Người Việt tại Đức tham gia mạng lưới Mafia sữa bột

0
cảnh sát Liên bang Đức tịch thu kho chứa sữa bột bị ăn cắp từ nhiều cửa hàng. ( Bild: Bundespolizei )

Ông Markus Pfau, chỉ huy lực lượng cảnh sát hình sự trong Cảnh sát liên bang phụ trách các bang Sachsen-Anhalt, Sachsen và Thüringen ngồi ở văn phòng của mình tại thành phố Halle và xem lại những hình ảnh trong máy tính: Hàng chồng sữa bột, hàng túi mỹ phẩm và rượu.

Đây là bằng chứng của một đòn tấn công quan trọng vào những băng đảng ăn cắp người Grudia và băng đảng tiêu thụ đồ ăn cắp của người Việt ở miền trung nước Đức, những kẻ đã chiếm đoạt nhiều hàng hóa của các cửa hàng tạp hóa ở Halle và Dessau.

Ông Pfau cho biết: „Đó là một thành công, nhưng chúng tôi vẫn chưa phá tan được mạng lưới tội phạm này“. Từ Halle, ông cùng đồng đội lên kế hoạch tấn công các tội phạm có tổ chức, trong đó có vụ vào trung tuần tháng 12, khi 150 nhân viên cảnh sát và thuế quan tiến hành lục soát và khám xét nhà ở, cửa hàng của 5 kẻ tình nghi ở Pirna và Dresden. Từ đó tới nay, một phụ nữ Việt Nam 38 tuổi đã bị bắt giam để điều tra.

Sữa bột: Một công việc làm ăn béo bở

Sữa ăn cắp được chất đầy lên xe, chở từ Đức qua biên giới sang thủ đô Praha thuộc CH Séc, sau đó được chuyển lên máy bay sang Trung Quốc.( Bild: Bundespolizei )

Nhưng sao lại là sữa bột, thức ăn cho trẻ sơ sinh? Ông Pfau cho biết: „Chúng tôi đã quan sát hiện tượng này từ mùa thu 2015. Khi đó, trước hết là thức ăn cao cấp của trẻ em bắt đầu bị đánh cắp trong các cửa hàng ở các nhà ga“. Ban đầu, các nhà điều tra chưa biết được vì sao. Nhưng giờ đây, họ đã biết được rằng sữa bột và mỹ phẩm sẽ được đưa lậu về Trung Quốc. Cách đây mười năm ở Trung Quốc đã xảy ra một vụ bê bối với sữa Tam Lộc và nhiều loại sữa của 21 công ty khác bị trộn thêm hóa chất công nghiệp melamine làm cho gần 300.000 trẻ em Trung Quốc bị sạn thận, trong đó 6 em đã thiệt mạng.

Từ đó, các bậc cha mẹ Trung Quốc tìm kiếm sữa trẻ em cho con ở nước ngoài, được ưa thích nhất là các sản phẩm từ Đức. Vì con, họ không tiếc tiền. Một hộp sữa bột ở Halle được bán với giá 18 Euro, nhưng ở Trung Quốc có thể được bán tới 100 Euro. Vì thế đây là công việc làm ăn béo bở thu hút các băng đảng tội phạm ở Đức.

Mafia sữa bột: Các băng đảng chia nhau các vùng trên nước Đức

Sữa ăn cắp được chất đầy lên xe, chở từ Đức qua biên giới sang thủ đô Praha thuộc CH Séc, sau đó được chuyển lên máy bay sang Trung Quốc.( Bild: Bundespolizei )

Trong tháng 5, Tòa án bang ở Essen đã kết án một người Rumani nhiều năm tù giam. Cùng với các tòng phạm y đã ăn cắp sữa bột ở các cửa hàng ở nhiều nơi kể cả ở Halle. Ông Pfau cho biết: „Các băng đảng chia nhau các khu vực trong nước Đức. Ở chỗ chúng tôi là người Grudia, họ vào Đức có chủ định để ăn cắp“. Một số người thì sử dụng visa du lịch cho ba tháng, một số người khác thì nộp đơn xin tị nạn. Các băng đảng ăn cắp này trú ngụ ở vùng Dresden. Chúng hợp tác với người Việt là những người đưa hàng qua biên giới sang cộng hòa Séc. Từ Praha, những hàng hóa đó được vận chuyển bằng đường hàng không tới châu Á. Ví dụ như người phụ nữ Việt Nam 38 tuổi bị bắt ở Pirna, về mặt làm ăn chính thức, cô ta có một cửa hàng bán rau và một tiệm Nails. Nhưng mỗi tuần một lần, cô ta chất đầy đồ ăn cắp lên xe ô tô và chở sang Séc cho những người tiêu thụ khác chuyển tiếp. Các nhà điều tra đã theo dõi người phụ nữ này và những tên kẻ cắp người Grudia trong nhiều tháng trời.

Mafia sữa bột: Thủ phạm là những kẻ chuyên nghiệp

Các nhà điều tra biết được, thủ phạm lên xe từ rất sớm, đi tới các thành phố ở miền trung nước Đức để tìm kiếm cơ hội ăn cắp. Băng đảng này làm việc theo nhóm để chuyên môn hóa vào việc ăn cắp. Thông thường, một tên trong bọn đứng ngoài cửa hàng để canh gác. Một tên khác đánh lạc hướng nhân viên cửa hàng, trong khi một tên khác cho hàng vào túi. Ngoài ra, một tên khác cho xe nổ máy đứng gần chờ để nếu bị lộ có thể tẩu thoát nhanh.

Người ta khó có thể biết tổng thiệt hại do các băng đảng ăn cắp sữa bột gây ra, vì nhiều cửa hàng không tố cáo với cảnh sát. Ngoài ra, các chi nhánh cửa hàng tạp hóa lớn thì phải chờ tới dịp kiểm kê hàng hóa mới có thể biết rằng họ đã bị mất gì. Theo ông Pfau, cảnh sát cũng cần thông tin từ các cửa hàng bán lẻ thì mới có thể chống lại hình thức tội phạm này có hiệu quả. Nếu không thì như năm 2016 và 2017, sau khi một băng đảng bị phá, chẳng bao lâu sau, một băng đảng khác lại xuất hiện.

Thu Phương– Thoibao.de

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên