Nguyễn Huy Thiệp

3
The dream of an artist

Nguyễn Huy Thiệp tới. Hắn mặc áo trắng dài tay, hở cổ, quần xanh sẫm, đi dép xăng đan. Mặt gã đầm đìa mồ hôi. Hắn xin lỗi vì tới trễ, và giải thích rằng hắn đã đạp mười lăm cây số quanh Hà Nội, dưới trời nắng nóng oi ả, ba mươi độ bách phân. Thiệp trao tôi vài tờ báo tiếng Việt, ngay trang đầu có những bài về truyện ngắn nổi tiếng “Tướng Về Hưu” đã được xuất bản như thế nào. Tôi nhận thấy những bài viết đã mang lại cho Thiệp một bước ngoặt hạnh phúc đổi đời. Sau ba mươi năm sống dưới chế độ chính trị Việt Nam đông cứng, cuối cùng Thiệp đã thấy được một tia sáng mặt trời.

Thiệp có gương mặt điển hình của người miền Bắc, gò má cao, hóm hỉnh. Hắn hay cười. Hắn có những câu chuyện dí dỏm. Hắn là hình ảnh của một Picasso đã chuyển từ Riviera tới Hà Nội với cặp mắt nhìn lấm lét, màu nâu. Thiệp nói thao thao về tám trăm năm trước. Thời  nô lệ người Chàm bị bắt về Bắc, rồi họ định cư tại ngôi làng tổ tiên của Thiệp ở ngoại thành Hà Nội. Phật giáo cũng bắt đầu bén rễ ở đây. Mẹ Thiệp, và chính hắn đã thực hành đạo Phật. Tôi nhận ra bên dưới mái tóc muối tiêu, hắn sở hữu dái tai to rộng mà người Việt thường quen gọi là “tai Phật”.

Thiệp là ngòi bút dẫn đầu phong trào Đổi Mới ở thập kỷ 1980s.  Ở hải ngoại, hắn không nổi tiếng như Bảo Ninh hay Dương Thu Hương, nhưng ở trong nước, hắn nổi nhất. Hắn đã sinh ra một phong cách văn chương uyên bác với muôn mặt muôn màu. Hắn lật nhào cả nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau Thiệp, không còn ai viết như trước nữa. Hắn định nghĩa lại văn chương. Hằng tháng, hắn có tác phẩm xuất bản và nhanh chóng trở thành những truyện ngắn kinh điển.

Thiệp vào nghề năm 1987. Một năm sau, 1988 hắn đã có tác phẩm nổi tiếng được xuất bản mà giới văn chương gọi đó là “năm của Nguyễn Huy Thiệp”. Năm 1989, phim Tướng Về Hưu ra đời. Năm 1990, Thiệp trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng cũng vào năm này, tác phẩm của Thiệp bắt đầu biến mất trên quầy sách. Nhân Dân, nhật báo của đảng, xuất bản hai bài tấn công và cáo buộc Thiệp phản bội Cách mạng Việt Nam, hạ bệ những anh hùng dân tộc thiêng liêng trong lịch sử. Thiệp đã bị “lừa bởi loài quái thú Sài Gòn trước 1975”. Chiến dịch đấu tố Thiệp tiếp diễn tới 1991, cũng là năm công an vây ráp, khám nhà Thiệp, tịch thu nhiều sách, bản thảo. Đây là bước ngoặt của cuộc đời Thiệp. Đó cũng là bước ngoặt của nềnvăn học Việt Nam sau năm năm Đổi Mới lại quay về những ngày đen tối cũ.

“Tôi chỉ muốn một cuộc đời bình thường,” Thiệp nói. “Tôi không phải là nhà đấu tranh chính trị.”  Mọi người ở đây đều tự nhủ hãy tránh xa chính trị. Điều này đã giúp tôi nhận ra câu thần chú mà mỗi nhà văn, nghệ sỹ Việt Nam thường tụng niệm để tránh vòng lao lý.

Tôi đã ngồi với Thiệp cả buổi chiều tại Café Nhân. Hắn rất thích nơi này. Đây cũng là nơi lui tới của đám văn nhân. Café Nhân rất gần Hồ Hoàn Kiếm, một địa điểm lịch sử ngay trung tâm Hà Nội. Sau hai mươi phút đạp xe từ vùng ngoại ô tới đây, Thiệp kêu một ly sắn dây. Hắn tin rằng thứ nước uống này giúp hắn giải nhiệt.

Thiệp kể lịch sử gia đình đã mang lại cảm hứng để hắn viết “Tướng Về Hưu”. Ông nội Thiệp có hai vợ. Người vợ thứ rất độc ác, như người vợ trong câu chuyện. Bà độc ác đến mức cha Thiệp phải bỏ miền Bắc, lưu lạc vào Sài Gòn. Ông làm việc cho cộng đồng người Hoa và học đại học ngành kỹ sư. Ông trở thành người quản lý đường sắt thời thuộc địa. Ông tham gia thi công xây dựng cầu và đường. Người Pháp trả lương ông khấm khá. Ông ở lại miền Nam cho mãi tới 1945.  Ông tham gia cách mạng rồi trở lại miền Tây Bắc, trở thành vị quan tòa cao cấp, thường cỡi ngựa, mặc đồ vest trắng.

Thiệp kể về người cha, và ông đã gặp rắc rối như thế nào, khi ông ra lệnh thả một nhóm tù nhân. Sự cố này được tái hiện trong một truyện ngắn. Thiệp kể gia đình hắn là một trong những gia đình lâu đời nhất ở Hà Nội. Họ có thể tìm lại hệ phả tám trăm năm về trước. Đất đai của họ cứ mất dần, trong những cuộc chiến Việt Nam ở thế kỷ hai mươi. Mất dần, mất hết, chỉ còn lại mảnh vườn ven Hà Nội nơi Thiệp đang sinh sống.

Tôi bỗng nhận ra: mình đang nói chuyện với một nhà quý tộc đi xe đạp, một dân Hà thành chính gốc, lang thang khắp phố như những người bán hàng rong, ngoại trừ chiến xe đạp leo núi khá đắt tiền. Tôi chưa hề được đọc một bài viết nào của Thiệp về người cha, mặc đồ vest trắng, cưỡi ngựa, nhưng có thấy bóng dáng người mẹ, rời thành phố bởi chiến tranh, sống như những người nông dân ở nông thôn.

Tôi đã thấy bức ảnh do bạn bè chụp. Tôi nhận ra một bức tượng Phật khổng lồ ngay giữa mảnh vườn. “Tôi dựng tượng Phật vào năm 1991,” Thiệp kể. “Tôi dựng bức tượng này trong lúc gặp hoạn nạn. Đó là sự phản ứng của tôi với chính quyền. Mất ba tháng rưỡi mới hoàn thành. Đắt ngang với một căn nhà. Tôn giáo giúp tôi giữ được thăng bằng giữa tai họa bủa vây.”

Tôi hỏi gã giải thích thêm về vụ khám nhà năm 1991. Thiệp bảo,“Họ mang đi tất cả sách, bản thảo, và buộc tội tôi phá hoại thành quả của chủ nghĩa xã hội. Tôi bị thẩm vấn mười ngày liên tục. Họ coi tôi là một kẻ chống chính quyền. Tôi bị shock nặng. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tôi.”

Đổi mới – perestroika, phép thử nghiệm ngắn ngủi của Việt Nam, đã kết thúc. “Thời kỳ chính quyền khủng bố những tác giảViệt Nam bắt đầu,” Thiệp kể. “Tôi nhận ra công việc của tôi nguy hiểm tới gia đình. Họ gọi tôi là tên phản động. Họ đối xử với tôi như kẻ chống chính quyền. Tôi quyết định viết chậm lại. Tôi tạm dừng viết một thời gian. Những mối nguy hiểm khổng lồ. Tôi không ngừng viết, nhưng tôi ngừng ngây thơ. Tôi cẩn thận hơn. Tôi thuần hóa chữ nghĩa. Tôi đổi đề tài. Tôi thay ngôn từ. Trước khia, tôi lập dị và kiêu căng. Giờ đây, tôi thận trọng hơn.”

Thiệp bắt đầu viết những bài khá trừu tượng về Phật giáo, và khoác áo thụng lên những tư tưởng của hắn mà chỉ vài người hiểu được. Hắn tâm sự, “Tôi quyết định viết những câu chuyện vui tươi hơn, sáng lạn hơn.”

Tôi hỏi: Công an văn hóa có trả lại sách và bản thảo không. “Không, họ không trả lại. Họ ném vào thùng rác,” Thiệp trả lời và nói về những ngày đầu viết lách.

Tôi lặng thinh một hồi, rồi bỗng nhớ ra Thiệp đang nói về những truyện ngắn xuất bản trước 1991 – đó là những tác phẩm đã làm hắn nổi danh.

“Ở phương Đông, chính trị giống như một con rồng,” Thiệp nói. “Khi nó vui, ông có thể đùa chơi với nó, nhưng khi nó nổi nóng, nó nuốt sống ông ngay.”

Thiệp trở lại câu chuyện về tượng Phật trong vườn, “Viết lách là tôn giáo. Nhà văn là kẻ ngồi thiền. Bạn phải giữ vững niềm tin. Bạn sẽ thua nếu bạn để mất tinh thần mộ đạo.”

Thiệp thăm Mỹ vào năm 1998. Nhiều người đổ tới để chào đón một tác giả lừng danh, nhưng họ đã thất vọng. Thiệp quá huyền bí và cầu kì làm người phiên dịch bó tay. Thiệp càng lao sâu vào những khái niệm trừu tượng của Phật giáo, người kiểm duyệt càng thắng đậm.

Tôi hướng cuộc đàm thoại vào ngày đầu Thiệp bước vào nghề. “Trước 1991, tôi viết từ bản năng,” Thiệp nói.  “Tôi thích viết từ khi còn rất trẻ; mặc dù, cha tôi chống đối việc tôi muốn trở thành nhà văn.”  Văn Thiệp là là sự pha trộn giữa văn chương cổ điển Trung Quốc và văn học Pháp. Trong đó có một hàm lượng lớn của chuyện dân gian Việt Nam mà Thiệp nghe được trong một thập kỷ gã sống ở núi rừng Tây Bắc. “Tôi muốn kết hợp giữa hai nền văn hóa đông tây,” hắn viết trong lời mở đầu của một tuyển tập. Hắn đã viết năm mươi truyện ngắn, bảy vở kịch dài, nhiều luận văn, ba kịch bản phim, và một tiểu thuyết đã xuất bản ở Pháp, Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu.

Thiệp được nuôi dưỡng bởi người mẹ theo đạo Phật. Ông ngoại là người đưa gã tới văn chương Trung Quốc, những giáo viên, có cả linh mục, và những giáo sư ở Đại học Sư phạm Hà Nội nơi gã theo học môn lịch sử.

Tốt nghiệp vào năm 1970, Thiệp được đưa tới sống với người Hmong và những nhóm dân tộc thiểu số khác ở vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam. Gã ở đó một thập kỷ, dạy lớp bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ cộng sản. Thiệp học được thế giới đầy tâm linh của những con người miền rừng núi. Hiển nhiên, họ cũng học được ở Thiệp những câu chuyện đầy huyền thoại. Phương pháp dạy của Thiệp là mượn nhiều sách từ thư viện tỉnh. Hắn đọc rất nhiều văn học và lịch sử thế giới, rồi kể lại cho học viên. Dostoevsky và Camus được trộn lẫn thành một tuyển tập về kinh tế và triết học đã trở thành bài giảng tuyệt vời. Thiệp không màng tới cái phép màu hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Vào 1980, Thiệp rời núi rừng bởi đói khổ và buồn chán. Bảy năm tiếp theo, hắn lang thang khi thì là thợ vẽ, khi là thợ đục đá, có khi đi buôn lậu trước khi xuất bản truyện ngắn đầu tiên trên Văn Nghệ, tờ báo chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam. “Vào năm 1986, đời sống xã hội ở Việt Nam rất tồi tệ,” hắn nhớ lại. “Xã hội đảo điên, nghèo đói. Liên Xô ngừng viện trợ. Việt Nam mở cửa với thế giới bên ngoài. Dễ thở hơn để viết. Trước 1986, nhiều nhà văn đã bị bắt. Nhưng sau 1986, thời kỳ đầu của Đổi Mới, xã hội được nới lỏng, viết lách có thêm cơ hội,” hắn nhớ lại. “Tôi thật may mắn, đúng thời điểm,” Thiệp kể về truyện ngắn đầu tiên được xuất bản vào năm 1987. “Tôi viết nó từ bản năng. Tôi viết trong niềm hứng khởi. Bạn đọc chờ đợi những câu chuyện của tôi.” Thiệp mô phỏng lại những điều này bằng những cười nụ, cười to, và dậm chân để nhấn mạnh.

Tôi hỏi Thiệp có rắc rối gì trong việc công bố tác phẩm sau vụ công an văn hóa khám nhà. “Có chứ! Sau 1991, một lệnh bí mật từ lãnh đạo. Không còn ai muốn dính dáng đến tên hay tác phẩm của tôi. Bài viết của tôi được theo dõi cẩn thận, và bị ngâm lâu hơn, lâu hơn, trước khi xuất bản.”

“Tôi thay đổi cách viết để phù hợp với nhu cầu xã hội,” Thiệp nói. “Tôi tự kiểm duyệt nội dung. Thỉnh thoảng nó được sửa chữa bởi những biên tập viên. Thường thì, họ quá nhiệt tình, hoặc quá sáng tạo mà tương thêm những bình luận lên đầu mỗi trang viết. Tôi phải chấp nhận sự kiểm duyệt của những người không hề biết văn chương là gì. Văn học Việt Nam ra đời trong thời kỳ cách mạng. Văn học trở thành một dụng cụ của chính trị để chuyển tải ý thức hệ. Nó chưa được chấn chỉnh lại, nên rất khó để trở thành một nhà văn Việt Nam.”

Trời đã xế chiều. Chúng tôi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm, chỉ cách quán café dăm bước. Thiệp dắt xe đạp. Bờ Hồ đông nghẹt người. Người trở về nhà sau ngày làm việc. Những cặp nhân tình hò hẹn để thực hành bổn phận ái tình. Kẻ đánh cờ tướng. Người đi quyền. Những người lang thang như chúng tôi trong buổi chiều nóng nực.

Tôi đang nhìn về phía giữa Hồ nơi có một ngôi chùa nhỏ, tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ thì Thiệp đề nghị băng qua đường. Xe cộ quấn lấy chúng tôi. Chúng tôi chìm vào khói bụi của xe hơi, xe gắn máy. Thiệp dắt xe đạp dừng trước cửa một khách sạn sang trọng mang tên Apricot. Tình cờ, ông chủ khách sạn đứng ngay trước cửa, đón Thiệp rất trịnh trọng và mời chúng tôi vào thăm. Thiệp giao xe đạp cho người giữ cửa.

Chúng tôi vào tiền sảnh, tiếng piano thánh thót, đi qua những tấm tranh có hình các môn đệ Việt Nam. Chúng tôi lên tầng hai bằng thang máy và bước trở lại mặt tiền khách sạn. Nơi đây, chúng tôi thấy một loạt những tủ kính, bên trong trưng bày những đĩa sứ. Bộ sưu tập nghệ thuật này của Thiệp chứng minh công việc Thiệp làm khi ngừng viết. Những cái đĩa màu trắng được minh họa bằng nét vẽ xanh đậm – bức chân dung tự họa, và vài câu thơ, những nông dân trên cánh đồng, mô phỏng từ những câu chuyện dân gian hoang đường. Vài cái đĩa vẽ lại cảnh Thiệp đang lâm bệnh. Có một cái đĩa vẽ cảnh một người đàn bà đang đốt sách. Hình ảnh có xuất xứ từ những câu chuyện dân gian: một thày thuốc đã chết và, một người vợ bất lực. Lật qua mặt dưới của mỗi chiếc đĩa là những dòng chữ viết tay được trích ra từ nhật ký, ghi chép, tư tưởng, hay những bình luận của Thiệp về đời gã mỗi ngày.

Bây giờ thì tôi nhận ra vì sao Thiệp hay cười mỉm mỉa mai. Bị những nhà kiểm duyệt nghiêm cấm không được viết, danh họa Picasso địa phương của chúng ta phải mưu sinh bằng cách đi làm đĩa sứ. Hắn làm ra nhiều đĩa sứ khác nữa. Thiệp đã từng là chủ một tiệm ăn có tên Hoa Ban, ngay bên bờ Sông Hồng, một thời gian dài. Người trong vùng gọi tiệm ăn của Thiệp là Kiếm Sắc, sau khi hắn xuất bản chuyện ngắn lừng danh cùng tên; thế nhưng, nó cũng hàm nghĩa chém đẹp, hay đắt đỏ.

Tôi hỏi ông chủ khách sạn Apricot rằng bộ sưu tập đĩa sứ của Thiệp này là để trang trí, hay để bán. “Cũng tùy! Nếu được giá thì bán,” ông trả lời.

Bộ ba truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp gây tranh cãi nhiều nhất là Kiếm Sắc, Vàng Lửa, và Phẩm Tiết, lấy bối cảnh lịch sử của những năm 1800s.  Nhân vật đều là những nhân vật lịch sử Việt Nam. Loại bỏ đi những lớp xiêm y, Thiệp phơi bày những ác độc và hèn kém của họ. Trong Vàng Lửa, một lính lê dương, nhân vật kể chuyện của Thiệp, kết luận rằng “Việt Nam giống như một cô gái đồng trinh bị cưỡng hiếp bởi nền văn minh Trung Hoa. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó.” 

Nhân vật trong truyện của Thiệp kể rằng Nguyễn Du chính là sản phẩm của cuộc cưỡng hiếp kể trên. Du trở thành thi hào lừng danh, viết ra Truyện Kiều, tác phẩm đỉnh cao của nền thi ca Việt Nam. Bản thân Kiều cũng là câu chuyện của cưỡng dâm. Câu chuyện kể về một cô gái trẻ, phải tự nguyện bán mình qua Tàu, để cứu cha khỏi vòng lao lý. “Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình.”

Tấn công vào một thi hào tầm cỡ của dân tộc đã gây ra cú shock cho bạn đọc của Thiệp.  Còn Thiệp thì nghĩ rằng gã chỉ làm công việc đơn giản là chỉ ra những điều đã hiển nhiên. Đâu có quá xa lạ gì? Truyện Kiều, đỉnh cao của nền thi ca dân tộc Việt Nam, mọi học sinh đều học và thuộc lòng, về số phận của một cô gái bán mình lưu lạc trên đất Trung Hoa. Cộng đồng Việt là một cộng đồng mặc cảm. Nó nhỏ bé xiết bao bên cạnh nền văn minh Trung Hoa, một nền văn minh vừa vĩ đại, vừa bỉ ổi lại vừa tàn nhẫn…”

Truyện ngắn đầu tiên và nổi tiếng nhất của Thiệp là “Tướng Về Hưu.” Nó được xuất bản trên Văn Nghệ vào năm 1987. Câu chuyện kể về một người lính già về hưu, không thể hội nhập vào xã hội Việt Nam hiện đại. Ông trở lại đơn vị cũ và chết ở đó. Bản chất thực dụng của xã hội Việt Nam đương đại được thể hiện qua nhân vật Thủy cô con dâu của vị tướng. Thiệp kể Thủy là nhân vật được dựng lên từ ngay trong gia đình gã. Thủy là một “phụ nữ hiện đại”, một bác sỹ làm việc tại một bệnh viện sản. Thủy thực hiện những cuộc phá thai. Thủy mang những hài nhi về nuôi đàn chó săn. Chó được bán ra chợ đen. Bị kẹt giữa những cú va đập trong gia đình là người con trai bất lực của vị tướng, chồng của Thủy. Anh cố tìm kiếm một lối thoát giữa bản năng thực dụng của vợ và quan niệm bảo thủ của cha.

Câu chuyện thách đố này được xuất bản trên tờ Văn Nghệ, vừa có tổng biên tập mới Nguyên Ngọc người đã phát hiện ra tác phẩm bị bỏ xó trong đống bản thảo cũ. Thiệp đã âm thầm viết hàng thập kỷ, nên nhiều tác phẩm đã sẵn sàng. Ngọc cho xuất bản hết cho đến khi bị cách chức vào năm 1988. Đây chính là điểm khởi đầu của sự kết thúc một cuộc nổi dậy văn hóa ngắn ngủi của Việt Nam. Chẳng bao lâu sau đó, công an văn hóa tới hỏi thăm Thiệp.

Vào năm 2008, hai mươi năm sau khi bị kỷ luật, Ngọc viết về nền văn chương đương đại Việt Nam trên tạp chí the Journal of Vietnamese Studies. Thời hậu chiến, Việt Nam có ba nhà văn tầm cỡ: tiểu thuyết gia Bảo Ninh, không thể viết thêm gì nữa; Phạm Thị Hoài, lưu vong ở Berlin; và Nguyễn Huy Thiệp dấn thân vào Phật pháp và đi làm đĩa sứ.

Cho đến khi Thiệp xuất hiện trên văn đàn, văn học Việt Nam tù túng trong những câu chuyện vô tận về hiện thực xã hội chủ nghĩa, những người lính dũng cảm, và những nông dân cao cả. Nhàm chán, bạn đọc quay lưng, tờ Văn Nghệ phải đình bản, không đủ tiền mua giấy và trả công in.

Khi Nguyên Ngọc trở thành tổng biên tập Văn Nghệ, việc đầu tiên ông làm là lục tìm lại trong đống bản thảo đã bị loại; bởi vì, trong đó có đề tài cháy bỏng. “Tướng Về Hưu” đã xô đổ cả nền thi pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó mang tới cho văn học Việt Nam chủ đề hiện đại và đa dạng trong cuộc sống. Qua rồi cái thời chỉ viết một chiều theo quyền lực. Giờ đây còn có cả những điểm mơ hồ, sự khác biệt và những cuộc thương lượng diễn ra trên thực tế. Thiệp đã làm sống lại quá khứ của văn học Việt Nam, phiên dịch lại nó, và cả đả phá nó để hướng tới tương lai mà hắn đã xoay sở tìm tòi. Chỉ một cú ra đòn, hắn đã định hình lên cuộc Đổi Mới của văn học Việt Nam trong thập kỷ 1980s. Những câu chuyện hàng ngày của Thiệp đã xô đổ khuôn mẫu trước đó. Thiệp tái hiện những câu chuyện dân gian Việt Nam dưới góc nhìn hiện đại. Nhưng gây shock mạnh nhất là bộ ba truyện lịch sử đã dẫn tới cuộc khám nhà Thiệp bởi công an văn hóa.

“Tác phẩm của Thiệp thường gây tranh luận,” Ngọc nói. “Và số lượng báo phát hành tăng nhanh như tên lửa. Mọi nhà văn, có thể không công khai, đều nhận ra điều gì đó rất quan trọng. Họ không thể tiếp tục viết như họ đã từng trước đây.”

Thiệp đã ném ra một quả bom văn học mà Ngọc gọi đó là một cuộc cách mạng văn chương. Thay bằng những câu chuyện về những người lính dũng cảm, và những nông dân kiên cường, thể loại mới đã ra đời hoặc được hồi sinh như là tiểu thuyết phóng sự, hồi ký, tường thuật, phi hư cấu, và một mùa bội thu về truyện ngắn.”

Ngoại trừ tác phẩm của Bảo Ninh và Phạm Thị Hoài, “Sức mạnh của tiểu thuyết để khái quát xã hội vẫn còn rất yếu,” Nguyên Ngọc nói.  “Văn học phải chọn thể loại khác để thực hiện nhiệm vụ mà tiểu thuyết chưa làm được. Đó chính là truyện ngắn với những nhân vật đặc trưng và sức khái quát cao.”

“Trong các nhà văn tiên phong, vượt trội lên vẫn là Nguyễn Huy Thiệp, tiếp theo là Phạm Thị Hoài.” Nguyên Ngọc đánh giá. “Ngay từ rất sớm, Thiệp đã viết dưới nhiều góc độ, cách tiếp cận rất đa dạng, và thường làm người đọc choáng váng. Trong tiến trình này, Thiệp đã khơi nguồn cho nền văn học Việt Nam hiện đại mà chúng có thể gọi là một nền văn học tự vấn. Nó như  một luồng sinh khí mới từ văn chương thổi vào xã hội. Có thể nói rằng đây là lần đầu tiên trong văn học người Việt đã trở nên khẳng khái dấn thân vào công cuộc mặc khải.”

 

Tác giả: Thomas A. Bass; đăng trên Mekong Review; tháng Ba 2021

Trần Minh chuyển ngữ

Toronto, Canada

3 BÌNH LUẬN

  1. Nguyễn huy Thiêp đã năm xuống lòng đất lạnh … thôi thì bạn bè công kenh ca ngơi như pt hoài hay nhiều người khác ,kẻ tự cho minh khám phá thiên tài tiểu thuyết gia ,kẻ cho là anh ta ,vói “ngọn gió hu tát” nghiêng ngã thành trì văn học XHCN hiên thực .Viết mà không biết mình viết gì hay tự khen mình,ăn theo, khi đưa ngừời chết vào cửa bất tử . Mười truyện nhắn,10 huyền thoại ,10 mảng văn ngăn ngắn ,mổi mảng bằng hay hon một bàn tay của 10năm lên núi rừng dạy học (70) đó cung là ưu ái của cs khi mà cả miền Bắc thanh niên đều vào Trường son ,liều mfinh đi theo sự o ép ,bắt bược ,đi theo súng ,lưởi lê ,mất mát nhiều sống sót là may mắn thì NHT ….coi như là may mắn hơn nhiều thanh niên cùng lứa tuổi.
    Cho nên anh nổi danh trong nước vói chuyện ngắn Tướng Về Hưu vói vài cảnh hiện thực xhbn cung như diển tả tâm trạng của viên tướng còn sót lương tâm khi nhìn nồi thai nhi nấu lên cho heo chó ăn ….Có chút rùng rợn nhưng là thật và tôi nghỉ chỉ có 01 chuyên đó mà xô ngã đàn chi ,nhà văn DTH ,từng là thanh nên xung phong ,từng là đàn chị trong khóa văn trường N,Du và khá nôi tiếng trước nhưng cuốn truyên sau ngày 30/4/75 …Chính chị mới xô ngã thành trì XHCS vói khải hoàn môn ,Nhứng Ngày Thơ Ấu.Bên kia bờ ảo vọng,Những Thien Đường Mù… …Chi đã cho người miền Nam chỉ nhỉn về CS và văn hóa đảng thế nào ?
    Với 10 truyên “Ngọn gión gió Hutát ,NHT mơ kéo sụp cả XHCN vì huyền thoại đó sao ? Viết như PT Hoài xô nghieng ngã thành tri vh xhcn hiện thực thì chỉ còn cái giả dôi,bịa dặt thôi sao ?
    NHT còn lấy lịch sử Tau đẻ bôi bác vị anh hung dân tộc là Quang Trung và xô ngã Nguyễn Du vói truyện Kiều bất hủ…Hai mãng quân sụ ,văn hóc cua vn NHT vứt hết , vậy VN con cái gì ? Hay chỉ con mảng văn chương của kẻ ở núi cao rừng sâu .dả man và mọi rợ ?
    ====
    Hãy đẻ cho nhà ăn yên nghỉ…

  2. Nguyễn Huy Thiệp phê phán Kim Hoa bà bà Dương Thu Hương .-

    a)Trích Đặng Anh Đào, Nguyễn Huy Thiệp – nhà văn đang biến thành nhân vật , Kiến Thức Ngày Nay, 631 , 20/2/2008 , trang 9-11, 24-25 :
    …Một người khác hỏi ý kiến Thiệp về một nữ văn sĩ “địch thủ của Thiệp“ đang nổi đình đám và được giới truyền thông Pháp bơm lên . Thiệp mỉm cười nhỏ nhẹ nói rằng đó là một nữ tiểu thuyết gia có tham vọng ít mang tính văn chương hơn ông ta , và tác phẩm của người đó giống như hình ảnh bửa ăn vào lúc kết thúc : mọi người đều đã nếm món này món kia , nhưng vẫn còn thừa .

    b) “Tướng về hưu” : “Trong nồi cám, những bàn tay trẻ con bé xíu hồng hồng , ngón tay chấp chới trên mặt nước sục sôi . “
    Tại sao không ai minh họa “Tướng về hưu” ?

    Tướng về hưu – Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
    CẬP NHẬT NGÀY: 26 THÁNG BA, 2021 LÚC 15:16
    Vanvn- Truyện ngắn Tướng về hưu lần đầu được in trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 là một trong những tác phẩm tiêu biểu khẳng định nghệ thuật đỉnh cao về truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và cũng đã được chuyển thể kịch bản dựng thành phim. Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, Vanvn xin trân trọng giới thiệu lại Tướng về hưu để thưởng thức một tác phẩm giá trị và tưởng nhớ nhà văn lớn vừa ra đi.
    …Một tối, tôi đang đọc Sputnhich, cha tôi lặng lẽ đi vào. Ông bảo: “Cha muốn nói chuyện với con”. Tôi pha cà phê, cha tôi không uống. Ông hỏi: “Con có để ý công việc của Thủy không con? Cha cứ rờn rợn”.
    Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”. Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi di vào nói với ông Cơ: “Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?!” ông Cơ bảo: “Cháu quên, cháu xin lỗi mợ”.

    c)Truyện cực ngắn : Nguyễn Huy Thiệp .-
    Ai đục bỏ một câu trong truyện ngắn Tướng Về Hưu của Nguyễn Huy Thiệp , nguyên xuất bản trên báo Văn Nghệ (Hà Nội) , khi in thành sách :
    “Trong nồi cám, những bàn tay trẻ con bé xíu hồng hồng , ngón tay chấp chới trên mặt nước sục sôi . “
    Trong và ngoài nước , ai nấy đều kinh hồn táng đởm xã hội duy vật triệt để , tàn khốc !
    Vài thắc mắc : Sau cuốn sách “Tướng Về Hưu “ , Nguyễn Huy Thiệp có thõa hiệp với độc đảng ? Tại sao cuốn sách “Tướng Về Hưu “ rất khác với các sách sau của cùng tác giả ?

    Tại sao tình cảnh của Nguyễn Huy Thiệp trong các năm 1987-1992 lại rất khác với Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương , dù cả ba đều bị công an tư tưởng Hà Nội công khai mạt sát lúc đó ?

    Nguyễn Huy Thiệp có chống độc tài , có chống độc đảng , có theo đa nguyên độc đảng ? Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn phi chính trị (apolitque) ?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên