Những triều đại Á Châu: Trận chiến của người Singapore (Phần 1)

0
Hình minh họa. Nguồn: Financial Times

Tác giả: Jeevan Vasagar

Người dịch và Chú thích: Huỳnh Việt Lang.

Sự cạnh tranh từ Trung Quốc làm giảm vẻ hào nhoáng về sự thần kỳ của thành quốc (city-state) trong khi các cuộc tranh cãi trong gia đình cầm quyền họ Lý đặt ra những vấn đề đáng quan tâm.

Jeevan Vasagar


 

Đối với những ai chỉ trích khoản bổng lộc hào phóng đã trả cho các Bộ trưởng dưới trào Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) – một chính trị gia đã có công biến Singapore từ một cảng nhiệt đới nghèo tài nguyên thành một trong những nước thịnh vượng nhất châu Á – sự chỉ trích này chỉ là bề ngoài dễ biết.

Trong một phản ánh nỗi lo ngại về sự tha hóa các chuẩn mực, năm 2017, ông Lý đã lưu ý rằng “Bạn biết đấy, phương thuốc cho tất cả chuyện này thực sự cần một liều lượng đủ mạnh cho một chính phủ kém cỏi”. “Khi chọn cách khác, bạn sẽ không bao giờ thấy được sự đoàn kết trở lại của Singapore: các Humpty Dumpty (1) không thể kết hợp với nhau.

Hai năm sau khi ông qua đời, hiềm khích bùng phát giữa các người con ông Lý đã làm nổi lên những bất ổn trong thành quốc giàu có mà ông Lý đã dày công xây dựng. Trong một cuộc tranh chấp công khai được nhiều người dân Singapore quan tâm, ông Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) – đương kim thủ tướng và cũng là con trai của nhà lập quốc họ Lý – đã bị em trai Lee Hsien Yang (Lý Hiển Dương) (2) và em gái Lee Wei Ling (Lý Vệ Linh) buộc tội không tôn trọng mong muốn của người cha và nuôi dưỡng những tham vọng chấp chính cho con trai mình (3).

Tranh chấp đã tập trung chú ý vào quỹ đạo quyền lực kín kẽ tại Singapore, nơi mà nhà nước đã mắc kẹt với một gia đình. Trong một quốc gia tự hào về chế độ trọng nhân tài, con trai của Lý Quang Diệu là thủ tướng thứ ba của Singapore, và con dâu là bà Ho Ching (Hồ Tinh) đứng đầu Quỹ Đầu tư Temasek (4).

Ngôi nhà trước đây của cố thủ tướng Lý Quang Diệu ở Oxley Road. Hình 14/06/2017, Reuters

Bi kịch gia tộc họ Lý đã đến vào thời điểm mà quốc gia đã đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin. Kể từ khi Singapore được độc lập vào năm 1965, Singapore đã đạt được sự giàu có phi thường bằng cách tận dụng được vị trí chiến lược của mình, phát triển các ngành công nghiệp chuyên biệt và và tự đẩy mạnh như một trung tâm trung lập và hiệu quả kết nối châu Á với phần còn lại của thế giới.



Tuy nhiên, trong thời đại của tổng thống Donald Trump, Singapore lo lắng làm thế nào một đất nước nhỏ – đã phát triển mạnh trong kỷ nguyên tự do hóa thương mại và cởi mở – sẽ tiếp tục thành công nếu quá trình toàn cầu hóa bị đảo ngược. Và các nhà lãnh đạo của họ băn khoăn rằng lợi thế của mình đang dần biến mất khi đối mặt với sự cạnh tranh từ một Trung Quốc thịnh vượng và quyết đoán hơn.

Những nghi ngờ ngày càng tăng tại Singapore về cả sự lãnh đạo và đường lối phát triển đã được đề cập trong một bài viết của Kishore Mahbubani, một nhà cựu ngoại giao, học giả của Singapore, ông lập luận rằng nước này cần phải cư xử khiêm tốn hơn bởi vì nó là một quốc gia nhỏ mà thiếu những lãnh đạo tầm cỡ như Lý Quang Diệu.



Chúng ta đang ở thời kỳ hậu Lý Quang Diệu. Đáng buồn thay, chúng ta có thể sẽ không bao giờ có một chính khách được kính trọng trên toàn cầu như ông Lý nữa,” ông nói. “Vì vậy, chúng ta nên thay đổi đáng kể hành vi của chúng ta.” Những con số thống kê kinh tế chính yếu trông không quá tệ với Singapore. Ngân hàng trung ương (5) dự đoán mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội là 3% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở 3,2% trong quý đầu tiên.


Tuy nhiên, nền kinh tế cũng phải đối mặt với một loạt các chỉ số đáng báo động trong các ngành then chốt. Singapore Airlines, một thời là hãng hàng không hàng đầu về sáng tạo và sang trọng, trong tháng 5 đã bất ngờ báo thua lỗ quý sau khi bị sức ép dữ dội từ các đối thủ cạnh tranh; thị trường chứng khoán Singapore chỉ chứng kiến hai lần chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) ra công chúng ở sàn giao dich chính (6) trong năm nay, giá trị của một trong hai giao dịch IPO là 174 triệu đô la Singapore (tương đương với 126 triệu USD); và lượng container tại cảng Singapore – vẫn nhộn nhịp thứ hai trên thế giới – đã không đổi qua các năm.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một chủ đề bàn tán rộng rãi trong số những áp lực đối với Singapore. Hãng hàng không Singapore phải chứng kiến lượng khách du lịch Trung Quốc đi các hãng hàng không nội địa trên các chuyến bay thẳng hơn là quá cảnh ở Singapore; các công ty Trung Quốc đại lục thích niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông hơn là Singapore; và cảng Thượng Hải đang bùng nổ trong khi lượng chuyên chở container thông qua Singapore đang trì trệ.


Đối với nhiều nhà phân tích, những thất bại này là dấu hiệu của những vấn đề sâu sắc hơn. Manu Bhaskaran, nhà tư vấn kinh tế, một đối tác của Centennial Group đặt bản doanh tại Singapore cho biết: “Thách thức lớn nhất đối với Singapore là sự cam kết về giá trị (the value proposition), đó là sự kết hợp của năng lực cạnh tranh – bao gồm phí tổn – và cách thức quốc gia chọn thế đứng của chính mình.

So sánh với năng lực của Hồng Kông trong việc sử dụng Trung Quốc đại lục như một cơ xưởng sản xuất với chi phí thấp và thúc đẩy nhu cầu, ông nói thêm: “Các đối thủ như Bangkok và Hồng Kông đang đạt được sự tăng trưởng về quy mô và phạm vi bằng việc gia tăng hội nhập của họ với các vùng nội địa năng động, một điều giản đơn mà chúng tôi vẫn chưa làm được.

Singapore đang phải vật lộn với giao thoa các xu hướng tiêu cực. Theo Ngân hàng Thế giới, thành quốc là một trong những tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới, ở mức 1,2 ca sinh/phụ nữ, trong khi dòng lao động nhập cư đã bị thắt chặt khi đối mặt với sự bất mãn phổ biến.
Theo một nghiên cứu từ Maybank, hệ quả tình trạng lộn xộn về lao động dẫn đến tăng lương danh nghĩa, hơn 3% mỗi năm kể từ năm 2010, đã nhanh hơn tăng năng suất, trong khi năng suất lao động đã giảm khoảng 0.4% trong năm năm qua.

Chi phí cao đã khiến đầu tư tại Singapore kém hấp dẫn. Theo Unctad, cơ quan thương mại và phát triển của Liên hợp quốc, Singapore chứng kiến một sự sa sút 3% của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm ngoái, giảm xuống còn 62 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2012.


Các cố vấn của chính phủ lo ngại sự nổi lên của chủ trương chính trị vị bản địa (Nativism) trên toàn thế giới sẽ đặc biệt gây tổn hại cho Singapore, do 2/3 GDP phụ thuộc vào bên ngoài. Một Ủy ban kinh tế tư vấn cho chính phủ đã cảnh báo về một “sự thay đổi tiêu cực về tâm trạng” khi xa rời toàn cầu hóa. Theo một báo cáo công bố vào tháng Hai thì “Xu hướng chống lại xu hướng toàn cầu hóa sẽ làm suy yếu thương mại quốc tế, gây tổn thương tất cả các nước, đặc biệt là những nước nhỏ như Singapore“.


Singapore đã thích nghi với thay đổi trong quá khứ. Trong những năm 1990, quốc gia này chuyển tập trung từ sản xuất sang hóa chất và điện tử, và phát triển khoa học y sinh, một ngành công nghiệp hiện chiếm khoảng 5% GDP – theo Hội đồng Phát triển Kinh tế, một cơ quan chính phủ. Nhưng tốc độ lạc hậu của công nghệ hiện ra một thách thức chưa từng có.

Các doanh nhân và các nhà phân tích lo ngại rằng lực lượng lao động bản xứ của Singapore thiếu sự linh hoạt để thích ứng với thay đổi trong các lĩnh vực như pháp luật, kế toán, nơi một số chức năng có thể sẽ được thay thế bởi trí thông minh nhân tạo.


Một góc Singapore. Nguồn: straitstimes.com

Lực lượng lao động ở Singapore có chất lượng rất tốt” – Declan O’Sullivan, giám đốc điều hành Kerry Consulting, một công ty nhân lực nói. “Nhưng sức mạnh lớn nhất của họ là tuân thủ quy trình, làm việc theo nhóm và đạo đức nghề nghiệp. Trong trường hợp quá trình là tự động, vai trò của nguồn nhân lực phải tăng thêm giá trị về mặt tư duy sáng tạo.” Các nhà hoạch định chính sách của Singapore đang có ý thức về những rủi ro nhưng các nhà phân tích nói rằng những khuyến khích của chính phủ để sáng tạo thường có mục tiêu kém cỏi. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, ngân sách chính phủ tài trợ cho những công ty công nghệ mới thành lập thiếu rõ ràng, và đã ném chiếc phao cứu sinh cho nhiều doanh nghiệp “thây ma”.

Chương trình Tín dụng Năng suất và Đổi mới, được công bố trong ngân sách năm 2010, đã bị cản trở bởi tình trạng gian lận phổ biến. Trong số những người bị kết án là một giám đốc một công ty sản xuất những quầy kem robot, người bị phạt 60.000 đô la Singapore (SGD) trong tháng Tư do thu lợi bất chính.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng, thành quốc vẫn giữ được lợi thế mạnh mẽ, sự ổn định của quản lý nhà nước trong một khu vực nhiều biến động, tay nghề lao động cao, và sự chặt chẽ của hệ thống giáo dục.
Ưu đãi về thuế, bao gồm các mức thuế tạm thời thấp nhất là 5% cho các công ty chịu lập trụ sở khu vực tại Singapore, cơ sở hạ tầng hiệu quả và chất lượng sống cao mang đến cho người nước ngoài sự lối cuốn. Các nhà quản lý phương Tây từ bỏ khái niệm về sự ổn định có ở mọi nơi, khi lưu ý đến vụ bê bối 1MDB (7)  ở nước láng giềng Malaysia và chính khách Thiên chúa giáo nổi bật nhất bị bỏ tù ở Indonesia.


Ho Kwon Ping, Chủ tịch điều hành của Banyan Tree Holdings – quản lý chuỗi khách sạn tại Singapore, thậm chí cho rằng xu hướng chống toàn cầu hóa có thể mang lại lợi ích cho đất nước.
Ông Ho cho biết, “Mọi người đã bắt đầu nhận ra rằng hiện diện trong một khu vực bất ổn như các Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả rập (UAE) và các quốc gia vùng Vịnh có thể không tuyệt vời như trước đây, trong khi một nước lớn hơn có quan điểm chính trị dân tộc”. Trích dẫn từ các tác động của Brexit lên các ngân hàng có trụ sở tại London, “Một đất nước nhỏ cộng thêm sự ổn định trở thành lợi thế; một thiên đường an toàn trong thời kỳ bão tố.

 

Nguồn: Financial Times 9/7/2017

http://www.viet-studies.net/kinhte/SingaporeDynasty_FT.pdf

—————————-

Chú thích:

1/ Là một nhân vật trong truyện “Alice ở xứ sở kỳ diệu”, có ngoại hình như một quả trứng khổng lồ biết đi. Nghĩa bóng chỉ người dùng từ ngữ theo ý riêng của mình (bất chấp thông lệ về từ ngữ ấy).

2/ Chủ tịch Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS). Cựu chuẩn tướng, nguyên chủ tịch và tổng giám đốc của Sing Tel, một tập đoàn truyền thông xuyên châu Á.

3/ Tức Lee Hongyi (Lý Hồng Nghị), 30 tuổi – con trai thứ của ông Lý Hiển Long và bà Hồ Tinh. Ông Lý Hiển Long có cô con gái Lý Tu Tề và người con trai Lý Nghị Bằng trong cuộc hôn nhân đầu. Ông cưới bà Hồ Tinh năm 1985 và có hai con trai Lý Hồng Nghị và Lý Hạo Nghị.

4/ Quỹ đầu tư Nhà nước lớn nhất Singapore, quản lý hơn 100 tỷ USD.

5/ Tức Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS).

6/ Thị trường chứng khoán Singapore có 2 sàn giao dich: sàn giao dịch chính gọi là Mainboard, sàn phụ gọi là Catalist.

7/ Tên một quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước Malaysia, với những cáo buộc tham nhũng liên quan đến Thủ tướng Najib Razak.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên