Ông Bùi Nhật Tiến, tức nhà văn Nhật Tiến và cũng là một nhà giáo, một tên tuổi trên văn đàn Việt Nam Cộng Hoà vừa qua đời. Ông ra đi để lại tiếc thương trong lòng nhiều người Việt đã sống và lớn lên tại miền Nam.
Sinh ngày 24/8/1936 tại Hà Nội, thời niên thiếu học ông trường Hàng Vôi rồi lên bậc trung học ở trường Chu Văn An.
Năm 1954 xuống tầu há mồm theo đoàn người di cư vào Nam, ông đã sống qua 21 năm thời Việt Nam Cộng Hoà, qua thời đất nước thống nhất dưới chế độ cộng sản, đến năm 1979 thì vượt biển tìm tự do, định cư tại Hoa Kỳ năm 1980.
Ông có khiếu văn chương từ nhỏ, 15 tuổi đã có sáng tác được đăng báo phát hành ở Hà Nội là truyện ngắn “Chiếc nhẫn mặt ngọc” trên tờ Giang Sơn của bác sĩ Hoàng Cơ Bình.
Lúc mới di cư vào Nam ông làm việc cho đài phát thanh của Ngự Lâm Quân ở Đà Lạt trong vai trò một người viết kịch.
Sau đó ông vào Sài Gòn sinh sống bằng nghề giáo, dạy môn lý hoá tại nhiều trường trung học như Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Bồ Đề, Hồng Bàng.
Ông tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật với tạp chí Văn Hoá Ngày Nay, do nhà văn Nhất Linh chủ xướng, từ số đầu tiên phát hành năm 1958. Ông cũng đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Văn Học là những sản phẩm văn hoá giá trị.
Nhà văn Nhật Tiến còn giữ phó chủ tịch của Trung tâm Văn bút Việt Nam từ 1963 đến 1975 và năm 1974 được chọn làm thành viên của Hội đồng Văn hoá Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà.
Trong 21 năm của đời sống miền Nam, Nhật Tiến đã có khoảng 20 tác phẩm được xuất bản, trong đó có “Thềm Hoang” được giải nhất Văn Chương Toàn Quốc năm 1962 và nhiều sáng tác đáng kể như “Những vì sao lạc” (1960), “Người kéo màn” (1962), “Chim hót trong lồng” (1966), “Quê nhà yêu dấu” (1970), “Thuở mơ làm văn sĩ”(1974).
Ngoài sáng tác, ông còn là chủ biên của nhà xuất bản Huyền Trân từ năm 1959 đến 1975 và là chủ bút tuần báo Thiếu Nhi từ 1971 đến 1975, tờ báo mang nhiều tính cách giáo dục, góp phần đào tạo một lớp thiếu nhi biết trọng nhân nghĩa lễ trí tín, biết yêu thương giống nòi.
Sau năm 1975 ông tiếp tục nghề giáo, dạy lý hoá tại một số trường trung học.
Cuối năm 1979 ông vượt biển và chuyến đi đã gặp nạn trong Vịnh Thái Lan. Ông và nhiều thuyền nhân bị hải tặc đem vào đảo Ko Kra giam nhiều tuần trước khi được nhân viên của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc giải cứu.
Khi được đưa vào trại Songkla, ông viết những bản cáo trạng nhờ tổ chức Boat People S.O.S. phổ biến. Câu chuyện của ông đã gây dư luận xúc động khiến thế giới quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thuyền nhân và nạn hải tặc.
Sau khi đến Mỹ định cư ông cùng hai người bạn là vợ chồng ký giả Dương Phục và Vũ Thanh Thuỷ viết tập sách tài liệu “Hải tặc trong Vịnh Thái Lan”, xuất bản năm 1981 và được phổ biến rộng rãi.
Nhà văn Nhật Tiến đã hợp tác với Ủy ban Báo nguy giúp Người vượt biển trong những vận động bảo vệ thuyền nhân tị nạn. Ông đã đi nhiều nơi, đến nhiều đại học để nói chuyện về thảm trạng vượt biển của người Việt Nam.
Bước vào đời sống Mỹ ông bỏ nghề dạy học, chuyển sang học điện toán và làm việc trong lãnh vực này nhiều năm trước khi nghỉ hưu vào năm 1998.
Ông tiếp tục sáng tác ở hải ngoại, với cả chục tác phẩm được ra đời, trong đó có “Tiếng kèn” (1981), “Một thời đang qua” (1985), “Mồ hôi của đá” (1988).
Các tác phẩm “Hành trình chữ nghĩa” (2012), “Sự thật không thể bị chôn vùi” (2012), “Nhà giáo một thời nhếch nhác” (2013) là những ghi nhận về sinh hoạt văn học Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua. Những tác phẩm của nhà văn Nhật Tiến thường phản ánh hiện thực xã hội mà ông sống qua.
Ngoài sáng tác văn chương ông cũng cộng tác với báo chí, truyền thông trong cộng đồng người Việt hải ngoại, nhiều nhất là với tuần báo Viet Tide phát hành ở Little Saigon, Quận Cam.
Ông còn giữ chức vụ ủy viên báo chí Hội cựu Giáo chức Việt Nam Hải ngoại, 1982-1985 và chủ tịch Ban chấp hành Lâm thời Văn bút Việt Nam Hải ngoại, Nam California 1988.
Khi Việt Nam có chính sách đổi mới, mở cửa ra với thế giới thì cũng là lúc bắt đầu có giao tiếp nhiều hơn giữa người Việt hải ngoại và người trong nước, có những gặp gỡ giữa văn thi sĩ từ hai bờ Thái Bình Dương, có khi tại California khi ở quê nhà.
Nhà văn Nhật Tiến đã gặp lại bạn bè văn hữu xưa, đặc biệt là người em ruột của ông, nhà văn Nhật Tuấn, mà trong 21 năm anh em đã đứng ở hai bên giới tuyến đối nghịch nhau. Sau đó hai anh em viết chung tác phẩm “Quê nhà Quê người” (1994) mà một số người nhận định đó là một sự thoả hiệp, là cổ súy cho sự hoà hợp hoà giải không có thực dưới chế độ cộng sản.
Sau một thời gian bệnh, nhà văn Nhật Tiến qua đời ngày 14/9/2020 tại thành phố Irvine, Quận Cam, hưởng thọ 84 tuổi. Ông mất chỉ ba tuần lễ sau khi người bạn đời của ông là nữ sĩ Đỗ Phương Khanh ra đi về miền vĩnh cửu.
Bùi Văn Phú
Xin dâng những nén nhang lòng gửi đến đến nhà văn Nhật Tiến và người bạn đời của ông là nữ sĩ Đỗ Phương Khanh
Xin cảm ơn Đàn Chim Việt và t/g Bùi Văn Phú đã gửi bài đăng từ BBC báo tin về nhà văn Nhật Tiến. Nhờ đó mà tôi cũng có dịp theo dõi thêm về tình hình tư tưởng văn chương trong và ngoài nước qua những tìm hiểu về Nhật Tiến.
Tình trạng văn chương của những nghệ sĩ luôn đi đôi với tình trạng của VN và thế giới.
Sau 1975, khi học tập cải tạo: Nhật Tiến trong cuốn
Hành Trình Chữ Nghĩa (HTCN):
“Mai Quốc Liên nói “hết sức hỗn xược” (chữ của nhà văn Nhật Tiến kể lại) rằng:
“Khóa học này mở ra để các anh, các chị hiểu biết về xã hội mới thôi, chứ đừng trông mong vào việc cầm bút trở lại. Bởi vì miền Nam các anh, các chị làm gì có văn hóa.”
“Nhật Tiến: Phải nói là sôi sục. Trước tiên, Đỗ Phương Khanh đứng lên chỉ mặt Mai Quốc Liên và hỏi ngay, Anh vào trong Nam được bao lâu và anh đã đọc được bao nhiêu tác phẩm của miền Nam rồi, mà anh dám nói miền Nam không có văn hóa? Rồi nhiều người khác cũng nhao lên, cả tôi lẫn nhà văn Nguyễn Thụy Long đều đứng dậy. Những người điều khiển khóa học vội vã tuyên bố nghỉ giải lao…”
Những năm 1990, tình hình có nhiều thay đổi với hy vọng cộng sản Đức và Nga sụp đổ, sẽ đưa đến một VN không còn cộng sản. Chúng ta đã thấy có rất nhiều tin tức về các nhà văn quốc nội như Hữu Loan từng bị cấm đoán được loan ra nước ngoaì trong những năm 1990.
Theo nhận xét của tôi, cũng trong thời gian này mà Nhật Tiến đã có quyển sách mang tên Quê Người, Quê Nhà in cùng người em phía cộng sản. Cũng như rất nhiều người di cư vào nam 1954, có gia đình còn lại người bắc, và gặp lại sau 1975. Là do hoàn cảnh đất nước.
Trích Bùi Văn Phú: “một số người nhận định đó là một sự thoả hiệp, là cổ súy cho sự hoà hợp hoà giải không có thực dưới chế độ cộng sản.”
Nhật Tiến:
“Thế nhưng 2014 tình hình không thể giống nhau:
” Như thế thì nếu ai có hỏi tôi rằng tôi sẽ trông mong gì ở những người cầm bút VN cùng với tấm lòng
kỳ vọng mà tôi đã từng có thời ấp ủ từ hơn 20 năm trước ?
“Xin trả lời : Tôi không còn trông mong hay kỳ vọng gì nữa hết và chỉ còn nghĩ rằng thôi thì cứ để cái
gì phải đến thì nó sẽ đến, với một ý niệm rất rõ trong đầu :
“ Tiếc thì tôi không bao giờ tiếc những gì mình đã từng làm, nhưng mà tôi cũng sẽ chẳng còn
hứng khởi gì để mà lập lại như thế nữa !”
Một lần nữa xin cảm ơn Đàn Chim Việt, các tác giả, bạn đọc và bạn còm với những chia sẻ về tình hình của đất nước trong tình người yêu thương đất nước VN và toàn nhân loại trên thế giới.
Have a great weekend to All. With Love.