Những triều đại Á Châu: Trận chiến của người Singapore (Phần 2)

0
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng chụp hình selfie cùng giới trẻ Singapore. Hình: The Straits Times.

Tác giả: Jeevan Vasagar

Người dịch và Chú thích: Huỳnh Việt Lang.

 

Và đây là lần đầu tiên, một đợt suy thoái kinh tế lại trùng với thời điểm dễ bị tổn thương chính trị rộng lớn hơn. Gia tộc họ Lý, từng giám sát Singapore từ lúc độc lập, đã bị chia rẽ bởi các đấu đá nội bộ về di sản của người cha lập quốc này.


Kích hoạt cho cuộc tranh cãi, vốn đã ảm đạm kể từ cái chết của ông Lý vào tháng Ba năm 2015, là nơi cư trú của gia đình, một ngôi nhà gỗ gần đường Orchard, nơi Thủ tướng đầu tiên của quốc gia muốn phá hủy sau khi ông qua đời. Lý Hiển Long, Thủ tướng hiện nay, đã tự rút lui khỏi một ủy ban được thành lập để xem xét số phận ngôi nhà, nhưng các em của ông cáo buộc ông Long âm mưu duy trì nó trong một nỗ lực ăn bám trên uy tín của cha mình. Ông Lý Hiển Long đã phủ nhận các cáo buộc đưa ra bởi các em mình.

Cuộc xung đột đã nảy sinh khi Singapore chuẩn bị chuyển đổi sang một thế hệ lãnh đạo mới, lần đầu tiên, một lớp lãnh đạo không có những ký ức trực tiếp về quá khứ thuộc địa. Thủ tướng đương nhiệm đang phục vụ nhiệm kỳ thứ ba và sắp thoái nhiệm sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, được sắp xếp vào tháng Tư năm 2021.


Cuộc tranh chấp đã chia rẽ sâu sắc dư luận tại Singapore, tách những người trung thành với Thủ tướng hiện tại với những người tin rằng mong muốn của người quá cố phải được hoàn tất.

Gia tộc họ Lý tại đám tang Lý Quang Diệu vào năm 2015 © AP

Michael Barr (1), tác giả của cuốn sách Sự thống trị của tầng lớp thượng lưu Singapore, cho rằng sự quản lý chính trị yếu kém đã phóng đại tác động của mối bất hòa trong gia tộc họ Lý. Vị lãnh đạo hiện nay, người nhậm chức vào năm 2004, chủ trì một làn sóng dân nhập cư vào Singapore, giúp đẩy mạnh những ngành công nghiệp chủ chốt như xây dựng giàn khoan nhưng cũng gây ra lo âu cho người dân.


Sau khi chiến thắng cuộc bầu cử có tỷ số sít sao nhất từ trước tới nay hồi tháng Năm năm 2011, đảng cầm quyền Nhân dân Hành động đã buộc phải đối mặt với sự giận dữ của công chúng về chi phí nhà ở, tình trạng quá tải về giao thông công cộng và một sự phụ thuộc quá mức vào lao động nhập cư.


Ông Barr nói: “Lý do duy nhất khiến ông Lý Hiển Long rất quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ với hình ảnh của cha mình là thành tích chính phủ của ông đã quá yếu và chắp vá. Sau khi ông tiếp quản chức vụ, tình trạng nhập cư gia tăng một cách đáng kể và họ để cho cơ sở hạ tầng xuống cấp.”

Nhận thấy những rủi ro của một cuộc tranh chấp kéo dài, các người em của Lý Hiển Long đã đề nghị tạm ngừng tranh cãi vào tuần trước, và đồng ý với lời đề nghị của thủ tướng giải quyết sự vụ trong phạm vi gia đình. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi đã gây ra những vấn đề khó chịu (2). Cho đến nay, các nhà lãnh đạo Singapore thường thận trọng bảo vệ danh tiếng của họ tại tòa án – họ thắng kiện các phương tiện truyền thông nước ngoài, các blogger trong nước và các chính trị gia đối lập với những cáo buộc chỉ gây ra những gợn sóng rất nhỏ cho sự toàn vẹn thanh danh của họ (3).

Nhưng nhân dịp này, các cáo buộc về gia đình trị phát sinh từ bên trong gia đình, để lại những người cai trị trong tình huống nan giải; nỗ lực bịt miệng những người em của thủ tướng sẽ chứng minh cho lời tuyên bố của họ về sự áp bức, trong khi mà không làm gì thì ám chỉ (để ngụ ý) rằng gia tộc họ Lý thích hưởng đặc quyền.
Ông Barr nói: “Ba anh em nhà họ Lý (Lý Hiển Long và hai người em) liên can đến vòng xoáy lục đục chuyện gia đình đang đến hồi kết trước khi những đứa cháu bắt đầu cãi nhau”.

Từ 2 trung đoàn nhỏ, Singapore đã xây dựng thành một quân đội có sức mạnh tác chiến hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Hình: Armyrecognition

Nỗi lo lắng của Singapore đã lan rộng đến quan hệ đối ngoại.

Sự không chắc chắn về chính sách của Mỹ ở ở châu Á, đặc biệt là kể từ khi bắt đầu chính quyền Trump, và một Trung Quốc ngày càng quyết đoán đã để lại cho thành quốc này phải vật lộn để duy trì sự cân bằng truyền thống giữa Đông và Tây.

Vấn đề này đã được nhấn mạnh từ cuối năm ngoái, khi chín xe bọc thép của Singapore – trở về sau cuộc tập trận từ Đài Loan (4), mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai – đã bị bắt giữ tại Hồng Kông. Theo một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, các xe bọc thép chỉ quay trở lại sau hai tháng bị tạm giữ, lúc đó Trung Quốc lên án mối quan hệ của Singapore với Đài Loan và bí mật mời chào quân đội Singapore sử dụng đảo Hải Nam như một cơ sở diễn tập thay thế. Nhưng lời đề nghị của Bắc Kinh đã bị từ chối.

Singapore, một quốc gia luôn cảnh giác về tình trạng dễ bị tổn thương của mình, đã dành khoảng 1/3 tiền thuế cho quốc phòng (5), đã trở nên mềm mại hơn trước sức mạnh của Bắc Kinh. Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore đã chỉ trích ông Trump vì đã từ bỏ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại; và ca ngợi “kế hoạch trở thành một nhà lãnh đạo thương mại trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Trung Quốc“.

 

Nguồn: Financial Times 9/7/2017

http://www.viet-studies.net/kinhte/SingaporeDynasty_FT.pdf

—————————-

Chú thích:

1/ Tiến sĩ Michael Barr là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế, Đại học Flinders (Nam Australia).

2/ Hôm 15/7/2017, khoảng 400 người tập hợp ở Speakers’ Corner để kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập để xác định xem Thủ tướng Lý Hiển Long có lạm dụng quyền lực trong cuộc tranh chấp về ngôi nhà của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ở quốc gia này, đám đông khoảng 400 người là lớn bất thường đối với một cuộc biểu tình phản đối Chính phủ.

3/ Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, năm 2016, chỉ số tự do báo chí của Singapore đã giảm hơn 7 điểm so với năm 2015 và xếp thứ 154/180, kém hơn cả Miến Điện (143) và nước láng giếng Malaysia (146). Đồng thời, Báo cáo Thế giới của Human Rights Watch cũng đánh giá Singapore có một môi trường chính trị ngột ngạt, nơi chính quyền kiểm soát gắt gao quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội của người dân.

Mặt khác, Singapore được đánh giá rất cao về hiệu quả quản trị nhà nước, với chỉ số minh bạch đạt 84/100 điểm, đứng thứ 7/176 quốc gia theo xếp hạng năm 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Sự tương phản giữa vị trí xếp hạng của Singapore khiến người ta liên tưởng đến một câu hỏi cơ bản trong triết học chính trị: Chính phủ để làm gì?

4/ 9 chiếc xe bọc thép Singapore bị Trung Quốc thu giữ vào tháng Mười một năm 2016, thuộc phiên bản Terrex 2. Loại xe này thuộc dòng xe bọc thép chở quân (APC) Terrex 8×8, được thiết kế và chế tạo với sự hợp tác giữa hai công ty ST Kinetics (Singapore) và Timoney Technology (Ireland), có thể sánh ngang với nhiều dòng xe thiết giáp hàng đầu hiện nay. Vận tốc tối đa: 105 km/h, dự trữ hành trình: 800 km; tổ điều khiển: 2 người, có thể chở theo 12 binh sỹ cùng trang bị đầy đủ. Khả năng chịu đựng: sức nổ tương đương 15 kg TNT dưới sàn xe, hoặc loại đạn 14,5 mm.

Việc Trung Quốc kiểm tra kỹ lưỡng những chiếc bọc thép Terrex 2, làm Singapore lo lắng rằng những chiếc xe này đã bị Trung Quốc “phẫu thuật” để đánh cắp công nghệ tối tân.

Singapore và Đài Loan đã ký hiệp định quốc phòng từ năm 1974. Theo “Dự án Sao sáng” (Project Starlight), quân đội Singapore được phép tập trận ở Đài Loan cùng quân đội Đài Loan. Singapore đã thành lập ba doanh trại đào tạo quân đội ở Đài Loan từ năm 1975, huấn luyện tới 15.000 lính mỗi năm ở Đài Loan; trong đó có lực lượng không quân.

Ngoài ra, quân sự Singapore cũng đã tiếp cận nhiều căn cứ huấn luyện ở Tây Úc và Queensland. Căn cứ huấn luyện Shoalwater Bay cho quân đội Singapore ở bang Queensland, có diện tích lớn gấp ba lần Singapore. Những năm gần đây, Singapore đã thiết lập quan hệ quân sự gần gũi hơn với Trung Quốc. Hai nước từng có cuộc tập trận chung năm 2014.

5/ Quân đội Singapore (SAF) là lực lượng được trang bị tốt nhất khu vực. Họ nằm trong số ít quốc gia Đông Nam Á tự sản xuất các vũ khí hiện đại cho quân đội. Với các hãng nghiên cứu của nhà nước và khu vực tư nhân chuyên về kỹ thuật quân sự, Singapore có đủ sức xuất khẩu thiết bị quân sự trên quy mô toàn cầu.

Theo trang web “21stcenturyasianarmsrace”, Singapore có ngân sách quốc phòng lên tới 10 tỷ USD vào năm 2017.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên