Rất nhiều người quan niệm rằng, trong cuộc đời này mỗi câu chuyện xảy ra, mỗi một người ta gặp đều đến từ hai chữ “Nhân Duyên“ và đó chính là một triết lý nhân sinh trong các mối quan hệ của con người và mọi sự việc. “Nhân“ và “Duyên“ cũng không phải tự nhiên có, mà nó được tạo ra bởi sự vận động của các sự vật, hiện tượng và quá trình hợp-tan của các “Nhân–Duyên“ có trước để tạo ra “Nhân–Duyên“ mới, Phật Giáo gọi đó là tính “Trùng Trùng Duyên Khởi”. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm hành Đạo cùng với sinh nhật thứ 75 của Hòa Thượng Thích Như Điển, tôi muốn viết về mối “Nhân Duyên hội ngộ“ đặc biệt đã đưa tôi đến với Thầy, một vị tu sĩ Phật Giáo thuần thành và giản dị, người tôi rất cảm phục và kính mến.
Thời gian mới định cư tại Đức vào đầu năm 1980, tôi đã nghe về một niệm Phật Đường Viên Giác với tạp chí Viên Giác do Đại Đức Thích Như Điển sáng lập và chủ trì tại Hannover, nước Đức. Nghe thì nghe nhưng chỉ là để đó thôi mà không một chút quan tâm vì nghĩ rằng, người Việt ở đâu mà chẳng có Cha có Cụ, có Sư có Thày, có Nhà Thờ, có Chùa Chiền. Hơn nữa, tôi lại là một tín đồ Công Giáo, được giáo huấn dưỡng nuôi trong khuôn khổ và đức tin của Giáo Hội Công Giáo, thậm chí còn đi tu với ước vọng mình sẽ trở thành một Linh Mục. Tôi đã có những tháng năm dài trong tu viện Công Giáo và Chúa đã không chọn tôi vì tôi không hội đủ điều kiện. Ước mong không thành đã đưa tôi qua một bước ngoặc quan trọng trong đời. Không được làm “Cha nhà thờ“ tôi đã trở thành…“Bố bầy trẻ“ và bây giờ còn lên chức “Ông của đám cháu nội ngoại“. Bên Công Giáo gọi tôi là “người tu xuất“, các tín đồ Phật Giáo gọi tôi là “kẻ hoàn tục“. Cho dù “tu xuất“ hay “hoàn tục“ gì gì đó, thì tôi cũng phải cất bước “lững thững“ đi vào cõi đời trần tục này.
Ngày thứ bảy, 07 tháng 8 năm 1982, các Phật Tử tại Hamburg rầm rộ kháo nhau đi nghe Đại Đức Thích Như Điển lần đầu tiên đến đây thuyết pháp. Bạn bè rủ tôi đi nghe, tôi cũng đến nghe chỉ vì…tò mò. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đi nghe một ông Thày Phật Giáo thuyết pháp và tôi đã nhìn thấy Thày Thích Như Điển bằng xương bằng thịt. Thày ngồi trên bàn phía trước, to lớn phương phi, và tôi – một tín hữu Công Giáo – ngồi xa xa mãi tận hàng ghế sau cùng. Tôi nghe Thày giảng với những danh từ Phật Giáo đối với tôi rất xa lạ, nào là “mùa An Cư Kiết Hạ“ là mùa gì ? Cái gì là “Đàn Na Tín Thí“, là “Cúng Dường trai tăng“ ? Thế nào là “thuận thế vô thường, có có không không“ ? Đâu là “thế giới Tịnh Độ“ ? Rồi bất giác trong tôi chợt hiện ra những câu hỏi tự thật ngu ngơ, tại sao các Thày Phật Giáo đều mang chung cùng một họ “Thích“ ? Tại sao các tu sĩ Phật Giáo phải…cạo trọc đầu, nữ cũng như nam, trong khi nhìn các hình tượng thì Đức Phật vẫn có nhiều tóc?
Thế nhưng, qua lời giảng của Thày tôi mới hiểu được rằng, Phật Giáo quan niệm con người được sinh ra không phải là sản phẩm của một đấng tối cao nào đó, mà là “Nhân-Duyên-Quả, khi hiểu theo ý nghĩa : “Nhân“ là nguyên nhân chính, “Duyên“ là những tác nhân phụ và “Quả“ là kết quả của “Nhân và Duyên“ khi đã hội đủ hay đã chín mùi.
Vì thế, Phật Giáo không đề cao hay tôn thờ một thực thể nào, không có bất kỳ quyền lực cao siêu nào có thể quyết định được vận mệnh của con người ngoại trừ chính bản thân mình và chủ trương tập trung vào những vấn đề thực tế nhất của con người, không trừu tượng, không siêu hình, không giáo điều hay khiên cưỡng, cũng không ép buộc ai, mà hoàn toàn chỉ mang tính định hướng, chỉ dạy cách sống khiêm nhường, suy nghĩ linh hoạt và khuyên răn con người phải sống tốt, sống đẹp, phải cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Chính vì thế, Phật Giáo là một nền giáo dục uyên thâm và bổ ích nhất, mà Đức Phật dạy bảo trực tiếp đến tất cả chúng sanh. Đến lúc này tôi mới hiểu thấu đáo lời nói của Đức Dalai Lama thứ mười bốn rằng: “Tư tưởng Phật giáo dựa trên nghiên cứu nhiều hơn đức tin, nên những phát hiện khoa học rất hữu ích cho tư tưởng đạo Phật“.
Phải chăng đó cũng là “Nhân-Duyên“ đưa đẩy tôi đến gặp Thày, để được học hỏi thêm phần nào đó về triết lý của Đạo Phật!
Cũng trong thời gian này tôi được biết Thày Thích Như Điển trước khi định cư tại Đức năm 1977, cũng đã từng du học bên Nhật từ năm 1972. Tôi có người em (MVH) là em ruột của ông anh rể cũng đi du học bên Nhật vào năm này. Hồi đó tôi còn là một Trung Úy Không Quân đồn trú tại phi trường Đà Nẵng về phép Sài Gòn đúng vào dịp gia đình ông anh rể tiễn đưa chú em ra phi trường Tân Sơn Nhất đi Nhật du học. Vì muốn “lấy le“ với chú em, tôi dành lái xe đưa chú ra phi trường và còn hứa đưa ra đến tận cửa máy bay, khỏi phải chen chúc chờ đợi xếp hàng. Sau thời gian làm thủ tục, tôi bỗng thấy một nhóm người tụ tập trong phòng chờ đợi, trong đó có mấy Thầy mặc áo choàng nâu đi tiễn đưa một Thày cao lớn phương phi nổi trội hơn tất cả cũng qua Nhật du học, đó là ngày 27 tháng 2 năm 1972, mà mãi sau này khi qua Úc gặp lại chú em, tôi mới biết vị Tu Sĩ đi du học ngày hôm đó chính là Hòa Thượng Thích Như Điển ngày nay. Có một sự trùng hợp rất bất ngờ và khó quên, ngày này cũng là ngày tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ Richard Nixon lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đi công du, chính thức bắt tay bang giao với Trung Hoa qua lời mời của Mao Trạch Đông. (từ 21 đến 28 tháng 2 năm 1972). Chắc Thày vẫn còn nhớ rõ.
Cứ coi như đó như một khởi đầu của một mối “Nhân Duyên hội ngộ“ giữa Thày và tôi, cuộc hội ngộ bất ngờ và thật vô tình, không ai biết ai, bốn mắt nhìn nhau xa lạ, để rồi đường tu hành của Thày, Thày theo đuổi; đường đời chiến binh phiêu bạt của tôi, tôi đi. Trải qua bao đổi thay với nhiều thăng trầm trong cuộc sống Đạo của Thày và cuộc sống đời của tôi và rồi tôi được tái ngộ Thày trên mảnh đất tạm dung này. Công Giáo gọi đó là “không ngoài sự an bài của Thiên Chúa“ như trong sách “Tin Mừng“ có câu: “Ngay đến từng sợi tóc trên đầu anh em cũng đã được đếm cả rồi“. Mà đúng là “Nhân Duyên“ thật, vì trong 7 năm đồn trú tại phi trường Đà Nẵng, hầu như lần nào có dịp bay ra Huế tôi thường ghé qua Chùa Thiên Mụ cao ngất ngưởng bên dòng sông Hương êm đềm để “ngắm cảnh…nhìn người“. Tôi cũng đã nhiều lần ghé qua phố cổ Hội An tọa lạc vùng hạ lưu sông Thu Bồn, vào quán ông Năm Cơ ăn tô Cao Lầu không có nước lèo, hay ngồi chồm hổm ăn tô mì Quảng trộn hoa chuối thái thành sợi trên hè phố, rồi nhâm nhi ly Cà Phê Số Một, và rất tình cờ ghé qua ngôi Chùa rất cổ Viên Giác, tiền thân là Cẩm Lý Tự, nằm ở ngoại ô Hội An được xây từ những năm 1800, toạ lạc trên đường Huỳnh Thúc Kháng cũ, nay là đường Hùng Vương, huyện Cẩm Phô, phủ Điện Bàn, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngôi Chùa cổ kính êm đềm cạnh giòng sông Thu Bồn, ép mình dưới bóng mát của hai cây đa cổ thụ, nơi được coi là “cái nôi“ của các cuộc đấu tranh đòi Tự Do Tôn Giáo và độc lập đất nước, và đây cũng là nơi “chú Điển“ vạm vỡ ngày xưa đã ngày ngày gập lưng quét lá đa và miệt mài ngồi xay đậu hũ. Tôi cho rằng đó là thời gian tôi chập chững những bước chân đầu tiên trên con đường dẫn đến “Nhân Duyên hội ngộ“ cùng Thầy. Tôi vẫn thắc mắc mãi tại sao rất nhiều Chùa Miếu ở nước ta ngày xưa đều có những cây đa được trồng quanh, hay là các Phật Tử cứ phải tìm đến nơi nào có những cây đa thì mới xây Chùa, dựng Miếu?
Tôi làm việc cộng đồng thiện nguyện nên đi đây đi đó cũng nhiều, nhất là thời gian tình nguyện trên tàu Cap Anamur cứu người vượt biển. Trong một chương trình kêu gọi đóng góp cho con tàu nhân đạo này vào đầu thập niên 80, qua sự giới thiệu và hướng dẫn của anh Nguyễn Hòa, Phù Vân (lúc đó anh còn trong Ban Chấp Hành chi hội Phât Tử TNCS Hamburg), tôi đánh bạo đến Chùa Viên Giác tại Hannover, Đức quốc và đây là “Nhân Duyên hội ngộ“ đầu tiên, tôi được đối diện trực tiếp với Thày Thích Như Điển lúc đó còn là vị chủ trì Chùa. Thày sanh tại quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (cách phi trường Đà Nẵng khoảng 40 cây số) nên dĩ nhiên Thày nói giọng Quảng Nam, nhưng theo tôi, giọng Quảng Nam củaThày hình như đã bị…mất gốc ! Những năm chinh chiến dài theo năm tỉnh miền Trung đã cho tôi nhận xét đó. Giọng Quảng Nam rất đặc trưng, khác hẳn giọng Thừa Thiên Huế – dù chỉ cách một con đèo Hải Vân, nhưng lại hao hao giọng Quảng Ngãi, cái giọng “Eng không eng tét đèng đi ngủ, đừng kèng nhèng chó kéng nheng reng“ (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ, đừng cằn nhằn chó cắn nhăn răng). Hay nói câu “cái lốp xe đạp“ nghe sao lại thành “cái láp xe độp“. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, tiếng Quảng Nam đã từng được coi là ngôn ngữ chuẩn, ngôn ngữ quốc gia, như vua Tự Đức đã khẳng định rằng: “Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam mới được xem là trung thanh”. Người miền Trung, nếu đã vào Nam lập nghiệp hay học hành dù chưa đến một năm, thế nào cũng bị giọng miền Nam…pha tiếng, không ít thì nhiều. Ngay chính tôi, thằng Bắc kỳ đặc…“ rau muống mắm tôm“, di cư vào Nam từ năm 1954 đến nay cũng bị cái giọng Nam kỳ xâm lấn, ăn nói cứ lai lai như…“ba rọi“. Tôi nghĩ giọng nói …“lai lai“ của Thày hiện nay là hậu quả của hơn hai năm trung học tại Sài Gòn, hơn năm năm du học bên Nhật và đến nay đã 60 năm liên tục hành Đạo trên xứ Đức này…. Thày hỏi tôi ngay về ông tiến sĩ Rupert Neudeck, người sáng lập ủy ban Cap Anamur. Thày hỏi thăm về chương trình đóng góp cứu người vượt biển của con tàu nhân đạo Cap Anamur. Thày nói việc đóng góp hỗ trợ là nhiệm vụ và bổn phận của người tỵ nạn Việt Nam và sẵn sàng ủng hộ cũng như kêu gọi các Phật tử. Tôi chưa kịp cám ơn tấm lòng của Thày thì Thày lại ra lời cám ơn tôi trước. Tôi đã rất ngỡ ngàng và ngượng ngùng vì lời cám ơn này – mình đi năn nỉ kêu gọi…xin tiền người ta, mà người ta lại quay lại …cám ơn mình ? Thày nhỏ nhẹ bảo tôi :
-
Âu cũng là “Nhân Duyên“ đó anh Huấn à ! Phật đã đưa đường dẫn lối anh đến Chùa gặp tôi, nhờ đó tôi và các Phật tử mới có dịp đền ơn người cứu mạng và thể hiện lòng từ bi của nhà Phật, vì thế tôi phải cám ơn anh là đúng rồi chứ!
Trên đường về, tôi suy nghĩ mãi về câu nói ấy và từ đó có những thiện cảm dấy lên trong tôi và ngày càng cảm thấy mình gần gũi với Thày hơn qua những liên lạc sau này. Ít lâu sau, Rồi Thày có nhã ý mời tiến sĩ Rupert Neudeck (người sáng lập Ủy Ban Cap Anamur) ghé thăm ngôi Chùa Viên Giác và nói về chương trình cứu vớt thuyền nhân Việt Nam… Ông tiến sĩ hân hoan nhận lời ngay, nhưng tiếc thay vào giờ phút chót ông lại không đến được vì có công việc bất khả kháng. Tôi đến một mình, trình bày với Thày. Thày khuyên tôi phải thay mặt ông nói chuyện với các Phật Tử vì họ đang tụ tập đông đảo trong hội trường. Tôi nghĩ mình cũng có phần trách nhiệm nên miễn cưỡng nhận lời. Thày cầm micro dành nhiệm vụ của người điều khiển chương trình để tự mình giới thiệu tôi với cử tọa. Sau hơn 20 phút, khi vừa quay lưng bước xuống, tôi giật mình khi thấy Thày vẫn còn đứng ngay sau lưng tôi trong suốt thời gian dài tôi nói chuyện. Tại sao Thày làm như thế ? Tôi có xứng đáng được như vậy hay không ? Tôi vừa bước xuống với Thày vừa tỏ ý…“trách móc“. Thày ôm vai tôi mỉm cười :
-
Anh Huấn à! Anh là đại diện của Ts Neudeck thì tôi phải tiếp đón anh như chính ông Ts Neudeck vậy. Đó là việc thông thường thôi, sao anh lại trách tôi ?
Tôi đỏ mặt tía tai như người từ trên Trời vừa rớt xuống đất và ngày càng cảm mến kính phục sự tế nhị, khéo léo nhưng rất khiêm nhường của Thày.
Hòa Thượng Thích Như Điển có một “ông bạn già“ là Sư Huynh (Thầy) Công Giáo tên Hà Đậu Đồng. Hai vị thân thiết như anh em, mặc dù Thày Đồng lớn hơn Thày Thích Như Điển đúng một con giáp. Hai vị tu sĩ hai Đạo khác nhau và cùng du học một thời tại Nhật Bản. Âu cũng là “Nhân Duyên hội ngộ“ nên lại gặp nhau trên xứ Đức này, để một Thày tận tụy “hoằng pháp“ giáo Pháp của Phật, mang truyền thống “Thiền Lâm Tế“ từ Việt Nam sang Đức; một Thày cặm cụi chăm lo “truyền bá Đức Tin Công Giáo“ và phụng sự xã hội.
Những dịp lễ lạc quan trọng của Chùa, Thày Điển đều mời Thày Đồng đến tham dự. “Đôi song ca“ này chính là một kết tinh kiểu mẫu, thật tuyệt diệu, sáng ngời và hiếm có của sự “hòa đồng Tôn Giáo“, vượt ra khỏi mọi biên giới khép kín, không đắn đo câu nệ, luôn chia sẽ ngọt bùi và nhất là vẫn tôn kính lẫn nhau. Thày Đồng thường nắn nót làm thơ tặng Thày Điển, Thày Điển biết mình làm thơ…không hay, nên mượn lời ca tiếng nhạc tặng Thày Đồng. 15 năm trước, vào ngày mừng sinh nhật 60 năm, Thày Thích Như Điển dĩ nhiên mời Thày Hà Đậu Đồng, và tôi cũng hân hạnh được tham dự. Khi người điều khiển chương trình mời Thày Đồng lên sân khấu phát biểu đôi lời, Thày Hà Đậu Đồng chưa kịp đứng lên thì tôi thấy Thày Thích Như Điển đã vội vàng đứng lên trước, nghiêng mình nhẹ cúi đầu đưa bàn tay trịnh trọng mời và hướng dẫn Thày Hà Đậu Đồng lên tận sân khấu, sau đó mới trở về lại chỗ ngồi của mình. Một cử chỉ tôi chưa từng thấy trong các đại hội Đạo cũng như Đời mà tôi đã tham dự từ trước đến nay. Cử chỉ kính trọng, cung cách xã giao, sự khéo léo tế nhị và khiêm nhường đó đã làm tôi thật cảm kích khâm phục. Tiếc thay,Thày Hà Đậu Đồng đã vĩnh viễn chia tay người anh em ruột thịt của mình để về với nước Chúa vào năm 2017. Chắc Thày Thích Như Điển chẳng bao giờ quên “ông bạn già“ thích vẽ tranh, làm thơ ngày nào và vẫn nhớ những tháng ngày trai trẻ bên nhau trên mảnh đất phủ hoa Anh Đào, Nhật Bản.
Sự khiêm nhường và biết ơn của Thày còn được thấy rõ hơn trong ngày hôm ấy, khi Thày đứng trên sân khấu trịnh trọng vinh danh và tỏ lòng cung kính cám ơn cô giáo Huỳnh Thị Thúy Lan, là cô giáo môn vạn vật trong những năm 67/68 Thày học chữ trong trường trung học Bồ Đề, Hội An đang ngồi phía dưới. Thầy nói:
-
Xin cám ơn công lao giáo dục của cô, nếu không có cô ngày đó, chắc gì tôi đã có được những thành quả như ngày hôm nay.
Một lần Thày dẫn tôi vào thư phòng của Thày trong Chùa Viên Giác. Căn phòng nhỏ chật chội vừa đủ kê một bàn làm việc, một bộ trường kỷ, có dăm ba kệ sách cao ngất ngưởng quanh tường, thêm một chiếc giường vừa đủ cho một người nằm, tất cả đều sạch sẽ ngăn nắp gọn gàng. Nhìn chiếc giường mong manh như không đủ sức chịu đựng sức nặng của Thày, tôì hỏi:
-
Đây là thư phòng của Thày, vậy Thày ngủ ở đây luôn sao ?
Thày chỉ quanh phòng nói:
-
Anh thấy đó, giang sơn riêng của tôi vuông vức bằng đó thôi, đất nhà Chùa đâu có lớn, được vậy là…sang lắm rồi. Vừa là phòng làm việc, vừa là phòng ngủ, ấy thế mà tiện lắm anh biết không. Tôi ít ngủ, lại thức rất sớm, chỉ cần một hai bước là đã đến bàn tiếp tục làm việc ngay.
Tôi đùa với Thày:
-
Thày ở đây chỉ một mình, lại bận rộn. Mai mốt con về hưu Thày mướn con sai vặt để con kiếm thêm tiền xài, được không?
Thày biết tôi đùa nên cười bảo:
-
Trong Chùa chỉ làm công quả thôi, mướn anh Chùa trả không nổi đâu.
Thày bảo tôi ngồi, cho uống trà do chính tay Thày rót, rồi tâm tình :
-
Tôi rất khâm phục giáo trình đào tạo một vị Linh Mục bên đạo Công Giáo. Vị Linh Mục nào cũng thông thái giỏi giang cả, thấp nhất cũng bắt buộc phải có trình độ đại học. Có như thế thì việc hành Đạo và truyền Đạo không những đạt được nhiều kết quả mỹ mãn, mà còn có rất nhiều thuận lợi và dễ dàng trong việc giao tiếp với Đời. Từ trước đến nay bên Phật Giáo lại ít quan tâm đến vấn đề này, nên công việc của đa số các Thầy thường bị hạn chế. Đây chính là điểm thiếu sót đáng quan tâm. Các vị Tu sĩ cần có Thánh Thiện là một đằng, nhưng cũng cần phải có học thức đi kèm song song. Tôi đã cảm nghiệm được đều này nên tôi đã và đang ra sức gởi nhiều đệ tử đi khắp nơi du học. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, tôi còn đòi hỏi các đệ tử đi học phải đỗ đạt thật cao thì tôi mới chấp nhận, chứ đỗ đạt bình thường cũng vẫn chưa đủ. Tôi cho anh xem nhé, đây là bằng chứng cho anh thấy.
Thày lần lượt mở tập hồ sơ cao gần một gang tay chỉ cho tôi xem. Hàng mấy chục mảnh bằng tốt nghiệp được in trên giấy cứng, tiếng Anh có, tiếng Pháp, Đức có… văn bằng thấp nhất là cử nhân, còn lại là tiến sĩ, thạc sĩ….mà hầu hết đều có điểm 1, điểm ưu hay tối ưu và không ít nơi còn ghi hàng chữ “Summa Cum Laude“ được in thật đậm (danh hiệu xuất sắc nhất được sử dụng bởi các tổ chức giáo dục trên toàn thế giới). Tôi đọc một hơi không hết vì bị choáng cả đôi mắt nhưng tai vẫn còn nghe Thày nói:
-
Đấy! Tôi nhất quyết phải làm cho bằng được ý nguyện này. Anh thấy chưa, các đệ tử của tôi phải học hành như thế đấy. Hôm nay tôi khoe với anh đó.
Hơn 50 đệ tử xuất gia của Thày Thích Như Điển đều thành đạt như thế và tôi cho rằng mãi tận đến hôm nay, hầu như chưa có một vị Sư Tăng người Việt cao cấp nào, kể cả trong và ngoài nước, đã gầy dựng được số lượng hoa trái tốt tươi như thế cho Giáo Hội Phật GIáo Việt Nam Thống Nhât của người Việt Tự Do, một Giáo Hội được thành lập vào tháng 1 năm 1964 tại Việt Nam.
Tuy khắt khe trong công việc, nhưng tôi không nghĩ Thày Thích Như Điển quá trầm lặng, khó tính hay quá nghiêm nghị như có người nhận xét. Không ! Thày rất vui tính, dễ dãi, luôn nở nụ cười hòa đồng và nhiều khi còn …tiếu lâm. Hầu như lần nào có dịp đến Chùa gặp Thày, Thày đều rủ tôi ăn cơm chay, còn nói “cơm chay nhà Chùa“ vừa ngon lại vừa bổ, tốt cho sức khỏe. Tôi là một tín hữu Công Giáo, cũng có “ăn chay kiêng thịt“, nhưng cách ăn chay của người Công Giáo khác hẳn. Có lần chính Thày dắt tôi vào phòng ăn ngồi cạnh Thày cùng ăn “cơm chay nhà Chùa“. Tôi cố gắng lắm mới nuốt nhanh được vài miếng…lấy thảo, vì ăn không quen, thấy ngờ ngợ ra sao ấy. Thày không biết nên…“cứ tưởng thật“, vừa cười vừa hỏi tôi ăn có ngon không ? Tôi cũng…“làm như thật“ ngoác miệng nói dối là…ngon quá ! Thày vui lắm, còn bảo đệ tử đưa thêm vài món nữa. Tôi chới với, vội nói dối là vừa mới ăn ngoài quán trong sân Chùa nên no quá…nuốt không nổi nữa. Thày bảo tôi uống nước ngọt, tôi “mừng hết lớn“, uống một hơi hai ba ly liền cho…vững bụng rồi đánh trống lảng :
-
“Cơm chay nhà Chùa“ ngon thật, nhưng con thích nhất là món…“chè bà ba“ và “chè táo xọn“.
Không biết Thày nghĩ sao, nhưng tôi nghĩ…“nói dối nhiều khi cũng có lợi, mà lắm khi còn đem đến sự thoải mái cho cả đôi bên“. Thày với tôi cùng cười vì Thày biết tôi đang…nói dối.
Một lần theo Thày dạo quanh các hàng quán trong sân Chùa, lần lượt đi thăm hỏi từng hàng quán. Chắc sắp đến giờ hành lễ nên Thày rủ tôi theo Thày vào Chùa niệm Phật. Tôi nói với Thày :
-
Con đâu có biết niệm Phật ra sao ?
Thày cười bảo :
-
Anh vào Nhà Thờ cầu nguyện thế nào thì vào Chùa niệm Phật cũng ý ấy mà thôi, quan trọng là cái tâm của mình. Tôi biết trong đạo Công Giáo không cho phép anh lậy Phật đâu, nhưng anh cứ vào nghe các Phật tử niệm Phật một lần xem sao đi.
Tôi cũng cười đánh trống lảng :
-
Nhưng con chỉ sợ Phật không nghe lời con đâu Thầy ơi, nhiều khi Phật còn đuổi con ra khỏi Chùa luôn không chừng.
Thày nắm tay tôi rồi nói :
-
Phật không bao giờ xua đuổi ai cả đâu, cửa Chùa luôn rộng mở. Tôi thấy anh là một tín hữu Công Giáo, nhưng lại có tâm hồn của một Phật tử.
Tôi giật nẩy mình nhìn Thày :
-
Trời ! Con cám ơn Thày, Thầy ví von lạ quá !
Sau đó tôi cũng vào Chùa, lát sau ra tìm Thày nói nho nhỏ vì sợ các Phật tử nghe :
-
Thày ơi, thú thật với Thày, con vào Chùa nghe các Phật tử niệm thứ tiếng gì đó mà con chẳng hiểu câu nào hết trơn…nên con đi ra luôn.
Thày vẫn tươi cười ôn tồn nói:
-
Anh chịu khó vào Chùa nghe niệm Phật cũng là quý hóa lắm rồi, cám ơn anh.
Rồi Thày nói đùa với tôi :
-
Tiếc quá ! Vì anh là một tín đồ Công Giáo chứ nếu như anh là một Phật Tử thì mình …(Thầy cười rồi bỏ lơ câu nói)
Tôi cũng cười theo đùa lại :
-
Con cũng tiếc quá ! nếu Thày là một Linh Mục thì chắc còn vui hơn nữa phải không Thày …
Tôi biết Thày đang nghĩ gì và Thày cũng biết tôi đang nghĩ gì….
Có lần tôi ghé Chùa xin Thày cho phép kêu gọi đóng góp xây dựng Tượng Đài Tỵ Nạn tại cảng Hamburg. Sau thời gian lễ Phật trong Chính Điện do Thày chủ trì có rất đông Phật Tử đang ngồi bệt dưới đất, Thày sai anh Nguyễn Xuân Nghiêm ra ngoài gọi tôi vào Chính Điện. Anh Nghiêm là phi công quan sát L-19, cũng cùng trong quân chủng Không Quân VNCH với tôi trước đây và cả hai vợ chồng anh đều làm công quả trong Chùa từ hàng chục năm nay. Cả đời tôi có bao giờ dám bước vào Chính Điện của bất cứ ngôi Chùa nào đâu, nên tôi lo lắng sợ hãi chỉ đứng lấp ló bên ngoài. Thầy cầm “micro“ kêu đích danh tôi vào, cùng lúc lại bị anh Nghiêm vừa đẩy, vừa lôi, vừa quát “Mày dám cãi lời Thày hả?“. Tôi chần chừ vừa nhấc chân bước vào thì bỗng nghe anh Nghiêm quát:
-
Ê! Mày dám đi giầy vào Chánh Điện há mày? Cởi ra cho mau!
Tôi bỡ ngỡ cúi xuống cởi giày, cong lưng, rón rén bước từ từ vào trước hàng trăm đôi mắt ngạc nhiên của các Phật Tử. Tôi nghĩ “cô dâu mới về nhà chồng“ chắc còn thoải mái hơn tôi lúc này. Thày vừa cười vừa giới thiệu tôi với các Phật Tử :
-
Anh Huấn đây là một tín hữu Công Giáo nhưng thích đi Chùa hơn đi Nhà Thờ, lại còn thích ăn “cơm chay nhà Chùa“ nữa, phải không anh Huấn ?
Cả Chính Điện vang tiếng vỗ tay cười vang, còn tôi…á khẩu, lùng bùng đôi tai, đứng như Trời trồng, nhưng vẫn ráng…cười duyên. Nếu vào trường hợp khác, chắc chắn tôi sẽ “ứng khẩu thành thơ“ đối đáp ngay. Nhưng hôm đó tôi không biết “múa mỏ“ ra sao vì như bị Thày “chận họng“. Nào ngờ sẵn đà, Thày lại “ứng khẩu thành thơ“ dùm tôi, vừa cười vừa nói tiếp:
-
Bởi thế nên anh Huấn vẫn thường ngâm câu thơ này :
“Con quỳ lạy Chúa trên Trời
Con lấy được vợ con thôi Nhà Thờ“
Đến đây thì tôi mới biết rõ từ đâu và tại sao Thày chọc ghẹo tôi như thế.
Nhớ lại có một lần vợ tôi kể Thày nghe rằng, đại gia đình vợ tôi đều là Phật giáo, hai bên nội ngoại đã từng hiến rất nhiều đất đai xây cất Chùa Chiền tại Cái Bè, bà mẹ vợ tôi vẫn ăn chay trường đến tận cuối đời, thậm chí vợ tôi còn có một người chị con bà dì ruột từng là trụ trì một ngôi Chùa bên Pháp… Vợ tôi kể thế nào, thì Thày chỉ nghe, chỉ biết thế ấy và chắc Thày hoan hỉ lắm, chắc Thày nghĩ vợ tôi cũng đã có “Pháp Danh“ rồi không chừng.. Nhưng thật ra đó chỉ là “đoạn đầu một chuyện….tình“ !
Còn về phần tôi, tôi đâu có dịp để kể tiếp cho Thày nghe “đoạn kết một chuyện…tình“ rằng, khi lấy tôi thì bà vợ Cái Bè của tôi đã được học giáo lý Công Giáo, được rửa tội trong nhà thờ Công Giáo, các con cháu tôi bây giờ cũng thế và gia đình tôi không bao giờ quên đi lễ Nhà Thờ mỗi ngày Chủ Nhật. Hôm ấy – trong Chính Điện được đứng bên cạnh Thầy và trước hàng trăm Phật Tử, tôi chỉ biết đứng trân trân, nào dám “đối thơ“ với Thầy. Nay nhân dịp mừng sinh nhật 75 năm, cũng là kỷ niệm 60 năm xuất gia và hành Đạo của Thày và như một dịp may hiếm có, tôi xin “đối thơ“ với Thày qua câu thơ mà bà vợ Nam Kỳ Cái Bè của tôi thường ngâm rằng:
“Con quỳ lậy Chúa trên Trời
Con lấy được “ổng“ con thôi Nhà Chùa“
Và cứ mỗi lần nghe như thế, tôi trả lời nàng ngay rằng :
“Anh vốn dĩ là con chiên… không ngoan đạo
Nếu lỡ lên Thiên Đàng thì cũng… tại vì em“
Tôi nghĩ Thày sẽ không “rỗi hơi“ để buồn tôi, mà chắc lại còn…“thương“ tôi nhiều hơn khi đọc những hàng chữ này.
Không một ai quên được những công lao đóng góp to lớn cho Phật Đạo Việt Nam của Hòa Thượng Thích Như Điển. Khởi đầu từ tháng 4 năm 1978 (chỉ sau 1 năm đến Đức, lúc đó vỏn vẹn duy nhất chỉ có một nữ Phật tử Việt Nam biết mặc áo tràng là cố Phật tử Diệu Anh Diệp Ngọc Diệp) chỉ với một Niệm Phật Đường Viên Giác thật khiêm tốn, mà ngày nay đã trở thành một ngôi Chùa Viên Giác rộng lớn khang trang, được xem là trung tâm năng lượng của Phật Giáo Việt Nam tại Đức và cũng là nơi đã tổ chức nhiều hội nghị Phật Giáo quốc tế. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã thăm viếng nơi này hai lần. Từ đôi tay của Hòa Thượng Thích Như Điển mà ngày nay đã có đến hơn 30 ngôi Chùa và Niệm Phật Đường rải rác trên khắp nước Đức và Âu Châu, hơn 100 vị xuất gia, gần 10.000 người đã được Quy Y trở thành Phật Tử, trong đó có không ít người Đức, với 25 chi hội và 10 gia đình Phật Tử. Ngoài Tổ Đình Viên Giác, Thày còn sáng lập Tu Viện Viên Đức tại thành phố Ravensburg, một thành phố cận Nam nước Đức mà…“nghe đồn“ rằng, đây là nơi Thày Thích Như Điển sẽ sinh sống, sau khi rút lui khỏi mọi nhiệm sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đức. Phía Đông nước Đức thì có Tu Viện Vô Lương Thọ nằm trong tiểu bang Sachsen. Thày cũng là người sáng lập Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Đức Quốc, từng là Tổng Thư Ký của GHPGVNTN Âu châu và thành lập Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Đức từ năm 1978, 1979.
Ngoài ra, Hòa Thượng Thích Như Điển cũng còn dành thì giờ sáng tác gần 100 tác phẩm và dịch phẩm từ nhiều ngôn ngữ khác nhau liên quan đến đề tài Phật Giáo.
Sau cùng, phải nhắc đến tờ báo Viên Giác do Hòa Thượng Thích Như Điển sáng lập từ năm 1979 đến nay (2024) đã liên tục được xuất bản đúng 45 năm. Một thời gian gần nửa thế kỷ, mà ít có một tờ báo Đạo nào của người Việt trên toàn thế giới đạt được. Với tư cách chủ nhiệm, Thày đã hướng dẫn, thôi thúc anh chủ bút Nguyễn Hòa (từ năm 1995), các anh chị em trong ban biên tập, cũng như các cộng sự viên luôn hăng say trong nhiệm vụ, đã đưa tờ báo Viên Giác ngày càng lớn mạnh, vượt qua đại dương đến tận Hoa Kỳ, Canada, Úc châu và toàn Âu Châu với số lượng hơn 5.000 bản mỗi lần. Anh chủ bút Nguyễn Hòa, Pháp danh Nguyên Trí, cũng là nhà văn Phù Vân, nhà thơ Tùy Anh vừa quá vãng vào tháng 8 năm 2023. Thày rất sáng suốt khi chỉ định anh Văn Công Tuấn, một Phật Tử thuận thành với Pháp danh Nguyên Đạo, một kỹ sư, người có nhiều kinh nghiệm báo chí và viết văn, đảm nhận chức vụ chủ bút này. Tôi tin rằng anh sẽ gặt hái nhiều hỗ trợ và thành công.
Với kiến thức sâu rộng và uyên bác, thông thạo 6 ngôn ngữ, cộng thêm những nỗ lực đóng góp của Thày cho việc Hoằng Pháp, cũng như kiến thức Phật Học về lý thuyết lẫn việc hành trì, Hòa Thượng Thích Như Điển đã nhận được rất nhiều vinh danh. Ngày 8 tháng 7 năm 2011, thủ tướng Tích Lan và Hội Đồng Tăng Già thế giới đã trao tặng giải danh dự hạng nhất cho Thày vì công lao lớn trong sự nghiệp Hoằng Pháp tại hải ngoại. Đây là lần đầu tiên dành cho một tu sĩ người Việt Nam không phải người Tích Lan. Năm 2015, Thày được tiến cử làm đệ nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Âu Châu. Năm 2018 tiếp tục được tiến cử làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già Thế Giới (WBSC) tại Penang, Malaysia. Và gần đây nhất, ngày 8 tháng 12 năm 2021 Hòa Thượng Thích Như Điển nhận “Huân Chương Thập Tự Đệ Nhất Hạng“ do đương kim Tổng Thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao tặng: “nhằm tôn vinh và ghi nhận những đóng góp to lớn trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, chính trị xã hội, ổn định nhân sinh tại Đức“ và theo lời phát biểu của ông Belit Onay, thị trưởng thành phố Hannover rằng: “Huân Chương Danh Dự này là bằng tán dương duy nhất của chính quyền CHLB Đức và đó là sự vinh danh cao nhất của chính quyền dành cho những hoạt động vì lợi ích chung“.
Tuy thế, Thày lại rất khiêm nhường, vẫn luôn nói rằng: “Tôi chỉ là một nông dân của quê hương xứ Quảng và luôn nguyện rằng, mình là một dòng sông chuyên chở những trong, đục của cuộc đời và sẽ là mặt đất để hứng chịu những sạch, nhơ của nhân thế“,
Những thành quả to lớn này không phải tự nhiên mà có và tôi rất may mắn có được cái “Nhân Duyên hội ngộ“ với Thày mà tôi luôn trân quý. Tôi không tin dị đoan hay bói toán, nhưng tôi tin vào “Nhân Duyên“. Mà xét cho cùng thì cũng không xa với đức tin của người Công Giáo vẫn tin vào “mọi việc đều do Chúa định“. Do đó tôi luôn tâm đắc một đoạn trong bài viết nào đó tôi được đọc rằng :
Duyên đến nên quý, Duyên hết nên buông
Hoa nở là hữu tình, Hoa rơi là vô ý
Người đến là Duyên khơi, Người đi là Duyên tàn
Duyên sâu thì hợp, Duyên mỏng thì tan
Vạn pháp do Duyên, Vạn sự tùy Duyên,
Tôi trân quý “Nhân Duyên hội ngộ“ này và chỉ viết ra đây những tâm tình rất chân thật tự đáy lòng của cá nhân tôi nghĩ về Hoà Thượng Thích Như Điển, những gì tôi đã học được từ Thầy trong suốt thời gian qua, cách dấn thân vào Đạo, cách cư xử với Đời, kiến thức uyên bác đi cùng đức tính khiêm tốn đáng được ngưỡng mộ và tôn kính của một vị Sư Tăng vừa 75 năm tuổi Đời với 60 năm xuất gia và hành Đạo. Đối với tôi –một tín hữu Công Giáo- Hòa Thượng Thích Như Điển là một Tu Sĩ Phật Giáo mà tôi vẫn luôn trọng kính và ngưỡng mộ và tôi không tin rằng đó là một cái tội với Chúa….
Vài người bạn Phật tử trách tôi sao không xưng Thày là Đại Đức, là Thượng Tọa và bây giờ là Hòa Thượng cho phải phép ? Họ nói không sai, nhưng tôi lại không thích vì chữ “THÀY“ đối với tôi vừa gần gũi hơn, vừa thân tình hơn và chữ “THÀY“ của tôi còn được xử dụng và hiểu theo ý nghĩa cho cả Đạo và Đời.
Nguyễn Hữu Huấn (bài và ảnh)
2024, Hamburg
“nhưng tôi lại không thích vì chữ “THÀY“ đối với tôi vừa gần gũi hơn, vừa thân tình hơn và chữ “THÀY“ của tôi còn được xử dụng và hiểu theo ý nghĩa cho cả Đạo và Đời”
Rất hay . Đây cũng là suy nghĩ của Cao Huy Thuần về Thích Trí Quang
Thằng Tàu Chệt muỗi Tàu sủa bậy = Đây cũng là suy nghĩ của Cao Huy Thuần về Thích Trí Quang= chứng minh được không con? Nguồn đâu con? Source?