(Trao đổi với nhà thơ Phan Hoàng – phó chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM khi ông vừa tuyên bố trên FB của mình: “ THƠ TRÊN FACEBOOK LÀ THƠ RÁC RƯỞI”). Phan Hoàng đặt tên bài viết của mình: “NGỘ ĐỘC THƠ” (người khác) trên mạng còn tỏ ra khinh miệt, rủa xả hàng triệu người cho in thơ trên FB hơn rất…rất…nhiều lần ông phán : ‘thơ trên FB chỉ là rác rưởi”.
Thưa nhà thơ Phan Hoàng kính mến
Tôi vốn là một con người đi từ rác rưởi đi lên, kẻ vô cùng yêu quý rác vì tôi là con một người nông dân, tám tuổi đã ra đồng phụ với cha mẹ bón phân bón rác cho lúa. Người nông dân chúng tôi nghìn đời đã có câu phương ngôn quan trọng bậc nhất : “ Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Dân tộc ta bốn nghìn năm sống bằng nghề trồng lúa nước nên vô cùng yêu mến yếu tố thứ hai là rác, là phân để cây lúa trổ bông.
Mà rác chính là cha mẹ của phân chuồng ( phân trâu bò, phân lợn và phân bắc). Không có rác đổ vào chuồng lợn, thì làm gì có phân chuồng bón lúa, lấy đâu gạo mà ăn thưa nhà thơ Phan Hoàng?
Cho nên khi nghe nhà thơ Phan Hoàng mắng thơ trên Facebook chỉ là rác rưởi, tôi buồn lắm vì rác của đời tôi bị Phan thi nhân rẻ rúng, mắng mỏ .
Cách nay 30 năm, tôi luôn tìm các tập thơ rác được giải Hồ Chí Minh, ví như tập thơ “Thương lượng với thời gian” và “Trường ca biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh ( người còn làm to hơn Phan Hoàng nhiều) để phê bình. Được đà, tôi đã phê bình ngót 15 tập thơ rác đã được giải thưởng Nhà Nước, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam để chê tới số mà bạn đọc đã được đọc trên nhiều mặt báo và trên FB của tôi.
Xem ra rác thơ cũng quý giá lắm chứ nhà thơ Phan Hoàng ?
Còn rất nhiều thứ rác quý hơn kim cương, ví như rác chính trị, rác tư tưởng, rác văn hóa, rác triết học đang làm nên bao sự diệu kỳ trên đất nước ta đó sao ?
Ông Phan mà còn chê rác rưởi nữa thì coi chừng lò bác Trọng tìm gom ông đấy (!)
Nhà thơ Phan Hoàng, qua bài viết đã tự loại thơ mình ra khỏi tổng thể thơ rác của các vị như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Qúy, Mã Giang Lân…Bằng chứng là Phan thi nhân thử cho chúng ta đọc một bài thơ không phải rác của mình tên là “Tiếng thì thầm”. Xin quý vị đọc bài thơ mẫu của Phan Hoàng như sau :
TIẾNG THÌ THẦM
Ở giữa hơi nước và mây lạnh
tôi nghe thì thầm
tiếng giữa hoan lạc và thụ tinh
Ở giữa sấm chớp và mưa giăng
tôi nghe thì thầm
tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở
Ở giữa áp thấp và bão tố
tôi nghe thì thầm
tiếng giữa hấp hối và cái chết
Thì thầm giao hưởng bất tận
tuần hoàn qua những đại dương phận người lênh đênh
cuốn cánh buồm tôi trôi mê mải hải lưu buồn
đau những chân trời tư tưởng tật nguyền
câu thơ neo bờ nước mắt
(hết bài thơ của Phan Hoàng)
Cảm giác đầu tiên của cái gọi là bài thơ trên vì nó không được may mắn xếp vào hàng thơ rác, cho nên thơ thế này chắc chắn sẽ không được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Mô típ của bài thơ ở giữa cái này và cái kia đã quá cũ, đã sáo mòn, hàng vạn người đi trước đã dùng.
Xét trên nghĩa tả thực, ba khổ của bài thơ trên đã phi logic :
“Ở giữa hơi nước và mây lạnh
tôi nghe thì thầm
tiếng giữa hoan lạc và thụ tinh”
Khi đôi trai gái đang hoan lạc ( nói trắng ra là đang làm tình), nhất là làm tới mức cực khoái thụ tinh, thì làm sao nó lại thì thầm cho được. Phi lý. Lúc đó cặp đôi kia hú hét lên chứ sao lại thì thầm ? Tả thực như vậy là quá sai nha Phan Hoàng. Phan Hoàng có đọc kiệt tác “ Trăm năm cô đơn” của Macket chưa ? Khi cặp tình nhân hoan lạc, nó la hét làm cho cả làng mất ngủ phải bỏ làng ra đi vì lũ quỷ sứ hú hét kinh thiên động địa này ? Tả thực còn sai thì sao Phan Hoàng tìm được nghĩa bóng, nghĩa siêu ?
Ta xét thêm khổ thứ hai cũng rất phản nghĩa thực :
“Ở giữa sấm chớp và mưa giăng
tôi nghe thì thầm
tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở”
Phan Hoàng chưa biết tả thực : giữa sấm sét mưa giông ồn ã điếc tai thế mà sao nghe được tiếng thì thầm ? Ai thì thầm ? Thưa bà đang đau đẻ thì thầm! Ối, khi đau đẻ, các bà rên xiết và la hét hơn cả bò rống, sao lại thì thầm hỡi nhà thơ ?
Xin xét khổ thứ ba :
“Ở giữa áp thấp và bão tố
tôi nghe thì thầm
tiếng giữa hấp hối và cái chết”
Trong bão tố của cơn áp thấp nhà thơ lại nghe được tiếng thì thầm của kẻ hấp hối và cái chết ? Nhiều người hấp hối để chết cũng thở hồng hộc, sao có thể thì thầm ?
Xét sự sáo mới nghe cải lương vô cùng tận của Phan Hoàng trong khổ thơ cuối cùng :
“Thì thầm giao hưởng bất tận
tuần hoàn qua những đại dương phận người lênh đênh
cuốn cánh buồm tôi trôi mê mải hải lưu buồn
đau những chân trời tư tưởng tật nguyền
câu thơ neo bờ nước mắt”
Bài thơ của ông chưa thể xếp vào rác thơ, vì nó rất nhạt, rất giả tạo, rất sến, thưa nhà thơ Phan Hoàng ? (Viết thêm : thi hào Pháp P.Elua từng đã viết : “Tôi đã đi từ chân trời của một người đến chân trời của triệu người/ Tôi đã đi từ chân trời tư tưởng thương đau đến chân trời của con tim hoan lạc”. Rõ ràng câu thơ : Những chân trời tư tưởng tật nguyền” của Phan Hoàng lấy từ thơ P.Elua)
Sài Gòn ngày 9-4-2018
Trần Mạnh Hảo
Lão ta tưởng chỉ mình biết ” chôm” câu thơ của người khác.
“đau những chân trời tư tưởng tật nguyền “. thi hào Pháp P.Elua từng đã viết : “Tôi đã đi từ chân trời của một người đến chân trời của triệu người/ Tôi đã đi từ chân trời tư tưởng thương đau đến chân trời của con tim hoan lạc”. Rõ ràng câu thơ : Những chân trời tư tưởng tật nguyền” của Phan Hoàng lấy từ thơ P.Elua)