu việt của Tolstoi vì nó gợi cho chúng ta tình thương và mục đích chung cuộc sống của nhân loại, sự cố gắng thực hiện cái toàn thiện về đạo đức, tinh thần bằng phục vụ mọi người (Trang 198.)
(That is, the novel deals with feelings sincerely express by the author, and so artistically conveyed that they infect readers and cause them to share these feelings with him and with each other. And certainly more than any of his other novels, Resurrection fulfils Tolstoy’s definition of the best art, for it evokes in us feeling of brotherly love and of the common purpose of the life of all humanity – a striving to achieve spirtual and moral perfection through service to others”)
Dịch giả Édouard Beaux trong kết thúc phần giới thiệu bản dịch tiếng Pháp đầu tiên cuốn Résurrection của ông đã quả quyết.
“Điều quan trọng là từ thời ấy đã có một tác phẩm mà sự can đảm, thành thật, cái đẹp của nó có thể nêu một tấm gương sáng cho chúng ta ngày nay”
(Il jugera ainsi de l’important que put avoir en son temps une oeuvre don’t l’audace, la sincerité et la beauté peuvent nous servir encore aujourd’hui et d’exmple et d’encouragement)
Nhưng Ernest J.Simmons cũng cho rằng nghệ thuật của Résurrection thua kém nhiều so với hai tác phẩm trước Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karénine.
(Résurrection naturally forces comparison with those supreme works, War And Peace and Anna Karenina, and it must be admitted that it falls below lofty artistic achiements of these earlier novels)
Simmons cũng chỉ trích khía cạnh đạo đức của Phục Sinh.
Nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã cho rằng truyện này kém nghệ thuật, Morris Philipson trong cuốn Ông Bá Tước Muốn Làm Người Nông Dân, The Count Who Wished He Were A Peasant nói Phục Sinh không phong phú như Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karénine vì nó nói rõ ra chứ không có tính cách mơ hồ tiềm ẩn.
(But something of the mystery of art is lacking, it is in a word, obvious, page 131…. – The crucial difference between Resurrection and Tolstoy’s greatest novels is that here the reader knows exactly what the author wants him to think and feel, page 131)
Theo Morris, nhà văn hào với lối diễn tả quá sáng sủa làm giảm giá trị cho tác phẩm hơn là làm tăng giá trị cho nó.
(…His clarity of thought narrows rather than enhances the effect of his fiction, page132).
Ông nói Tolstoi dùng những ngụ ngôn, kinh nghiệm cá nhân, những thí dụ .. chỉ để dùng cho những sách không phải là văn chương hơn là cho tiểu thuyết.
“Sự thật thì những kiến thức về tôn giáo, triết học khó có thể làm cho tác phẩm hay hơn. Phục Sinh là một bài giảng đạo đã cải trang thành một cuốn tiểu thuyết” trang 132.
(It is not true that his religious and philosophic understanding improves his novelist art. Resurection is a “Sermon” disguiged as a novel.
Dmitry Svyatopolk Mirsky, sinh 1890 tại Nga, học đại học St. Peterburg, sau sang Anh dạy văn chương Nga, trong cuốn A History of Russian Litterature đã chê bai nặng nề truyện Phục Sinh như sau.
“Một điều chứng tỏ rõ ràng là nghệ thuật của Tolstoi đã xuống dốc khi ông thành người giảng đạo, nếu sáng tác của ông trong mấy chục năm cuối cùng còn đứng vững hay suy tàn tùy thuộc vào giá trị của Resurection, thì đây là môt trường hợp tồi tệ, vì hiển nhiên là nó rất thua kém Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Kareine, nhưng nó cũng thua kém rất nhiều cả những truyện ngắn như Ông Chủ Và Người Tớ, Hajji Murad và Xác Chết Sống. Trang 306.
(It has often been used to prove that Tolstoy’s genius declined after he became a preacher. If the imaginative work of his last thirty years is to stand or fall according to the merit of Resurrection, it will be in somewhat bad case, for it is quite obvious that Resurrection is very much inferior to War And Peace and Anna Karenina. But it is also much inferior to Master And Man, to Hajji Murad, and to The Living Corpse.
Ông cũng nói
“Phục Sinh không phải là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo: ý tưởng đạo đức đã được củng cố bằng những bản văn trong Kinh Thánh đã không hội nhập được vào văn chương.” trang 307.
(Resurrection is not a perfect work of art: The moral idea, profusely supported by texts from the Gospels is not organically fused into the fabric”.
Mirsky còn cho rằng :
“Mặc dù tác phẩm dầy, Tolstoi đã bỏ rất nhiều công phu nhưng sách viết để lấy tiền” trang 306.
(Inspite of his size, it is by no means the work into which Tolstoi put the most work and care – it was written, strange to say, for money.
Thật chưa có ai ngược đời như giáo sư Mirsky này, người đã đem một tác phẩm vĩ đại nổi tiếng như Phục Sinh để so sánh với những truyện ngắn vài chục trang không ai biết tới. Ông nói Phục Sinh không những thua kém các tác phẩm vĩ đại trước như Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karénine mà còn rất thua kém những truyện ngắn của cùng tác giả Tolstoi! Một tác phẩm trở thành tồi tệ chỉ vì có sự xen lẫn một số tư tưởng đạo đức? Một tác phẩm hay không phải ông không thích nó mà nó dở và ngược lại.
Như đã dẫn ở trên Morris chỉ trích lối viết Tolstoi trong Phục Sinh thua kém Chiến Tranh Và Hoà Bình cũng như Anna Karénine ở chỗ tác giả khiến cho người đọc biết rõ, cảm thấy ngay điều ông muốn nói. Viết sáng sủa hoặc rung cảm dễ dàng được người đọc thì phải là một ưu điểm nhưng sao Morris lại coi là một khuyết điểm?
Cả Simmons lẫn Mirsky đều cho rằng Tolstoi trở thành thầy giảng đạo đức trong tác phẩm này và làm giảm giá trị nghệ thuật văn chương. Sự thực không riêng gì trong Phục Sinh mà trong Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karénine Tolstoi bao giờ cũng là nhà hiền triết, tác phẩm của ông cũng vẫn là hiện thân của chân, thiện, mỹ. Vả lại trong Phục Sinh ở phần cuối truyện khi nói đến sự bừng tỉnh của lương tâm Nekhlioudov, tác giả chỉ trích dẫn năm sáu đoạn ngắn trong Kinh Thánh để diễn tả sự sống lại của nhân vật chính, chàng đã tìm được lẽ sống nhưng các nhà phê bình trên đã phóng đại lên cho rằng Résurrection là một cuốn sách giảng đạo.
Cả ba nhà nghiên cứu phê bình Simmons, Morris, Mirsky đều cho rằng Phục Sinh thua kém xa Chiến Tranh Và Hoà Bình , Anna Karénine và đưa ra những yếu điểm của tác phẩm, tuy nhiên Chiến Tranh Và Hoà Bình và Anna Karénine đã có những khuyết điểm riêng.
Quan niệm sáng tác của thời cận là tác phẩm phải nói lên được một khía cạnh của xã hội loài người và như vậy Anna Karénine cũng như Chiến Tranh Và Hoà Bình đã rơi vào tình trạng cổ điển trong khi Phục Sinh đã diễn tả một cách hiện thực xã hội thối nát dưới thời Nga Hoàng mà các tác phẩm trước không nói được. Văn chương của Léon Tolstoi trong Phục Sinh đã thoát khỏi nghệ thuật cổ điển đi vào khuynh hướng mới, một trong những tác phẩm đầu tiên đi vào hiện thực xã hội. Ông cũng đã bỏ được những khuyết điểm thường thấy ở hai cuốn tiểu thuyết trước, đi thẳng vào đề tài, không viết dông dài, chỉ nói những gì cần nói và viết những gì cần viết.
Điều không thể phủ nhận được là khi quay thành phim, Résurrection đã thành công huy hoàng, rực rỡ, đã được khán giả hoan nghênh hơn hẳn Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karénine nhờ nội dung cảm động sâu sắc, tình tiết lôi cuốn bất ngờ và thể hiện được nhiều ý nghĩa nhân bản của tình người.
Khi mới xuất bản Phục Sinh đã được nhiều độc giả Nga và Âu Mỹ tán thưởng, nay theo bước đi của thời gian tác phẩm ít được biết tới nhưng cũng đáng được coi như một tài liệu xã hội hiếm, quí về một giai đoạn lịch sử đã qua của một đất nước vĩ đại, một dân tộc bất hạnh đã bị dầy vò xâu xé quá nhiều.
Nhà dịch giả Pháp Édouard Beaux ca ngợi lòng can đảm của Tolstoi, người mà ngay từ thời xa xưa ấy đã dám nói lên sự thật, ông quả là một tấm gương sáng cho chúng ta ngày nay.
Trọng Đạt
Tôi có nghe nhưng chưa đụng tới Resurrection trước đây. Xin cảm ơn t/g Trọng Đạt’
Từ cuốn phim We Live Again, tôi mới coi hơn 7 phút, và thấy mỗi câu nói đều có ý nghĩa.
We Live Again (ROUBEN MAMOULIAN director, Sam Goldwyn 1934)
“thank you thank you very much thank you why do they give me food, they need it”
“myself dimitri dearborn i want to serve my country that’s why i’d rather go into civil service”
“russia’s in a pretty rotten condition we’re going to have a revolution if we don’t look out”
Thới ấy người ta có lẽ đọc sách nhiều hơn.
Cũng như trước 1975, VNCH chúng tôi có kiến thức khá với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng từ khắp thế giới. “Gone with the Wind” là một trong các tác phẩm này. Khi sang Canada thì thấy người bình thường không đọc nhiều sách như chúng ta.
Have a great weekend watching and reading whatever is your favorite movie/book. All the Best to Everyone.