Mới đây, có nguyên thủ quốc gia nọ muốn phán chuyện gì thì hót thẳng lên Twitter, anh nhà báo nào chất vấn cắc cớ là chỉ thẳng mặt hô “Biến!”. Có lẽ ông ta hiểu truyền thông chỉ đơn giản là một cơ quan thông tấn. Hay tại xứ nhiệt đới kia, truyền thông được dùng thuần túy như công cụ tuyên truyền, hàng ngày tra tấn thiên hạ bằng hệ thống loa phường huyên náo, phát inh ỏi những gì “Đảng” thích, bất chấp cảm quan người tiếp nhận.
Hãy sống cùng hiện thực
Rộng hơn, nhằm khai thác sự sợ hãi của quần chúng, thói hóng hớt của ai đó hay trí tưởng tượng miễn phí của đám đông là người ta lại nghĩ ngay đến truyền thông như một phương tiện hữu hiệu – để truyền bá ba thứ tục tĩu này. Liệu nghĩ như vậy là có hồ đồ chăng, một khi những thứ tin vịt, tin nhảm ồ ạt trôi ra từ nhiều tụ điểm truyền thông thổ tả – sau khi được chiên xào qua một số cái lỗ cống sóng/bàn phím. Trong thời đại hậu sự thật (post-truth), cơn khủng hoảng truyền thông có mòi lan rộng trong tương lai. Môi trường truyền thông hiện đại cho phép những giao tiếp giữa con người trở nên nhiều, nhanh và trực tiếp hơn; tức thế giới ảo trở nên đời hơn với đầy đủ các tốt xấu, thiện ác… Có lẽ chính đây cũng là cơ hội để địa ngục nhận thức luận (epistemological netherworld)[1] chính thức góp mặt với đời.
Có phải do mải mê chạy theo bóng dáng phù hoa nào đó, tự tách rời khỏi suy nghĩ quần chúng, tự cắt đi hơi thở của thời cuộc và xã hội mà truyền thông đã bỏ quên chức năng hàng đầu là truyền tải những thực tế cuộc sống. Do đó, sự hoài nghi của đại chúng tiếp nhận là tất yếu. Nhưng mọi thứ không thể mãi như cảnh Sài Gòn thất thủ trước một cơn mưa chiều, người người bất lực chen nhau trong đám kẹt xe khi các con phố biến thành sông; bất lực đến mức cam chịu… Giữa mớ hỗn độn truyền thông, khả năng nhận biết sáng suốt của người đọc trở nên cực kỳ quan trọng; tất nhiên, đã đến thời điểm giới sáng tác cũng nên biết chia tay với những trình bày ngẫu hứng. Quả là nguy hiểm một khi thế giới truyền thông không kiểm soát được các hiệu ứng phụ phát sinh từ sản phẩm của mình, những phế phẩm tạo ra các ảo giác…
Mong sao, người đời không nên quá bi quan trước tình trạng đang mất giá của thế giới truyền thông. Đôi khi các sự kiện như… nước chảy qua cầu, người đứng trên cầu cứ bình tĩnh xem nước chảy – không nhất thiết vì chuyện nước chảy chậm/nhanh mà ta phải… nhảy cầu. Hãy sống cùng các sự kiện để cảm nghiệm giá trị của tự do, của đời người và người đời. Biến động liên tục là đặc tính của cuộc sống.
Hơn bao giờ hết, tính lương thiện trở thành một yêu cầu không chỉ với đại chúng mà cả giới sáng tác. Ngoài những dòng thông tin, chúng ta còn cho nhau những kỷ niệm nồng ấm và văn hóa đẹp. Tiến trình dân chủ hóa toàn cầu phải được xây dựng trên thái độ tôn trọng sự thật, thừa nhận giá trị tuyệt đối về nhân phẩm; khó có thể chấp nhận những não trạng lưu manh hóa sự kiện hay mị dân. Để nới rộng các không gian cho báo chí trung thực và tranh luận học thuật, thực hiện tốt hơn các chuẩn mực như: khách quan, có trách nhiệm trước công chúng… những cánh chim Việt đang nỗ lực bay về phía trước.
Những người làm truyền thông đứng đắn đang cố gắng tạo ra những hình thức chuyển tải mới, chẳng hạn như đưa thông tin lên smartphone và tablet. Những cánh chim Việt đang sải cánh bay lên vì bầu trời vẫn còn rất rộng, và bởi tự do là một phần cấu thành tâm thức Việt.
Những đợt di chuyển nhanh, tái lập đội hình đã xảy ra… Các tác giả và độc giả hợp nên Đàn Chim Việt vẫn lừng lững lướt trên dòng thời gian, đồng hành cùng những thăng trầm đất nước. Chuyến du hành dài không dành cho những cánh chim đơn độc và thiếu vắng những linh hồn quá khứ.
Những trò trêu ngươi của độc tài và phi nhân tính cứ lồ lộ mỗi ngày, song chẳng phải vì vậy mà chặn đứng được những trăn trở cùng đất mẹ của nhiều người ái quốc. Do đó không gian Đàn Chim Việt không chỉ là qua các vùng châu thổ mà sẽ như trên thông điệp Trống đồng ngàn năm dân tộc: có mặt cả ở những dòng sông của xứ sở đang vươn mình ra biển. Và tại sao phải nhớ đến biển? Đó là hướng vận động bảo vệ mạch sống dân tộc này, để anh chị em ta còn nhớ trên đời có nhau, để hơn 90 triệu đôi mắt dõi theo cùng thế giới, để hơn 3 triệu chiếc lá phương xa nhận ra nguồn cội mà rụng về. Trong biện chứng phi-không/thời gian hay huyền sử Hồng Lạc, chuyện những cánh chim Việt bay trên trống đồng huyền ảo rồi lượn đến thế kỷ XXI là vậy. Nhiều ngàn năm trước lẫn vào hôm nay thành một Đại Việt mãi bùng khát vọng sống,
Những cánh chim Việt đang bay lên phát lên những thông điệp tự do và dân chủ, vượt qua một thế giới còn nhiều bất ổn và đầy bọn làm bạc giả. Chúng ta bay cùng trời cuối đất để nhận ra giá trị bản sắc quê nhà. Có lẽ cái ngày có được dân chủ và tự do thực sự cho hơn 90 triệu người Việt cả hai bờ biên giới vẫn còn xa xăm lắm, nhưng đây là những mảnh đất cần thiết cho sự tử tế của con người được cơ hội nảy mầm đơm hoa.
Thông điệp cùng ngày mai
Xã tắc đang bước vào một giai đoạn lịch sử mới có quan hệ đến sinh tử tồn vong, xây dựng tương lai cho một nước Cộng hòa là trách nhiệm của những người ủng hộ dân chủ nên làm. Đối với Việt Nam, tiến độ dân chủ hóa tùy thuộc vào thái độ và hành động trưởng thành của các công dân hơn là trông mong vào sự ban phát của đảng Cộng sản hay một vị cứu-tinh-đột-xuất nào đó. Các hỗ trợ ngoại vi chỉ giúp thoát một cơn ngặt nghèo, vị thế độc lập vững bền trong thịnh vượng luôn đi đôi với những nỗ lực tự thân. Tàu, Tây hay Nhật không thể là liều thuốc trị dứt cơn đau Việt; mảnh đất cong cong vắt ngang bờ Thái Bình dương và hệ tư tưởng Việt đủ lành để dung dưỡng những đứa con vẫn suy tư cùng đất mẹ.
Việc kiến quốc Việt sẽ bắt nguồn từ những hành động thiết thực với mỗi bản thân, cho từng gia đình và cùng cả cộng đồng chứ không phải trong những chủ trương kiến tạo đượm màu chém gió, bó chặt trong chiếc rọ thể chế Cộng sản. Năm 2017, tình trạng thất nghiệp có nguy cơ gia tăng do mức độ tự động hóa công nghệ được đẩy nhanh, hiện tượng sản xuất thừa toàn cầu chưa có hướng giải quyết, chức năng nhà nước XHCN đang lệch pha với nền kinh tế thị trường nên năm mới sẽ không có nhiều lạc quan. Tuy nhiên cũng có những cánh cửa hẹp dành cho những người tiên phong, một khi cơn ác mộng đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc đã sầm sập xuất hiện giữa chân trời, biển Đông sẽ tiếp tục dậy lên những đợt sóng thần mới.
Dân chủ hóa từ dưới lên hay từ trên xuống thì đã luận bàn nhàm đến mức viết ra sách chắc cũng được vài pho. Sao tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam không thử bàn theo chiều kích từ trong ra ngoài, hay từ ngoài vào trong nhỉ? Dân chủ có phải chăng là kẹo – để giống như mẹ ngày xưa đem từ chợ về chia quà cho trẻ? Thay vì cứ ngồi khóc thút thít, lại không thấy rằng tiến trình dân chủ có thể là từ trong đi ra. Bản thân mỗi con người không tự đổi mới thì họ không thể có hạt giống đổi mới đem gieo trồng ra xã hội. Và chắc chắn không thể có một phong trào thay đổi chính trị cả một quốc gia, một khi đa số công dân quốc gia ấy không cảm thấy có nhu cầu tự thay đổi cách nghĩ cái nhìn của họ.
Mong con Gà Đinh Dậu ngày mai, hãy gáy lên những âm thanh tự do về một ngày Việt Nam mới với những nhà lãnh đạo dân chủ – không phân biệt địa bàn xuất phát, có năng lực mạnh mẽ hơn, tầm nhìn xa rộng hơn, khai dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đại chúng – nền tảng tương lai về một chính quyền phục vụ, biết liêm sỉ chứ không phải chỉ biết thốt lên những lời sáo rỗng, thiếu biến thông. Đã đến giai đoạn đại chúng đang cần những khuôn mặt hoạch định chính sách cho tương lai, thời biểu diễn về khả năng tổ chức các sự kiện đã qua.
Ngày 25 tháng Chạp, Bính Thân
Huỳnh Việt Lang
————————————————
[1 ]Đây là chữ mượn của ký giả Paul Waldman. Với cách suy nghĩ này, “Sự thật là vô nghĩa, kiến thức là vô ích, và không ai có thể thực sự biết bất cứ điều gì” (Facts are meaningless, knowledge is useless, and nobody can really know anything).