ĐCV: Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động trẻ ở trong nước vừa có chuyến đi ra nước ngoài. Vài tháng qua, Tuấn đã lang thang châu Âu, châu Á, tham gia một số hoạt động ở hải ngoại. Khi vừa trở về Việt Nam anh đã bị thu hộ chiếu và thẩm vấn triền miên 15 tiếng đồng hồ. Đây là cuốn HC mà khó khăn lắm Tuấn mới nhận lại được, nhờ sự can thiệp của đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Điều kỳ lạ là an ninh ‘chống phản động’ lại quan tâm tới những bài viết về tham nhũng đất đai của một doanh nghiệp. Phải chăng tư bản thân hữu đã len lỏi và thâu tóm cả những lĩnh vực vốn dành đối phó với hoạt động chính trị nhạy cảm.
Dưới đây là tường thuật của chính đương sự.
————————————-
Ngay khi đặt chân đến Sài Gòn rạng sáng ngày 25 tháng 5, tôi đã bị giữ lại bởi an ninh sân bay Tân Sơn Nhất. Trời đã khuya nên tôi không muốn báo tin trên FB, sợ làm anh em bạn bè lo lắng.
Trong suốt 15 giờ đồng hồ sau đó, tôi đã bị thẩm vấn liên tục bởi nhiều cán bộ an ninh khác nhau, đều xưng là người của A67 – Cục Chống Phản động/Khủng bố thuộc Bộ Công an ở phía Nam.
Nội dung buổi thẩm vấn quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những chuyện đi đâu, gặp ai, làm gì thời gian vừa qua, được lặp đi lặp lại theo một kĩ thuật có mục đích làm kiệt sức đối tượng.
Mọi chuyện lẽ ra đã không có gì đáng nói cho đến khi xuất hiện một người tự xưng là Vũ, có vẻ như là phụ trách A67 ở miền Nam.
Đeo thắt lưng Hermes, đồng hồ Longines, Vũ liên tục nói rằng anh ta là một đảng viên cộng sản, và sẽ làm mọi điều để có thể để bảo vệ lá cờ cộng sản (vừa nói anh ta vừa chỉ tay vào lá cờ búa liềm trong phòng), rằng giữa anh ta và tôi chỉ có thể là một giới tuyến địch-ta, và cuộc sống của tôi chắc chắn sẽ bị hủy hoại nếu tôi không dừng lại.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cuối buổi làm việc, Vũ ép buộc tôi phải xóa các bài viết trên FB cá nhân mà Vũ cho là “gây hại cho an ninh quốc gia”, nhưng lại tập trung vào các bài gần đây của tôi về cách mà VinGroup cùng các quan chức đã biến hóa đất công thành đất tư với giá rẻ mạt, gây thất thoát cho ngân sách quốc gia ra sao.
Khi tôi đề nghị được đưa ra căn cứ pháp lý, cũng như lý giải những bài viết của tôi gây tổn hại an ninh quốc gia như thế nào, nhất là khi chúng toàn dựa trên thông tin từ báo chí nhà nước, Vũ không trả lời, chỉ gọn lỏn rằng đấy là cách duy nhất tôi cho cơ quan an ninh thấy thiện chí của mình, trước khi họ sử dụng biện pháp mạnh đối với tôi.
Sau đó, họ giữ giấy tờ tùy thân của tôi, bởi vì bằng cách đó, theo như họ nói, tôi mới có thể chấp nhận tiếp tục gặp họ – A67- ở Hà Nội.
Nhưng, có thể họ đã lầm.
Họ có thể tịch thu giấy tờ tùy thân của tôi.
Họ cũng có thể bắt giữ và giam cầm tôi vì đã đứng cùng dân làng Đồng Tâm, với ngư dân Hà Tĩnh, với những người bảo vệ Sơn Trà.
Họ còn có thể đâm gục tôi trên một góc phố nào đó ở Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, nhất là khi tôi đụng đến những phi vụ tỷ đô ăn cắp của công của những cấu kết quyền-tiền trên đất nước này.
Nhưng nếu họ nghĩ rằng bằng những cách đó họ có thể khống chế tư tưởng của tôi, khuất phục ý chí của tôi, ngăn chặn tôi nói và làm những điều tôi tin là đúng với lương tâm của tôi và tốt cho quốc gia của tôi – vì một Việt Nam đáng để sống hơn,
Thì tôi khẳng định, một lần nữa, chắc chắn họ đã lầm.
PS: Cuối cùng, tôi chỉ muốn nhắn gửi tới anh Vũ và các anh an ninh khác đã làm việc với tôi (những người mà tôi không thấy sự thù địch nào nên không nêu tên ở đây) rằng dù thế nào đi nữa tôi vẫn không coi các anh là kẻ thù của tôi, ngay cả khi các anh muốn đẩy tôi vào tình thế đó. Tôi thực sự tin tưởng vào một Việt Nam trong tương lai đủ rộng cho tất cả chúng ta, nơi mà những người dù khác biệt quan điểm vẫn có thể dành cho nhau sự tôn trọng.
FB Nguyễn Anh Tuấn
Những người cai trị Việt nam nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch. Sao vậy? Vì họ làm toàn chuyện sai trái nên dân chúng nói gì, làm gì chúng cũng thấy có sự va chạm. Mà sự va chạm này đụng đến những tên đầu sỏ, những tên đầu gấu đang lãnh đạo đất nước. Nên công an có nhiệm vụ phải đi săn lùng những bài viết, những hành động va chạm quyền lực này.
Đất nước tôi sẽ đi về đâu? Xuống Hố Cả Nút.
Chúc anh Nguyễn Anh Tuấn chân cứng đá mềm.