Nhà thơ Nguyễn Duy đọc thơ ở Warsaw

1
Ảnh FB Uwaga

Nhân dịp nhà thơ Nguyễn Duy đến thăm Ba Lan, một nhóm bạn trẻ trên diễn đàn “UWAGA- Người Việt ở Ba Lan” đã tổ chức buổi gặp mặt nhà thơ Nguyễn Duy với những người Việt tại Ba Lan – những người yêu thơ Nguyễn Duy và quan tâm đến tình hình quê hương.

Nhà thơ Nguyễn Duy đọc thơ tại Warsaw. Ảnh FB Uwaga

Nhận xét về nhà thơ Nguyễn Duy, cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết: “Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên mảnh đất hoang đó”. Qua buổi đọc thơ, càng thấy nhận xét trên đây thật là tinh tế, xác thực, giầu hình ảnh. Đó là bức chân dung Nguyễn Duy với những nét lột tả đầy đủ nhất và chân thực nhất!

Vì thời gian có hạn, nhà thơ chỉ đọc 3 bài thơ trong chùm thơ mà tác giả gọi là thơ chính sự:

Đánh thức tiềm lực(1980 – 1982)
Nhìn từ xa ….. TỔ QUỐC (1988)
Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ (1991-1992)

Bài thơ Đánh thức tiềm lực là tiếng thở dài về tình hình đất nước sau 5 năm thống nhất. Nỗi thống khổ của người dân trong đời sống vật chất, tinh thần đã vượt quá xa sự chịu đựng của con người. Tất cả những người Việt Nam từ tuổi thơ đều được dậy dỗ nước ta có “rừng vàng biển bạc”. “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên…”.

Nguyễn Duy kể rằng, ông làm bài thơ này chỉ nghĩ để đọc cho bạn bè nghe chơi, vì trong một xã hội “Tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược dòng”, thơ của ông sẽ không có tờ báo nào dám đăng, nhà xuất bản nào dám xuất bản. Thật thú vị nghe ông kể về những hệ lụy mà các bài thơ mang đến cho bản thân ông và một vài tổng biên tập của các tờ báo địa phương dám đăng một trong ba bài thơ kể trên.

Xã hội Việt Nam hiện nay đã tiến bộ nhiều so với thời kỳ cách đây mấy chục năm, nhưng còn rất nhiều những điều ông viết trong các bài thơ trên vẫn còn mang tính thời sự và như những điều tiên đoán về xã hội Việt Nam.

Khán/ thính giả. Ảnh FB Uwaga

Ảnh FB Uwaga

Kết thúc buổi đọc thơ, nhà thơ Nguyễn Duy đã đọc bài thơ “Đá ơi” :

Ta mặc niệm trước Angco đổ nát
đá cũng tan hoang huống chi là kiếp người
Đá ơi
xin tạc lại đây lời cầu chúc hòa bình
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại

Nhà thơ kể câu chuyện vui có thật, liên quan đến bài thơ trên đây.
Trong một dịp triển lãm thơ ông tại quê nhà Thanh Hóa, ông mua một tảng đá xanh và khắc bài thơ “Đá ơi” trên đó. Hết triển lãm, ông đưa tảng đá về nhà người em ruột. Gia đình không biết làm gì với tảng đá, dùng nó chặn cửa chuồng lợn.

Bạn ông, một giáo viên đến thăm gia đình ông, nhìn tảng đá có khắc bài thơ nảy ra ý định xin mang về nhà, gia đình và nhà thơ đồng ý.
Người giáo viên mang tảng đá về nhà, ông tìm chỗ xây một cái miếu và trang trọng đặt tảng đá khắc bài thơ trong đó. Miếu được người dân qua lại đến thắp hương với tấm lòng tôn kính. Chính quyền địa phương không vừa ý, yêu cầu người giáo viên dỡ bỏ miếu, ông phản đối và trả lời :”Tôi xây miếu, nếu chính quyền không đồng ý thì chính quyền tự dỡ bỏ, tôi sẽ không làm việc đó”. Hiện nay miếu vẫn tồn tại, người dân vẫn đến thắp hương cúng bái.

Có lẽ những người dân đến miếu thắp hương, cầu chúc cho linh hồn những người chết thuộc “phe” nhân dân, “phe” thất bại trong tất các cuộc chiến tranh liên tiếp của Việt Nam được xiêu thoát.

Buổi đọc thơ đã kết thúc trong bầu không khí rất thân mật giữa nhà thơ và các khán giả.

Những người tha hương như được thấy mình gần gũi với quê hương hơn.

Đinh Minh ĐạoPhóng viên Đàn Chim Việt

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên