Christopher Hill
Đinh Minh Đạo dịch
LND: Christopher Hill sinh năm 1952, là một nhà ngoại giao Mỹ chuyên nghiệp. Ông là cựu đại sứ Mỹ tại Macedonia (1996-1999), Ba Lan (2000-2004), Nam Hàn (2004-2005), Irak (2009-2010). Năm 2005, dưới thời chính quyền của tổng thống Bill Clinton, ông là đồng tác giả của hiệp định Dayton dẫn tới kết thúc chiến tranh tại Bosnia.
Dưới thời chính quyền George W. Bush, ông là trưởng phái đoàn Mỹ trong cuộc đàm phán 6 bên về Bắc Triều Tiên. Christopher Hill là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc của Mỹ. Hiện nay ông là giáo sư của University of Denver.
Vừa qua ông trở lại Ba Lan nhân dịp hồi ký của ông được dịch và phát hành bằng tiếng Ba Lan. Nhân dịp này, phóng viên nhật báo WYBORCZA Maciej Jarkowiec đã phỏng vấn ông.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn.
—————————–
Với hy vọng giúp bạn đọc hiểu thêm về tình hình chính trị hiện nay tại Mỹ, tình hình vô cùng phức tạp của cuộc xung đột tại Trung Cận Đông.
Christopher Hill là nhà ngoại giao đã được trực tiếp chứng kiến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại đông Âu. Ông cho rằng, các vết thương mà các chế độ cộng sản ở đông Âu để lại cho xã hội vẫn chưa lành hẳn, cần được tiếp tục chữa trị.
Một xã hội dân chủ không chỉ là bầu cử tự do, mà công việc xây dựng các cơ quan công quyền vững mạnh, họat động theo thể chế dân chủ là yếu tố quyết định để vận hành nhà nước dân chủ.
*
-Maciej Jarkowiec: Giữa những năm 80, sau khi đến thăm Ba Lan ông đã nhận xét: ”Có thể 100 năm nữa Ba Lan sẽ không thay đổi”. Lúc đó nhiều người đã cho rằng ông không nhầm lẫn, họ đã tin vào nhận xét của ông.
Chrystopher Hill: (cười) Nhìn vào hiện tại, rõ ràng những yếu điểm từ thời kỳ cộng sản vẫn chưa được sửa chữa. Thiên tài “SOLIDARNOSC” (Công Đoàn Đoàn Kết), đó là một ý tưởng dựa trên cộng đồng. Từ ý tưởng này, dẫn đến phương châm đoàn kết để xây dựng một tương lai tươi sáng. Nhưng trên thực tế, ý tưởng này chỉ được thực hiện một phần nhỏ.
Hiện nay xu thế đòi thanh toán với quá khứ trở thành một chất kích thích. Các ông đã trở thành tù nhân của quá khứ. Giờ đây đã không có sự phân chia rõ ràng giữa cộng sản và chống cộng sản. Ý thức đã tồn tại từ hai phía như là một hố sâu ngăn cản lòng tin cậy lẫn nhau. Nghi kỵ trở thành thành phần quan trọng nhất của nhiên liệu, cung cấp cho chính quyền hiện nay hoạt động.
-Làm thế nào để xây dựng lòng tin cậy?
-Trong giữa những năm 80 tôi đã là một người hơi quá bi quan, nhưng thời điểm sau đó không chỉ riêng Ba Lan mà toàn châu Âu đã thay đổi. Sự thay đổi tại Ba Lan đã làm sống lại hy vọng về một châu Âu thống nhất. Phương tây đã lạc quan quá mức. Chúng ta đã xử lý nhiều vấn đề sâu rộng hơn mức độ mà nó cho phép. Vấn đề này không chỉ xẩy ra ở Ba Lan.
Tôi đã có mặt tại Anbani tại thời điểm nước này mở cửa ra phương tây. Tôi đã trải qua những giây phút thích thú. Trời ơi! Những người dân có thể thoát ra khỏi những chấn thương mà xã hội cộng sản đã gây cho họ nhanh chóng đến thế! Nhưng ở lại đó lâu hơn, tôi mới hiểu rằng, họ hoàn toàn chưa thoát ra khỏi. Những vết thương còn quá sâu trên cơ thể xã hội. Sự tin cậy hay nói khác, nền dân chủ đích thực không được xây dựng nơi các cuộc bầu cử, nó chỉ được xây dựng trong các cơ quan công quyền. Tổ chức bầu cử thì dễ, nhưng xây dựng các cơ quan để chúng hoạt động tốt khó hơn nhiều.
Ba Lan đã có điểm xuất phát tuyệt vời, đó là thời kỳ của thủ tướng Mazowiecki*. Những năm tháng đầu tiên các ông đã tiến bước đầy phấn kích, nhưng sau đó đã yếu dần. Cần phải tiếp tục xây dựng nền dân chủ. Hiện nay các cơ quan trong bộ máy nhà nước của Ba Lan rõ ràng là yếu, vì vậy việc đầu tiên cần tiến hành là làm tăng sức mạnh cho chúng. Nhưng tôi nhấn mạnh, tôi vẫn lạc quan về tình hình của Ba Lan. Tôi tin rằng, tình hình hiện nay khác những năm 80, Ba Lan sẽ tự vượt qua những yếu kém.
-Nghi ngờ, không có lòng tin cũng là nhiên liệu của Trump?
-Tôi ngạc nhiên về những điểm giống nhau có thể chỉ ra giữa chính quyền của Trump và Kaczynski**. Những khác biệt về tính cách, tiểu sử …ở hai nơi khác nhau về lịch sử, kinh tế, chính trị v…v, nhưng lại giống nhau là thiếu vắng sự tin cậy đối với các cơ quan công quyền. Nứơc Mỹ chúng tôi trải qua quá trình lịch sử khác biệt, dưới thời thực dân Anh, tất cả các cơ quan trong bộ máy của nhà nước đều do chính quyền Anh chỉ định. Sau khi nước Mỹ được giải phóng khỏi chế độ của thực dân Anh, chúng tôi đã trả chính quyền về cho nhân dân, phân tán và giới hạn quyền lực của các cơ quan nhà nước. Trong những năm gần đây, nhiều cử tri cho rằng, quyền lực của các cơ quan công quyền là không có giới hạn.Trump đã tranh thủ nắm lấy thời cơ này, nhưng không có khái niệm đầy đủ, thế nào là một nhà nước. Đối với Trump, quản lý nhà nước cũng như quản lý một khách sạn.
-Con người Trump như vậy, nhưng lại lãnh đạo một siêu cường. Mối lo ngại thật sự về một cuộc chiến tranh hạt nhân với Bắc Triều Tiên của nhiều nhà chính trị, trong đó có Hillary Clinton. Ông là một trong số rất ít người am hiểu về Bắc Triều Tiên, ông có chia sẻ mối lo ngại này?
-Hiện tại thì không. Tất nhiên tôi thấy lo lắng về những tính toán sai lầm nguy hiểm, rằng trong thực tế không còn tồn tại khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng. Tổng thổng của chúng tôi nghĩ rằng có thể giải quyết vấn đề bằng ngôn từ hiếu chiến giống như của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Đây thật sự là điều không tốt.
-Ông có thể giải thích về những tính toán sai lầm?
-Tôi có thể đưa ra một ví dụ. Cách đây mấy tuần lễ, máy bay trinh sát của chúng tôi đã xuất hiện ở bờ biển của Bắc Triều Tiên. Dễ dàng có thể hình dung, quân đội Bắc Triều Tiên nổ súng. Nếu máy bay trúng đạn, chúng tôi sẽ bắn trả vào các mục tiêu đã nổ súng, một cuộc chiến leo thang sẽ xẩy ra. Chúng ta không thể biết được, liệu tình hình có nằm dưới tầm kiểm soát. Bắc Triều Tiên có khuynh hướng trả đũa mạnh khi cho rằng, đó là hành động khiêu khích. Tôi sợ rằng, tổng thống của chúng tôi cũng sẽ hành động tương tự như vậy.
-Vẫn tiếp tục tồn tại câu hỏi, ai sẽ là người không lường trước được, Kim Jong Un hay Donald Trump?
-Chúng ta vẫn chưa biết về điều này. Nhưng chúng ta đã biết tổng thống Trump là một người bốc đồng. Nhiều cố vấn của ông ta đã cố gắng để thuyết phục ông không nên hành động bốc đồng. Có thể Tump không muốn biết hậu quả sẽ ra sao nếu cuộc khủng khoảng xẩy ra.
-Chính sách ngoại giao của Mỹ thật là thảm hại. Tại bộ ngoại giao, trong bộ máy tổ chức thiếu những cán bộ, những chuyên gia có trình độ và thẩm quyền. Nhưng bộ trưởng Rex Tillerson phải giúp Trump giải quyết công việc ở những vùng khó khăn nhất trên thế giới, giải quyết các cuộc khủng khoảng tại đó.
-Đây là sự thất vọng lớn nhất đối với chính quyền này. Tôi thấy lạ về thái độ của Trump, nhưng Tillerson làm tôi ngạc nhiên hơn rất nhiều. Đã để mất lòng tin, không tận dụng khả năng của các cán bộ. Không thu phục những chuyên gia trong bộ ngoại giao, trong giới báo chí, trong nghị viện. Bỏ qua những góp ý của các người tiền nhiệm. Tillerson không hiểu được, đôi khi thành tích đạt được tại Washington là kết quả của hoạt động với các đồng minh. Nếu đối với Trump, nhà nước cũng như một khách sạn, thì đối với Tillerson như một cánh đồng dầu mỏ. Kết quả là chính sách đối ngoại của chúng tôi trở thành ngẫu nhiên. Không có những đội ngũ chuyên gia đảm nhiệm việc họach định chiến lược ngoại giao. Trong một vài vùng trên thế giới, chúng tôi gần như không hiện diện.
-Có vẻ như hiện nay, bộ quốc phòng của tướng James Mattis đảm nhiệm vai trò chủ yếu định hình chính sách ngoại giao của Mỹ?
-Tôi luôn luôn cho rằng, không được để quân đội định hướng chính sách ngoại giao, nhưng bi kịch của chính quyền này là quân đội đã biểu lộ thẩm quyền lớn nhất trong lĩnh vực ngoại giao. Điều này nguy hiểm cho an ninh, nếu ngoại giao dân sự không hoạt động và các công cụ quân sự trở thành những công cụ ngoại giao duy nhất. Trump không có sự lựa chọn, buộc phải tin tưởng vào các tướng lĩnh bởi ông ta hiểu biết không nhiều về thế giới. Sự phụ thuộc vào các tướng lĩnh tăng nhanh mà điều tồi tệ nhất là Trump đã bãi bỏ nhiều đạo luật mà những người tiền nhiệm đã xây dựng. Nhiều khó khăn phát sinh của Mỹ và thế giới do lỗi của Trump và các đồng sự. Nếu họ lãnh đạo tốt, thế giới sẽ yên tĩnh và hạnh phúc hơn. Trump ngây thơ như đứa trẻ. Trong lần đi thăm Saudi Arabia, ông ta đã nói với nước chủ nhà, rằng họ có trách nhiệm về nền hòa bình giữa Israel và Palestin. Nước chủ nhà đã trả lời thẳng thắn, người chịu trách nhiệm không phải là họ mà là kẻ thù lớn nhất của họ Iran.
-Chính Trump đã báo trước, rằng Nhà Trắng sẽ không đòi hỏi những bằng chứng mà Iran đã thực hiện đúng theo thỏa thuận đã ký kết để gia hạn hiệp định. Mọi việc hiện nay phụ thuộc vào hạ viện, có thể một lần nữa cấm vận và hủy bỏ hiệp định.
-Đây là một ví dụ rõ ràng nhất về thiếu vắng lãnh đạo của Tump. Đẩy vấn đề sang cho điện Capitol, trong khi quốc hội do Đảng Cộng Hòa kiểm soát chưa chắc sẽ có giải pháp tốt hơn, tôi không biết nó sẽ hoạt động ra sao. Những con người khôn ngoan trong chính quyền này như những tướng Mattis, Kelly (John, tránh văn phòng Nhà Trắng),McMaster (Herbert, cố vấn an ninh quốc gia) hiểu rằng, cần phải giữ lại hiệp định đã ký kết với Iran. Đây không phải chỉ là hiệp định giữa hai nhà nước, mà nhiều quốc gia khác đã tham gia ký kết, giữ quan hệ tốt với các quốc gia này nằm trong lợi ích của nứơc Mỹ.
Xa hơn, để theo dõi việc thực thi hiệp định này, các quốc gia ký kết đã kết hợp với Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IAEA), IAEA đã xác định Iran đã tuân thủ hiệp định, sau đó Tillerson mới công nhận.Tôi không hiểu Trump muồn gì khi nói rằng đó là hiệp định tồi tệ nhất mà Mỹ đã ký kết. Tất nhiên Trump cũng không hiểu mình nói gì. Trong ngôn từ của nó, không chứa đựng gì ngoài bi kịch trống rỗng và phỉ báng những người tiền nhiệm, những người đã làm việc rất vất vả để hiệp định hình thành. Họ không thỏa thuận với gió mây mà với một nước Iran – một cường quốc khu vực.
-Trump nhắc lại lý lẽ của thủ tướng Israel Beniamin Netanjah, rằng hiệp định với Teheran cho giáo chủ tiền để cung cấp cho bọn khủng bố và gây bất ổn trong vùng.
-Cần phải nhớ rằng, thỏa thuận được đàm phán tập trung để giải quyết một vấn đề cụ thể, đó là ngăn cấm Iran thực hiện chương trình chế tạo bom nguyên tử. Mục đích này đã đạt được. Thỏa thuận không xem xét các vấn đề khác. Trump không hiểu điều này, cũng không hiểu được sự phức tạp của chủ nghĩa khủng bố. Trump cũng không phân biệt được sự khác nhau giữa hai nhóm Hồi giáo quá khích của Sunni và Shiite. Trump cũng không hiểu rằng, Hezbollah cũng chống Nhà nước Hồi Giáo. Tôi không có ý định bênh vực Hezbollah, tôi chỉ muốn nói rằng, thỏa thuận với Iran không bao hàm tất cả các vấn đề vô cùng phức tạp của cuộc xung đột tại Trung Cận Đông.
-Một phần cảnh quan của cuộc xung đột Trung Cận Đông là Syria. Có thể xác định rằng, Mỹ đang thua Nga tại đây?
-Không những đang thua mà đã thua rồi. Nhưng không phải lỗi của Trump mà là lỗi của chính quyền Obama. Chúng tôi đã mắc sai lầm cơ bản từ lúc khởi đầu. Obama đã bị phê phán mạnh khi không có phản ứng trong cuộc nổi dậy chống lại Hosniem Mubarak của nhân dân Ả Rập. Khi khởi đầu cuộc khởi nghĩa tại Syria, lẽ ra chúng tội phải lên án Baszar al-Asad một cách rõ ràng.
Trong niềm hào hứng, chúng tôi đã không chú ý rằng, đã chỉ có một tổ chức đối lập với Asad, đó là những người Hồi giáo cứng rắn Sunni. Chính quyền Obama đã hòa theo luận điệu tuyên truyền, để thuyết phục dư luận tin vào một sự kiện sai lệch, rằng tồn tại một Quân đội Tự do Syria.
Tất nhiên có một lực lượng quân sự, nhưng không thể nào so sánh được với một liên minh quân sự của Asad, nó được thiết lập trên cơ sở lực lượng của Hezbolla, Iran và Nga. Đã không xem xét, phân tích nghiêm túc sự phân bố lực lượng của các phe phái trong cuộc xung đột, chúng tôi đã đưa ra một điều kiện, rằng Asad phải ra đi, trong khi chúng tôi chỉ nắm trong tay lực lượng người Alawite, chiếm 15% xã hội Syria. Nhưng lực lượng đối lập, được đặt tên là lực lượng dân chủ còn ít hơn nữa, bởi vì những người theo Công giáo, những người Kurd, những người Alawite…tham gia chống lại Asad, chẳng ai sốt sắng giúp đỡ cuộc đấu tranh của ngươi Sunni, họ sợ rằng sẽ biến đổi Syria thành nhà nước của người Sunni. Syria là một ví dụ về sự thiếu hiểu biết về xã hội của một khu vực, dẫn tới đưa ra các quyết định sai lầm của Mỹ.
-Khác với tình hình Syria hiện nay, hiệp ước Dayton đã được đàm phán thành công để kết thúc chiến tranh tại Bosnia như thế nào?
-Đáng ra, khi nổ ra chiến tranh Syria, thay vì đứng ngoài chỉ tay ai là tốt, ai là xấu, chúng ta đã phải xác định đâu là mục tiêu sau khi kết thúc cuộc chiến. Trong văn bản cần phải trả lời các câu hỏi : Nước Syria có cần được bảo toàn biên giới như đã tồn tại không, phân cấp, phân quyền hay địa phương tự trị…Cần phải phác thảo kịch bản chính trị, sau đó tiến hành thương lượng, vận động các bên để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Chúng tôi đã tiến hành từng bước như trên tại Bosnia. Đã thành công nhờ sự tham gia của tất cả các bên, thống nhất ấn định một khung nguyên tắc, được tôn trọng và duy trì, sau đó các bên tuyên bố ngừng bắn. Tại Syria thì ngược lại, thu xếp ngừng bắn tạm thời, trước khi ấn định một một điều gì đấy. Cách thức này không có hiệu lực để dừng cuộc chiến, khi mà các bên không biết ngừng bắn sẽ dẫn đến các bước như thế nào tiếp theo. Chúng tôi đã nói : ngừng bắn, sau đó sẽ tiến tới bầu cử. Nhưng nếu anh không có những cơ quan quản lý tốt, bầu cử không phải là bầu cử, nó trở thành một cuộc ghi danh phổ thông. Chúng ta sẽ chỉ biết được, có bao nhiêu người Kurd bầu cho người Kurd, bao nhiêu người Arab Sunni cho Sunni, bao nhiêu Alawite cho Alawite.
Tuy nhiên, Obama đã không gửi quân đến Syria để tực hiện một mục tiêu rõ rệt nào đó như Bush đã thực hiện tại Irak. Bush đã cho rằng, ai vi phạm quyền con người, cần phải bị lọai bỏ. Điều này chưa đủ, cần phải có đối tác. Chúng tôi đã không học được bài học từ Irak, chúng tôi đã không quên điều gì đã xẩy ra, nhưng không học được gì. Hiện nay chúng tôi gặp lại một tình hình tương tự, một phần không nhỏ của Trung Cận Đông, nơi chúng tôi đã hàng chục năm xây dựng mạng lưới lợi ích, nay để Nga chiếm ưu thế. Tôi thật khó tin được rằng, vùng này sẽ được hòa bình nhờ những con người như Putin và bộ trưởng bộ ngoại giao của nó Siergei Lawrow.
-Nhưng thật khó xác nhận, rằng Mỹ đã xây dựng hòa bình ở đó. Xâm chiếm Irak từ 2003, bắt đầu một kỷ nguyên hỗn loạn và bạo lực.
-Tôi đã mong có một chứng cớ mạnh mẽ để bác bỏ luận điểm trên đây, nhưng thật đáng buồn điều ông đưa ra lại là sự thật. Chúng tôi đã đến một đất nước mà đa số dân là người Shiite, nhưng lại do người Sunni thiểu số cầm quyền. Chúng tôi muốn dẫn họ đến một xã hội dân chủ, nhưng không có các cơ quan công quyền hoạt động tốt, người dân không đi bầu cử theo sự thuyết phục của chính trị, họ bầu cử theo các sự phân chia khác, trong đó có sự phân chia tôn giáo. Vì vậy chúng tôi đã tạo ra trong các địa phương mà người Sunni mất ưu thế, bị người Shiite lãnh đạo. Sau đó, chúng tôi lấy làm lạ là người Shiite đã làm rất ít để hòa hợp với người Sunni. Vậy chẳng có gì ngạc nhiên, khi thấy người Sunni không muốn chung sồng dưới sự lãnh đạo của người Shiite.
Sai lầm ở đây là chúng tôi đã không xác định được thực chất của sự xung đột giữa độc tài và dân chủ. Tại Trung Cận Đông, thực chất của cuộc xung đột khác rất nhiều, đó là cuộc xung đột giữa người Shiite và người Sunni. Không một ai trong chính quyền Bush hiểu được điều này. Tệ hại hơn, chính sách ngoại giao đã được trao vào tay càc tướng lĩnh đầy tham vọng như tướng Dvid Petraeus, người đã nghĩ rằng chiến tranh sẽ đem đến cho mình vận may trong sự nghiệp chính trị. Nhưng tiếc thay, tham vọng thường làm cho con người ta mất tỉnh táo.
-Trong quyển sách của ông, ông đã phê phán gay gắt các mối quan hệ liên quan đến quân đội Mỹ tại Irak.
-Tôi không phải người đầu tiên. Dana Friest (trong cuốn sách „The Mission”) đã trình bầy cách thức mà các người chỉ huy của quân đội Mỹ tại các tỉnh đã tiến hành chiến tranh. Họ thị sát chiến trường từ trên cao bằng các máy bay, họ không hiểu gì về văn hóa địa phương, nhưng lại sử dụng quyền lực mạnh. Họ nhắc lại, rằng chúng ta đã thắng cuộc chiến từ lâu bởi chúng ta đã tiến hành một cuộc chiến tranh táo bạo. Điều này như một niềm khích lệ những người luôn cho rằng, Mỹ là đế quốc mạnh toàn năng. Nhưng trên thực tế, chúng tôi đã không giành được chiến thắng. Chúng tôi đã có một sức mạnh quân sự, được đầu tư hàng tỷ Đô la.
-Mỹ đã thua cuộc chiến này?
-Tôi cũng không nói như vậy. Tôi không có cơ sở chắc chắn để cho rằng cuộc chiến này là chiến thắng hay thất bại. Có một điều chắc chắn, mục tiêu thay đổi Irak thành một quốc gia dân chủ, một thí dụ điển hình làm gương cho các quốc gia trong vùng đã không đạt được. Điều này không thể thực hiện được. Nhưng điều tồi tệ hơn là chúng tôi đã không rút ra được bài học. Chúng tôi đã đưa Irak đến tình huống, là họ không có một liên minh nào trong các quốc gia Arab trong vùng, nhưng lại xây dựng mối quan hệ với Iran không tồi. Điều này chắc chắn chúng tôi đã không mong muồn. Mặt khác, nếu ai đã có mặt ở Irak dù chỉ 10 phút, sẽ không cảm thấy rằng chúng tôi đã không làm điều gì đó đáng sợ, chúng tôi đã trừ bỏ Saddam Husajn, nó đã là một con quái vật.
-Dùng bạo lực tiến hành cuộc can thiệp, diết chết hàng nghìn thường dân Irak. Khi ông tiếp nhận chức đại sứ Mỹ tại Bagdad, ông đã cười nhạo khi truyền hình Al-Dżaziara đã đặt câu hỏi đối với ông : Liệu Mỹ có cần phải xin lỗi. Hôm nay với tư cách cá nhân, câu hỏi trên lại được đặt ra đối với ông, vẫn buồn cười?
-Về nguyên tắc, tôi không cười nhạo bất cứ một câu hỏi nào, tôi không nhớ trường hợp nêu trên. Tôi có thể nói rằng, hậu quả của cuộc xâm chiếm của Mỹ và những hoạt động sau đó đã làm hàng ngàn ngừơi dân thiệt mạng, đó là sự thật. Nhưng những câu hỏi nêu trên gợi một ý tiếp theo, rằng những người dân Irak đã có cuộc sống tốt hơn dưới thời Saddam Husajn. Thực tế trước khi chúng tôi hiện diện, không phải người dân Irak không đủ dũng khí để khởi nghĩa chống lại Saddam Husajn, mà Husajn đã giết mọi kẻ thù ngay khi họ chưa kịp hành động. Hiện nay tình hình Irak cỏ thể không tốt hơn dưới cai trị độc tài của Husajn. Nuri al-Maliki đã tốt hơn Husajn, thủ tướng hiện tại Hajdar al-Abadi tốt hơn Maliki. Một điều đau khổ đối với tôi, chúng tôi đã đi đến Irak mà hoàn toàn không hiểu gì về tình hình địa phương. Chiến tranh gây ra rất nhiều trở ngại khó khăn bên trong nước Mỹ. Việc quân phiệt hóa hiện nay, sự tin tưởng, rằng quân đội sẽ định hình chính sách ngoại giao, đó là di sản để lại sau chiến tranh Irak.
-Còn hậu quả của toàn cầu hóa rộng rãi sẽ ra sao? Những nhà lãnh đạo của Iran, Bắc Hàn sẽ khẩn trương để chế tạo bom nguyên tử, vì sợ rằng Mỹ có thể trừ khử họ như đã làm với Saddam Husajn?
-Không. Bắc Hàn đã tiến hành nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử từ mười năm nay, công việc được Kim đệ tam đẩy nhanh. Nó tự ý thức về sứ mệnh lịch sử, mong muốn bổ sung và thực hiện sự nghiệp chưa hoàn tất mà người cha để lại – đưa Bắc Hàn thành cường quốc hạt nhân – đây cũng là mong muốn của ông nội Kim, người đã nói :”Phá hủy liên minh Mỹ với Nam Hàn và tạo ra điều kiện đi đến thống nhất”. Không có sự liên hệ đến sự kiện Irak.
-Ông đánh giá thế nào về sự lãnh đạo của Mỹ trên thế giới hiện nay?
-Tôi rất thất vọng về tình hình hiện nay. Ngày càng nhiều vùng khác nhau trên thế giới cho rằng, chúng tôi đến đến các quốc gia như Irak và mong muốn truyền bá dân chủ cho họ, trong khi đó lại không tôn trọng chính xã hội dân chủ của mình. Văn hóa chính trị Mỹ đã được cải cách theo chiều hướng xấu. Sự xuất hiện chủ nghĩa Trump đã gây nên sự nghi ngờ ngày một sâu hơn đối với các cơ quan công quyền. Các nhân vật mới đến trong các cơ quan này không có một khái niệm về công việc mà họ sẽ đảm nhận. Irak không phải là nguyên nhân, nhưng là hậu quả của hiện tượng này – sự khủng khoảng của bộ máy hành chính. Bộ máy này đang cần được tăng cường, nhưng trước mắt tôi không nhìn thấy cánh én báo hiệu sự thay đổi tốt đẹp, trong khi đó chúng tôi sẽ còn phải chịu trách nhiệm trước thế giới dài hơn.
-Trung Quốc không phải là vấn đề nước Mỹ phải đối phó?
-Tất cả các vấn đề của nước MỸ mà tôi đã mô tả không làm thay đổi tranh cãi về Trung Quốc. Đây là vấn đề đòi hỏi phải thực hiện một nghiên cứu, thực hiện một giải pháp chính trị quan trọng. Trước đây một năm, chính quyền Mỹ đã nói với người Trung Quốc : các anh hãy giữ nguyên hệ thống chính trị trong hòa bình, chúng tôi sẽ cho các anh tăng trưởng kinh tế. Họp đồng xã hội này đã lung lay, không có hiệu lực như người ta đã nghĩ. Ngoài ra, tôi còn thấy rằng, Trung Quốc không phải là đất nước hấp dẫn đối với các lãnh đạo. Họ không những không gửi quân đến các vùng xung đột, cũng không tham gia chống dịch HIV tại châu Phi và hàng trăm vấn đề khác nữa. Hiện tại tôi không nhìn thấy khả năng họ thay đổi. Điều hấp dẫn nhất đối với Trung quốc là vấn đề quân sự. Mỹ vẫn giữ vai trò chủ chốt, và điều lo ngại là chúng tôi có một tổng thống hoàn toàn không hiểu về điều này.
-Ông có đặt cược vào sự thất bại của Ba Lan. Còn Mỹ sẽ đi về đâu?
-Chúng tôi sẽ tự vượt qua những trở ngại.Trong những tháng năm đã qua, tôi đã được chứng kiến một số lần thất bại của nước Mỹ liên quan đến nguyên tắc kinh tế. Tôi nhớ Nhật Bản đã mua Trung tâm Rockefeller Center, lúc đó người ta đã nói rằng, đất nước sụp đổ. Hôm nay kinh tế của Mỹ phát triển tốt hơn các nước khác. Bây giờ người ta nói đến các yếu kém của Mỹ về tình hình chính trị. Chúng tôi sẽ vượt qua những yếu kém này, nhưng trước hết chúng tôi phải tồn tại trong 3 năm tiếp theo đây.
Warsaw, tháng 2-2018
Đinh Minh Đạo
———————-
Chú thích:
*Tadeusz Mazowiecki (1927-2013), thủ tướng chính phủ không cộng sản đầu tiên của Ba Lan kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ông điều hành chính phủ sau thắng lợi bầu cử tự do của Công Đoàn Kết (SOLIDARNOSC), từ 1989 đến 1981. Chính phủ dưới quyền ông, đã chuyển đổi Ba Lan từ thể chế độc tài cộng sản, sang thể chế tự do dân chủ.
**Jaroslaw Kaczynski, sinh năm 1949, hiện là chủ tịch Đảng Luật Pháp và Công Lý (PiS), đảng cầm quyền hiện nay tại Ba Lan. Ông không nắm giữ một chức cụ nào cụ thể trong chính quyền, như lại là người quyết định mọi chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ. Ông là anh em song sinh của cựu tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski, người đã chết trong tai nạn máy bay tại Smolenski (Nga) năm 2010.